Múa rối nước: Đời sống tinh thần huyền ảo trên mặt nước
Cội nguồn là sức mạnh - Ngày đăng : 15:48, 18/01/2023
M
úa rối là một loại hình nghệ thuật ra đời từ rất sớm và xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vào thế kỷ V trước công nguyên tại Hy Lạp cổ đại, người ta phát hiện ra những dấu tích đầu tiên về nghệ thuật này. Nghệ thuật múa rối bắt nguồn từ những trò chơi với việc sử dụng những con rối để diễn trò, đóng kịch trên sân khấu. Nếu căn cứ vào không gian biểu diễn sân khấu thì múa rối được chia thành hai loại: Nghệ thuật múa rối nước và nghệ thuật múa rối cạn.
Múa rối là một loại hình nghệ thuật ra đời từ rất sớm và xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vào thế kỷ V trước công nguyên tại Hy Lạp cổ đại, người ta phát hiện ra những dấu tích đầu tiên về nghệ thuật này. Nghệ thuật múa rối bắt nguồn từ những trò chơi với việc sử dụng những con rối để diễn trò, đóng kịch trên sân khấu. Nếu căn cứ vào không gian biểu diễn sân khấu thì múa rối được chia thành hai loại: Nghệ thuật múa rối nước và nghệ thuật múa rối cạn.
Nghệ thuật múa rối nước với mặt nước là chỗ diễn của con rối. Con rối có thể múa và cử động thông qua việc điều khiển (hay còn gọi là giật trò) của các nghệ nhân đứng trong buồng trò và giấu kín mình. Nếu như ở rối cạn, con rối là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất thì ở rối nước đòi hỏi sự kết hợp của hai yếu tố: rối và nước. Rối nước có múa, có rối, có nước, chính vì vậy cái tên “múa rối nước” ra đời theo một cách giản dị và dễ hiểu nhất.
Là loại hình nghệ thuật độc nhất vô nhị chỉ có tại Việt Nam với sân khấu nước kì lạ và đặc sắc, cùng hình tượng đặc trưng là chú Tễu, múa rối nước là bộ môn nghệ thuật đậm đà sắc thái, tâm hồn người Việt, phản ánh chân thực chất đời, chất dân dã và văn hóa của nông thôn vùng châu thổ sông Hồng, đồng thời là “cuốn lịch sử sống” về dân tộc Việt Nam.
Nước và văn hóa lúa nước
nguồn cảm hứng tạo ra rối nước
Tại một đất nước nông nghiệp với văn hóa lúa nước từ lâu đời, kết hợp với điều kiện tự nhiên môi trường nhiệt đới và nguồn nước phong phú như Việt Nam, múa rối nước có đủ các yếu tố thuận lợi để ra đời. Hơn nữa, bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi, người nông dân cũng có nhu cầu giải trí và tìm đến các hoạt động gắn kết cộng đồng như rối nước.
Cùng với đó, nguồn nước là yếu tố không thể thiếu đối với một cộng đồng nông nghiệp. Nước luôn là yếu tố gần gũi, thân quen, quan trọng bậc nhất nhưng cũng chứa đựng cả sự thiêng liêng. Có thể nói, nước chính là nguồn cảm hứng lớn trong việc sáng tạo ra một loại hình nghệ thuật đặc sắc như múa rối nước.
Kết tinh của trí tuệ và tài năng
của người nông dân Việt
Rối nước bắt nguồn từ những trò chơi, nghệ thuật tạo hình của những người nông dân. Khi họ có nhu cầu về giải trí, họ đẽo cây và tạo ra những con rối, ban đầu với hình hài thô sơ và dần được hoàn thiện với trình độ tinh vi và nghệ thuật hơn, biến hóa chúng thành những nhân vật thú vị diễn trên mặt nước. Người nông dân “điêu khắc” những con rối, hay chạm khắc trên đình làng - mái của sân khấu múa rối nước từ đôi bàn tay thủ công, bằng tư duy và óc sáng tạo mà không qua một trường lớp đào tạo về nghệ thuật.
Không chỉ vậy, những màn trình diễn múa rối nước với việc điều khiển khéo léo và tinh tế của các nghệ nhân cũng đầy sức sáng tạo, hấp dẫn nhưng vẫn thể hiện được chất mộc mạc và giản dị của đời sống Việt Nam qua mười thế kỷ. Điều này khắc họa rõ sự tài năng của người nông dân Việt từ xưa.
Múa rối nước ra đời khi nào hiện nay vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hàng đầu về múa rối nước như Nguyễn Huy Hồng hay Tô Sanh đều cho rằng rối nước phát triển dưới thời Lý (1010 - 1225), đồng nghĩa rằng loại hình nghệ thuật này đã xuất hiện từ trước thế kỷ X.
Thời Lý, bia Sùng Thiện Diên Linh dựng năm 1121 thời vua Lý Nhân Tông tại chùa Đọi (Hà Nam) có ghi trò Rối cho Vua xem cho thấy nghệ thuật Múa rối nước Việt Nam phát triển và đạt đến trình độ nghệ thuật cao trong thời gian này. Ba câu thơ thể hiện sự phát triển của trò rối nước có lời và động tác:
“Nàng tiên từ trên không sa xuống
Cất lên tiếng hát véo von
Ca ngợi công đức đầu tiên của vị vua hiền”
Để làm nên thành công của múa rối nước, ắt hẳn khắc ghi đậm nét trong lòng khán giả chính là hình ảnh từng con rối được tạo hình đẹp mắt, tinh xảo, lung linh trên mặt nước. Những con rối được chế tác công phu chính là yếu tố đầu tiên tạo nên thành công cho nghệ thuật rối nước Việt Nam.
Con rối là sứ giả
của nghệ thuật dân gian
Từ xưa, ông cha ta đã biết sử dụng những đồ vật hằng ngày để tạo ra các con rối, con rối để tạo ra những vở diễn mô phỏng lại câu chuyện cổ tích hoặc cuộc sống của người Việt xưa. Cũng bởi vậy mà từng nhân vật rối, dù ở thời đại nào, đều mang đậm hơi thở cuộc sống Việt, văn hóa Việt. Những người nghệ sĩ say mê sáng tạo đã thổi hồn vào những con rối, để những nhân vật trong vở diễn được hiện lên sống động nhất, chân thật nhất: từ những nhân vật trong cổ tích, những anh hùng dân tộc hay những khuôn mặt đời thường.
Về tạo hình con rối, ở Việt Nam có hai lối tạo hình là phong cách dân gian và hiện đại. Theo phong cách dân gian, sản phẩm được tạo ra chủ yếu là rối nước. Từ thuở xưa, khi múa rối nước mới ra đời người nghệ nhân tạo hình thường thấy sao làm vậy và tưởng tượng theo ý thức hệ, từ đường nét mang dáng dấp kiến trúc đình làng, chất liệu sơn vẽ, màu sắc cho đến kiến trúc đơn sơ của Thủy đình.
Nghệ thuật trong tạo hình con rối được thể hiện rất tự nhiên, mang tính kinh nghiệm, trải nghiệm chứ chưa có lý luận, khuôn mẫu nào. Những con rối cứ như tự nhiên mà ra đời, mà tồn tại, mà phát triển theo hơi thở của cộng đồng người Việt thuở xưa. Điều này cũng nói lên bản chất của nghệ thuật dân gian, nghệ thuật làng quê, là trao truyền bằng kinh nghiệm, tiếp nối theo thế hệ.
Mặc dù có rất nhiều thành phần tham gia nhưng riêng tạo hình rối nước có chung một quan điểm đó là: Tính cách nhân vật rõ nét, có chất rối (ngây ngô, ngộ nghĩnh) thích hợp với nước. Các con rối nước của Việt Nam thường có hình thức mang tính ước lệ, ngộ nghĩnh, hồn nhiên, mộc mạc. Nhân vật tiêu biểu nhất là chú Tễu với thân hình tròn trĩnh, nụ cười hóm hỉnh, lạc quan, xuất hiện với nét vui vẻ, tinh nghịch làm nhiệm vụ giáo đầu, dẫn chuyện, mở màn vở diễn.
Con rối nước được chế tác ít bị gò bó theo một khuôn mẫu, tất cả đều được làm thủ công và mỗi nhân vật là riêng biệt, mang tính chất riêng, gửi gắm hồn cốt riêng. Chúng tự nhiên, dân dã, mang tính biểu tượng, ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi truyền thống điêu khắc dân gian, nghệ thuật đình làng và cả điêu khắc cung đình.
Theo lời bác Nguyễn Văn Phi - nghệ nhân tạo hình rối nước làng Đào Thục, huyện Đông Anh, Hà Nội, một người con sinh ra và lớn lên tại làng, nuôi niềm đam mê cháy bỏng với nghề tạo hình con rối cho biết: “Rối nước là nghệ thuật dân gian, sinh ra bởi bàn tay con người, nên sẽ có tròn có méo, không có gì là hoàn hảo theo khuôn mẫu, nhưng phải có vậy thì mới trân quý từng quân rối được làm ra. Con rối chính là khối sống, khối cử động được, còn tượng đơn thuần là khối chết, có khuôn mẫu nhân vật”.
Màu sắc của rối với các màu đỏ, hồng, vàng, đen… gợi cảm giác vui vẻ, ấm áp của thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa tôn giáo ở nông thôn Việt Nam với các màu đỏ, hồng, vàng, đen… Trang phục các con rối lột tả khá rõ nét thân phận, đẳng cấp như: vua quan, lính tráng. Cho đến nét mộc mạc, giản đơn, đôi khi là nhuốm màu cũ kỹ, sờn rách của thời gian trong trang phục của nông phu, người lao động (kéo lưới, chèo thuyền đua, đi cày, câu cá, chăn trâu…).
Chất liệu làm ra các con rối là gỗ sung. Theo lời của bác Nguyễn Văn Phi - nghệ nhân tạo hình rối nước làng Đào Thục, gỗ sung được chọn ở đây vì hai lý do. Thứ nhất, đó là loại gỗ nhẹ và chống thấm nước, phù hợp để các con rối ngâm lâu dưới nước. Thứ hai, “sung” ở đây ông cha ta còn gửi gắm ước mong một cuộc sống sung túc, đủ đầy.
Mỗi con rối sẽ có hai phần chính, là các bộ phận trên cơ thể tách rời (tay, chân, đầu,...) và phần các khớp hay động cơ để giúp con rối chuyển động. Các nhân vật rối đều được khắc quần áo bó sát người, khoác lên mình những bộ trang phục bằng chất liệu sơn mài truyền thống của Việt Nam. Khuôn mặt và cơ thể con rối tả người lao động bình dân đều tươi vui, béo tốt, hồn nhiên, đậm chất hài. Rối tầng lớp trên và con lính nghiêm trang hơn, đôi khi ít nét tươi tắn, sinh động.
Tuy nhiên, mỗi nhân vật rối sẽ không con nào giống con nào, nhiều khi nghệ nhân trong quá trình sản xuất chưa đúng theo yêu cầu ban đầu thì vẫn có thể dùng tiếp cho những nhân vật khác, “không có khái niệm hỏng, không có gì là bỏ đi. Mỗi con rối, mỗi nhân vật đều mang một linh hồn”, theo lời Bác Phi trưởng xưởng sản xuất rối nước làng Đào Thục.
Đa phần kích thước con rối nước không to, chỉ khoảng 30cm-70cm. Tạo hình con rối nước đều theo chuẩn ước lệ “Chân - Thiện - Mỹ” của cha ông xưa như: nữ thì mặt trái xoan, thắt đáy lưng ong, nam mặt vuông chữ điền, răng đen...
Các tuyến nhân vật múa rối nước đa dạng theo các chủ đề bao quát mọi lĩnh vực cuộc sống đến đời sống tâm linh như thần linh (bát tiên), linh vật (long, ly, quy, phượng), anh hùng dân tộc và các con người, vật thường ngày của làng quê Việt Nam xưa (con trâu, con gà, nông cụ).
Một điều hết sức đặc biệt nữa về tạo hình con rối là tính linh hoạt của nghệ nhân. Đôi khi họ phải tự mình thay đổi các chi tiết nhân vật theo từng kịch bản, từng địa bàn, từng đối tượng khán giả sao cho có một tạo hình phù hợp nhất. Người nghệ nhân phải có những sáng tạo nhạy bén theo thời đại và hoàn cảnh.
Chế tác rối nước là một
quá trình phức tạp và công phu
Các công đoạn làm nên con rối nước truyền thống là một hệ thống công việc phức tạp, công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì. Để có một con rối nước hoàn chỉnh phải qua những công đoạn sau:
Thông thường, để hoàn thành một bộ rối nước (16 trò) phải mất khoảng 4 đến 5 tháng, chưa kể thời tiết ẩm thời gian để con rối khô còn kéo dài hơn.
Tạo hình và chế tác con rối là quá trình hoạt động nghệ thuật nghiêm túc và sáng tạo nhằm thể hiện tính cách nhân vật. Kết quả lao động sáng tạo của nghệ nhân là những con rối đẹp mộc mạc về hình thức bên ngoài nhưng có khả năng biểu hiện đời sống tinh thần một cách phong phú, sinh động. Các con rối phải có thần sắc.
Nội dung của vở diễn, tính chất của sàn diễn (mặt nước thủy đình) sẽ quyết định hình thức và cách vận động của các con rối. Với nhiều mục đích như truyền thông, giải trí, giao tiếp xã hội và giáo dục, các con rối nước được tạo dáng phù hợp với các nhân vật, gần gũi với đời sống dân dã, phù hợp khả năng nhận thức, tình cảm của mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp…
Đó có thể là cách làm ruộng, đánh cá, xay lúa, giã gạo, chăn vịt, dệt cửi, đấu vật, đưa ngựa, đánh đu, leo cây, múa lân, múa rồng, đánh kiếm, còn là những nhân vật anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo… Các nhân vô cùng đa dạng: bật cờ, chú tễu, múa rồng, em bé chăn trâu, cày cấy, bắt vịt, đánh cá, vinh quy bái tổ/rước trạng, múa sư tử, múa phượng, Lê Lợi trả gươm, nhi đồng vui chơi, đua thuyền múa lân, múa tiên, tứ linh…
Nghệ nhân chế tác rối nước
đòi hỏi những phẩm chất tuyệt vời
Việc tạo hình con rối không có một trường lớp nào đào tạo được, bởi cái hồn của nhân vật không phải là khuôn mẫu có sẵn. Ví như để tạo hình người nông dân thì phải đục sao cho có hình hài, cốt cách mà ai nhìn vào cũng nhận ra đó là người nông dân. Người nghệ nhân khi tạo hình con rối không áp đặt khuôn mẫu nào cả, dù là 100 ông quan, 100 anh lính… thì đều có những nét khác nhau.
Các con rối nước truyền thống là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật sáng tạo nghiêm túc, gian khổ nhưng đầy cảm hứng. Ở sân khấu múa rối, tất cả phải sáng tạo từ đầu, không có nhiều mẫu sẵn, phải tự hình dung, trước hết phải nghiên cứu kỹ kịch bản để làm rõ nét cá tính nhân vật, từ dáng dấp, kích thước, cao, thấp... rồi máy móc hoạt động ra sao để phù hợp và hiệu quả với không gian biểu diễn. Họ vừa phải sáng tạo, vừa phải khéo léo, kiên trì.
Quan trọng hơn nữa, người nghệ nhân còn cần mang trong mình tình yêu quê hương, yêu lao động, phải làm bằng đam mê. Để có được những con rối vừa có tính thẩm mỹ, vừa thể hiện nội dung phong phú, vừa bám sát thực tiễn, người nghệ sĩ tạo hình con rối phải có tri thức nghề nghiệp một cách vững vàng. Việc học tập kinh nghiệm của lớp nghệ nhân, học các lớp người đi trước theo phương pháp truyền nghề là cách để nghệ thuật tạo hình con rối trường tồn với thời gian.
Những nghệ nhân đã chắt lọc cái đẹp từ tự nhiên và chuyển hòa vào hình ảnh con rối. Thông qua óc thẩm mỹ, sự cảm thụ nghệ thuật, sự sáng tạo của người nghệ nhân đã biến rối nước thành cầu nối giữa đại chúng với với di sản văn hóa dân tộc. Vẻ đẹp phong phú, đa dạng mà mộc mạc của các loại đồ chơi dân gian tạo nên ở mỗi người những rung động, những xúc cảm, tình cảm thẩm mỹ và hình thành thái độ thẩm mỹ và thị hiếu thẩm mỹ.
Sân khấu múa rối
Không giống như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, môi trường diễn xướng của múa rối thường gắn liền với một cấu trúc sân khấu đặc biệt với tên gọi thủy đình. “Thuỷ” là nước, “đình” là đình làng. Thủy đình được dựng lên giữa ao, hồ, mang kiến trúc và dáng dấp đặc trưng của những mái đình nông thôn. Nó còn được gọi với cái tên là nhà rối hay buồng trò, nơi mà người nghệ nhân rối nước sẽ đứng để điều khiển rối nước.
NSƯT Quốc Vũ - Phó Phòng Tổ chức biểu diễn và Nghệ thuật tại Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ: “Trong dân gian, khi các nghệ sĩ biểu diễn ở làng quê, sân khấu rất đơn giản, họ có thể lấy một cái ao, hồ bất kỳ có thể đứng ở dưới mặt nước để diễn được, họ đưa một chiếc mành nhìn xuyên qua được ra, cuối cùng che thêm một tấm liếp để trở thành một sân khấu. Và khán giả sẽ ngồi quây quần xung quanh để xem. Đó chính là sân khấu dân gian của rối nước”.
Sân khấu của rối nước cũng được trang bị rất nhiều dụng cụ với cờ, quạt, voi, võng lọng, cổng… mang tới không khí đậm chất dân gian và truyền thống của đời sống tại các làng quê Bắc Bộ. Để mặt hình ảnh của sân khấu luôn hoàn hảo nhất, tất cả các khâu tạo hình mỹ thuật đều phải có tính liên kết cao, thể hiện sự phối hợp ăn ý giữa người đạo diễn và họa sĩ.
Bữa tiệc thanh âm
Là một thể loại nghệ thuật biểu diễn truyền thống, âm nhạc chính là nhân tố thổi hồn cho từng bước chuyển động của từng con rối. Âm nhạc trong múa rối đặc trưng bởi những giai điệu truyền thống của nhạc cụ dân gian: tiếng trống, tiếng mõ, sáo, tù và, của những đợt pháo thăng thiên, pháo mở cờ ngoạn mục từ đáy nước vang lên.
Những người nghệ sĩ hai bên cùng góp những lời ca, tiếng hò theo từng chuyển động của con rối, linh động đối đáp trong từng chuyển cảnh, tạo nên vẻ nhộn nhịp linh đình không kém bất kỳ một lễ hội nào của nhịp sống trên cạn.
Mặt nước và ánh sáng - bộ đôi kỳ ảo
Theo dân gian, không gian tự nhiên của rối nước gắn liền với thủy đình ngói đỏ cong cong, với ánh sáng thực của mây trời in trong đáy nước, của gió lao xao gợn nước lăn tăn từng đợt. Có lẽ chẳng có nghệ thuật biểu diễn nào lại khiến mặt nước sinh động đến thế với những con rối tưởng chừng thật vô tri.
Tiếng nước sóng sánh, tiếng cá bơi lội, bọt nước xối lên, tan hòa giữa cỏ cây, hoa lá thực. Tất cả đã mang lại một đời sống sinh động dưới mái thủy đình, thổi hồn cho những con rối giả lướt trên mặt nước. Nước chính là nhân tố tạo nên cái “thần” của múa rối nước, là nơi bao bọc, ẩn giấu, thoắt ẩn thoắt hiện tài tình của những con rối nước.
Dẫu vậy, trong những không gian nghệ thuật của những nhà hát đậm chất Tây phương giữa lòng thành phố, cái mặt nước cùng ánh sáng tự nhiên ấy của rối nước đã mất đi. Tưởng chừng như ánh sáng nhân tạo không thể mang lại cái nét nên thơ dân dã, ấy vậy mà với sự dàn dựng tài tình, những chùm ánh sáng trắng vàng trong những nhà rối đã cùng mặt nước tạo thành bộ đôi kỳ ảo.
Trong không gian của những nhà hát múa rối hiện đại, người đạo diễn sẽ sử dụng ánh sáng trắng hoặc vàng để phản chiếu xuống nước, làm nổi bật lên nước sơn của nhưng con rối sặc sỡ. Nước sơn óng ánh phản chiếu ánh sáng lung linh và màn khói huyền ảo, khiến vở diễn càng trở nên sống động lạ kỳ.
Đặc biệt, những vở múa rối đều bắt nguồn từ những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn. Bởi vậy mà ánh sáng lung linh đã mang tới cho những con rối một sân khấu đậm chất huyền bí, kỳ diệu nhất, toát lên đúng chất của những câu chuyện cổ trước mắt khán giả mọi lứa tuổi.
Những đôi tay tài hoa đằng sau tấm mành
Để những con rối vô tri được thổi hồn, không thể không nhắc tới kỹ thuật điều khiển con rối điêu luyện của những người nghệ sĩ. “Múa rối nước là bộ môn hoàn toàn được điều khiển thủ công bởi bàn tay người nghệ sĩ chứ không hề có máy móc hỗ trợ. Tuy nhiên sẽ có một vài chi tiết bên lề sẽ cần có máy móc, chẳng hạn như cảnh con cáo chạy lên cây cau sẽ cần có thêm sự hỗ trợ thô sơ từ máy móc” - NSƯT Quốc Vũ chia sẻ.
Do việc điều khiển con rối hoàn toàn thủ công, người nghệ sĩ luôn phải tập luyện hàng ngày để kỹ năng thuần thục và điêu luyện nhất. Cũng bởi vậy, mỗi nghệ sĩ lại có một cách thể hiện các con rối khác nhau, cách cảm nhận tiết tấu và không gian khác nhau, tạo nên nét diễn riêng biệt mà khó ai có thể bắt chước được. Họ là những luôn đứng đằng sau để những con rối sặc sỡ được tỏa sáng, mang đến những tiếng cười và sự thích thú cho mỗi khán giả.
Sự phối hợp nhịp nhàng đến hoàn hảo
Nét văn hoá mộc mạc mà sâu sắc
Vở rối được tạo nên từ nhiều tích truyện (tích trò), khắc họa cuộc sống sinh hoạt thường ngày cùng những sự tích dân gian của người Việt, qua đó phản ánh ước mơ của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những tích trò tiêu biểu trong các vở rối phải kể đến như tích trò ca ngợi việc đồng áng, đi bừa, đi cấy, đánh cá, úp rơm, giã gạo…; tích trò miêu tả cảnh lễ hội như đua thuyền, chọi trâu, đấu vật, chọi gà…; tích trò ca ngợi truyền thống đánh giặc của Bà Trưng, Bà Triệu, Vua Lê Lợi hoàn kiếm…; những tích trò lấy cảm hứng từ những vở chèo nổi tiếng như Quan âm Thị Kính… hay xuất phát từ nghi thức tín ngưỡng như đi chùa, nước thần, lễ hội…
Kho tàng tích trò đa dạng cho thấy một đời sống đầy sinh động và gần gũi của rối nước, giúp loại hình này mang tới những vở diễn đầy mới vẻ kh cho phép người nghệ sĩ khai thác những tích trò khác nhau. Có thể nói, sinh ra từ đời sống của những người lao động nơi thôn quê dân dã, múa rối nước đã được vun đắp nên bởi những tình cảm chân thành, hồn hậu, là thứ nghệ thuật phản ánh những ước vọng của thời đại, của những nhà nông quanh năm suốt tháng tất bật bên đồng ruộng, trâu cày.
Từng vở múa rối hiện lên như một bức tranh tả thực về thiên nhiên cuộc sống của những làng quê, từ mái đình, lũy tre, đình làng, lễ hội… Giữa những lời ca, tiếng nhạc đậm nét văn hóa dân gian, những con rối hóa thân thành từng anh chàng nông dân, chị em đi cấy lúa, nam nữ trẩy hội, ngư ông câu cá, anh hùng ra trận, ông bụt hiền hòa…
Múa rối hấp dẫn người xem bởi sự duyên dáng hài hước và hóm hỉnh của từng nhân vật nhưng đồng thời cũng gợi cho người xem những xúc cảm về quê hương, nguồn cội mội cách dung dị nhất. Tính giáo dục của múa rối rất đỗi giản dị, nhân văn, khơi dậy con người những ước mơ, hoài bão, đưa con người đến với những cuộc sống tự do mà mình có thể làm chủ.
Từ những vở rối nước, ta thấy thêm yêu những con người Việt Nam hiền hòa, cần cù, chịu khó, không ngại khó khăn gian khổ và luôn ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mỗi vở rối nước cũng là cơ hội để tìm hiểu về những giá trị và lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Và sau những tràng pháo tay trầm trồ của khán giả, sau bức rèm kia, sau những người nghệ nhân đang trầm mình dưới nước ấy là biết bao khổ luyện, cay đắng.
Sự khổ luyện hình thành tài năng
Những nghệ sĩ luôn gìn giữ, trân trọng múa rối nước vì sự đam mê, tình yêu với nghệ thuật dân gian. Gọi múa rối nước là môn nghệ thuật của cuộc sống thường nhật, gắn múa rối nước với những ngôn từ giản dị nhất chẳng sai bởi múa rối nước vốn sinh ra từ sống, tồn tại trong đời sống con người Bắc Bộ suốt bao đời nay. Những người nghệ sĩ biểu diễn rối nước, gọi họ là nghệ nhân cũng được, có khi gọi họ là những người nông dân cũng đúng. Cứ bao nhiêu đời cứ tiếp diễn truyền nối cho nhau và phát huy nghề tổ thành thú chơi tao nhã.
Và sau những tràng pháo tay trầm trồ của khán giả, sau bức rèm kia, sau những người nghệ nhân đang trầm mình dưới nước ấy là biết bao khổ luyện, cay đắng.
Nếu diễn viên sân khấu, người nghệ sĩ có thể dùng hình thể của mình để làm nhân vật, nhưng với múa rối nước, họ phải học qua tất cả các bộ môn khác nhau như hát, múa, kịch,... bằng hình thể của mình. Sau đó với những tình cảm và kỹ năng đã tập luyện bằng cơ thể của mình, mình mới truyền tải sang nhân vật con rối. Có như vậy, nghệ sĩ mới thực sự thấu hiểu phần hồn của một vở diễn rối, để điều khiển… Vì vậy, diễn viên múa rối phải tập luyện với hơn 100% công suất để chạm đến trái tim của khán giả, để khiến khán giá cùng đồng điệu và cảm nhận nội dung vở diễn.
Không chỉ ý chí, múa rối nước cũng là bộ môn nghệ thuật thử thách sức khoẻ của người nghệ sĩ. Những con rối có sức nặng nhất định, hơn nữa trong môi trường dưới nước thì lực cản của nước cũng gây khó khăn cho việc điều khiển con rối. Vào mùa lạnh, nghệ nhân phải ngâm mình trong bể nước nhiều giờ liền. Hơn nữa, nước đạt tiêu chuẩn trong bể chứa không được ấm nóng, vì sẽ làm hơi nước bốc lên làm thân nhiệt nghệ sĩ tăng cao, còn có thể gây thiếu oxy.
Có những lúc nhiệt độ xuống thấp vài độ hay thậm chí âm độ trong các chuyến lưu diễn nước ngoài, người nghệ sĩ vẫn phải ngâm mình trong bể nước lạnh giá. Để khắc phục, họ sẽ dán miếng giữ nhiệt, mặc quần áo ngăn thấm nước và đi rất nhiều tất. Có khi lạnh quá, phải uống cả nước mắm để cho ấm người.
Tuy vậy, không thể tránh khỏi các sự cố, như là ào nước vào trong quần. Không thể bỏ tiết mục ở đó, họ vẫn tiếp tục hoàn thành công việc và chỉ ở phía sau tấm rèm, các nghệ sĩ sẽ tự biết với nhau.
Càng thử thách, càng đam mê
Tuy vậy, những người nghệ sĩ họ vẫn luôn tự hào khi được giới thiệu nét đẹp văn hoá đậm đà bản sắc Việt Nam, chỉ duy nhất Việt Nam mới có - đó là múa rối nước. Dù trong suốt chương trình, khán giả đều chẳng nhìn thấy gương mặt người nghệ sĩ, chỉ khi kết thúc chương trình, họ mới trở ra tấm rèm để chào khán giả. Nhưng vài phút giây ngắn ngủi ấy cũng đủ để trao gửi tình cảm của khán giả cho nghệ sĩ, và ngược lại.
Đó chính là động lực để những người yêu nghề múa rối theo đuổi đam mê và cống hiến hết mình để theo đuổi nghệ thuật múa rối. Chẳng dừng lại trên Thuỷ đình cổ kính của làng mình, họ đi biểu diễn khắp dọc dài đất nước, sang châu Âu, châu Á…
Là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống phản ánh đời sống tinh thần và bề dày lịch sử của nhân dân Việt Nam, múa rối nước chứa đựng những giá trị cao về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của dân tộc Việt.
Múa rối nước phản chiếu
đời sống tâm linh Việt Nam
Múa rối nước là bức tranh phản ánh đời sống tâm linh khi sử dụng những nhân vật linh thiêng luôn luôn đem lại bình an trong cuộc sống như long ly quy phượng, cô tiên, hay có các hoạt động cúng bái trong các vở diễn. Tâm linh là yếu tố gắn bó và là một phần trong cuộc sống con người dân tộc Việt Nam, khi những người nông dân luôn cầu mong những mùa màng tốt, những vụ bội thu, thể hiện những khát vọng và ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân vùng châu thổ sông Hồng. Bằng tư duy lãng mạn - dân gian, các nghệ nhân vẽ lên những thế giới hòa bình, tự do riêng cho những nhân vật, không có quyền lực của vua chúa, không có giáo huấn.
Đỉnh cao nghệ thuật thể hiện qua rối nước
Giá trị nghệ thuật của múa rối nước được khắc họa rõ nét qua bố cục, đường nét, màu sắc, âm thanh, nhịp điệu bằng những tác phẩm công phu, những con rối tinh xảo, kĩ năng điều khiển điêu luyện, sự kết hợp hài hòa giữa sân khấu nước, ánh sáng và âm nhạc… Múa rối nước là tổng hợp của các môn nghệ thuật sân khấu: hát chèo, kịch nói, kỹ năng rối,...
Trên sân khấu, quân rối - một tạo hình độc đáo - tái hiện những gì thường gặp nơi xóm làng, đồng ruộng. Ngôn ngữ trong rối nước không hề cao sang mà mang chất đời, có sử dụng tục ngữ, ca dao, dân ca, đôi khi kết hợp với văn học trong sự kết hợp của hành động như ca, múa, nhạc, diễn, hề…
Nghệ thuật của rối nước còn được thể hiện qua “bí truyền”, rằng múa rối nước chỉ học được qua sự hướng dẫn, truyền lại từ thế hệ trước tới thế hệ sau những giá trị quý báu, những kĩ thuật tinh tế mà không thể ghi chép lại trong sách vở. Chính vì vậy, mỗi địa phương lại có những dấu ấn riêng, kĩ thuật riêng, tạo nên sự đa dạng trong nghệ thuật rối nước. Đó là trí tuệ, sự thông minh và sức sáng tạo của con người Việt Nam.
Từ văn hóa dân gian tới văn hóa dân tộc
Trước đây múa rối nước chỉ là một trò chơi của nhân dân lao động, nông dân, để mua vui, rồi trở thành một nhóm người chơi tiến lên một phường, một gánh diễn và dần phát triển thành một nền văn hóa của con người Việt. Qua nhiều thế kỉ hình thành và phát triển, múa rối nước truyền thống trải qua những thăng trầm, lúc phát triển rực rỡ khi lại trầm lắng, rơi vào nguy cơ mai một, nhưng vẫn giữ được “linh hồn của đồng ruộng Việt Nam”. Có thể nói múa rối nước là một báu vật của dân tộc, thể hiện văn hóa truyền thống lâu đời của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng châu thổ sông Hồng, tái hiện sinh hoạt hay những cái rất đời thường hàng ngày, tái hiện hơi thở, cái hồn và ước mơ của người Việt, của làng quê Việt.
“Sứ giả văn hóa” được bạn bè quốc tế yêu mến
Bằng các câu chuyện vui nhộn và hấp dẫn phản chiếu cái đời và những khát vọng, mơ ước bình dị của người Việt, múa rối nước đã hoàn toàn chinh phục các vị khách nước ngoài. Nhiều du khách yêu thích loại hình nghệ thuật này tới mức họ tìm tới các phường nghề truyền thống để được tham gia trải nghiệm các công đoạn xây dựng lên một tác phẩm.
Múa rối nước Việt Nam cũng luôn được bạn bè quốc tế trân trọng, đón nhận và mời các nghệ nhân đi lưu diễn khắp năm châu. Có rất nhiều lời đánh giá cao dành cho rối nước Việt Nam: “Những con rối nước Việt Nam - những thiên thần của đồng ruộng Việt Nam lần đầu tiên rời bỏ sông Hồng tiến về sông Sen bắt Pari và cả thế giới hiểu rằng ngoài nền văn minh của mình còn nền văn minh khác nước…”, “Hãy đến xem múa rối để có dịp chiêm ngưỡng một kỳ quan nghìn tuổi. Đây mới là nghệ thuật dân gian đích thực…”.
Để đời sống của rối nước còn mãi
Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa giúp cho con người có thể tiếp cận và học hỏi được văn minh thế giới. Tuy nhiên, đứng trước xu hướng này, những văn hóa và giá trị truyền thống cũng gặp khó khăn trong việc được bảo tồn và duy trì. Là một loại hình nghệ thuật có một không hai trên thế giới với rất nhiều giá trị tốt đẹp của dân tộc, múa rối nước cần nhận được nhiều sự quan tâm và khai thác hơn đến từ người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ Việt.
Những người nghệ sĩ cũng cần truyền tải được chiều sâu của nghệ thuật tới lớp trẻ. Vì nghệ thuật truyền thống không chỉ mang giá trị giải trí, mà còn rất nhiều giá trị khác to lớn như giá trị văn hóa, lịch sử của một dân tộc. Từ đó, người trẻ có thể hiểu được rõ nét và khơi dậy niềm tự hào về dân tộc, có nhận thức sâu sắc hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống nói chung và múa rối nước nói riêng.
Thực hiện:
- Nội dung: Diện Đàm, Mai Anh, Thu Huyền, Diệu Linh
- Ảnh/ Video: Bảo Duy, Diện Đàm, Tiến Đạt, Hải Ngân, Đoàn Trang
- Thiết kế: Bảo Duy, Đào Linh
- Biên tập: Hào Nguyễn