Y tế Việt Nam dễ bị tổn thương do các cú sốc đứt gãy chuỗi cung ứng

Mega Story - Ngày đăng : 09:01, 26/12/2022

Trong những năm gần đây, ngành chăm sóc sức khỏe đã có những chuyển biến tích cực với trọng tâm dựa trên đổi mới và sáng tạo về thuốc, công nghệ mới, những cải tiến trong dịch vụ...
Mega Story

Y tế Việt Nam dễ bị tổn thương do các cú sốc đứt gãy chuỗi cung ứng

Thùy Giang 26/12/2022 09:01
kata3428.jpg

Trên thế giới, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm phát minh, vaccine đang được nhiều nước chạy đua triển khai và áp dụng. Việt Nam là nước đang phát triển với thu nhập trung bình thấp, với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao. Hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, thị trường thuốc đảm bảo nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, hiện nay, trước tác động của đại dịch COVID-19, một số thuốc không có nguồn cung thay thế hoặc nguồn cung hạn chế. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà là tình trạng chung ở nhiều quốc gia. Do vậy, yêu cầu về “tự lực" để đảm bảo nguồn cung thuốc trở thành cấp thiết.

Điều kiện pháp lý chưa rõ ràng

Theo các chuyên gia, hiện nay việc cung ứng thuốc ở Việt Nam chủ yếu dựa vào nhập khẩu, cả nguyên liệu và thành phẩm. Do vậy, hệ thống y tế rất dễ bị tổn thương do các cú sốc, đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian khủng hoảng.

healthcare-presentation-template.png

Theo một khảo sát các doanh nghiệp dược ở Việt Nam do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020 cho thấy có 61% doanh nghiệp chi ít hơn 5% doanh thu cho nghiên cứu và phát triển. Số lượng đơn xin đăng ký sáng chế dược chiếm một phần nhỏ so với tổng số đơn. Chi ngân sách cho nghiên cứu và phát triển của các đơn vị trong nước còn rất thấp, phần lớn đơn đăng ký là của các công ty đa quốc gia. Các doanh nghiệp đăng ký bằng sáng chế dược hàng đầu ở Việt Nam là các doanh nghiệp nổi tiếng, tập trung vào lĩnh vực thuốc chuyên khoa điều trị bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, đái tháo đường và tăng huyết áp.

Theo ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện Việt Nam có 228 đơn vị sản xuất dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong số 25.000 loại thuốc đang được cấp phép lưu hành trong toàn quốc do đơn vị trong nước sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ không cao, chữa các bệnh lý thông thường, bệnh lý thể nhẹ.

5e2a9912.jpg
Ông Iain Frew - Đại sứ Vương quốc tại Anh Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Ngoài ra, 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước vẫn phải nhập khẩu. Việc chuyển giao công nghệ trong công nghiệp dược gần như không có, gia công cho nước ngoài rất ít ỏi và hiện chủ yếu là gia công cho các doanh nghiệp trong nước. Nguyên nhân là do là các điều kiện pháp lý hiện nay chưa rõ ràng, vì thế chúng tôi cũng đang tiến hành nghiên cứu sửa đổi luật Dược để phát triển công nghiệp dược,” ông Tạ Mạnh Hùng cho hay.

Phân tích tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo tổ chức tại Việt Nam, ông Iain Frew - Đại sứ Vương quốc tại Anh Việt Nam cho biết đổi mới sáng tạo không thể diễn ra một sớm một chiều mà từng bước nhỏ để tạo sự thành công trong tương lai của y tế. Đổi mới sáng tạo trong y tế bao gồm: y tế số, phát triển vaccine, đánh giá công nghệ y tế. Sử dụng dữ liệu thông minh giúp tiết kiệm tiền bạc, thời gian cho người bệnh, bác sỹ và xã hội… Hai năm cao trào đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy vai trò đặc biệt của những phát minh mới trong lĩnh vực vaccine và thuốc. Bởi những phát minh kịp thời đó đã giúp các nước và cả thế giới chống lại đại dịch COVID-19 nhanh nhất. Hơn 12 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu, ngăn chặn ít nhất 20 triệu ca tử vong.

img_0001.jpg

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Emin Turan - Chủ tịch Pharma Group nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức lớn với hệ thống chăm sóc sức khoẻ trên thế giới, gây ra nhiều thiệt hại về người, nhưng đồng thời cũng cho thấy vai trò của sự đổi mới sáng tạo trong ngành y tế. Có đổi mới sáng tạo mới có thể hi vọng phát triển một hệ thống chăm sóc sức khoẻ bền vững hơn trong tương lai từ thuốc, vaccine và trong chẩn đoán...

Tái cơ cấu công nghiệp dược

Trong những năm gần đây, ngành chăm sóc sức khỏe đã có những chuyển biến tích cực với trọng tâm dựa trên đổi mới và sáng tạo về thuốc, công nghệ mới, những cải tiến trong dịch vụ... Tại Việt Nam, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với những đổi mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong việc củng cố các thành tựu và cải thiện hệ thống y tế của Việt Nam nhằm giải quyết tốt hơn những thách thức của tương lai.

Ông Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội Tin học y tế nhận định chuyển đổi số thời gian qua đã tác động mạnh mẽ đến công tác chăm sóc sức khỏe ở nhiều mặt khác nhau về thiết bị y tế, lĩnh vực thuốc phát minh và đặc biệt là công tác quản lý nhà nước để người dân được tiếp cận với y tế thuận lợi hơn.

Trong những năm gần đây, ngành chăm sóc sức khỏe đã có những chuyển biến tích cực với trọng tâm dựa trên đổi mới và sáng tạo về thuốc, công nghệ mới, những cải tiến trong dịch vụ...

Định hướng này đã được thể hiện và thể chế hóa thông qua Nghị quyết 20/NQ-TW (ngày 25/10/2017) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Quyết định 376/QĐ-TTg (ngày 17/3/2021) phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị 16/CT-TTg (ngày 20/9/2022) về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Phân tích về vấn đề này, Phó giáo sư Lê Văn Truyền - Chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhận định: "Từ đại dịch COVID-19, các nhà hoạch định chính sách nhận thấy phải cơ cấu lại nền công nghiệp dược của từng quốc gia, từng khu vực. Đây không chỉ là vấn đề của các nước đang phát triển mà còn là vấn đề của các nước phát triển. Phải làm sao bảo đảm sản xuất trong nước mạnh mẽ, vững chắc, giảm bớt phụ thuộc bên ngoài. Đại dịch cũng đã khiến nhiều quốc gia nhận thấy rằng, không một nước nào có thể tự cô lập chính mình mà chiến thắng dịch bệnh, vì vậy phải tạo sự hợp tác quốc tế giữa các quốc gia, khu vực. Đó chính là đổi mới, sáng tạo".

kata3665.jpg
Bác sỹ khám, điều trị cho bệnh nhân nhi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 chính là "cú hích" để Việt Nam đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, để giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong xã hội như thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, thiếu bác sỹ, quá tải bệnh viện đồng thời cũng đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng hệ thống y tế có khả năng chống chọi trong tương lai.

Nói về những tiềm năng của ngành công nghiệp dược tại Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay Việt Nam có nhiều loại thuốc đạt tiêu chuẩn chât lượng tốt như: thuốc hỗn hợp thần kinh, thuốc da liễu, men tiêu hóa, thuốc sát khuẩn da… được tin tưởng sử dụng trong các cơ sở y tế trong nhiều năm nay.

Các chuyên gia đã khẳng định đổi mới sáng tạo chính là động lực mới cho phát triển tại Việt Nam, điển hình là đẩy mạnh dược phẩm phát minh (thuốc và vaccine)

“Thực tế, quan điểm của cá nhân tôi và các bác sỹ khi kê thuốc cho các bệnh nhân ngoại trú cũng như nội trú chỉ ưu tiên dùng thuốc biệt dược gốc vì công dụng của nó đúng như công bố, lựa chọn tiếp theo đó là thuốc generic, tuy nhiên chúng tôi sẽ ưu tiên vào các công ty, các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật… Bởi phải dùng thuốc có tính quyết định và mang lại hiệu quả cao nhất cho bệnh nhân. Nếu chúng ta có nguồn cung ngay từ trong nước, tự mình sản xuất được sẽ rất tốt, giúp chủ động được thuốc và đáp ứng ngay khi có nhu cầu trong nước,” bác sỹ Nguyên phân tích.

kata3456.jpg
Bệnh nhân xếp hàng chờ mua thuốc tại một bệnh viện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các chuyên gia đã khẳng định đổi mới sáng tạo chính là động lực mới cho phát triển tại Việt Nam, điển hình là đẩy mạnh dược phẩm phát minh (thuốc và vaccine), thời đại số hóa y tế chuyển đổi hành trình chăm sóc sức khỏe thông qua sức mạnh của công nghệ và chuyên môn, cũng như cải thiện chăm sóc sức khỏe qua các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình triển khai QĐ 376/QĐ-TTG xuất hiện hàng loạt khó khăn như chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với sản xuất thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế còn chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, chưa thu hút nguồn đầu tư phát triển dược liệu. Chính sách quản lý giá thuốc, định hướng sử dụng thuốc generic… hạn chế việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược.

Dù là thị trường tiềm năng nhưng các tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới vẫn ngần ngại đầu tư vào Việt Nam. Nguyên nhân chính là do những thủ tục hành chính cũng như nhiều quy định trong nước chưa đồng nhất khiến nhà đầu tư chưa “mặn mà,” cần phải nhanh chóng khắc phục./.

kata3544.jpg

Thùy Giang