Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Điểm nhấn vai trò kiến tạo không gian thị trường cho nông nghiệp
Vươn cao Việt Nam - Ngày đăng : 12:31, 17/01/2023
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Điểm nhấn vai trò kiến tạo không gian thị trường cho nông nghiệp
Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về những thành tựu đã đạt được của ngành nông nghiệp trong năm 2022 và kế hoạch phát triển một ngành nông nghiệp bền vững.
Năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục với 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Đặc biệt, thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp đạt trên 8,5 tỷ USD và chiếm tới gần 76% xuất siêu của cả nền kinh tế. Những con số này cho thấy rất rõ nét về vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về những thành tựu đã đạt được của ngành nông nghiệp trong năm 2022 và kế hoạch phát triển một ngành nông nghiệp bền vững.
Thành tựu không chỉ ở những con số
- Vượt qua rất nhiều biến động của thị trường thế giới trong năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã cán đích một cách ngoạn mục. Bộ trưởng có thể đánh giá như thế nào về kết quả này?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Có thể nói rằng dù rất nhiều khó khăn như dịch bệnh, đứt gãy nguồn cung, chi phí logistics, chi phí nguyên liệu của người làm nông nghiệp tăng cao... nhưng nhìn lại những gì đã đạt được của ngành nông nghiệp, của doanh nghiệp, của người nông dân năm 2022 là một thành quả rất đáng tự hào.
Tự hào không phải chỉ nằm ở những con số tăng trưởng mà còn là sự đánh giá rất cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp. Chính bối cảnh bất định, biến động phức tạp đã làm sâu sắc hơn vai trò là trụ đỡ của ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế mà còn đảm bảo những vấn đề xã hội, đặc biệt là an ninh lương thực.
Sức mạnh của ngành nông nghiệp không chỉ là giải quyết vấn đề tăng trưởng mà còn là sự đóng góp an sinh xã hội mang tính chất bao trùm cho hàng chục triệu người nông dân, cư dân ở nông thôn; hàng chục triệu người lao động ở khu vực nông nghiệp, khu vực dịch vụ... Điều này không được thể hiện qua những con số. Nếu chúng ta chỉ nói về những con số về tăng trưởng thì chúng ta sẽ không thấy được hết vai trò của ngành nông nghiệp đối với xã hội.
- Vậy thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá đâu là sự chuyển biến mạnh mẽ nhất của ngành nông nghiệp trong năm 2022?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trong năm 2022, chúng ta đã thấy rất rõ ràng sự chuyển đổi từ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội, người nông dân, vào các doanh nghiệp. Chúng ta thấy rằng không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp, lấy tiêu chí sản lượng để là mục tiêu phấn đấu nữa.
Trong năm 2022, rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học, rất nhiều hành động của các hiệp hội, ngành hàng và các tổ chức nông dân đã bắt đầu chuyển tư duy làm sao tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp theo xu thế kinh tế nông nghiệp.
Chính bối cảnh bất định, biến động phức tạp đã làm sâu sắc hơn vai trò là trụ đỡ của ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế mà còn đảm bảo những vấn đề xã hội, đặc biệt là an ninh lương thực.
Chúng ta đã nhận thấy ngày càng rõ hơn vai trò thị trường, nếu sản xuất mà không có thị trường thì mọi cái sản xuất chúng ta sẽ bị tắc nghẽn. Vai trò kiến tạo không gian để thị trường phát triển trong năm năm 2022 được thể hiện rõ ràng hơn.
Từ bỏ tư duy "buôn chuyến"
- Tư duy phát triển thị trường phát triển kinh tế nông nghiệp đã có những chuyển biến rõ nét trong năm 2022, Bộ trưởng đánh giá thế nào về xu hướng gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp hiện nay?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi nghĩ rằng đây sẽ là xu thế này không đảo ngược và không đảo ngược được trong thời gian tới. Bởi vì các doanh nghiệp đã hiểu được câu chuyện phải hướng đến những thị trường cấp cao hơn để tạo ra những giá trị cao, lợi nhuận cao hơn cho mình và thu nhập cao hơn cho những người nông dân.
Tư duy thị trường bắt đầu thay đổi. Nếu như ngày xưa là tư duy thật, tức là chúng ta làm ra những cái gì mình có thể làm thì giờ dây đã chuyển đổi sang tư duy thị trường là mình làm sản phẩm mà thị trường người ta yêu cầu. Chuyển từ cái mình bán cái mình có sang bán cái thị trường cần.
Những thông tin về doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu hay thị trường Nhật Bản là minh chứng rằng chúng ta đã thoát tư duy về sản lượng để hướng vào chất lượng, không chỉ vậy mà chúng ta hướng tới sản xuất theo từng yêu cầu của từng loại thị trường khác nhau như: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Hiện nay, nông dân đang dần ổn định từng vùng nguyên liệu, ví dụ tại An Giang đã có những doanh nghiệp như Lộc Trời, Tân Long đã định hình vùng nguyên liệu lúa cho từng thị trường, thì trường nào cần loại lúa gì, phẩm cấp ra sao… Sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân đang hình thành những vùng nguyên liệu ổn định lâu dài, bền vững.
Câu chuyện xuất khẩu gạo sang EU ở giai đoạn này quy mô chưa lớn, sản lượng chưa nhiều nhưng rõ ràng là tín hiệu cho thấy một khi thay đổi thì chúng ta sẽ tạo ra được giá trị gia tăng mới cao hơn. Doanh nghiệp sẽ dẫn dắt lại người trồng để đảm bảo được tiêu chuẩn ngay từ khâu chọn giống, ứng dụng các quy trình canh tác, chuẩn hóa từng chất lượng nông sản, trong đó có hạt gạo cho từng loại thị trường.
Cái được của ngành nông nghiệp là thoát ra “lời nguyền” nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ. Bây giờ không có khái niệm “mùa vụ” hay “thương vụ,” không nghĩ ngắn mà phải nghĩ đường dài, không nghĩ cho một bên mà phải nghĩ cho cả hai bên, cho cả doanh nghiệp và người nông dân.
Khi doanh nghiệp đã dần dần từ bỏ tư duy “buôn chuyến” sang tính chất thương vụ, định hình thị trường lâu dài thì chúng ta mới có thể liên kết với nông dân một cách ổn định, lâu dài. Tôi nghĩ đó là những cái được của ngành nông nghiệp khi thoát ra “lời nguyền” nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ. Bây giờ không có khái niệm “mùa vụ” hay “thương vụ,” không nghĩ ngắn mà phải nghĩ đường dài, không nghĩ cho một bên mà phải nghĩ cho cả hai bên, cho cả doanh nghiệp và người nông dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương trong thời gian qua cũng liên tục tổ chức nhiều diễn đàn để các doanh nghiệp thấy được mỗi loại thị trường có yêu cầu khác nhau. Chúng ta không thể “mặc đồng phục”, không đồng nhất các sản phẩm với nhau mà phải tạo ra nhiều phân khúc thị trường ở nước ngoài và kể cả thị trường trong nước.
- Bước sang năm 2023, Bộ trưởng có gửi gắm thông điệp gì tới doanh nghiệp, những người sản xuất nông nghiệp để có thể đạt được kết quả tốt hơn nữa, chuyển đổi ngành nông nghiệp hài hòa, bền vững, đa giá trị đúng như tinh thần của Nghị quyết 19?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Các chuyên gia quốc tế đã dự báo năm 2023 có thể còn khó khăn hơn nữa khi lạm phát toàn cầu bắt đầu thẩm thấu, lan tỏa đến các quốc gia có độ trễ lớn hơn. Khi nền kinh tế thế giới thay đổi thì chúng ta cũng cần phải có chiến lược để chủ động thích ứng.
Các quy chuẩn thị trường đang ngày càng khắt khe hơn. Ví dụ các chuẩn mực của thị trường EU hay là thị trường Mỹ, Nhật Bản… bắt đầu đã truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng khi tiếp cận những nông sản hay các sản phẩm nông nghiệp không chỉ bằng giá cả, bằng chất lượng mà còn bởi các quy trình canh tác có bị tác động tới môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học hay không, có gây ứng nhà kính, biến đổi khí hậu hay không, kể cả trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản…
Thẻ vàng IUU là một minh chứng về việc người tiêu dùng thủy hải sản không chỉ chú ý độ ngon của con tôm, con mực, cá ngừ, mà còn các vấn đề khác như các sản phẩm này được đánh bắt như thế nào, nó có vi phạm vấn đề luật pháp quốc tế đối với môi trường hay không....
Những sản phẩm nông nghiệp khác cũng vậy, người tiêu dùng cũng quan tâm sản phẩm có được trồng ở những khu vực tác động đến thiên nhiên hoặc trồng ở những vùng đất là các khu rừng bị tàn phá hay không? Đối với cà phê và hạt điều, người ta sẽ truy xuất nguồn gốc trồng ở đâu, nơi đó có phải do phá rừng để lấy tài nguyên đất đai để canh tác nông nghiệp hay không?
Tôi muốn nhấn mạnh rằng đó là những sức ép phải thay đổi trong thời gian tới. Nếu chúng ta chủ động thay đổi không chỉ đỡ rủi ro hơn mà còn là cơ hội để xây dựng hình ảnh của một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững.
Tại hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 là sẽ đạt mục tiêu “Net-Zero” (giảm phát thải ròng bằng 0). Việt Nam cũng cam kết là nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia vào hệ thống cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu. Những thông điệp này phải được chuyển hóa bằng những hành động cụ thể, bằng trách nhiệm, thực tiễn sản xuất của nông dân và doanh nghiệp.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng đó là những sức ép phải thay đổi trong thời gian tới. Nếu chúng ta chủ động thay đổi không chỉ đỡ rủi ro hơn mà còn là cơ hội để xây dựng hình ảnh của một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững.
Bên cạnh đó, năm 2023, chúng ta phải đi sâu vào kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn. Muốn vậy hình thái hoạt động của hợp tác xã phải khác đi, các sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), du lịch nông nghiệp cũng phải khác.
Hiện nay, việc làm ở nông thôn là vấn đề quan trọng mà việc sắp xếp lại sản xuất sẽ tạo ra rất nhiều việc làm cho nông thôn. Những con số tăng trưởng vừa qua chúng ta chưa đong đếm được bao nhiêu việc làm, tăng trưởng phải gắn với việc làm, vấn đề cốt lõi cuối cùng của tăng trưởng là việc làm.
Giải quyết được việc làm trong nông nghiệp hoặc chuyển qua công nghiệp-dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm bằng kinh tế nông nghiệp, kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn, những dịch vụ ở nông thôn.. là những vấn đề mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát nông nghiệp, nông thôn bền vững đang hướng tới.
-Xin cám ơn Bộ trưởng!
Tác giả: Hồng Kiều