Thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia
Mega Story - Ngày đăng : 14:13, 18/12/2022
Nhận lời mời của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Indonesia từ ngày 21-23/12/2022.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam đến Indonesia kể từ sau Đại hội Đảng XIII cũng như từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Đặc biệt, đây còn là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước tới Indonesia sau 9 năm và trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm tròn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Quan hệ chính trị ngày càng gắn kết, tin cậy
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Soekarno chính là người đặt nền móng đầu tiên cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia với tư cách là những quốc gia độc lập.
Ngay sau năm 1945, Bác Hồ với tư cách là Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đã ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến hợp tác Liên Á và hợp tác Á-Phi của Indonesia, Ấn Độ để tập hợp lực lượng cùng đoàn kết chống chủ nghĩa thực dân cũ.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Indonesia từ ngày 21-23/12/2022 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong bối cảnh hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương.
Tháng 4/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đoàn cấp cao của Việt Nam dự Hội nghị Bandung ở Indonesia, nhân dịp đó hai bên trao đổi về việc thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ngày 31/12/1955, Indonesia trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tình hữu nghị thân thiết giữa hai vị Lãnh tụ và sự gần gũi về lịch sử, văn hóa và tư tưởng tự cường dân tộc đưa hai nước gắn bó với nhau. Trên cơ sở đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và Indonesia ngày càng được củng cố và lớn mạnh.
Năm 2003, trong chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Megawati đến Việt Nam, hai bên đã ký Hiệp định quan hệ Đối tác toàn diện. Đây là thay đổi lớn, mở đường cho hợp tác và quan hệ hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Đến tháng 6/2013, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược và Việt Nam trở thành đối tác chiến lược duy nhất của Indonesia tại Đông Nam Á. Kể từ đó, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện hơn, sâu rộng hơn, cả song phương và đa phương.
Để triển khai quan hệ hợp tác chiến lược hiệu quả, hai nước đã ký Kế hoạch hành động giai đoạn 2014-2018, sau đó được gia hạn bằng Kế hoạch hành động giai đoạn 2019-2023.
Trong các lĩnh vực hợp tác, quan hệ chính trị được đánh giá là lĩnh vực nổi trội nhất. Theo đó, quan hệ chính trị ngày càng gắn kết, đạt mức độ tin cậy cao, tần suất trao đổi và tiếp xúc cấp cao và các cấp gia tăng.
Có thể kể đến chuyến thăm chính thức Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 8/2017) - chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Indonesia và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Indonesia Joko Widodo (tháng 9/2018) - chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của ông Joko Widodo kể từ khi nhậm chức vào năm 2014.
Từ đầu năm 2020, trước tình hình phức tạp của đại dịch COVID-19, lãnh đạo hai nước đã chủ động trao đổi kinh nghiệm ứng phó đại dịch và các biện pháp thúc đẩy trao đổi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống cho người dân giai đoạn hậu đại dịch.
Mới đây nhất là cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Joko Widodo tháng 8/2022, và cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joko Widodo bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 tại Phnom Penh, Campuchia, vào đầu tháng 11/2022.
Việt Nam và Indonesia cũng chia sẻ nhiều lợi ích trong việc thúc đẩy liên kết khu vực và hội nhập quốc tế. Việt Nam và Indonesia đã có những đóng góp tích cực cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết và phát triển, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề an ninh khu vực, thúc đẩy quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thể hiện vai trò chủ đạo của ASEAN trong duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Việt Nam và Indonesia cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM)... Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam và Indonesia cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hợp tác trên nhiều lĩnh vực đạt kết quả tích cực
Trong hơn 2 năm qua, thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19, nhưng ở thời điểm hiện tại, giống như Indonesia, Việt Nam cũng đã kiểm soát được đại dịch và mở cửa hoàn toàn biên giới.
Hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air đã nối lại các đường bay thẳng từ Việt Nam đến Bali và Jakarta với tần suất 3 chuyến mỗi tuần và hằng ngày, qua đó tạo thêm cơ hội cho du khách hai nước, đồng thời góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân.
Trong thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam-Indonesia đã phát triển nhanh chóng. Indonesia là đối tác lớn thứ ba của Việt Nam trong ASEAN và Việt Nam là đối tác lớn thứ tư của Indonesia trong ASEAN.
Kim ngạch song phương năm 2021 đạt 11,5 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mục tiêu kim ngạch 10 tỷ USD/năm mà hai bên đã đề ra. Kim ngạch thương mại 10 tháng đầu năm 2022 đạt 11,6 tỷ USD.
Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2028 và có nhiều tiềm năng để đạt được mục tiêu này.
Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật do Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Thương mại Indonesia đồng chủ trì đến nay đã họp được 7 kỳ.
Mới đây, hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2028 và có nhiều tiềm năng để đạt được mục tiêu này.
Về đầu tư, Indonesia tiếp tục đứng thứ năm trong ASEAN và thứ 29/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 101 dự án trị giá 611,7 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú, ăn uống...
Việt Nam có 17 dự án đầu tư tại Indonesia với tổng vốn đăng ký 59 triệu USD trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ thông tin, nông nghiệp và công nghiệp.
Về an ninh, quốc phòng, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn và ký các văn bản thỏa thuận hợp tác, trong đó có Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2017-2022. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia mới thăm chính thức Việt Nam tháng 5/2022. Hai nước cùng tích cực tham gia các hoạt động hợp tác về an ninh, quốc phòng trong khuôn khổ ASEAN.
Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nông nghiệp, nghề cá, hợp tác biển, năng lượng, tư pháp và pháp luật... cũng được củng cố, thúc đẩy bằng những văn bản thỏa thuận, bản ghi nhớ cụ thể, thực chất.
Về hợp tác địa phương giữa hai bên, hiện có 04 cặp tỉnh thành phố kết nghĩa gồm Hà Nội-Jakarta, Bà Rịa Vũng Tàu-Pading, Huế-Yogyakarta, Sóc Trăng-Lampung.
Cộng đồng người Việt tại Indonesia có khoảng hơn 300 người, chủ yếu định cư, kinh doanh lâu dài ở sở tại, hòa nhập tốt với đời sống ở địa phương, cơ bản có cuộc sống ổn định, có một số điển hình kinh doanh khá thành đạt tại Jakarta và Bali. Cộng đồng có tinh thần dân tộc cao, nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động hướng về quê hương, đất nước.
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 11/11/2022, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 40, 41 tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia), nhằm tiếp tục đưa quan hệ giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc triển khai các phương hướng hợp tác lớn.
Cụ thể ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan của hai nước khẩn trương triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được, nhất là Chương trình hành động giai đoạn 2019-2023 về triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược, với những kết quả thực chất, cụ thể.
Để tạo động lực cho phục hồi kinh tế, hai bên chia sẻ sự cần thiết thúc đẩy thương mại theo hướng cân bằng hơn.
Hai nhà lãnh đạo cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên trong các khuôn khổ đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc; nhất trí tăng cường phối hợp để củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong xử lý với các thách thức toàn cầu đang nổi lên./.