Đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức ngày càng phát triển và bền vững

Mega Story - Ngày đăng : 15:41, 11/11/2022

Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975, nhưng sợi dây liên kết giữa hai dân tộc ở hai lục địa Á-Âu xa cách đã hình thành và tồn tại từ rất lâu trước đó.
{Tên chuyên mục}

{Tên tác giả} {Ngày xuất bản}

quan-he-viet-duc.png

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz sẽ thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 13 và 14/11/2022.

Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của lãnh đạo Đức trong hơn 10 năm qua, diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Quan hệ chính trị-ngoại giao hiệu quả và thực chất

Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975, nhưng sợi dây liên kết giữa hai dân tộc ở hai lục địa Á-Âu xa cách đã hình thành và tồn tại từ rất lâu trước đó.

Trong hành trình đi tìm đường giải phóng dân tộc cách đây khoảng một thế kỷ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã từng dừng chân ở Đức. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục gieo mầm và dày công vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam-Đức đơm hoa, kết trái.

vna_potal_nguoi_viet_goi_banh_chung_tai_duc_5894138.jpg

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á sở hữu nhịp cầu nhân văn đặc biệt kết nối với Đức. Đó là đội ngũ đông đảo hơn một trăm ngàn học sinh, sinh viên và lao động Việt Nam đã từng học tập, làm việc tại Đức từ những năm 50 của thế kỷ trước, nắm vững ngôn ngữ và văn hóa Đức.

Cùng với cộng đồng trên 170.000 người Việt Nam, gồm nhiều thế hệ, hội nhập sâu rộng và có những đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế-xã hội Đức, họ đã kết thành một khối tài sản chung vô giá, trở thành chất xúc tác không thể thiếu cho sự phát triển đa dạng và độc đáo của quan hệ hai nước.

Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác.

vna_potal_thuc_day_hop_tac_viet_-_duc_trong_linh_vuc_nang_luong_tai_tao__5594361.jpg
Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ có buổi làm việc với Tập đoàn tư vấn và giải pháp công nghệ GICON để thúc đẩy hơn nữa hợp tác phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. (Ảnh: Vũ Tùng/TTXVN)

Trong đó, tại chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 10/2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.

Sau đó, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, tạo động lực thúc đẩy hợp tác.

Gần đây có chuyến thăm Đức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 7/2017); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 2/2019); Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Angela Merkel (tháng 6/2021); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Frank-Walter Steinmeer (tại New York, Mỹ, tháng 9/2021); Tổng Bí thư Nguyễn  Phú Trọng điện đàm với Thủ tướng Olaf Scholz (tháng 3/2022)…

Về phía Đức, có chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier (tháng 10/2016); Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Peter Altmaier (tháng 3/2019)...

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á sở hữu nhịp cầu nhân văn đặc biệt kết nối với Đức. Đó là đội ngũ đông đảo hơn một trăm ngàn học sinh, sinh viên và lao động Việt Nam đã từng học tập, làm việc tại Đức từ những năm 50 của thế kỷ trước, nắm vững ngôn ngữ và văn hóa Đức.

Hai nước đã mở ra nhiều cơ chế hợp tác hiệu quả như đối thoại chiến lược, Tham khảo chính sách đối ngoại, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học-công nghệ… nhằm tăng cường hợp tác, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.

Hai nước cũng đã ký nhiều hiệp định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác, như Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; các hiệp định hàng hải, hàng không...

Tại các diễn đàn đa phương, hai nước phối hợp chặt chẽ tại Liên hợp quốc và các cơ chế đa phương khác như ASEM, ASEAN-Đức, ASEAN-EU. Đức tích cực ủng hộ quan điểm về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

vna_potal_viet_nam_va_duc_con_nhieu_du_dia_hop_tac_lon_6042615.jpg
Cờ Việt Nam tung bay tại Phủ Tổng thống Đức. (Ảnh Mạnh Hùng/TTXVN)

Đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU

Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và là nước đã thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á và lớn thứ 6 của Đức ở châu Á.

Giai đoạn 2010-2020, tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Đức đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tăng từ 4,11 tỷ USD năm 2010 lên 9,98 tỷ USD năm 2020.

Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt trên 11 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2020. Trong 7 tháng năm 2022 đạt gần 7,3 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021.

vna_potal_thuc_day_giao_thuong_giua_cac_doanh_nghiep_viet_nam_va_duc_6347598.jpg
Chương trình giao thương giới thiệu trực tiếp các sản phẩm Việt Nam tại Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Về đầu tư, Đức xem Việt Nam là thị trường tiềm năng phát triển nhanh ở khu vực châu Á. Tính đến tháng 10/2022, Đức có 437 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,337 tỷ USD, đứng thứ 18/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam...

Hiện có khoảng 300 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam, trong đó có một số tập đoàn đa quốc gia như Siemens, B.Braun, Messer, Mercedes-Benz, Bilfinger, Bosch...

Cùng với thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển cũng là một thành tố quan trọng trong quan hệ hai nước. Đức hiện là quốc gia cung cấp viện trợ phát triển (ODA) trị giá trên 2 tỷ USD để hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 (BMZ 2030), Đức xác định Việt Nam là Đối tác toàn cầu, tập trung ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ khí hậu và tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo, đào tạo nghề và y tế.

Tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước còn được thắt chặt thông qua các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19.

vna_potal_van_chuyen_10_tan_hang_vien_tro_cua_ban_be_duc_va_cong_dong_nguoi_viet_ve_viet_nam_5617792.jpg
Vận chuyển 10 tấn hàng viện trợ của bạn bè Đức và cộng đồng người Việt về Việt Nam hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Hai năm qua, hai nước đã tương trợ và hỗ trợ lẫn nhau rất kịp thời, với hàng trăm nghìn khẩu trang mà Việt Nam tặng Đức và hơn 10 triệu liều vaccine cùng nhiều thiết bị y tế mà Đức tặng Việt Nam, góp phần hỗ trợ Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục phát triển kinh tế-xã hội.

Trong hợp tác văn hóa, năm 1997, Đức thành lập Trung tâm Văn hóa Đức (hay còn còn gọi là Viện Goethe) tại Hà Nội. Đây là địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu văn hóa Đức và giảng dạy tiếng Đức tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, các hoạt động giao lưu văn hóa-nghệ thuật giữa hai nước diễn ra rất sôi động. Đức hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số dự án về bảo tồn, phục chế các di sản văn hóa tại cố đô Huế...

Cộng đồng Việt Nam ở Đức hiện có khoảng 176.000 người, trong đó 20% đã nhập quốc tịch Đức. Nhìn chung, kiều bào ở Đức có cuộc sống tương đối ổn định, đa số theo diện làm công ăn lương hoặc buôn bán nhỏ.

Tại Đức, các hình thức tập hợp hội đoàn của người Việt khá đa dạng như Hội người Việt Nam, Hội Đức-Việt, các hội đồng hương, câu lạc bộ thơ-văn, nhiếp ảnh, tổ chức xã hội từ thiện…

Thế hệ người Việt thứ hai ở Đức hội nhập khá thành công, được chính quyền sở tại đánh giá cao so với các cộng đồng nhập cư ở Đức. Hiện nay, có một số bang của Đức đã tạo điều kiện thí điểm đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy phổ thông, như bang Brandenburg, Berlin, Sachsen và Sachsen Anhalt…

Với những kết quả đáng khích lệ, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz lần này sẽ tiếp tục góp phần củng cố mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức, đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất và bền vững./.

vna_potal_thuc_day_hop_tac_thuc_chat_giua_cac_dia_phuong_cua_duc_va_viet_nam_6213130.jpg
Quốc kỳ Việt Nam tung bay trước Toà thị chính thành phố Wernigerode chào đón đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)