Đại sứ nhiều nước hào hứng với trải nghiệm lần đầu tiên đón Tết Việt

Xuân hội nhập - Ngày đăng : 11:53, 17/01/2023

Những nhà ngoại giao nước ngoài đan công tác tại Việt Nam cũng “nhập gia tùy tục,” tìm hiểu phong tục đón Tết cổ truyền, cảm nhận nét văn hóa tốt đẹp của người Việt để từ đó có thể thực sự là “cầu nối” giữa Việt Nam và đất nước của mình.
Xuân hội nhập

Đại sứ nhiều nước hào hứng với trải nghiệm lần đầu tiên đón Tết Việt

Minh Thu 17/01/2023 11:53

Những nhà ngoại giao nước ngoài đan công tác tại Việt Nam cũng “nhập gia tùy tục,” tìm hiểu phong tục đón Tết cổ truyền, cảm nhận nét văn hóa tốt đẹp của người Việt để từ đó có thể thực sự là “cầu nối” giữa Việt Nam và đất nước của mình.

vnp_-dai-su-nauy-8.jpg

Từ bao đời nay, Tết cổ truyền Việt Nam là dịp lễ hội quan trọng đối với mỗi người dân. Dù quanh năm bận rộn lo toan thì mỗi dịp Xuân về, người người, nhà nhà đều sửa soạn đón Tết với niềm hân hoan, mong cầu những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Những nhà ngoại giao nước ngoài đang công tác tại Việt Nam cũng “nhập gia tùy tục,” tìm hiểu phong tục đón Tết cổ truyền, cảm nhận nét văn hóa tốt đẹp của người Việt để từ đó có thể thực sự là “cầu nối” giữa Việt Nam và đất nước của mình.

Nhân dịp Tết đến Xuân về, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus trò chuyện với các Đại sứ mới bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam, nghe họ chia sẻ về sự hào hứng khi lần đầu tiên đón Tết Việt.


Đại sứ Na Uy: Tự mua cành đào cho ngày Tết

Với Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken, bà và cả gia đình đặc biệt hào hứng với các phong tục đón Tết cổ truyền của người dân Việt Nam. Trước Tết, bà đến Văn Miếu để xin chữ, bà cũng tự mình đi mua cành đào và trang trí nhà cửa.

“Gia đình tôi rất háo hức đón cái Tết đầu tiên ở Hà Nội. Chúng tôi đã nghe nói nhiều về Tết và các phong tục liên quan như Lễ tiễn ông Công, ông Táo, Lễ giao thừa, tục xông đất năm mới… Chúng tôi đặc biệt muốn thử món bánh chưng, một món ăn cổ truyền của mọi gia đình Việt trong ngày Tết,” Đại sứ chia sẻ.

vnp_-dai-su-nauy-9(1).jpg

Bà Hilde Solbakken cho rằng Tết cổ truyền ở Việt Nam cũng giống như Lễ Giáng sinh ở Na Uy, là dịp gia đình đoàn tụ và gặp gỡ bạn bè người thân.

“Mặc dù người trẻ hiện nay có thể đón năm mới theo cách khác với thế hệ ông bà và cha mẹ của mình, song, đây là luôn dịp để mọi người chiêm nghiệm lại những gì đã đạt được thậm chí là chưa đạt được trong năm cũ và lên kế hoạch cho năm mới,” Đại sứ cho biết.

Bà Hilde Solbakken rất thích trải nghiệm văn hóa và truyền thống của các nước, vì thế trong 4 năm nhiệm kỳ, bà mong sẽ có nhiều dịp để khám phá văn hóa và lịch sử ngàn năm văn hiến của Việt Nam, trong đó có những lễ hội mùa Xuân như Hội Chùa Hương, Hội Lim…

Trên phương diện hợp tác song phương, Đại sứ Na Uy nhấn mạnh rằng đại dương chắc chắn sẽ tiếp tục là một lĩnh vực quan trọng với những vấn đề như quy hoạch không gian biển với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam kể cả phát triển điện gió ngoài khơi, nuôi biển bền vững và bảo vệ môi trường biển. Trong thời gian tới, Na Uy sẽ cùng các nước tài trợ khác hỗ trợ để giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường kể cả thực hiện thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP).

vnp_-dai-su-nauy-3.jpg
Bà đại sứ xin chữ 'Xanh' với nhiều hy vọng, gửi gắm. (Ảnh: Hoài  Nam/Vietnam+)

Một vấn đề mà Đại sứ rất quan tâm và muốn xúc tiến trong nhiệm kỳ của mình là hoàn tất đàm phán giữa Khối Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA) và Việt Nam.

EFTA gồm 4 nước Iceland, Liechtenstein, Na Uy, và Thụy Sỹ. Mặc dù chỉ chiếm 0,18% dân số thế giới và 1,5% GDP toàn cầu, xong EFTA đứng thứ 12 thế giới về thương mại hàng hóa và đứng thứ 7 thế giới về thương mại dịch vụ. Một hiệp định thương mại tự do sẽ giúp phá bỏ rào cản, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa và dịch vụ giữa các bên, đem lại lợi ích cho cả Việt Nam và các nước thành viên EFTA trong đó có Na Uy.

“Kể từ năm 2012, đã có 16 vòng đàm phán được thực hiện. Tôi hy vọng Hiệp định này sẽ được ký kết và phê chuẩn trong nhiệm kỳ của mình. Với tư cách là Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, tôi sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ quá trình này,” bà Hilde Solbakken nhấn mạnh.

vnp_dsnauy1.jpg
vnp_daisunauy.jpg
vnp_-dai-su-nauy-9(1).jpg
vnp_-dai-su-nauy-6.jpg
vnp_-dai-su-nauy-2.jpg

Đại sứ Ấn Độ: Đón Giao thừa, đi chùa cầu an vào mùng Một

Lần đầu tiên đón Tết tại Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya dự định sẽ cùng đón Giao thừa với các nhân viên ngay tại Đại sứ quán. Cá nhân ông sẽ đi chùa cầu an vào ngày mùng Một Tết và chuẩn bị một số món ăn đặc sắc như bánh chưng, nem.

Ông cho hay các nghi lễ đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với phong tục đón năm mới truyền thống tại Ấn Độ như việc sử dụng Âm lịch, bày tỏ lòng kính trọng với người lớn tuổi, tưởng nhớ tổ tiên, tổ chức lễ hội, nấu những món ăn đặc biệt, tặng quà cho trẻ em, đi lễ chùa…

“Người dân Việt Nam xem trọng ý nghĩa của truyền thống, phong tục, tín ngưỡng và văn hóa. Tôi rất có thiện cảm với Việt Nam vì những truyền thống tốt đẹp nói trên,” Đại sứ chia sẻ.

indian(1).jpg

Ông khẳng định sự tương đồng và những hợp tác về văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ là động lực và sự khích lệ để ông làm việc tích cực hơn nữa nhằm tăng cường giao lưu nhân dân và và quan hệ văn hóa giữa hai nước.

Trong tầm nhìn về phía trước, Đại sứ Sandeep Arya cho biết hai nước sẽ phát triển hơn nữa các lĩnh vực quan hệ ngoại giao truyền thống - trao đổi chính trị, quan hệ kinh tế và thương mại, hợp tác quốc phòng và an ninh, quan hệ đối tác phát triển, văn hóa và giao lưu nhân dân.

“Người dân Việt Nam xem trọng ý nghĩa của truyền thống, phong tục, tín ngưỡng và văn hóa. Tôi rất có thiện cảm với Việt Nam vì những truyền thống tốt đẹp nói trên.”

Đại sứ Sandeep Arya

Nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ và Việt Nam cũng như những tiến bộ công nghệ của chúng ta đang tạo ra những cơ hội hợp tác mới giữa Ấn Độ và Việt Nam trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng linh hoạt, công nghệ tài chính, chuyển đổi kỹ thuật số, hợp tác quốc phòng, nền kinh tế xanh, ứng dụng cho không gian vũ trụ và hưởng lợi từ kinh nghiệm phát triển của nhau trong giáo dục, y tế, nông nghiệp.

“Trong năm 2023, chúng tôi dự định thảo luận về những cơ hội mới này giữa hai chính phủ và nỗ lực hiện thực hóa các kế hoạch. Tôi tin tưởng rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ-Việt Nam sẽ có những bước tiến mới trong những năm tới để làm phong phú thêm mối quan hệ đối tác đa chiều và tuyệt vời của chúng ta,” Đại sứ Sandeep Arya cho biết.

Đại sứ Australia: Mong muốn nếm thử
bánh chưng

Bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam từ tháng 9/2022, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew John Lech Goledzinowski nhận thấy Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực và tự tin hơn trong khu vực và toàn cầu. Cụ thể, Việt Nam đã đăng cai tổ chức APEC 2018, làm Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) nhiệm kỳ 2020-2021 và mới trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Điều đó mang lại nhiều thành công về ngoại giao và kinh tế cho Việt Nam. Đối với Australia, vị thế và tầm quan trọng của Việt Nam cũng ngày càng lớn mạnh qua từng năm.

ambassador-andrew.jpg
Đại sứ Andrew Goledzinowski tham luận tại Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học, công nghệ: Đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 23/9/2022. (Ảnh: Đại sứ quán Australia cung cấp)

“Việt Nam đang mong muốn đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình các quy tắc và chuẩn mực nhằm duy trì trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ. Australia ủng hộ mạnh mẽ sự tham gia ngày càng tích cực của Việt Nam vào các cơ quan này,” Đại sứ bày tỏ.

“Việt Nam đang mong muốn đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình các quy tắc và chuẩn mực nhằm duy trì trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ. Australia ủng hộ mạnh mẽ sự tham gia ngày càng tích cực của Việt Nam vào các cơ quan này.” 

Đại sứ Goledzinowski

Về mặt kinh tế, ông Goledzinowski khẳng định sự phát triển và tăng trưởng của Việt Nam những năm gần đây thật ấn tượng, bất chấp những khó khăn to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra. Ông cho rằng Việt Nam đang nhanh chóng phát triển thành một trong những nền kinh tế năng động và quan trọng nhất khu vực.

Năm 2023, Việt Nam và Australia sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973-26/2/2023), Đại sứ Goledzinowski khẳng định đây là dịp để nhìn lại những thành tựu hai bên đã đạt được trong năm thập kỷ qua và xem xét những cơ hội cũng như thách thức trong quan hệ hợp tác.

Đại sứ quán Australia đang lên kế hoạch cho hàng loạt các hoạt động quảng bá và tôn vinh văn hóa bản địa, tình yêu thể thao, thực phẩm và đồ uống đẳng cấp thế giới cũng như hình ảnh một xã hội Australia năng động và đổi mới.

vietnam_australia_ties.jpg

Trước mắt, Đại sứ quán xác nhận sẽ tổ chức triển lãm “Bước qua một khúc đường ca” (Walking Through a Songline) – triển lãm kỹ thuật số đa giác quan về nghệ thuật của thổ dân Australia, sẽ mở cửa cho công chúng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từ tháng Ba đến tháng Năm.

Chia sẻ tầm nhìn về việc hai nước nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP), Đại sứ cho rằng đây sẽ là một bước phát triển rất có ý nghĩa trong mối quan hệ song phương, đưa hai nước trở thành đối tác hàng đầu trong số các đối tác song phương của nhau và phản ánh mức độ tin cậy và tôn trọng cao giữa hai bên.

“CSP sẽ không chỉ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên hiện có, bao gồm thương mại và đầu tư, giáo dục và gìn giữ hòa bình, mà còn tăng cường hợp tác về những thách thức mới đang nổi lên như biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng,” Đại sứ Goledzinowski cho biết.

Trước thềm Tết cổ truyền, ông Goledzinowski rất háo hức mong đợi bởi đây là Tết đầu tiên của ông tại Việt Nam với tư cách là Đại sứ.

“Các nhân viên Đại sứ quán nói rằng tôi nên đến phố Hàng Mã để xem đồ trang trí và tôi cần mua một cây quất hoặc cành đào. Tôi cũng mong muốn được ăn thử bánh chưng, món ăn truyền thống dịp Tết của người dân Việt Nam. Sau cùng, tôi xin chúc tất cả các độc giả Báo Điện tử VietnamPlus một cái Tết thật vui vẻ và một năm Quý Mão an khang và thịnh vượng,” Đại sứ Goledzinowski bày tỏ./.

son_26822.jpg

Minh Thu (Vietnam+)

Minh Thu