Kinh tế tuần hoàn: Giải pháp phát triển bền vững

Mega Story - Ngày đăng : 15:48, 24/08/2022

Đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân...
Mega Story

Kinh tế tuần hoàn: Giải pháp phát triển bền vững

Minh Thu 24/08/2022 15:48

Đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân...

img_0748.jpg

Vốn nằm trên dải đất miền Trung thường được nhắc đến bao đời nay với thiên tai khắc nghiệt, bão lũ triền miên, đất đai cằn cỗi, gió Lào nắng cháy, nhưng Nghệ An nay đã rất khác rồi. Những cánh đồng trải dài tít tắp, những trang trại khép kín, những ngôi nhà khang trang…. đang làm nên một Nghệ An xanh hơn, trù phú hơn.

Có rất nhiều nỗ lực đã đổ xuống để làm thay da đổi thịt vùng đất này, trong đó không thể phủ nhận sự góp sức mang tính đột phá của việc ứng dụng mạnh mẽ mô hình kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên để tái sử dụng, mang lại cho Nghệ An một giải pháp phát triển chắc chắn và bền vững.

“Chúng tôi trồng ngô nuôi bò, bò cho sữa nuôi người, rồi cho phân để bón ruộng. Như vậy gọi là kinh tế tuần hoàn,” những người nông dân bao đời chỉ quen vật lộn chống chọi với khó khăn khắc nghiệt của trời của đất để mong không bị đói, giờ đây đã đủ tự tin nói như vậy, đã toàn tâm toàn ý xem kinh tế tuần hoàn như kim chỉ nam để làm giàu trên chính quê hương mình.

Chân trời mới cho người nông dân và giải pháp bền vững, hiệu quả cho doanh nghiệp

Cẩn thận kiểm tra từng luống ngô xanh mướt xem liệu đã đạt tiêu chuẩn để thu hoạch cho bò sữa ăn hay chưa, ông Ngô Văn Thanh kể, trước đây, gia đình ông cũng trồng ngô cho gia súc nhưng một năm chỉ trồng được hai vụ, lại chỉ thu hoạch hạt, còn cây thì bỏ đi. Từ năm 2012, ông liên kết sản xuất với Tập đoàn TH, cuộc sống gia đình ông như bước sang một trang mới.

thu-hoach-co.jpg

“Chúng tôi rất yên tâm về đầu ra. Thực tế là thu hoạch được bao nhiêu, Tập đoàn TH đều mua hết. Trước đây, trồng ngô, mía hay cây ăn quả thì một năm tôi chỉ thu được 70 triệu/ha. Những năm gần đây, tôi chuyển sang liên kết với TH thì mỗi vụ đạt doanh thu 40 triệu/ha.” ông Thanh cho biết.

Ông Ngô Văn Thanh

Người nông dân huyện Nghĩa Đàn này cho biết “Chúng tôi trồng ngô sinh khối trong khoảng 3 tháng rồi thu hoạch cả cây cho bò sữa ăn. Thời điểm này, cây ngô có mức độ dinh dưỡng cao nhất,” ông cho biết.

Như vậy, một năm gia đình ông thu hoạch được 3-4 vụ ngô, mà lại sử dụng được cả cây, thay vì chỉ thu hạt như trước đây và một năm chỉ trồng được 2 vụ.

Khi tham gia liên kết, gia đình ông Thanh cũng như những hộ nông dân khác được hướng dẫn cụ thể về mặt kỹ thuật, gồm cách gieo hạt, chăm sóc, bón phân và thu hoạch như thế nào để đảm bảo quy trình sản xuất hữu cơ.

Tập đoàn TH cũng hỗ trợ phân bón và hạt giống hữu cơ cho người dân, đặc biệt là thu mua với giá hợp lý, đôi bên cùng có lợi.

canh-dong-2.jpg

“Chúng tôi rất yên tâm về đầu ra. Thực tế là thu hoạch được bao nhiêu, Tập đoàn TH đều mua hết. Trước đây, trồng ngô, mía hay cây ăn quả thì một năm tôi chỉ thu được 70 triệu/ha. Những năm gần đây, tôi chuyển sang trồng ngô sinh khối, liên kết với TH thì mỗi vụ đạt doanh thu 40 triệu/ha, nhân lên 3-4 vụ/năm” ông Thanh cho biết.

Một điều thú vị ông Thanh ghi nhận khi tham gia sản xuất cho Tập đoàn TH là nguồn phân bón hữu cơ từ các trang trại bò sữa.“Trước đây, chúng tôi chưa biết đến khái niệm nuôi trồng hữu cơ. Nay, nhờ Tập đoàn TH tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mà chúng tôi có được nguồn phân bón an toàn cho cây trồng, nhờ đó, chất lượng nông sản tăng lên rất nhiều,” ông chia sẻ.

Không chỉ người nông dân ở Nghệ An, có thể thấy sự hiện diện rõ rệt và hiệu quả của kinh tế tuần hoàn trong mô hình sản xuất cà phê ở khu vực Tây Nguyên.

Việc ứng dụng mô hình này hiện đã giúp nhiều nông hộ Tây Nguyên biết cách xen canh cây cà phê, biết cách sử dụng chế phẩm sinh học làm từ chính phụ phẩm cà phê để chăm sóc cây, biết cân đối lượng nước tưới tiêu thích hợp. Việc xen canh cây cà phê, tưới tiêu và bón phân hợp lý giúp vườn cà phê nâng cao năng suất, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Tại nhà máy, những phụ phẩm của cà phê được tận dụng triệt để. Cụ thể, bã cà phê được nén làm viên đốt sinh khối; cát thải dùng làm gạch không nung; bùn thải cà phê được chế biến thành phân vi sinh; nước thải được lọc và tái sử dụng cho lò hơi…

canh-tay-tuoi-1.jpg

Tập đoàn TH tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mà chúng tôi có được nguồn phân bón an toàn cho cây trồng, nhờ đó, chất lượng nông sản tăng lên rất nhiều."

Ông Ngô Văn Thanh

Đối với doanh nghiệp, quy trình kinh tế tuần hoàn cho hạt cà phê giúp doanh nghiệp địa phương cắt giảm 13 nghìn tấn khí thải carbon mỗi năm đồng thời tiết kiệm 40% nước và 30% năng lượng dùng cho sản xuất. Quan trọng hơn cả là hầu như 100% phụ phẩm cà phê đều được sử dụng để tạo ra giá trị, tránh xả ra môi trường. Tỷ lệ tái sử dụng nước thải cũng được đến 65%, chủ yếu thất thoát do bay hơi.

Kinh tế tuần hoàn cũng được ứng dụng trong chế biến gỗ để sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm. Phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Huy Đại, Trường đại học Lâm nghiệp, cho biết ngành gỗ hiện có hơn 5.800 doanh nghiệp với 340 làng nghề. Trong quá trình chế biến gỗ luôn có phế liệu gỗ ở hầu hết các công đoạn từ khai thác đến gia công.  Đặc biệt, phụ phẩm gỗ chiếm tỷ lệ khối lượng khá cao, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Thay vì bỏ các phụ phẩm, hiện nay, phế liệu gỗ tại các nhà máy đã được dùng để cung cấp nhiệt cho nồi hơi, lò hơi thay cho sử dụng than đá, hoặc dầu như trước đây, giúp bảo vệ môi trường và giảm khí thải CO2.

Ngoài ra, việc sử dụng phế liệu gỗ để sản xuất các viên nén, các loại vật liệu gỗ công nghiệp (MDF), ván dăm, ván ghép thanh góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, phế liệu gỗ sau chế biến tại các xí nghiệp có thể được thu gom để sản xuất tập trung các sản phẩm năng lượng. Các sản phẩm năng lượng như viên nén gỗ, gỗ củi ép mùn cưa, than gỗ đã góp phần vào giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Một số nhà máy lớn, cụm chế biến gỗ đã áp dụng mô hình tái sử dụng phụ phẩm của nhà máy để tạo sản phẩm có giá trị…

Có thể thấy rằng, mô hình kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới, để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường sống.

Tại Việt Nam, tháng Sáu vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn. Đề án góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Phát thải ròng bằng 0

Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nền kinh tế không chỉ tăng trưởng về quy mô mà chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Tuy nhiên, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững.

Thực tiễn đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận và chuyển đổi mô hình phát triển sang kinh tế tuần hoàn.

Mô hình vườn-ao-chuồng, thu gom sắt vụn, tái chế giấy… chính là những hình thái sơ khai của mô hình này.

Có thể hiểu rằng, kinh tế tuần hoàn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Nhờ đó, kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.

xu-ly-chat-thai_quy-trinh-tuan-hoan.jpg

Ở quy mô quốc gia, phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với xã hội, kinh tế tuần hoàn giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân...
Đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

Cùng với kinh tế xanh và kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường hướng tới phát triển bền vững. Việc thúc đẩy hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” qua đó mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp.

Quan điểm trên được Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tại Hà Nội ngày 28/6/2022.

phong-lab-nha-may-cam.jpg

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện.

Ngay từ những năm đầu của thập niên 2021-2030, cần tập trung triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nhằm tận dụng những cơ hội hợp tác trong tiếp cận và tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững đất nước. Trong đó, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn riêng hoặc lồng ghép việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Nghệ An thay áo mới

Trở lại với việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Nghệ An, thực tế chúng ta dễ dàng nhận thấy diện mạo vùng đất này đang thay đổi từng ngày. Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao” của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn đang thực sự tạo ra những giá trị thiết thực cho cuộc sống của người dân và đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương này.

Dự án được triển khai từ tháng 10 năm 2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, vận hành theo chuỗi sản xuất khép kín từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch, bao gồm: Vùng nguyên liệu, Nhà máy sản xuất thức ăn, Trang trại bò sữa, Nhà máy chế biến sữa và Hệ thống phân phối TH true mart.

img_9815.jpg

Tại các trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, sự vận dụng mô hình kinh tế tuần hoàn được thể hiện khá rõ nét. Thay vì thải bỏ, các tài nguyên được "tuần hoàn" để tiếp tục tạo ra các giá trị mới. Đây là xu hướng tất yếu nhằm hài hoà lợi ích kinh doanh, môi trường và trách nhiệm xã hội, giúp trang trại bò sữa TH tiến gần hơn với mục tiêu đem lại ngày càng nhiều giá trị cho cộng đồng và đắp xây một tương lai bền vững.

Biến chất thải thành tài nguyên là một tư duy đặc trưng của kinh tế tuần hoàn. Tại trang trại TH, chất thải được thu gom, xử lý thành chất đệm sinh học phục vụ trang trại và sản xuất phân bón hữu cơ. Phân bón hữu cơ, chất đệm sinh học, nước phân qua xử lý trở thành “đầu vào” của vòng tuần hoàn mới, dùng để cải tạo đồng ruộng, phục vụ hoạt động của trang trại.

dong-banh-co-kho-2.jpg

Chúng tôi liên kết với vài nghìn hộ nông dân trong vùng và tiến hành tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho họ để đảm bảo sản lượng và chất lượng. Mục đích cuối cùng là đáp ứng nhu cầu thức ăn cho đàn bò 70.000 con của Tập đoàn TH."

Ông Nguyễn Lê Thăng, Phó Tổng giám đốc công ty Agritech

Trong chuỗi sản xuất tuần hoàn tại Tập đoàn TH, sản phẩm phụ và rác thải của quy trình này lại trở thành nguyên liệu đầu vào của một quy trình khác, ở đó vòng đời của vật liệu được duy trì lâu nhất có thể trước khi thải ra môi trường, từ đó giảm thiểu phát thải.

Bên cạnh đó, sản xuất tuần hoàn của Tập đoàn TH không chỉ khép kín trong quy trình tự thân, mà còn mở rộng kết nối với các mạng lưới và đối tác để tạo nên chuỗi giá trị, chẳng hạn như việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với việc kiểm soát tác động tới môi trường.

Hiện nay, đàn bò của Tập đoàn TH có 2 nguồn thức ăn, 1 từ những cánh đồng mẫu lớn của TH và 1 từ những cánh đồng liên kết với nông dân. Cả 2 nguồn này đều do Công ty Agritech (cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và vật tư nông nghiệp chất lượng cao) giám sát chặt chẽ.

Ông Nguyễn Lê Thăng, Phó Tổng giám đốc công ty Agritech cho hay quy trình sản xuất nguyên liệu sạch làm thức ăn cho bò nhằm đảm bảo người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm thật sự thiên nhiên.

“Chúng tôi liên kết với vài nghìn hộ nông dân trong vùng và tiến hành tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho họ để đảm bảo sản lượng và chất lượng. Mục đích cuối cùng là đáp ứng nhu cầu thức ăn cho đàn bò 70.000 con của Tập đoàn TH,” ông Thăng nói.

trang-trai.jpg

Chúng tôi đã kiên trì làm nên cuộc cách mạng sữa tươi sạch tại Việt Nam; cuộc cách mạng về thực phẩm organic tiêu chuẩn quốc tế, cuộc cách mạng về đồ uống dược liệu - làm kinh tế dưới tán rừng..."

Bà Thái Hương

Để có thể đạt được mục tiêu đó, Tập đoàn TH chủ trương win-win (đôi bên cùng có lợi), có những chính sách hỗ trợ nông dân và thu mua nguyên liệu ở mức giá hợp lý, đủ để “giữ chân” người nông dân mà vẫn cân đối lợi nhuận cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi thu mua theo quy luật thị trường tức là thuận mua vừa bán. Song, có những đợt thời tiết bất lợi dẫn đến mất mùa, thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nông dân vay vốn để đảm bảo tính bền vững trong sự liên kết này,” ông Thăng nói.

Nhiều người nông dân Nghệ An đã ý thức được thế nào là kinh tế tuần hoàn và vai trò của họ trong mô hình này như thế nào. Đó chính là cơ sở để Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung có thể phát triển kinh tế tuần hoàn, hòa cùng xu thế toàn cầuChủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, bà Thái Hương cho hay câu chuyện kinh doanh của Tập đoàn bắt đầu từ khát vọng vươn lên trên chính đồng đất Việt đến sứ mệnh thiêng liêng phụng sự Tổ quốc, cộng đồng.

Theo đó, mô hình chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch” của Tập đoàn TH đang được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sản phẩm sữa tươi sạch, vì sức khỏe cộng đồng.

dsc_8173.jpg

“Chúng tôi đã kiên trì làm nên cuộc cách mạng sữa tươi sạch tại Việt Nam; cuộc cách mạng về thực phẩm organic tiêu chuẩn quốc tế, cuộc cách mạng về đồ uống dược liệu - làm kinh tế dưới tán rừng như quý vị đã xem qua ở trên, những sản phẩm mà chúng ta đang hướng tới và thế giới cũng đang hướng tới đã đưa đại dịch không lây của như tim mạch, béo phì,” bà Hương chia sẻ.

Cho tới thời điểm này, tại Nghệ An, Tập đoàn TH đã và đang vận hành hơn 20 Dự án đầu tư ở nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu là nông nghiệp, thực phẩm.

“Tất cả những dự án TH đầu tư, những hoạt động, những cuộc cách mạng mà chúng tôi đã triển khai đều dựa trên tinh thần ‘xanh, sạch, phát triển bền vững và kinh tế chia sẻ’, để tạo ra con đường xanh, con đường bền vững để hướng tới một tương lai bền vững cho đời con, đời cháu chúng ta,” bà nói.

Bằng việc tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 một cách mẫu mực trong sản xuất nông nghiệp và chế biến cùng khoa học quản trị theo chuỗi, tập đoàn TH đã xây dựng một mô hình nông nghiệp điển hình gắn với phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, dẫn lối, định hình cho nền nông nghiệp công nghệ cao ở Nghệ An và cả nước.

Ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm cánh đồng ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH tại xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa; trò chuyện với nông dân, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế. Thủ tướng cho rằng mô hình cánh đồng ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH phù hợp với chủ trương phát triển của đất nước đó là phát triển bền vững, theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí methane.

Thủ tướng bày tỏ niềm vui khi trò chuyện với người nông dân trên cánh đồng Đông Hiếu, được biết rằng đời sống của họ ngày một ổn định hơn nhờ liên kết với Tập đoàn TH, trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho đàn bò.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo và nhân viên tập đoàn TH “tiếp tục thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, trở thành động lực của nền kinh tế nước nhà; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất, trí tuệ của người Việt Nam trong mỗi doanh nhân; xây dựng văn hóa lành mạnh, văn minh, chuyên nghiệp, bình đẳng trong doanh nhân, đặt lợi ích của dân tộc, đất nước lên trên hết, trước hết; đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác công tư vào phát triển đất nước, nhất là thu hút nguồn lực tư nhân vào đổi mới khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Trở lại với cánh đồng Đông Hiếu, Nghĩa Đàn, quê hương ông Ngô Văn Thanh trước đây cằn cỗi thì nay được bao phủ một màu xanh bát ngát. Lật những thớ đất tơi xốp màu nâu đậm, ông cho chúng tôi thấy độ phì nhiêu, màu mỡ. Từ đây, hàng ngàn hecta ngô sẽ vươn cao tươi tốt, trở thành nguyên liệu làm thức ăn cho bò.

“Được biết về kinh tế tuần hoàn, giờ thì nông dân chúng tôi hiểu rằng ngay cả chất thải cũng là tài nguyên quý giá. Nhờ mô hình này, kinh tế ổn định nên đời sống của chúng tôi cũng được cải thiện rất nhiều,” ông Thanh vui vẻ bày tỏ./.

Mega Story

Minh Thu 24/08/2022 15:48

img_0288.jpg

Minh Thu