Lòng chảo Hang Táu: Nơi ấy bình yên
Mega Story - Ngày đăng : 16:33, 28/12/2022
Lòng chảo Hang Táu: Nơi ấy bình yên
Đó là một thảo nguyên xinh tươi, được bao quanh bởi những dãy núi đá chằng chịt dây leo trên những thân cây cổ thụ. Trên bãi cỏ xanh tươi, khum khum hình lòng chảo, những con trâu, bò, lợn, gà, ngan, vịt, chó, mèo cùng nhởn nhơ kiếm thức ăn và cùng sưởi ánh nắng ấm của mùa Xuân.
Thế giới của con người ngổn ngang biết bao bất trắc và nguy cơ của chiến tranh, dịch bệnh, đói nghèo. Nhưng thảo nguyên trên lưng chừng trời này dường như miễn nhiễm với những thứ virus độc hại đó.
Sự hoang vu, cách biệt gần như tuyệt đối với thế giới bên ngoài của cái bản hẻo lánh nơi cùng trời cuối đất của người Mông Hoa đã biến nó thành một vùng “thế ngoại đào nguyên” trong truyền thuyết với cái tên bản Nguyên Thủy.
Nằm ở địa bàn của xã Chiềng Hắc, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Hang Táu cách biệt với thế giới bên ngoài bởi sự hiểm trở, cheo leo. Trên đèo Mộc Châu đang mùa diễm lệ với bạt ngàn hoa ban hồng, ban trắng, ban tím nở rực rỡ, con đường vào Hang Táu leo hun hút lên đỉnh núi xa xăm.
Các đoạn đường trên cung đường rất hiểm trở, nguy hiểm, đa phần là dốc dựng đứng, hẹp như một sợi chỉ vắt vẻo một bên sườn núi và một bên vực thẳm. Nếu không có con đường bê tông trắng mới làm cách đây 1-2 năm, không dễ gì để có thể đến được với Hang Táu, tuy nhiên, đó cũng là một thách thức cho các tay lái lạ đất, lạ đường.
Đặc điểm cư trú của người Mông khác biệt rõ rệt so với những dân tộc thiểu số miền núi khác. Họ không sống ở vùng lũng thấp, gần nguồn nước, có điều kiện sinh cảnh và khí hậu dễ chịu hơn cho việc trồng trọt, chăn nuôi như người Dao, người Mường hay người Thái.
Người Mông thích làm nhà ở những triền núi, mỏm núi cao vút, tách biệt với những cộng đồng dân cư khác. Tính cách độc lập, cách biệt, thích tự do tự tại, không ngại mọi thách thức hiểm trở, gian lao đã tạo nên bản sắc của người Mông sau hàng nghìn năm phiêu tán.
Cho dù các tỉnh miền núi ở Việt Nam, những địa phương có cộng đồng người Mông sinh sống, đã phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm trong những năm gần đây, nhưng chúng ta vẫn nhìn thấy rõ tính cách H’mông đó ở nơi họ cư trú, dù là tại Hà Giang, Sơn La, Lào Cai hay Nghệ An.
Lựa chọn cư trú cách biệt của người Mông không phải họ là một dân tộc khó gần, thiếu thân thiện. Đơn giản chỉ là người Mông đề cao tính cách độc lập và có tâm hồn của giới nghệ sĩ. Không phải ngẫu nhiên, những bản của người Mông đều rất đẹp nhờ cảnh quan hoặc hùng vĩ, hoặc mĩ miều.
Hang Táu chính là một nơi như thế. Từ mặt đèo Mộc Châu, đoạn dẫn vào cộng đồng dân cư ở bản Tà Số, lên đến điểm rẽ vào Hang Táu có độ cao xấp xỉ 1.000 mét. Không ai ngờ ở độ cao này, sau khi trầm luân hết con đường dài khoảng 7km trồi sụt đất đá, lổn nhổn sống trâu, sống voi lại dẫn đến một thung lũng tuyệt đẹp.
Khi bước vào Hang Táu, mở ra trước mắt là một đồng cỏ xanh mướt rộng khoảng 1-2 ha. Trên mặt đất, lổn nhổn những hòn đá đen thẫm, đã bị mài mòn vì phong hóa, không biết lăn từ trên núi xuống hay mọc từ dưới đất lên, tạo thành một khung cảnh hoang liêu, kỳ vĩ chẳng kém cao nguyên xứ Scotland hay Iceland.
Đồng cỏ đó không gây choáng ngợp bởi cảm giác mênh mông bất tận nhưng lại đẹp như một bức tranh thủy mạc: nhỏ bé nhưng mang đầy vẻ hùng vĩ; đơn giản như chứa đủ sự huyền hoặc. Dăm ba thân cây mồ côi mọc lưa thưa trên đồng cỏ càng điểm xuyết cho vẻ đẹp yêu kiều.
Một ốc đảo giữa đại mạc bao la, một savan giữa rừng núi thâm u, một mống đất bị lãng quên khỏi thế giới, một cộng đồng nguyên thủy còn sót lại. Bạn có thể lựa chọn bất cứ định danh nào để đặt tên cho Hang Táu, nhưng kiểu gì, cũng đều rất bình an.
Bình an là thứ ngự trị hoàn toàn ở Hang Táu. Nó đậm đặc đến nỗi khi những kẻ lữ thứ mang trong đầu đầy những xáo xác từ đâu đặt chân đến đến đây lập tức thấy trống rỗng và vô ưu. Đây là một thế giới khác, không có xung đột binh đao, không có nỗi ưu tư cơm áo gạo tiền hay khủng hoảng năng lượng.
Mọi sinh vật ở Hang Táu đều rất bình an, từ con trâu, con bò, con lợn, con gà, con vịt, con chó, con mèo đến con người. Trên bãi cỏ, những con vật khác loài cùng bình an gặm cỏ hoặc bới đất tìm mồi, không hề cắn xé hay xua đuổi nhau. Gà con đứng lách chách cạnh mẹ con nhà chó, còn chó con nằm ghếch mõm lên bụng mẹ lợn ngủ say sưa.
Bên hiên nhà sàn, những người đàn bà Mông túm túm ngồi sưởi nắng, tay thoăn thoắt may vá, vừa buôn chuyện bằng tiếng của dân tộc mình, vừa chào hỏi khách lạ bằng tiếng Kinh và những tràng cười rinh rích.
Có tất cả khoảng 20 nóc nhà trong Hang Táu, tạo thành một cụm nhà sàn nằm ở giữa chân núi và đồng cỏ. Cũng có một vài căn nhà tách biệt, đứng cô đơn trong lòng chảo. Nhưng tất cả những người sống ở đây đều là người Mông Hoa (Lềnh), để phân biệt với người Mông Trắng (Đơ), người Mông Đen (Đú) hay Mông Đỏ (Sí). Và tất cả đều có quan hệ huyết thống với nhau.
Cha ông họ, cách đây hơn 4 thập kỷ, một người đàn ông đã lạc bước vào Hang Táu, lập tức ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của đồng cỏ này, bèn biến nơi đây thành nơi cư trú, trồng trọt, chăn thả của nhà mình và sau đó là của cả dòng họ.
Anh Mùa A Lầu (41 tuổi) là cháu của người đàn ông đã tìm ra đồng cỏ Hang Táu, là đời thứ ba sinh sống tại đây. Anh Lầu dựng căn nhà sàn ở cạnh con đường mòn chạy chia đôi đồng cỏ và cùng vợ mình là chị Thào Thị Mỉ sống ở đây.
Con trai của anh Lầu là Mùa A Tùng (sinh năm 1999) cũng vừa cưới vợ là Tráng Thị Xua và cũng chọn Hang Táu làm chốn mưu sinh. Như thế, có thể thấy, các thế hệ người Mông Hoa đã sống ở đồng cỏ này được 4 đời, tuy nhiên, cái căn nhà của Mùa A Tùng vẫn giống hệt căn nhà của cụ mình.
Những căn nhà sàn ở Hang Táu chỉ đơn thuần là nơi trú thân thuần túy. Chúng được dựng bằng những thanh gỗ tạm bợ, tạo nên những bức tường hở toang hoác. Một căn nhà sàn lại chia thành 2 khu riêng biệt: khu bếp để nấu ăn, sưởi ấm, chứa vật dụng lao động, và phòng ngủ.
Phía trước nhà sàn nào cũng có một chuồng gỗ để cho gia súc, gia cầm ngủ đêm hay trú mưa. Cái chuồng cũng được đóng tạm bợ như căn nhà sàn, đặt bên cạnh là máng nước, máng thức ăn được làm bằng lốp ô tô. Nhưng cả người và vật đều cảm thấy hạnh phúc, an toàn với nơi trú ngụ của mình.
Hầu như không thể phân biệt gà, lợn, trâu, bò của nhà ai bởi chúng cứ tụ thành bầy hoặc thành nhóm, tự do kiếm ăn hay la cà khắp đồng cỏ. Người dân không sợ bị mất, bị lẫn lộn của nhà nọ với nhà kia hay bị chó cắn, mèo tha.
Anh Mùa A Lầu kể rằng, trông thế thôi mà chúng nó thông minh lắm, biết máng thức ăn, máng nước của mình ở đâu, tối thì lên chuồng nào, lại chẳng bao giờ cắn xé, bắt nạt nhau cả. Cuộc đời cứ thế thong thả diễn ra cho đến khi ông chủ nhà có việc cần phải bán lấy tiền hay giết mổ để làm cơm.
Trong mắt những con vật ở nơi đây hiện rõ sự hiền hòa. Trong mắt của những người dân ở Hang Táu cũng rất hiền hòa. Họ sung sướng tận hưởng một cuộc sống an bình, sáng sáng dắt nhau leo qua quả núi để làm nương trồng ngô, trồng lúa và rong diềng. Một vụ mùa thường kéo dài 6 tháng, tháng 3 âm lịch gieo hạt, tháng 9 đi gặt về, cứ túc tắc mỗi gia đình cũng kiếm được khoảng 50 triệu đồng.
Buổi tối ở Hang Táu chỉ bập bùng bếp lửa, loang loáng những vệt đèn pin và lấp lánh trời sao. Ở đây không có điện, không có mạng Internet, không có cả sóng điện thoại. Tất cả đã bị loại trừ từ rất xa lối vào đồng cỏ, chính vì thế, người ta chẳng phải mất công cãi vã nhau về chiến tranh, về giá xăng dầu hay con virus nào cả.
Chúng ta đã nghe về những bộ lạc sống nguyên thủy ở giữa rừng già Nam Mỹ hay châu Phi, với tập tục như thể thuở hồng hoang. Nhưng bản nguyên thủy Hang Táu chỉ cách trung tâm Mộc Châu sầm uất chỉ vài chục km, thế nhưng, những người dân ở đây vẫn sống hạnh phúc mà không cần đến điện, đến nước máy hay những kết nối 4G, 5G với những câu hỏi vô hồn trên mạng xã hội: Bạn đang nghĩ gì?
Hỏi chàng trai trẻ Mùa A Tùng rằng hai vợ chồng mới cưới sống ở đây có buồn không, anh chồng mặt còn đầy lông tơ hồn nhiên nói: “Ơ buồn gì chứ, cần gì điện thoại chứ, cứ nói chuyện với vợ là vui rồi, cứ yêu nhau là vui rồi. Từ đời cụ mình, đời ông mình, đời bố mình vẫn thế mà”.
Cái triết lý của Mùa A Tùng đơn giản thế mà đúng. Đã có biết bao nhiêu con người hiện đại đủ mọi phương tiện kết nối mà lại chẳng thể nói chuyện cùng nhau, chẳng thể biết chồng mình hay vợ mình có hạnh phúc hay không, hoặc đang cần gì. Càng hiện đại, càng đủ đầy, con người càng xa cách, càng tham lam và tàn độc với nhau.
Những bức vách nhà sàn ở Hang Táu không kín gió nhưng những người sống bên trong chẳng thấy lạnh. Không phải đây là thung lũng lòng chảo nên kín gió mà bởi trong nhà luôn có bếp lửa hồng để con người ngồi xung quanh ăn uống, trò chuyện và chia sẻ cùng nhau một cách công bằng.
Còn trong mắt của những con gà, con lợn, con chó, con mèo ở đây cứ trong veo như mắt của trẻ thơ. Chúng cũng không cần gì ngoài đồng cỏ này, nơi đã cho chúng một cuộc sống an bình. Để rồi, ngày ngày chúng nằm trên bãi cỏ, ngắm mây trời, ngắm cái cây cô đơn, nghe tiếng nhạc ở cổ con bò leng keng trong gió: Sung sướng chưa, bình yên chưa!