Trắng đêm “đỡ đẻ” cho rùa biển tại Côn Đảo
Mega Story - Ngày đăng : 22:30, 20/09/2022
Công việc cứu hộ rùa biển đẻ trứng thường bắt đầu vào khoảng 0h đêm, khi những mẹ rùa bắt đầu lên bờ đẻ trứng.
Rùa rất nhạy cảm với ánh sáng trắng, nên tất cả hoạt động đều phải thực hiện trong bóng tối và sự hỗ trợ từ đèn sáng đỏ chuyên dụng.
Dựa vào những dấu chân trên cát, các anh kiểm lâm sẽ định vị được vị trí của tổ rùa giữa bãi cát mênh mông.
Phải thật khéo léo khi tiếp cận rùa, bởi nếu lúc đó rùa chưa đẻ nếu có động mạnh rùa sẽ bỏ ổ, quay đầu về biển khơi.
Khi đã bắt đầu đẻ trứng, các bà mẹ rùa sẽ mặc kệ mọi thứ xung quanh, chuyên tâm hoàn thành sứ mệnh của mình. Đây cũng là lúc du khách có thể tiếp cận tổ rùa theo sự hướng dẫn của kiểm lâm để xem rùa đẻ.
Yêu cầu khi đi xem rùa đẻ rất nghiêm ngặt, du khách phải nói chuyện khẽ, di chuyển trong bóng đêm nhẹ nhàng và không được bật đèn bởi rùa rất nhạy cảm với tiếng động, ánh sáng.
Rùa mẹ sẽ dùng 2 chi sau như 2 mái chèo, gạt cát và đào những hố sâu khoảng 50-60cm để đẻ trứng. Thi thoảng vị trí đào hang có thể gặp những vật cản như rễ cây, cành khô… cần đến sự hỗ trợ của các anh kiểm lâm – những hộ sinh cho rùa.
Mỗi đêm, một mẹ rùa có thể đẻ từ 80-150 trứng, cá biệt có những mẹ rùa đẻ đến 180 trứng. Trong một mùa đẻ, mỗi mẹ rùa có thể lên bờ đẻ từ 2 đến 4 lần.
Sau khi đẻ xong, rùa mẹ sẽ gạt cát lấp lại ổ trứng vừa đẻ. Một số bà mẹ cẩn thận hơn sẽ đào thêm một vài tổ giả, nhằm đánh lừa các thiên địch trong tự nhiên.
Trứng rùa là món ăn khoái khẩu của các loài động vật trong tự nhiên như chuột, rắn, kỳ đà… Việc thuỷ triều lên xuống cũng ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ nở của trứng. Vì vậy sau khi mẹ rùa đẻ xong, các kiểm lâm viên sẽ dùng tay đào ổ trứng lên, cho vào các sọt để di chuyển vào khu vườn ấp.
Đồng thời với việc thu trứng, các mẹ rùa cũng sẽ được kiểm lâm viên kẹp mã số, ghi thông tin về chiều dài mai, số lượng trứng trong lần đẻ… Để theo dõi và quản lý những lần rùa quay trở lại.
Trắng đêm “quay cuồng” cùng những ổ trứng
Những đêm trời đẹp, thời tiết tốt thì số lượng mẹ rùa lên bờ có thể lên đến hàng chục con, đồng nghĩa với việc các kiểm lâm viên sẽ phải trắng đêm “quay cuồng” cùng những ổ trứng.
Suốt thời gian rùa biển sinh sản, ròng rã từ tháng 4 đến tháng 9, lực lượng kiểm lân hầu như không được nghỉ ngơi.
Gian nan xem rùa đẻ, du khách càng thấm thía sự khổ cực gấp bội lần công việc cứu hộ rùa biển của lực lượng chức năng.
['Hộ sinh' cho rùa biển: Niềm tự hào của những người kiểm lâm]
Niềm tự hào của những người kiểm lâm
Những ánh đèn leo lét của lực lượng kiểm lâm tại Vườn Quốc gia Côn Đảo trên bờ biển hằng đêm vẫn lặng lẽ lần theo dấu vết của các “mẹ rùa.” Thăm khám cho rùa mẹ, canh giữ cho những “ca sinh,” bảo vệ những ổ trứng rùa…
Người ta gọi họ là những “hộ sinh” cho rùa biển.
Sau khoảng 50 ngày, trứng rùa sẽ nở với tỉ lệ đạt trên 80%. Lúc này, lực lượng kiểm lâm và kỹ thuật viên tại Vườn Quốc gia Côn Đảo trực tiếp thả rùa con về biển, hoàn thành một quy trình từ cứu hộ đến chăm sóc rùa đầy ý nghĩa.
Mỗi năm, Vườn Quốc gia Côn Đảo cứu hộ trên 1.000 tổ rùa và thả trên 150.000 rùa con về biển.
Đây là một hoạt động được sự đánh giá cao của du khách và các tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong và ngoài nước.