Đi tìm nguyên nhân gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu

Mega Story - Ngày đăng : 09:49, 12/08/2022

Thế giới có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng lương thực mới ngay trong năm 2022, đẩy thêm từ 20 đến 40 triệu người vào hoàn cảnh mất an ninh lương thực trầm trọng. Nhưng liệu cuộc chiến Nga-Ukraine có phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng này?
Mega Story

Đi tìm nguyên nhân gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu

VietnamPlus•12/08/2022 09:49

Thế giới có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng lương thực mới ngay trong năm 2022, đẩy thêm từ 20 đến 40 triệu người vào hoàn cảnh mất an ninh lương thực trầm trọng. Nhưng liệu cuộc chiến Nga-Ukraine có phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng này?

afghan.jpg
nathan-dumlao-tA90pRfL2gM-unsplash-min.jpg

Phân tích của Giáo sư Antoine Bouët thuộc Đại học Bordeaux (Pháp) và nhà nghiên cứu David Laborde thuộc Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) tại Washington DC, đăng trên trang mạng của quỹ nghiên cứu Telos của Pháp ngày 15/7/2022.

Sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào ngày 24/2, phần lớn người dân Ukraine tham gia chiến sự, một bộ phận khác đi tị nạn ở nước ngoài. Cùng với việc mất đi lực lượng lao động lớn, mùa màng và cơ sở hạ tầng vận chuyển nông sản của Ukraine bị hủy hoại bởi chiến tranh. Tuyến đường biển qua Biển Đen đã bị rối loạn, việc vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine hoàn toàn đình trệ.

Thương mại ngũ cốc và dầu ăn bị ảnh hưởng nặng nề, chủ yếu vì phương Tây tẩy chay các sản phẩm của Nga và Belarus, Nga phong tỏa các cảng của Ukraine và thiệt hại do việc cơ sở hạ tầng của Ukraine bị phá hủy. Lệnh trừng phạt tài chính mà các nước phương Tây áp đặt đối với Nga cũng tác động mạnh đến các nhà xuất khẩu của nước này.

Ukraine, Nga, và Belarus đóng vai trò quan trọng trên thị trường lương thực và phân bón quốc tế. Đặc biệt, Nga và Ukraine kiểm soát một phần lớn xuất khẩu lúa mì, ngô, dầu và hạt hướng dương, lúa mạch của thế giới.

Nga và Ukraine cung ứng lương thực gì cho thế giới?
Infogram

Để có cái nhìn trực quan, hãy hình dung Nga rằng cung cấp 5,8% lượng calorie cho thế giới, Ukraine là 6%. Tính chung, hai nước này cung cấp khoảng 12% lượng calorie cho thế giới và nguồn cung này đang bị tắc nghẽn. Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của chiến tranh đối với giá cả, trước hết cần xem xét chiều hướng biến động giá lương thực gần đây.

Biến động giá

Trong các loại ngũ cốc, giá đậu tương và ngô gần đây tăng liên tục – từ tháng 11/2021 đối với đậu tương và từ tháng 9/2021 với ngô, trong khi giá lúa mì tương đối ổn định từ tháng 5/2021 đến giữa tháng 2/2022. Giá ngũ cốc (bao gồm ngô và đậu tương) đã tăng trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, trong khi giá lúa mì bắt đầu tăng từ thời điểm đó. Nếu so sánh tình hình hiện nay với cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, có thể thấy mức giá ngô và đậu tương trong quý II/2022 tương đương với mức cao nhất của cuộc khủng hoảng lần trước. Do đó, có thể thấy giá ngũ cốc lần này đang ở mức rất cao.

Dầu thực vật là thực phẩm cần thiết vì mang lại nhiều vitamin và calorie. Giá cả bốn loại dầu thực vật quan trọng nhất – dầu cọ, dầu đậu tương, dầu hướng dương, và dầu cải – bắt đầu tăng từ trước khi Nga tấn công Ukraine: quý IV/2021 đối với dầu cọ, dầu đậu tương, và dầu hướng dương, đầu tháng 2/2022 đối với dầu cải. Sau khi chiến tranh nổ ra, giá dầu hướng dương tăng nhanh nhất vì xung đột ảnh hưởng lớn đến tiềm năng sản xuất mặt hàng này. Tuy nhiên, giá bốn loại dầu thực vật này đều tăng tương đối đồng đều, vì chúng có thể thay thế nhau.

vna_potal_fao_gia_luong_thuc_the_gioi_roi_xa_muc_ky_luc_trong_thang_3_6263390.jpg
Nông dân thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở tỉnh Bamyan, Afghanistan, ngày 21/7/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
vna_potal_fao_gia_luong_thuc_the_gioi_roi_xa_muc_ky_luc_trong_thang_3_6263387.jpg
Nông dân thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở tỉnh Sweida, Syria, ngày 2/7/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
vna_potal_fao_gia_luong_thuc_the_gioi_roi_xa_muc_ky_luc_trong_thang_3_6263391.jpg
Nông dân thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở tỉnh Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12/7/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Cuối cùng, khi xem xét giá phân bón trong dài hạn, có thể thấy rằng giá cả đã đi lên vào đầu năm 2020, lâu trước khi xung đột xảy ra vào tháng 2/2022. Giá phân bón biến động theo giá năng lượng, mà cũng có chiều hướng tăng từ đầu năm 2020, vì khí đốt là nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón. Năm 2021, tốc độ tăng giá của phân bón được đẩy nhanh do Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm này. Trung Quốc là nước đóng vai trò quan trọng trên thị trường phân bón, vì thế quyết định của Bắc Kinh đã tạo ra cú sốc tiêu cực đối với nguồn cung, đẩy giá lên cao.

Cuộc chiến Ukraine đã làm cho hiện tượng này thêm nghiêm trọng, vì Nga và Belarus là hai nước sản xuất hàng đầu nitrogen, phosphates  và potassium. Năm 2019, Nga lần lượt chiếm 15%, 14%, 19% thị trường toàn cầu cho các mặt hàng trên, còn Belarus chiếm 18% thị trường potassium của thế giới.

Các nhân tố đẩy giá cả leo thang

Lý do gì khiến giá lương thực tăng? Nhu cầu ngũ cốc và dầu ăn tương đối cao và tăng liên tục, cùng với sự xuất hiện của các cú sốc tiêu cực về  khí hậu và chính trị tác động lên nguồn cung, cộng với chi phí sản xuất tăng, nên không có gì ngạc nhiên là giá các mặt hàng thiết yếu tăng lên. Cuộc chiến của Nga tại Ukraine không tạo ra tình thế này, nhưng nó làm trầm trọng thêm tình hình.

Mỗi năm, biến đổi khí hậu đều ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất ngũ cốc và dầu thực vận thế giới. Năm 2021, hạn hán làm giảm mạnh thu hoạch đậu tương tại Nam Mỹ (Brazil, Paraguay) và lúa mì tại Bắc Mỹ (Canada), Trung Đông và Nam Mỹ. Cơn bão Rai hồi tháng 12/2021 đã làm thất thu sản lượng dầu cọ ở Malaysia và Philippines.

vna_potal_lhq_12_tau_duoc_phep_roi_cac_cang_ukraine_theo_thoa_thuan_xuat_khau_ngu_coc_6272310.jpg

Tàu Navi Star mang cờ Panama chở hàng tấn ngũ cốc của Ukraine di chuyển dọc Eo biển Bosphorus qua Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Cùng năm 2021, nhu cầu của thế giới vẫn ở mức cao, nhất là nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc. Trên toàn cầu, dân số tăng và quá trình đô thị hóa mở rộng làm tăng tiêu thụ thịt, dẫn đến tăng nhu cầu ngũ cốc dành để chế biến thức ăn chăn nuôi. Nhu cầu dầu thực vật để sản xuất nhiên liệu diesel sinh học cũng tăng: sản xuất dầu thực vật cung cấp cho ngành công nghiệp diesel sinh học chiếm 15%, so với chỉ 1% cách đây 20 năm.

Nhiều quốc gia, như Nga, Moldova, Serbia, Hungary và Kazakhstan, đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu, thậm chí cấm hoàn toàn xuất khẩu lúa mì, từ cuối năm 2021. Các biện pháp hạn chế xuất khẩu đã ảnh hưởng đến nguồn cung dầu cọ và lúa gạo tại Đông Nam Á. Từ ngày 24/2, ít nhất 23 nước đã đã áp đặt các biện pháp hạn chế này, ảnh hưởng tới 16% thương mại lương thực thế giới. Riêng về dầu thực vật, các biện pháp này làm giảm từ 45%-79% thương mại dầu thực vật trên toàn cầu theo số liệu của IFPRI.

tamas-pap-wJeOnJK62VM-unsplash-min.jpg

Các biện pháp hạn chế xuất khẩu đã ảnh hưởng đến nguồn cung dầu cọ và lúa gạo tại Đông Nam Á. Từ ngày 24/2, ít nhất 23 nước đã đã áp đặt các biện pháp hạn chế này, ảnh hưởng tới 16% thương mại lương thực thế giới.

Căng thẳng trên thị trường nông nghiệp có thể thấy rõ trong số liệu thống kê dự trữ toàn cầu. Từ đầu năm 2022, trước khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt," dự trữ trên toàn cầu cho các loại ngũ cốc quan trọng nhất như lúa mì, ngô, đậu tương đều ở mức thấp lịch sử, trong khi dự trữ lúa gạo dồi dào hơn nhiều.

Thêm vào đó, chi phí sản xuất nông nghiệp đã tăng lên từ đầu năm 2020. khi các yếu tố như giá năng lượng, giá phân bón, tình trạng thiếu nhân công trầm trọng do chính sách phong tỏa chống dịch COVID-19, đã khiến cho dòng người lao động di cư xuyên biên giới giảm mạnh, ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp. Chi phí vận tải thế giới cũng ở mức cao, ảnh hưởng đến giá hàng hóa nông nghiệp nhập khẩu.

vna_potal_my_phan_bo_150_trieu_usd_ho_tro_nguoi_dan_afghanistan_6276920.jpg

Phụ nữ và trẻ em tại làng Paytaw, huyện Yakawlang, tỉnh Bamiyan, Afghanistan, ngày 15/7/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Có một yếu tố có thể làm giảm nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực cho các nước nghèo. Ở một số khu vực của châu Phi, một số loại ngũ cốc ít được giao dịch trên thị trường thế giới nhưng đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực địa phương, chẳng hạn hạt teff đối với Ethiophia và Eritrea, hạt fonio tại Tây Phi đều có giá ổn định. Đây là tin tốt cho an ninh lương thực của những nước này.

Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tương lai do giá phân bón tăng. Liệu điều này có làm giảm sản lượng ngũ cốc và dầu thực vật trong tương lai hay không? Rất dễ trả lời là có, tuy nhiên giá cả đầu vào (phân bón) tăng sẽ được bù đắp bằng giá đầu ra tăng (lúa mì, đậu tương, ngô, dầu ăn). Dù giá phân bón tăng mạnh hơn nữa, lợi nhuận của người làm nông nghiệp vẫn được bảo đảm và khuyến khích họ tiếp tục sản xuất.

Trong 2 năm qua, giá phân bón tăng trung bình 233% và giá ngũ cốc tăng 65%. Tỷ trọng giá phân bón trong sản xuất ngũ cốc là dưới 28%, do đó có thể thấy lợi nhuận của các nhà sản xuất ngũ cốc vẫn ổn định. Thế nhưng, đó chỉ là những diễn biến chung, khác xa với thực tế.

Tại châu Phi, nếu giá các loại ngũ cốc ít được giao dịch trên thị trường thế giới không thay đổi nhưng giá phân bón lại tăng, điều này sẽ thu hẹp lợi nhuận của nông dân. Tại Bắc Mỹ, các chủ trang trại đang tăng diện tích trồng đậu tương vì loại cây này ít cần phân bón, giảm diện tích canh tác lúa mì vốn cần nhiều phân bón. Giá phân bón tăng do đó có thể làm mất cân bằng thị trường ngũ cốc toàn cầu trong tương lai.

Tin xấu cho các nước nghèo

Giá ngũ cốc tăng là tin xấu cho các nước châu Phi như Ai Cập. Người dân ở đây có chế độ dinh dưỡng dựa chủ yếu dựa vào lúa mì, vốn chiếm từ 35-39% hàm lương calorie cung cấp cho mỗi người. Ai Cập nhập khẩu khoảng 62% lượng múa mì tiêu thị trong nước, trong đó 86% đến từ Nga và Ukraine năm 2020.

Tại Sudan, tình hình cũng tương tự. Giá dầu thực vật tăng cũng là vấn đề lớn đối với rất nhiều nước châu Phi: Botswana, Mauritanie, Namibia nhập 100% dầu thực vật để tiêu thụ, Madagascar 91%, Gabon 89%, và Ethiopia 82%. Về phân bón, Cameroon và Côte d’Ivoire nhập khẩu toàn bộ dầu thực vật cho nhu cầu sử dụng, trong đó 58% số dầu đó là từ Nga và Ukraine.

vna_potal_lien_hop_quoc_canh_bao_ve_nguy_co_doi_ngheo_chua_tung_co_6223189.jpg

Có hai cơ chế giúp khủng hoảng lương thực bớt nghiêm trọng cho các nước nghèo. Thứ nhất, chế độ ăn uống dựa chủ yếu vào sản phẩm địa phương hoặc khu vực. Chẳng hạn, Tây Phi ít chịu tác động hơn bởi cuộc khủng hoảng lương thực, vì khu vực này ít có trao đổi thương mại  với Nga và Ukraine, và đặc biệt là phần lớn nhu cầu calorie được đảm bảo từ sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Chỉ có Nigeria là rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì nhập khẩu rất nhiều lúa mì. Thế nhưng Nigeria cũng có lợi thế vì là nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt quan trọng, gần đây là sản xuất phân bón.

Đây cũng chính là cơ chế thứ hai: các nước nhập khẩu ngũ cốc và dầu thực vật có thể bù đắp mức giá tăng của các mặt hàng này bằng giá một số hàng hóa xuất khẩu tăng (như dầu mỏ, khí đốt, kim loại). Tất nhiên cần phải có cơ chế phù hợp để tái phân phối lợi nhuận từ các doanh nghiệp xuất khẩu cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng vì giá cả nhập khẩu leo thang. Theo một mô hình do tác giả David Laborde xây dựng và tính toán, Mauritanie, Sudan, Congo, Ai Cập, Yemen, Liban, Gruzia và Mông Cổ nằm trong số những nước rất khó khăn về lương thực, đòi hỏi giám sát chặt chẽ tình hình an ninh lương thực tại các nước này.

lex-sirikiat-EjbQQ0fgkFE-unsplash-min.jpg

Cuộc chiến Ukraine không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra cuộc khủng hoảng lương thực thế giới, mà còn do biến đổi khí hậu, cũng như một số chính sách kinh tế gây tranh cãi khác.

Giáo sư Antoine Bouët

Nói tóm lại, cuộc chiến Ukraine không thể được coi là nguyên nhân duy nhất gây ra khủng hoảng lương thực thế giới. Biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng, cùng với một số chính sách kinh tế gây tranh cãi khác như hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học hay các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực. Mặt khác, không thể đánh đồng tình hình an ninh lương thực ở tất cả các nước nghèo.

Đối với châu Phi, 55 nước trên lục địa này có chế độ dinh dưỡng, tình hình sản xuất nông nghiệp địa phương và cơ cấu trao đổi ngoại thương rất khác nhau, nên ảnh hưởng của khủng hoảng lên mỗi nước cũng khác nhau. Hiện nay, giới quan sát chỉ chú ý đến thị trường ngũ cốc, nhưng diễn biến của thị trường dầu thực vật và phân bón cũng quan trọng không kém. Điều quan trọng là phải đẩy nhanh tiến độ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chú trọng nhiều hơn đến những chính sách không gây khó khăn cho an ninh lương thực toàn cầu.

vna_potal_trung_quoc_tang_cuong_an_ninh_luong_thuc_6029037.jpg