Độc chất trong sách Điện ảnh Vương Gia Vệ
Mega Story - Ngày đăng : 14:40, 17/11/2022
Độc chất trong sách Điện ảnh Vương Gia Vệ
Cuốn sách “Điện ảnh của Vương Gia Vệ” - tên nguyên bản tiếng Anh là “The Cinema of Wong Kar Wai” - của John Powers có một sự day dứt kỳ lạ, khiến tâm trí độc giả cứ phải bận rộn kể cả khi đã gấp lại cuốn sách.
Đây không phải một cuốn sách tiểu sử hay tự truyện hay bán tự truyện của đạo diễn huyền thoại Vương Gia Vệ mà là một thứ kỳ lạ vượt ra ngoài những tiêu chuẩn đó, với những ngôn ngữ và bút pháp đầy tính “cinema.”
*
Với khổ sách 22,89cm x 30,48cm, bìa cứng, cùng 305 trang giấy dày thường dùng để in ảnh hay poster, cuốn sách “Điện ảnh của Vương Gia Vệ” to và nặng giống như một cuốn từ điển đồ sộ DK hơn là một cuốn sách bình thường. Khó có thể cầm cuốn sách như thế mà đọc theo cách thông thường bởi đặc điểm của nó không phù hợp với những hành vi dễ dãi và đòi hỏi tiện nghi.
Cuốn sách bắt buộc người đọc phải đọc theo cách mà nó tạo ra: nghiêm túc và cẩn thận như xem một bộ phim của Vương Gia Vệ, một thể loại điện ảnh không phải để giải trí mua vui, rất khó chịu, rất ức chế, và hàm chứa nhiều khả năng quăng bỏ sang một bên như vứt đi một cục nợ. Một cục nợ nặng hơn 1kg và có giá tiền làm khiếp đảm cái ví da bọc xương của dân mê sách.
Cái cách mà cuốn sách “Điện ảnh của Vương Gia Vệ” xuất hiện ở Việt Nam với hình dung như thế khá độc. Không có nhiều nhà sách liều mạng bỏ một món tiền lớn ra làm một cuốn sách với nội dung chỉ là đào sâu về chân dung và tác phẩm của một đạo diễn điện ảnh cho dù đấy là một nhân vật “huyền thoại” của điện ảnh Hongkong, của châu Á và của thế giới: Vương Gia Vệ - Wong Kar Wai.
Bởi người ta thường nhìn thấy “cái chết” của một cuốn sách như thế ngay từ khi còn ở dạng ý đồ sơ khai rằng sẽ phát hành nó dưới dạng hình, số lượng in ấn và giá bán như thế này. Bởi chắc chắn đây không phải một cuốn sách mang hy vọng trở thành “hiện tượng xuất bản” nhờ nội dung giải trí hấp dẫn hay đáp ứng sự mong chờ cuồng si của giới “fan boy” ở Việt Nam của Vương Gia Vệ.
Thế nên, “Điện ảnh của Vương Gia Vệ” bỗng trở nên độc nhất trên giá sách của những người sở hữu nó. Và khi người ta đã vượt qua mọi e ngại thông thường để mở cuốn sách này ra trên một mặt phẳng vững chắc, chấp nhận cúi đầu xuống từng trang sách, một hấp lực mạnh mẽ sẽ hút người đọc vào một thế giới điện ảnh của Vương Gia Vệ qua một lỗ giun phi tuyến tính, phi thời gian.
Như đã viết ở phần mào, cuốn sách này không phải sách tiểu sử hay sách tự truyện về/hoặc của Vương Gia Vệ. Thường ở những thể loại sách về chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật, chúng ta sẽ thấy một hình thái chung: những bài ca tự hát tuyệt đẹp của nhân vật chính mà tác giả chỉ đơn thuần là một “tay đánh máy” ngồi ghi chép lại, rồi nắn nót tô điểm thêm hoa gấm sao cho long lanh hết cỡ nhằm mục đích đưa một hình ảnh hoàn mỹ ra công chúng.
Đây hoàn toàn là một thứ rất khác biệt, rất “độc”, như thể một bản phim “Vương Gia Vệ ngoại truyện” do cây bút lừng danh về phê bình điện ảnh John Powers đeo kính râm đứng chỉ đạo quay vậy. Từng trang sách như từng thước phim hé mở về chân dung của Vương Gia Vệ trong đời thường và VGV trong điện ảnh với đầy đủ kỹ thuật, kỹ xảo quay và dựng phim của họ Vương như “zoom in”, “zoom out”, “slow motion”, dùng ống kính góc rộng làm biến đổi hình dạng nhân vật…
Để làm được điều đó, John Powers không những phải am hiểu phim của Vương Gia Vệ mà còn định vị được giá trị của trong một thế giới điện ảnh toàn cầu vốn “mênh mông bể Sở” đầy ắp những đạo diễn gạo cội có dạng năng lực tương đồng Vương Gia Vệ như Jean-Luc Godard, David Lynch, Abbas Kiarostami hay Hầu Hiếu Hiền…
Không nhưng thế, John Powers còn rất am hiểu Vương Gia Vệ, thậm chí có khi Vương Gia Vệ cũng chưa chắc đã hiểu rõ bản thân mình hơn tay nhà báo phương Tây kia. Để tìm kiếm chất liệu dựng lên cuốn sách “Điện ảnh của Vương Gia Vệ”, ông không vào vai một “thư ký trung thành” cho dù ông xác định cuốn sách này phải mang phong cách Vương Gia Vệ chứ không phải của John Powers.
Thay vì đó, John Powers có khi đứng trong cuộc đối thoại với Vương Gia Vệ, chìm đắm trong thế giới điện ảnh của Vương Gia Vệ, nhưng có lúc lại đứng bên ngoài quan sát Vương Gia Vệ bằng mắt mẫn cảm của kẻ tri kỷ cũng như một nhà phê bình điện ảnh lọc lõi. Nhờ đó, chúng ta có thể thấy nhiều lúc John Powers nhếch mép cười khi tìm thấy một mánh khoé ngầm của Vương Gia Vệ và sỗ sàng vỗ bộp vào vai đối tượng và nói: “Tôi biết tỏng rồi đó”.
Trong bộ phim “Vương Gia Vệ ngoại truyện” này, John Powers cấu trúc thành 37 góc nhìn và 6 cuộc đối thoại, tất cả đều quay quanh đạo diễn người Hongkong. Đó là một cấu trúc gồm nhiều thế giới chồng lấn, đan xen đầy ý đồ.
Chính vì thế, ở góc nhìn này, John Powers vừa phóng chiếu đặc điểm nhân dạng, gu thời trang, phong cách làm việc, xu hướng chính trị, nhân sinh quan, thế giới quan, những nét xấu cố hữu của Vương Gia Vệ thì ở góc nhìn ngay sau đó lại chuyển cảnh vào sự mẫn cảm của nhà làm phim VGV trong tác phẩm đầu tay kinh điển “Vượng Giác Ca Môn”.
Những cú twist như thế khiến độc giả được xem 2 thế giới song song gồm Vương Gia Vệ và VGV theo đúng thủ pháp làm phim sở trường của Vương Gia Vệ. Độc giả sẽ biết playlist nhạc của Vương Gia Vệ là gì và tại sao VGV đã đem nhạc này vào trong phim của mình, cũng như ẩm thực nói lên gốc gác di dân đại lục (Thượng Hải) sang Hongkong ra sao, hay những ấn tượng về người mẹ, người bố, người anh, người chị gái và đặc đặc biệt là người vợ Trần Dĩ Cận của Vương Gia Vệ đã được VGV bê vào điện ảnh như thế nào…
**
Điểm thú vị nhất mà John Powers đã sử dụng khi viết cuốn sách “Điện ảnh của Vương Gia Vệ” là ông sử dụng kỹ thuật làm phim của Vương Gia Vệ một cách thành thạo để dựng lên một chân dung Vương Gia Vệ hoàn chỉnh.
Vương Gia Vệ có thói quen thích sử dụng các ngôi sao đình đám trong phim của mình để đảm bảo giá trị thương hiệu như Lưu Đức Hoa, Lương Triều Vĩ, Củng Lợi, Chương Tử Di, Norah Jones… Bên cạnh đó, ông cũng chuộng dùng những ngôi sao do ông tạo nên như Trương Quốc Vinh, Trương Mạn Ngọc, Kim Thành Vũ. Nói chung, đầy rẫy những minh tinh chói sáng.
John Powers cũng vậy. Khi đang kể về Vương Gia Vệ, bất chợt, ông chuyển sang nói về những cộng sự đắc lực của đạo diễn này như đạo diễn hình ảnh cừ khôi Christopher Doyle hay nhà thiết kế sản xuất, thiết kế phục trang Trương Thúc Bình, hoặc thậm chí là người bạn đời thân thiết Trần Dĩ Cận.
Doyle là một tay quay phim người Australia đã lăn lộn ở Hong Kong lõi đời, nói tiếng Quảng Đông như cháo chảy, có những cú quay rợn người, gây ám ảnh trong các phim “A Phi chính truyện”, “Trùng Khánh Sâm Lâm”, hay “ Xuân Quang Xạ Tiết”. Gần như Vương Gia Vệ tin cậy hoàn toàn Doyle sẽ giải được mọi bài toán hình ảnh mà ông đề ra, thậm chí còn vượt quá mong chờ.
Do đó, tính cách hoang dã của Doyle không bao giờ làm một người có lối sống đức hạnh, chỉn chu như Vương Gia Vệ cảm thấy đó là vấn đề. Thậm chí, có lúc đang quay phim cho Vương Gia Vệ, Doyle bỏ ra ngoài làm các dự án riêng thì Vương Gia Vệ vẫn đợi Doyle quay lại. Với Vương Gia Vệ, Doyle là “người nhà” và trong cáo phó của ai sau này, kiểu gì cũng phải nhắc đến tên nhau đầu tiên.
Trong khi đó, Trương Thúc Bình là người khiến thế giới điện ảnh của Vương Gia Vệ trở nên lộng lẫy tột cùng. Mắt thẩm mỹ tuyệt vời, óc quan sát tinh tế và sự đòi hỏi kỹ lưỡng, chi tiết về bối cảnh không gian điện ảnh cũng như phục sức, trang điểm của diễn viên mà Trương Thúc Bình tạo ra đã giúp các bộ phim của Vương Gia Vệ tạo được ấn tượng mạnh mẽ về mặt thị giác và cảm xúc.
Người ta ngỡ ngàng với diễn xuất tài hoa của Trương Quốc Vinh, Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa nhưng cũng phải chết lặng với vẻ đẹp của Trương Mạn Ngọc trong phim “Tâm trạng khi yêu” với 20 chiếc sường xám xẻ tà cao mà Trương Thúc Bình đã thiết kế riêng cho nữ minh tinh này chỉ trong một bộ phim. Hơn nữa, Doyle có thể rời bỏ Vương Gia Vệ nhưng Trương Thúc Bình không bao giờ bỏ người đạo diễn tri kỷ đã đạt đến độ tâm ý tương thông trong công việc và cuộc đời.
Bằng cách phơi bày những phẩm chất năng lực tuyệt đỉnh của những người cộng sự của Vương Gia Vệ; bằng cách tường thuật lời nói của Lương Triều Vỹ rằng “Gia Vệ là người khai thác tốt nhất khả năng của tôi”; bằng cách kể lại chiêu thức mà Vương Gia Vệ biến Trương Quốc Hoa, Trương Mạn Ngọc hay một nhân vật quần chúng thành ngôi sao; bằng cách mô tả sự mến mộ, sẵn sàng đáp ứng tiếng gọi của Vương Gia Vệ với Lưu Đức Hoa, Củng Lợi, Chương Tử Di trong các dự án điện ảnh bất chấp khả năng thất bại về mặt doanh thu luôn nhiều hơn thành công, John Powers đã cho độc giả thấy một điều: Vương Gia Vệ vô cùng xuất sắc khi sử dụng xuất sắc được những con người xuất sắc.
Lối hành văn độc đáo đó, với kiến văn hạn hẹp của người viết bài này, chưa từng thấy ở một cuốn sách tiểu sử hay tự truyện nào. Rõ ràng, đây không phải một kiểu viết dễ dàng nhằm giúp độc giả hiểu sâu hơn về một đạo diễn và thế giới điện ảnh của y. Đó là một tác phẩm điện ảnh phái sinh trên trang giấy với mọi ý đồ được cài cắm đầy rẫy trong từng trang sách.
Cái đẹp của điện ảnh Vương Gia Vệ là lãng mạng, song đầy bất an và hoài niệm. Thế giới của Vương Gia Vệ ở đời thường hoàn hảo và tròn trịa, nhưng thế giới của ông trong phim lại ẩn chứa những chỉ dấu cô độc. Trong cuốn sách này, chúng ta không nhìn thấy số trang chẵn, tất cả đều là số lẻ, từ 13 cho đến 303.
Đó là một ẩn ý cho sự cô độc, lẻ loi nhưng nó mạnh mẽ vì nó là số dương, luôn hướng đến sự phát triển tiếp nối. Những yếu tố Âm trong cuộc đời của Vương Gia Vệ và điện ảnh của VGV rất đẹp, rất huyền ảo như người vợ Trần Dĩ Cận, như những vai diễn tuyệt mỹ của Trương Mạn Ngọc, Lâm Thanh Hà, Lưu Gia Linh, Chương Tử Di, Củng Lợi nhưng nổi lên nhất vẫn là ánh mắt phiêu vời của Trương Quốc Vinh, một số dương cô đơn, nghiệt ngã, đến bây giờ vẫn khiến người ta phải xót xa, tưởng tiếc.
***
Các tác phẩm điện ảnh của Vương Gia Vệ đều gây tranh cãi về ý nghĩa tác phẩm. John Powers đã viết rằng, thật phí công đi tìm những mật ngữ trong các bộ phim của Vương Gia Vệ. Từng tác phẩm đều là cuộc chơi của riêng Vương Gia Vệ trong thế giới điện ảnh của mình, đậm chất cá nhân và “bất khả tư nghì” bằng cảm quan công chúng.
Mỗi người sẽ tìm thấy một giá trị, một độc chất cho riêng mình ở từng bộ phim và nó không nhất thiết phải giống với đám đông hay giống với chính cha đẻ của bộ phim đó. Các bộ phim của Vương Gia Vệ không phải là cú đấm làm tung phòng vé, mà là một tác phẩm nghệ thuật lộng lẫy của Vương Gia Vệ, với những thử nghiệm sáng tạo nhằm khám phá hố đen xa nhất trong vũ trụ tâm hồn của chính ông.
Cuốn sách “Điện ảnh của Vương Gia Vệ” của John Powers đã được thấm đẫm được bản sắc đó, góp phần định vị thương hiệu của VGV. Đó là nhờ John Powers đã đặt vai trò của mình như người bạn tri kỷ của Vương Gia Vệ hơn là đối tượng khai thác, một người quan sát đầy tỉnh táo hơn là một “fan boy” cuồng nhiệt.
Ở ấn bản “Điện ảnh của Vương Gia Vệ” bằng tiếng Việt Nam ấn hành vào tháng 6/2022, bản sắc Vương Gia Vệ cũng tràn trề trên từng con chữ chuyển ngữ của 2 dịch giả Trần Minh (Nguyễn Thanh Bình) và Phạm An.
Công việc chuyển ngữ cuốn sách này từ tiếng Anh sang tiếng Việt không phải là chuyện quá khó, nhưng vấn đề là làm sao chuyển tải được cái bản sắc của Vương Gia Vệ trong văn bản nguyên gốc của tác giả, vốn là người cực hiểu về Vương Gia Vệ, giúp độc giả Việt Nam hội lĩnh được.
Để làm được điều đó, dịch giả Phạm An chia sẻ rằng, mình cũng phải đi theo con đường của tác giả John Powers là tiếp cận với cuốn sách và Vương Gia Vệ như “một người bạn”. Muốn hiểu một câu văn và diễn đạt sang một ngôn ngữ khác là điều đơn giản, nhưng để chuyển tải tinh thần của câu văn đó thật sự cần một lối tiếp cận sâu hơn, gần gũi hơn.
Có như thế, mới nhấc được một đạo diễn người Hong Kong trong trang sách của nhà báo người Mỹ và đặt trước mặt độc giả Việt Nam như một người bạn thân thuộc. Vương Gia Vệ và các tác phẩm điện ảnh của ông không xa lạ với tín đồ phim ảnh Việt Nam, nhất là những người thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X. Nhưng với cách kể lại câu chuyện “như nói về một người bạn thân” mà 2 dịch giả đã sử dụng khi chuyển ngữ cuốn sách này, đã khiến Vương Gia Vệ gần gũi hơn, dễ hiểu hơn.
Trong khi đó, Trần Minh cho thấy sự ảnh hưởng sâu sắc của Vương Gia Vệ trong sự nghiệp biên kịch phim sơ khởi của mình. Anh ta say mê những bộ phim của Vương Gia Vệ, thán phục lối viết kịch bản ngay trong đêm để quay và sáng hôm sau, thậm chí biến tấu, bẻ kịch bản ngay trên phim trường mà không cần “xi nhan”.
Đã có lần, chúng tôi ngồi uống rượu vào lúc nửa đêm về sáng, trên một điểm cao heo hút của núi rừng Tây Bắc. Câu chuyện trong hơi men về một kịch bản của một bộ phim đã được đẩy tới một giao lộ đầy ngã rẽ mà ngã rẽ nào cũng đầy ắp chất liệu để phát triển riêng thành một lối đi riêng. Tôi đã nhìn thấy lại điều đó trong Vương Gia Vệ trong kịch bản gốc “Câu chuyện ẩm thực”, rồi rẽ ngang thành “Eros” và “My Blueberry nigh”.
Cũng như thế, ý đồ xuất bản cuốn “Điện ảnh của Vương Gia Vệ” cũng nảy sinh đậm tính “tao ngộ chiến”. Những người tham gia thực hiện việc xuất bản gồm hai người bạn thân là nhà báo (đúng ra là cựu) Trần Minh, nhà báo Phạm An, nhà báo Lê Hồng Lâm (vai trò hiệu đính) và nhà sách Phục Hưng.
Đó là một cuộc chơi lộng lẫy nhưng cũng rất tốn kém, cần đến lòng dũng cảm của mọi thành phần, đặc biệt là nhà sách. Song cũng như một bộ phim của Vương Gia Vệ, cuốn sách “Điện ảnh của Vương Gia Vệ” là một sự khoái trá của những người dám dũng cảm ngồi đọc nó theo cách cuốn sách đòi hỏi.
“Điện ảnh của Vương Gia Vệ” xứng đáng là một bộ phim “Vương Gia Vệ ngoại truyện” có tác dụng giúp hiểu sâu sắc hơn về Vương Gia Vệ và thế giới điện ảnh của ông. Nó hội tụ rất nhiều yếu tố “độc” để trở thành một cuốn sách của Vương Gia Vệ, về Vương Gia Vệ và chỉ là Vương Gia Vệ!