Phó Thống đốc: NHNN sẽ theo sát diễn biến thị trường, thích ứng linh hoạt

Vươn cao Việt Nam - Ngày đăng : 23:05, 13/01/2023

Năm 2023 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn thách thức trên toàn cầu, vì vậy lãnh đạo NHNN cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ.
banner_minhthuy2.jpg

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vào đầu tháng Một, người đứng đầu ngàng ngân hàng khẳng định mặc dù đối mặt với những khó khăn chưa từng có tiền lệ, song chính sách tiền tệ năm 2022 đã ứng phó linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thăng hạng tín nhiệm quốc gia trên trường quốc tế.

vnp_12-duc-duy-1-.jpg
Nhiều doanh nghiệp nhận lãi suất ưu đãi từ ngân hàng. (Ảnh; PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, Tổ chức Tiền tệ thế giới (IMF) nhận định 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái đồng thời cảnh báo thế giới sẽ phải đối mặt với một năm đầy khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế trong nước sẽ phải chịu sức ép vô cùng lớn, trong đó có lạm phát và tỷ giá. Mặt bằng lãi suất cho vay, vì thế cũng khó có thể giảm như mong muốn, gây trở ngại lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Trước những thách thức không nhỏ “đè nặng” lên “vai” cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết cơ quan này sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ tỷ giá và lãi suất.

- Năm vừa qua được cho là một năm đầy sóng gió trên thị trường tài chính, tiền tệ trong nước. Với cương vị là lãnh đạo Ngân hàng Trung ương, ông nhận định như thế nào về diễn biến thị trường tài chính ngân hàng năm 2022 và đâu là những thách thức lớn nhất?

Ông Đào Minh Tú: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, khẳng định tiến trình phục hồi tích cực và thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam với dịch bệnh COVID-19, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường.

Năm 2022 là năm có nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước, rất khác biệt so với thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đầu năm 2022. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột Nga-Ukraine kéo dài, lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng USD quốc tế tăng giá mạnh...

28.4.jpg
Kiểm đếm tại ngân hàng Agribank. (Ảnh: Vietnam+)

Trong khi đó ở trong nước, giá cả xăng dầu và một số hàng hóa biến động, áp lực lạm phát cũng tăng cao và những diễn biến không thuận lợi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản... đã tác động mạnh đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng.
Để ứng phó với những biến động nhanh của tình hình thế giới và trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bám sát diễn biến để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ và giải pháp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát ở mức thấp, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với diễn biến bất lợi của lạm phát.

tang-truong-tin-dung-tu-nam-2016-2022.png
Tăng trưởng tín dụng từ 2016-2022.

Trong tình hình thanh khoản khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung ưu tiên hỗ trợ hệ thống tổ chức tín dụng giải quyết vấn đề quản trị thanh khoản (thông qua mua bán giấy tờ có giá trên nghiệp vụ thị trường mở; duy trì ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc; tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng...), giải tỏa tâm lý thị trường và các vấn đề còn tồn tại để đảm bảo an toàn hệ thống trước những rủi ro hiện hữu.

Đến tháng 11/2022, trước tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của tổ chức tín dụng cải thiện hơn, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5%-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng với nguyên tắc, các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên đồng thời kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, khẳng định tiến trình phục hồi tích cực và thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam với dịch bệnh COVID-19, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

- Năm 2022 cũng là một năm diễn biến khó lường của lãi suất huy động, vậy Ngân hàng Nhà nước đã có những phương án điều hành như thế nào để các ngân hàng vừa huy động được tiền nhàn rỗi của người dân, vừa hỗ trợ được doanh nghiệp?

Ông Đào Minh Tú: Từ đầu năm đến giữa tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 9/2022, những tác động tiêu cực lên lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng chuyển biến rất nhanh, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục điều chỉnh mạnh lãi suất điều hành và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

le_phi_1.jpg

Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc kỹ, buộc phải điều chỉnh tăng các mức lãi suất trong tháng Chín và tháng Mười.

Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung tăng lãi suất trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an toàn hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã kiểm soát, chỉ đạo tổ chức tín dụng không chạy đua tăng lãi suất huy động đồng thời vẫn phải nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Tất nhiên, trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, lãi suất tiền gửi và cho vay trong 11 tháng đã tăng so với cuối năm 2021 (bình quân tăng ương ứng là 1,19%/năm và 1,21%/năm).

Ngày 15/12, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại hội viên thực hiện nghiêm túc kêu gọi đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn không quá 9,5%/năm (đã bao gồm các khoản khuyến mại) và giảm từ 0,5%-2% lãi suất cho vay.

Đến thời điểm này, tất cả các ngân hàng đều đã đưa lãi suất huy động về mức mà Ngân hàng Nhà nước đề xuất là không quá 9,5%/năm và nhiều ngân hàng đã giảm từ 0,5%-2% lãi suất cho vay.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

- Năm 2023 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn thách thức trên toàn cầu, vậy theo ông, áp lực lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm nay là gì?

Ông Đào Minh Tú: Có thể thấy rằng trong năm nay, áp lực lạm phát có xu hướng tăng ngày càng rõ nét hơn. Cụ thể, lạm phát tại thời điểm cuối năm 2022 dự kiến vượt 5%, gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023.

Ngoài ra, việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất. Lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020.

6af2fa16b9b561eb38a4.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn nên các tổ chức tín dụng phải tăng lãi suất để ổn định và thu hút thêm nguồn vốn, trong khi đồng USD tiếp tục tăng giá gây áp lực lên lãi suất VND.

Trong điều kiện vốn đầu tư của nền kinh tế còn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức cao (trên 120%) thì hệ thống tổ chức tín dụng đang chịu áp lực cung ứng vốn tín dụng để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Khả năng huy động vốn trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng vẫn còn thấp so với nhu cầu của nền kinh tế (nguồn vốn huy động ngắn hạn chiếm đến 80% trong khi dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 48%), dẫn đến gia tăng rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản, kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, những khó khăn của thị trường vốn, nhất là những tồn tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua và hiện nay, tình trạng đầu tư công giải ngân chậm… càng tạo sức ép lên tín dụng ngân hàng khi tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của cả hệ thống ngân hàng ở mức cao, khoảng trên 100% đối với VND. Nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới. Moody’s cũng cảnh báo Việt Nam về những bất ổn vĩ mô nếu để kéo dài tình trạng rủi ro về thanh khoản kỳ hạn vốn.

852c31122f20e97eb031.jpg
Giao dịch tại BIDV. (Ảnh: Vietnam+)

Việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu còn gặp khó khăn do nguồn lực tài chính hỗ trợ công tác cơ cấu lại còn hạn chế. Việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém là vấn đề phức tạp, đòi hỏi áp dụng những giải pháp mạnh, chưa có tiền lệ.

Vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước tăng chậm hơn rất nhiều so với khối ngân hàng thương mại cổ phần, ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt thị trường, vai trò chủ lực, chủ đạo của toàn hệ thống, đặc biệt trong việc thực hiện các chính sách tín dụng và đầu tư các công trình dự án quốc gia lớn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

vnp_sieu-thi.jpg
NHNN sẽ điều hành thận trọng, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát. (Ảnh: Minh Thúy/Vietnam+) 

Cuối cùng nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng do hệ lụy của dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế-xã hội trong nước cũng như quốc tế, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng yếu kém, tuy nhiên chưa thể xử lý nhanh được do nhiều khoản nợ liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng còn nhiều hạn chế.

- Trước những thách thức không nhỏ, với vai trò là cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã có những đối sách gì, thưa ông?

Ông Đào Minh Tú: Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Ngân hàng Trung ương cũng điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo tổ chức tín dụng tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo danh mục phân loại dự án xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ; tiếp tục kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kiểm soát chất lượng tín dụng, không hạ chuẩn tín dụng.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ.

vnp_minh-son-22.jpg

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025;” trong đó đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tập trung cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ xác định giá trị doanh nghiệp đối với các ngân hàng mua bắt buộc một cách khẩn trương nhất có thể, đảm bảo tuân thủ quy trình, quy định của pháp luật để sớm hoàn thiện phương án chuyển giao, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tập trung chiến lược tăng cường năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại (vốn điều lệ, vốn tự có, các quỹ dự phòng đảm bảo thanh khoản), năng lực quản trị rủi ro...

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; trong đó tập trung giám sát hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro như kinh doanh chứng khoán, bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; củng cố cơ cấu tổ chức, kiện toàn bộ máy thanh tra, giám sát ngân hàng trong toàn hệ thống.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bước vào năm 2023 còn có rất nhiều khó khăn. Bởi vậy trong điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục những chính sách hết sức linh hoạt và bảo đảm được cân đối chung để bảo đảm được niềm tin của doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế đối với việc duy trì sự ổn định lãi suất cũng như ổn định xã hội.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Thực hiện: Minh Thúy

Thiết kế: Minh Anh