Việt Nam đóng vai trò tích cực và chủ động trong Cộng đồng Pháp ngữ

Mega Story - Ngày đăng : 09:14, 18/11/2022

Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ; là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng, đóng vai trò nòng cốt của phong trào Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mega Story

Việt Nam đóng vai trò tích cực và chủ động trong Cộng đồng Pháp ngữ

{Tên tác giả} 18/11/2022 09:14

Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ; là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng, đóng vai trò nòng cốt của phong trào Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

cover-oif-2_ok.png

Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Tunisia Kais Saied, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 được tổ chức tại Djerba, Tunisia, từ ngày 19 đến 20/11.

Việc Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao 18 khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam - nước Pháp ngữ chủ chốt tại châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời là thành viên có trách nhiệm, chủ động tham gia đóng góp tích cực, thực chất, có trọng tâm vào các hoạt động hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ.

Với chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ, chủ trương đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của cộng đồng.

Cánh cửa nâng tầm vị thế Việt Nam

Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ ngày càng phát triển thành một không gian đa dạng, đó là cơ sở để Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để tăng trưởng và hội nhập. 

Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) được thành lập năm 1970, hiện có tổng cộng 88 thành viên và quan sát viên thuộc 5 châu lục. Với 1,2 tỷ người, Cộng đồng Pháp ngữ chiếm 16% dân số thế giới và 16,5% tổng tài sản được tạo ra trên toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1986 và từ đó diễn ra hai năm một lần. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức hoặc duy nhất hoặc cùng với một số ngôn ngữ khác, tại 32 nước và chính quyền thành viên.

ttxvn_thu-tuong_oif.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Việt Nam gia nhập Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật (ACCT - tiền thân của OIF) vào năm 1979. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng được cải thiện và phát triển.

Trước đó, phần lớn các nước Pháp ngữ đều ủng hộ tích cực cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trong thế kỷ 20 và coi Việt Nam là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong hơn 30 năm qua, đặc biệt trong thời kỳ bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu của Cộng đồng Pháp ngữ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật...

Đồng thời, Cộng đồng Pháp ngữ là diễn đàn để Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại, là kênh để tranh thủ tăng cường quan hệ song phương với một số thành viên phát triển như Pháp, Canada… hay với các nước bạn bè châu Phi truyền thống.

ttxvn_ngay-quoc-te-phap-ngu.jpg
Lễ kỷ niệm chính thức Ngày quốc tế Pháp ngữ 20/3 và 25 năm Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác với Cộng đồng Pháp ngữ; là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng, đóng vai trò nòng cốt của phong trào Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việt Nam có nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác và tăng cường đối thoại giữa các nước thành viên trong cộng đồng. Việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự các Hội nghị cấp cao Pháp ngữ thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong hợp tác đối với Cộng đồng Pháp ngữ.

Với việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao lần thứ 7 vào năm 1997 tại Hà Nội, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào việc thể chế hóa hoạt động chính trị, đề cao hợp tác kinh tế bên cạnh các lĩnh vực chính trị, văn hóa-ngôn ngữ của OIF.

Hiện nay, do tham gia đầy đủ và thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng, từ hoạch định chiến lược hợp tác, thúc đẩy cải cách hành chính nên Việt Nam được coi thuộc nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ.

ttxvn_ngay-hoi-phap-ngu.jpg
Đại diện Việt Nam tham gia diễu hành tại Ngày hội Cuối tuần Pháp ngữ 2022. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, Việt Nam nhiều lần được Cộng đồng tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Hội đồng thường trực (CPF) năm 1996, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng (CMF) nhiệm kỳ 1996-1997, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao nhiệm kỳ 1997-1998, Phó Chủ tịch Ban Tài chính và Hành chính thuộc CPF hai nhiệm kỳ (2009-2011 và 2011-2013), Chủ tịch Ủy ban Hợp tác và Chương trình của CPF (2013-2015), thành viên Hội đồng quản trị của Cơ quan đại học Pháp ngữ (2013-2017 và 2017-2021), Chủ tịch Mạng lưới các Đại diện quốc gia phụ trách Pháp ngữ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (RESIFAP) nhiệm kỳ đầu tiên từ 2013-2016.

Việt Nam đang nỗ lực góp phần tăng cường hình ảnh và sự hiện diện của Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy quan hệ cộng đồng Pháp ngữ và ASEAN, qua đó nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Việt Nam tham dự hầu hết các khóa Đại hội đồng của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) và tham gia tích cực các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng.

Được sự tín nhiệm của các Phân ban thành viên APF, Việt Nam đã được bầu làm Phó Chủ tịch APF ba nhiệm kỳ (2007-2009, 2009-2011, 2013-2015) và đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Vùng châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2017.

Cộng đồng Pháp ngữ thể hiện sự coi trọng, thường xuyên cử Đoàn cấp cao thăm Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2019, Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo cũng đã khẳng định tầm quan trọng và vai trò tích cực của Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ.

Bà Louise Mushikiwabo đánh giá cao vai trò Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ hòa bình tại châu Phi cũng như các hoạt động giảng dạy tiếng Pháp tại nhà trường, qua đó góp phần gắn kết các thành viên OIF.

ttxvn_giay-chay-phap-ngu.jpg
Trẻ em Hà Nội hưởng ứng Giải chạy Pháp ngữ năm 2022. (Nguồn: TTXVN)

OIF và các cơ quan thực thi đã phối hợp với một số nước thành viên Pháp ngữ thực hiện nhiều dự án tại Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực như giáo dục đào tạo tiếng Pháp, nghiên cứu khoa học, công nghệ, kinh tế, thương mại, dược, khoa học cơ bản, luật…

Kể từ khi Việt Nam chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tháng 6/2014, OIF bày tỏ quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. OIF bước đầu đã tài trợ cho các bộ ngành liên quan của Việt Nam tham dự khóa đào tạo tiếng Pháp chuyên ngành về các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Geneva từ 15-18/2/2016.

Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong phiên họp ngày 8/9/2020, lần đầu tiên thảo luận mở về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Việt Nam với tư cách vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã đưa ra một số sáng kiến như xây dựng mạng lưới Pháp ngữ chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các dự án của Liên hợp quốc tại châu Phi, tăng cường hợp tác ba bên Liên hợp quốc-Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và Liên minh châu Phi (AU) trong giải quyết xung đột.

Cùng các nền kinh tế Pháp ngữ phục hồi kinh tế bền vững

Bên cạnh những hợp tác chặt chẽ về chính trị, văn hóa, xã hội, hợp tác kinh tế cộng đồng Pháp ngữ được xác định là trọng tâm thúc đẩy của Việt Nam trong cộng đồng, nhất là trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang nỗ lực phục hồi kinh tế trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Việt Nam luôn thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ. Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Việt Nam là nước điều phối xây dựng thành công Chiến lược kinh tế Pháp ngữ 2020-2025 (Việt Nam đảm nhiệm từ tháng 3/2019).

ttxvn_cap-cao-phap-ngu-17.jpg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ 5, bên phải sang, hàng thứ 3) chụp ảnh cùng các đại biểu tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 17 diễn ra ở Yerevan, Armenia ngày 11/10/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), có FTA với 60 nền kinh tế, trong đó có một số nền kinh tế cộng đồng Pháp ngữ, đây là điều kiện thuận lợi và cơ sở pháp lý để Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước Pháp ngữ. Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy hợp tác về nông nghiệp, viễn thông và mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác khác với các nước Pháp ngữ.

Việt Nam hết sức coi trọng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ, nhất là trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có sự phát triển vượt bậc, từ nước phải đi nhập khẩu lương thực những năm 1990, trở thành một trong hai nước xuất khẩu gạo lớn. Việt Nam cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phát triển ngành nông nghiệp với các nước trong cộng đồng Pháp ngữ.

Hồi tháng 11/2021, trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã đề nghị khối Pháp ngữ có những giải pháp cụ thể để tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên, tạo điều kiện cho các nước nghèo có điều kiện phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế.

ttxvn_dien-dan-kinh-te-cap-cao.jpg
Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ. (Ảnh: TTXVN)

Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đánh giá Việt Nam là một thị trường có sức hấp dẫn, đồng thời nhấn mạnh các nước Pháp ngữ rất quan tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam.

Đây cũng là lý do Việt Nam được chọn là điểm đến đầu tiên của Đoàn xúc tiến kinh tế và thương mại Pháp ngữ, với gần 100 doanh nhân từ các nước Pháp ngữ ở khắp các châu lục trên thế giới, trong chuyến đi hồi tháng 3/2022 để kết nối, tìm kiếm các cơ hội hợp tác sau hai năm gián đoạn bởi dịch COVID-19.

Có thể nói, với những hoạt động hợp tác hết sức chặt chẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực cùng sự lớn mạnh không ngừng của cộng đồng Pháp ngữ, với tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, Việt Nam đang nỗ lực góp phần tăng cường hình ảnh và sự hiện diện của Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy quan hệ cộng đồng Pháp ngữ và ASEAN, qua đó nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế./.