Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Văn hóa, thể thao và du lịch thêm 'gam màu sáng' cho bức tranh đất nước

Vươn cao Việt Nam - Ngày đăng : 14:41, 17/01/2023

Năm 2022, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, sự ủng hộ của các tỉnh/thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo công chức, viên chức, người lao động, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đóng góp những gam màu nổi bật trong tổng thể bức tranh tươi sáng của kinh tế-xã hội Việt Nam kể từ sau đại dịch COVID-19.
Vươn cao Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Văn hóa, thể thao và du lịch thêm 'gam màu sáng' cho bức tranh đất nước

botruong.jpg

Năm 2022, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, sự ủng hộ của các tỉnh/thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo công chức, viên chức, người lao động, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đóng góp những gam màu nổi bật trong tổng thể bức tranh tươi sáng của kinh tế-xã hội Việt Nam kể từ sau đại dịch COVID-19.

Nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ với Báo Điện tử Vietnam Plus những trăn trở về các vấn đề của ngành và hướng phát triển của “cỗ xe tam mã” văn hóa-thể thao-du lịch trong năm mới.

Những điểm sáng sau đại dịch

- Thưa Bộ trưởng, năm 2022, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, kinh tế-xã hội có nhiều khởi sắc, tạo điều kiện cho các hoạt động ngành văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra trong nước và quốc tế. Vậy, xin ông đưa ra đánh giá tổng thể những thành tựu đã được được trong năm?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: 2022 là năm đầu tiên cả hệ thống chính trị triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

493bcf36173dcc63952c7.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Năm 2022, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đóng góp những gam màu nổi bật trong tổng thể bức tranh tươi sáng của kinh tế-xã hội Việt Nam kể từ sau đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư, với phương châm “Quyết liệt hành động-Khát vọng cống hiến,” triển khai nhiệm vụ theo chủ đề công tác năm của ngành: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” nhằm đưa văn hóa thực sự thấm sâu, lan tỏa vào các hoạt động kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân trên khắp cả nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Kế hoạch đã cụ thể hóa 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp nêu trong Kết luận của Tổng Bí thư và các nhiệm vụ trong Chiến lược thành các nhiệm vụ chương trình, đề án, dự án, quy hoạch và các hoạt động phát triển sự nghiệp ngành văn hóa.

Nhiều sự kiện lớn liên quan đến lĩnh vực văn hóa được tổ chức quy mô như: Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh; Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới,” Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hoá với Doanh nghiệp" năm 2022…

vna-potal-hop-bcd-hoi-thao-quoc-gia-ve-he-gia-tri-quoc-gia-van-hoa-gia-dinh-va-chuan-muc-con-nguoi-viet-nam-trong-thoi-ky-moi-645766625-15-41-50.jpg
Hội thảo về Hệ giá trị Quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật cấp quốc gia, cấp vùng tiếp tục được tổ chức gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Công tác tham mưu, hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục được chú trọng. Năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 dự án Luật: Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành theo thẩm quyền 15 Thông tư.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của các di sản văn hóa chuyển biến tích cực. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan đàm phán thành công việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo.”

hoangdechibao(1).png
7c977d5f2855f30baa44.jpg
080b28c37dc9a697ffd8.jpg

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”; bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) ghi danh là “Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.” Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026.

Lĩnh vực thể thao của Việt Nam trong năm 2022 cũng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, được chờ đợi từ người dân trong nước và khu vực.

1c80f8481e43c51d9c52(1).jpg
Khán đài cổ dộng viên Việt Nam đỏ rực trong màu cờ sắc áo. (Ảnh: TTXVN)

Việc tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31) trong bối cảnh còn nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19 đã kết nối và lan truyền những cảm hứng tích cực với thông điệp “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn,” quảng bá hình ảnh về một Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển.

Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX với chủ đề "Vì một Việt Nam cường thịnh” cũng được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, đặc biệt là công tác chuyên môn. Bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền tham dự vòng chung kết Wold Cup.

Đối với lĩnh vực du lịch, năm 2022 đánh dấu sự phục hồi, tăng trưởng hết sức tích cực. Năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt; tổng số khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt khách (tăng gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách và vượt 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng.

Nhiều ‘khoảng trống’ cần lấp đầy

- Bên cạnh những điểm sáng, ngành văn hóa, thể thao và du lịch còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gì và còn những tồn tại gì cần giải quyết, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tồn tại cần giải quyết.

f1395a7881735a2d03626(1).jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Thứ nhất là nhận thức của một số cấp ủy đảng, các cấp, các ngành và một bộ phận xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng thực sự chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa đồng đều; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chưa quan tâm đúng mức; việc triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 ở một số đơn vị, địa phương còn chậm, thiếu chủ động.

Thứ hai là vẫn còn “khoảng trống” trong khung khổ pháp lý để phát triển văn hoá. Đặc biệt, một số lĩnh vực văn hoá chưa có Luật hoặc Pháp lệnh điều chỉnh như: Nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sỹ… Một số lĩnh vực thậm chí chưa có văn bản điều chỉnh (lĩnh vực văn học, quản lý hoạt động trò chơi...), ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước về từng lĩnh vực.

Thứ ba là mặc dù Đảng, Nhà nước có quan tâm nhưng đầu tư cho văn hoá chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa đạt được mục tiêu chi đầu tư cho văn hóa đạt 1,8% tổng chi ngân sách Nhà nước (theo Kết luận số 30-KL/TW ngày 20/7/2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng).

Thứ tư là việc gián đoạn “Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa”: Đầu tư cho văn hóa trong các giai đoạn trước 2016 được thực hiện chủ yếu thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn ở cấp trung ương và địa phương; đồng thời có bổ sung thông qua “Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa,” “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.”

c321ed01130ac854911b(1).jpg
dd6a2960c86b13354a7a9(1).jpg
3135663c87375c69052611(1).jpg
50382431c53a1e64472b12(1).jpg
1920x1080-3.png
1920x1080-1.png

Giai đoạn 2016-2020, “Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa” đã hỗ trợ tu bổ cấp thiết 400 di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia với kinh phí là 245 tỷ đồng, bình quân 612 triệu đồng/di tích.

Vừa qua, Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021, dự kiến được phân bổ 1.428 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho 17 dự án. Đây sẽ là “vốn mồi” góp phần tích cực phát huy giá trị của các di sản văn hoá.

Tuy nhiên, với 123 di tích quốc gia đặc biệt, 3.601 di tích quốc gia, 14 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh thì mức đầu tư hỗ trợ từ các chương trình nêu trên chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế và cần có sự chung tay của toàn xã hội.

Thứ năm là các quy định của pháp luật hiện hành về huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa hoàn toàn là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích, như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 quy định chỉ có 5 lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP, trong đó không có lĩnh vực văn hóa. Hoặc, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là các khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai…, không có lĩnh vực văn hoá.

- Xin Bộ trưởng chia sẻ định hướng phát triển của ngành văn hóa trong năm Quý Mão?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Năm 2023, tình hình quốc tế được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Ở trong nước, đây là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định rằng toàn ngành cần phát huy hơn nữa vai trò tham mưu trong sự nghiệp “Chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.”

Xây dựng nguồn vốn con người, nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá có trí tuệ, năng lực chuyên môn, bản lĩnh, khát vọng… cũng được ngành xác định là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt và hàng đầu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Mục tiêu quan trọng của ngành là xây dựng, hoàn thiện thể chế, định hình hệ sinh thái văn hóa; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Xây dựng nguồn vốn con người, nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá có trí tuệ, năng lực chuyên môn, bản lĩnh, khát vọng… cũng được ngành xác định là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt và hàng đầu.

c321ed01130ac854911b(1).jpg

Lực lượng này bao gồm đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ am hiểu về văn hóa, có tâm, có tầm, có tư duy chiến lược, năng lực xây dựng và hoàn thiện chính sách; lực lượng nghệ sỹ, nghệ nhân, người thực hành, người lao động trong lĩnh vực văn hoá có tri thức, đạo đức và năng lực sáng tạo; các cộng đồng, cá nhân và các nhóm xã hội có ý thức và sự tự tôn về nền văn hoá dân tộc giàu bản sắc, thống nhất trong đa dạng.

Cần tăng cường xây dựng chất lượng vốn con người thông qua hợp tác, trao đổi thông tin, học hỏi về kinh nghiệm và chuyên môn trong khu vực công và tư liên quan, tăng cường đào tạo, đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, sử dụng công nghệ, phát triển và chuyển giao kỹ năng…, đi cùng với quy định rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm nhằm tạo động lực để họ cống hiến và nỗ lực hết mình cho văn hoá.

Phân nhóm, đầu tư mạnh cho thể thao trọng điểm

- Sau SEA Games 31, ngành thể thao Việt Nam đặt mục tiêu thế nào để định hướng đến Olympic cũng như những giải đấu lớn trong những năm tiếp theo? Lãnh đạo bộ có định hướng và mức đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm như thế nào trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện trình Chính phủ dự thảo “Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” trong đó có xác định các chỉ tiêu cụ thể theo hai giai đoạn. Giai đoạn một, từ nay đến năm 2030 phấn đấu có huy chương tại Olympic 2024 và 2028; giai đoạn hai, từ năm 2030 đến 2045, phấn đấu đứng trong nhóm tốp 50 tại các kỳ Olympic.

Chiến lược được phê duyệt là cơ sở quan trọng để cụ thể hóa quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển thể dục thể thao thành những nhiệm vụ, phương án phát triển có định hướng, lộ trình, giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chỉ đạo các hoạt động thể dục thể thao của đất nước, qua đó nâng cao thành tích thể thao, khẳng định vị trí của thể thao Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới.

c13119804d8a96d4cf9b.jpg
Một trong những thành tựu của thể thao Việt Nam năm 2022 là tổ chức thành công SEA Games 31. (Ảnh: TTXVN)

Để thực hiện các chỉ tiêu đề xuất trong dự thảo Chiến lược đối với từng kỳ đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Thể dục thể thao xây dựng “Đề án đào tạo vận động viên trọng điểm” chuẩn bị cho Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) và Đại hội Thể thao thế giới (Olympic), trong đó xác lập các chỉ tiêu, nhiệm vụ, biện pháp cụ thể đối với từng môn thể thao trong công tác đào tạo vận động viên.

Về định hướng và mức đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm trong thời gian tới: Tại “Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” ngành Thể thao đã phân 3 nhóm môn thể thao khác nhau phù hợp với từng nhiệm vụ để xác định mức đầu tư cho phù hợp.

Đối với nhóm 1 và nhóm 2 (các môn đầu tư, chuẩn bị cho Olympic, ASIAD): Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư tập trung thông qua các chương trình, dự án có mục tiêu cụ thể.

Triển khai kế hoạch trung hạn gắn với lộ trình tham dự các kỳ ASIAD, Olympic để đầu tư trọng điểm cho khoảng 200 vận động viên trẻ, có triển vọng và từ 50-80 vận động viên có khả năng giành huy chương vàng ASIAD, huy chương Olympic, thông qua các giải pháp chủ đạo như: Ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến, hiện đại; bố trí huấn luyện viên, chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn cao; tăng cường trang, thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế phục vụ công tác huấn luyện; tập huấn nước ngoài; áp dụng chế độ đặc biệt về dinh dưỡng, thuốc bổ, thực phẩm chức năng, chăm sóc y tế, đãi ngộ (lương, thưởng, phụ cấp).

z39749088117511bb1e29fb885f4075686c8f90d0a9264-1671543250396739033664.jpg

Lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023 là 1 trong những sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch tiêu biểu năm 2022. (Ảnh: Đậu Tiến Đạt)

Đối với nhóm 3 (các môn đầu tư, chuẩn bị cho SEA Games, Đại hội Thể thao trẻ, Đại hội Thể thao bãi biển và các Đại hội Thể thao quốc tế khác): Tăng cường phân cấp đào tạo vận động viên cho các địa phương, ngành và mở rộng cơ chế xã hội hóa cho các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo vận động viên.

Nhà nước có hình thức hỗ trợ đào tạo vận động viên thông qua đặt hàng, trợ giá, trợ cấp và thực hiện các chính sách khuyến khích, đãi ngộ căn cứ tính chất từng môn và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn.

Làm gì để du lịch ‘cất cánh?’

- Du lịch Việt Nam đã vượt qua đại dịch với tốc độ phục hồi và tăng trưởng được ghi nhận khá ấn tượng của thị trường nội địa năm 2022. Với tư cách người đứng đầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông có chỉ đạo như thế nào để du lịch thực sự cất cánh trong năm mới?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Năm 2022, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, nhiều quốc gia đã mạnh dạn mở cửa, nới lỏng các chính sách tiền tệ. Trong nước, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh cùng với các hoạt động văn hóa, xã hội, nghệ thuật đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi có dịch, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển du lịch.

vna_potal_du_lich_viet_nam_doan_khach_quoc_te_dau_tien_den_thanh_pho_ho_chi_minh_trai_nghiem_van_hoa_viet_6044798.jpg
Đoàn khách quốc tế đầu tiên đến Thành phố Hồ Chí Minh trải nghiệm văn hoa Việt. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, từ ngày 15/3/2022, hoạt động du lịch đã mở cửa trở lại và phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế.

Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là 1 trong 3 nước có mức tăng trưởng cao nhất. Du lịch Việt Nam nhận 16 giải thưởng du lịch tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2022 khu vực châu Á và châu Đại Dương đã tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam.

Về các chỉ tiêu phát triển du lịch, có thể nói, năm 2022, du lịch Việt Nam đã gặt hái được một số kết quả đáng ghi nhận với những con số ấn tượng, đáp ứng mong đợi của nhân dân cả nước: Tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt khách (tăng 68,8% so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách).

Cả nước ước đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra đầu năm. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng.

vna_potal_phuc_hoi_hoan_toan_du_lich_noi_dia___6245594.jpg
Vẻ đẹp tiềm ẩn của Hang Kiều trong núi An Bờ của hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình). (Ảnh: TTXVN)

Để du lịch thực sự “cất cánh” trong năm mới 2023, bên cạnh việc duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường nội địa, chúng ta cần thúc đẩy và phục hồi hoàn toàn thị trường khách du lịch quốc tế. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xác định năm nhóm nhiệm vụ trọng tâm để triển khai:

Một là, tập trung cơ cấu lại thị trường khách du lịch, tập trung các thị trường nguồn chất lượng, có khả năng tăng trưởng nhanh, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày.

Hai là, phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam, trong đó tập trung sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt và có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên từng vùng, từng địa phương của Việt Nam. Đặc biệt, phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc và thế mạnh ẩm thực đặc sắc các vùng miền.

Ba là, nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh các ứng dụng cho thiết bị thông minh, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời khai thác bản sắc văn hóa Việt Nam trong xúc tiến, quảng bá du lịch.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch (đảm bảo điều kiện về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; an ninh an toàn cho du khách).

Năm là, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi thu hút khách du lịch, đó là các chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế; tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng./.

vna_potal_hoi_thi_sang_tao_am_thuc_du_lich_-mon_ngon_mien_non_nuoc-_tinh_cao_bang_nam_2022_6361523.jpg
Món thịt chua - sản phẩm ẩm thực độc đáo của đồng bào vùng cao. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Đỗ Minh Thu (VietnamPlus)