Những nghề muôn năm cũ, tìm ở đâu bây giờ?
Cội nguồn là sức mạnh - Ngày đăng : 11:15, 19/01/2023
Trong dòng chảy của xã hội hiện đại, những câu hỏi muôn thuở về sự tồn vong của các giá trị xưa cũ lại được đem ra bàn luận. Văn hoá truyền thống được coi như mạch ngầm trong dòng chảy xuyên suốt của lịch sử dân tộc. Có người nói rằng nó không còn sức hấp dẫn, nhưng có người vẫn tin vào sức sống mãnh liệt của nó. Và đáng mừng thay, đó là những người trẻ với niềm say mê tìm về cội nguồn của văn hoá và nghệ thuật truyền thống. Đó là câu chuyện của những người đi rất xa để rồi nhận ra giá trị truyền thống đẹp đẽ và đáng quý đến nhường nào, là câu chuyện của những người nhìn vào lịch sử để tìm kiếm, phục dựng lại nét đẹp vàng son một thời đã từng biến mất. Với sự nỗ lực và sáng tạo của thế hệ trẻ ngày nay, có lẽ người Việt Nam sẽ không còn tiếc nuối mà cất lên lời nghi hoặc “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”
Tác giả trích dẫn
CHƯƠNG I
Trong suốt hành trình dài phát triển, áo ngũ thân lập lĩnh hiện nay đã trở thành trang phục truyền thống được yêu thích và chào đón trong cộng đồng giới trẻ. Từ các hội nhóm chỉ vài chục người cách đây vài năm, đến nay cộng đồng người Việt thích tìm hiểu về cổ phục tăng nhanh chóng. Và áo ngũ thân lập lĩnh - quốc phục của người Việt từ thời xưa đang có dấu hiệu trở lại và nóng hơn bao giờ hết.
Giản lược về áo ngũ thân lập lĩnh
Trong số những loại áo ngũ thân thời Nguyễn, ngũ thân lập lĩnh là mẫu áo truyền thống được nhiều người biết nhất hiện nay vì tính phổ biến và thông dụng của nó trong suốt thời đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. “Ngũ thân” ở đây tức chỉ 5 thân, còn “lập lĩnh” chỉ cổ đứng.
Vào thời điểm mới xuất hiện, áo ngũ thân đơn giản để chỉ chiếc áo được ghép từ năm mảnh vải và không có ý nghĩa quá đặc biệt. Mãi cho tới sau này, khi mẫu áo này đã trở thành trang phục truyền thống của cả một triều đại phong kiến, các nhà nghiên cứu đã đề ra những ý nghĩa riêng cho từ “ngũ thân” này. Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan, một người con của đất cố đô Huế, viết về áo ngũ thân thời Nguyễn: “Áo dài có ngũ thân (năm thân) tượng trưng cho phụ mẫu hai bên và chính người may áo. Năm hạt nút cài áo mang ý nghĩa ngũ thường, nhân – lễ - nghĩa – trí – tín, cho thấy người mang áo tôn trọng nghi lễ làm người trong xã hội”.
Kiểu áo này được chia làm hai loại chính: Ngũ thân tay chẽn và Ngũ thân tay thụng (áo tấc). Áo Tấc hay còn gọi là Áo ngũ thân lập lĩnh tay thụng (“tay thụng” nghĩa là ống tay rộng) là một loại lễ phục trang trọng thời Nguyễn, sử dụng trong các buổi lễ lạt ma chay và dành cho cả nam lẫn nữ. Áo ngũ thân tay chẽn về cơ bản giống với áo tấc, chỉ có điểm khác biệt duy nhất là ống tay áo nhỏ hơn, ôm vào tay và dài vừa tới cổ tay. Nếu Áo tấc tạo cảm giác trang trọng hơn, thì áo ngũ thân tay chẽn lại tiện lợi trong quá trình sử dụng. Vào thời Nguyễn, trong sinh hoạt hàng ngày, người dân thường mặc áo chẽn để thuận tiện làm việc. Áo ngũ thân tay chẽn có thể được coi là tiền thân của áo dài tân thời ngày nay.
Vì là một mẫu áo thường phục, dễ may, dễ mặc, và dành cho tất cả tầng lớp từ vua chúa, giới quý tộc và dân chúng, nên không có quá nhiều quy tắc cho người mặc khi sử dụng kiểu áo này. Vào thời Nguyễn, người dân thường mặc áo ngũ thân và đi chân đất, nhưng điều này không thực sự phụ thuộc vào phân chia giai cấp hay giàu nghèo mà chủ yếu vì tập tính, thói quen của người Việt ngàn đời qua. Còn nếu muốn phân biệt giai tầng khi mặc áo ngũ thân lập lĩnh, người ta nhìn vào chất liệu, hoa văn trên áo - những yếu tố thể hiện đẳng cấp. Quan lại thời xưa cũng thường sử dụng guốc gỗ hay dép da mũi cong để phối với áo ngũ thân, giúp cho người mặc không bị bắn nước vào chân mỗi khi đi đường.
Sự phát triển của áo ngũ thân lập lĩnh theo thời gian
Sự tỉ mỉ của người may áo ngũ thân
Cúc áo - tinh hoa của áo ngũ thân lập lĩnh
Bàn về cái hay, cái khéo của người thợ khi may áo, không thể không đề cập đến năm chiếc cúc của áo ngũ thân lập lĩnh. Anh Nguyễn Đức Huy, người nghiên cứu và phục dựng cổ phục Việt cho biết, một chiếc áo ngũ thân tinh tế và quý giá nhất là ở phần cúc áo. Thường những người thợ may đọ sự khéo léo ở phần cúc này. Bởi khi đơm cúc, phần dây làm tinh thì phải dùng chính vải của chiếc áo đó kết thành sợi dây mỏng, sau đó lộn dây để làm phần đính áo. Lộn được dây càng nhỏ thì chứng tỏ người thợ đó càng khéo và kỹ.
Ngoài ra, chiếc áo ngũ thân cũng trở nên đắt giá nếu cúc áo được chạm trổ. Người thợ may có thể chế tác cúc áo từ những chất liệu quý như vàng, bạc, ngà,.. và chạm trổ hoa văn trên đó, chiếc áo càng trở nên cao quý và tinh tế hơn cả.
Chất liệu vải nhuộm tự nhiên truyền thống
Mặc dù hiện nay nhiều thợ may sử dụng vải công nghiệp để có thể sản xuất hàng loạt những chiếc áo ngũ thân lập lĩnh, một số nghệ nhân lại lựa chọn cách làm cổ xưa - nhuộm vải bằng phương pháp tự nhiên. Đông Phong, thương hiệu thời trang nghiên cứu và may cổ phục Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20, với mong muốn phục dựng cổ phục truyền thống một cách sát sao nhất với lịch sử đã lựa chọn phương pháp nhuộm vải này.
Anh Đức Huy, nhà sáng lập Đông Phong, đồng thời cũng là người nghiên cứu, điều chế và nhuộm vải trong suốt 3 năm qua chia sẻ, về cách nhuộm, ban đầu anh phải lặn lội lên vùng cao học hỏi từ bà con dân tộc. Nhưng giờ đây, Đông Phong có thể tự tin điều chế được tất cả các màu cơ bản từ các cây cỏ trong tự nhiên hoặc các vị thuốc trong Đông y.
Vải sử dụng để nhuộm là các thước vải dệt thủ công, như vải tơ tằm, tơ sống, vải tơ đũi,... gần gũi với chất liệu vải ngày xưa. Màu sử dụng lấy từ nguyên liệu trong thiên nhiên, như màu tím có thể nhuộm từ rễ cây tử thảo, màu vàng từ cánh hoa hồng, màu xanh rêu từ cây chàm và lá bàng,...
Tuy nhiên, điều khó khăn của vải nhuộm tự nhiên nằm ở việc màu lên sau khi nhuộm có thể không giống nhau hoàn toàn. Vì vậy, người nghệ nhân cần phải có sự tính toán chu toàn và khéo léo ngay từ bước chọn vải, nhuộm vải. Như chất liệu vải tơ sống hoàn toàn đem lại cho áo cảm giác bền chắc, đứng dáng, vải tơ đũi thì nhẹ nhàng, linh hoạt, còn vải tơ thủ công sống thì có cả hai yếu tố trên: mềm mại, đứng dáng và để lại ánh sáng nhẹ khi đi dưới nắng. Còn khi nhuộm phải kiểm tra kỹ chất lượng của nguyên liệu, kỹ thuật nhuộm để vải lên đều màu. Thậm chí còn phải tính toán sao cho thước vải đủ dùng để có thể hoàn thành một bộ cổ phục hoàn chỉnh.
Tiềm năng phát triển của áo ngũ thân lập lĩnh trong giới trẻ
Khoảng ba, bốn năm trước, áo ngũ thân không được nhiều người quan tâm. Vào thời điểm ấy, chỉ còn lại một số nghệ nhân tiếp tục lưu giữ lại những kĩ thuật may của mẫu áo từng phổ biến nhất Việt Nam này. Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian ngắn, nhu cầu cổ phục nói chung và áo ngũ thân nói riêng ngày càng tăng lên, thậm chí hiện nay “vài tuần lại có thêm một nhà may mới xuất hiện”.
Có nhiều nguyên nhân cho hiện tượng này, song, lý do lớn nhất nằm ở xu hướng tìm về văn hóa truyền thống của giới trẻ. Khi một xã hội với nền kinh tế ổn định, vật chất đầy đủ, hẳn nhiên, con người sẽ hướng sự chú ý tới các giá trị nghệ thuật và tinh thần. Có thể nhận thấy rằng, chưa bao giờ người trẻ lại quan tâm và hứng thú với trang phục các triều đại phong kiến của Việt Nam hơn thế. Đặc biệt ở trong giai đoạn giao lưu và tiếp biến văn hóa như hiện nay, càng tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, người Việt càng có xu thế tìm lại bản sắc, tìm về những giá trị văn hóa để biết được “bản sắc cá nhân” của chính mình so với những người thuộc văn hóa khác.
Tìm về văn hóa truyền thống là một hướng đi tất yếu của lịch sử. Trong số các nước thuộc vùng văn hoá Á Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đi trước nước ta nhiều năm trong việc phục dựng cổ phục. Và ở tất cả các nước, người trẻ vẫn luôn là những người đi đầu trong việc tìm lại những giá trị văn hóa, bản sắc xưa. Vì vậy, có thể nói rằng, áo ngũ thân lập lĩnh là tấm áo tiên phong cho quy trình lan tỏa và duy trì văn hóa cổ phục. Đồng thời, nó cũng mở ra cơ hội để giới trẻ tiếp cận với cổ phục Việt trong các thời đại phong kiến Việt Nam.
Áo ngũ thân và Tết Nguyên Đán 2023
Các mẫu trang phục cổ, thuộc triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam như áo ngũ thân tay chẽn, áo tấc hay Nhật Bình ngày càng được nhiều người yêu thích. Họ khoác chúng lên mình với niềm tự hào dân tộc. Tết Nguyên Đán Quý Mão đang đến rất gần, áo ngũ thân - tiền thân của áo dài tân thời, trang phục phổ biến nhất triều Nguyễn - được giới trẻ ưa chuộng hơn cả.
Hiện nay, việc đặt may hay thuê các mẫu áo ngũ thân tay chẽn, tay thụng cũng phổ biến không kém áo dài. Để lý giải cho hiện tượng này, trước hết, áo ngũ thân là cổ phục có độ nhận diện cao với công chúng, đồng thời, mẫu áo này cũng phù hợp để mặc trong nhiều dịp khác nhau. Sự “sống dậy” của cổ phục đã kéo theo nhiều nhà may mới, giá của cổ phục nói chung và áo ngũ thân nói riêng có tính cạnh tranh và phù hợp với nhiều đối tượng hơn. Khi xét đến thiết kế, kiểu dáng, nếu so với áo dài hiện đại, áo ngũ thân giúp người mặc tự tin và che khuyết điểm cơ thể tốt. Như lời của GS.TS Thái Kim Lan, áo ngũ thân là một y phục chuẩn theo phong cách Việt và chúng đã tồn tại hơn 200 năm. Mẫu áo này được thiết kế phù hợp với vóng dáng cũng như tư thế sinh hoạt của người Việt.
Giới trẻ ngày càng quan tâm tới cổ phục, không khó hiểu khi đa số các thương hiệu áo ngũ thân hiện nay được sáng lập bởi những người rất trẻ. Một số nhà may đi theo lối nhuộm vải và chất liệu vải cổ xưa, bảo tồn, tuân thủ kiểu dáng nhằm phục dựng nguyên vẹn cổ phục. Đồng thời, nhiều nhà may khác lại lựa chọn con đường cách tân. Họ thổi vào các mẫu cổ phục một làn gió mới như nhiều gam màu pastel hiện đại hay chất liệu vải mềm mại hơn. Tuy nhiên, dù xuất hiện yếu tố cách tân, áo ngũ thân vẫn giữ vững được các đặc trưng cơ bản. Nhiều người thậm chí còn quyết liệt lên án, tẩy chay những nhà may thiếu kiến thức, cách tân tùy tiện và thay đổi kiểu dáng lộn xộn.
Sức sống của áo ngũ thân còn được thể hiện khi nam giới quyết định mặc chúng vào các dịp quan trọng. Sự hồi sinh của mẫu áo này thậm chí đã dẫn tới nhiều tranh luận liệu áo ngũ thân có thể thay thế lễ phục phương Tây như comple, vest trong các hoạt động ngoại giao hay không. Hình ảnh Đại sứ Lý Đức Trung mặc áo tấc - áo ngũ thân tay thụng - trình Quốc thư lên Tổng thống Israel được đánh giá là một phương pháp hay để quảng bá văn hóa, trang phục Việt Nam tới bạn bè quốc tế. So với áo dài, áo ngũ thân được nam giới ưa chuộng hơn bởi thiết kế với chiều rộng và chiều dài hợp lý, khắc phục nhược điểm trên cơ thể.
Áo ngũ thân tiếp tục được giới trẻ nói riêng và công chúng nói chung ưa chuộng trong Tết Nguyên Đán năm nay. Tuy vậy, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc có hay chăng hình ảnh cổ phục Việt bị tác động bởi các yếu tố nước ngoài, đặc biệt tới từ các nước thuộc vùng Văn hóa Á Đông như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc phối áo ngũ thân với phụ kiện gì, mặc như thế nào mới phù hợp với xã hội hiện đại vẫn là câu chuyện gây tranh cãi. Điều này được lí giải bởi sự đa dạng trong quan điểm thẩm mỹ tới từ người mặc, người chiêm ngưỡng hay thậm chí từ các nhà nghiên cứu về cổ phục Việt. Áo ngũ thân được phổ biến hàng trăm năm bởi chúng dễ may, dễ mặc và không có quy tắc tuyệt đối nào về thiết kế cũng như màu sắc. Chính bởi vậy, với mẫu cổ phục này, việc xu hướng, cách phối đồ nào sẽ “sống” tiếp trong tương lai phụ thuộc vào quan điểm thẩm mỹ của mỗi cá nhân, giới chuyên môn và thị trường.
CHƯƠNG II
Sơn mài hay còn gọi là sơn ta được biết đến từ xa xưa như một chất liệu phủ lên đồ vật làm tôn vẻ lộng lẫy, tạo nên độ bóng bề mặt, bảo vệ bề mặt để tăng độ bền đẹp cho các đồ bằng chất liệu gỗ, như các đồ thờ cúng, câu đối, hoành phi cho tới cái khay, cái tráp. Cho tới những năm đầu thập niên 1930, một số họa sĩ Việt Nam đã tìm tòi nghiên cứu để đưa ứng dụng sơn mài lên đỉnh cao nghệ thuật với những bức họa sơn mài nổi tiếng. Đó là câu chuyện của sơn mài, liệu, bây giờ, câu chuyện ấy có còn được kể, được nghe?
Câu chuyện về sơn mài
Hai dòng chảy song song của sơn mài Việt
Nghề sơn truyền thống
Nghệ thuật sơn mài Việt Nam với hơn hai nghìn năm tồn tại và phát triển đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Thời kỳ phong kiến sơn mài chủ yếu được sử dụng trong các công trình kiến trúc tôn giáo và cung đình như các cột kiến trúc, hoành phi, cửa võng, câu đối, khám vật linh, tứ linh, tứ quý, bát bửu, bát quái, kiệu, võng, long đình, tranh thờ, tranh trang trí...
Nghệ thuật sơn thếp thời kỳ này đã chuẩn hóa và đạt được những hiệu quả như là màu sắc lộng lẫy, trang nghiêm và sang trọng; những hiện vật có cốt khác nhau sau khi đã phủ sơn làm thay đổi một cách căn bản hình thức bên ngoài, tạo ra sự liền khối, và đa dạng với mọi kích thước khác nhau và đặc biệt là do đặc tính lý, hóa học, sơn đã góp phần hạn chế đến mức cao nhất sự phá hoại của côn trùng, mối mọt và điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên. Đồ sơn không chỉ dễ bảo quản mà còn dễ sửa chữa, dễ gắn, dễ chắp vá khi bị sứt mẻ hoặc gãy vỡ.
Nghề sơn cổ truyền Việt Nam đã để lại một khối lượng độ sộ di sản mỹ thuật, góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam. Ngày nay, nghề sơn tuy vẫn góp phần trùng tu lại các công trình kiến trúc tôn giáo nhưng đây không còn là mảnh đất màu mỡ cho nghề sơn phát triển nữa.
Hiện vật sơn son thiếp vàng trưng bày tại triển lãm chuyên đề “Nét vàng son- Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng”
Đồ sơn ngày nay kết hợp với kỹ thuật mài thực sự là một trong những mặt hàng thương mại có giá trị. Nghề sơn phát triển theo hướng này có nhiều triển vọng phát triển về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho những lao động ở các làng nghề.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay ở Việt Nam, nghề sơn mài truyền thống cùng với các ngành nghề thủ công mỹ nghệ khác đang đóng một vai trò hết sức quan trọng. Đó là việc tạo ra số lượng sản phẩm khá lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng và đặc biệt là cung cấp sản phẩm cho xuất khẩu đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Mảng sơn mài hội họa
Tranh sơn mài Việt Nam là sự kế thừa nghệ thuật sơn ta cổ truyền kết hợp với yếu tố tạo hình hiện đại châu Âu. Ở thời kỳ đầu này các họa sĩ đã mày mò, thử nghiệm để tìm cách đưa một chất liệu thuần trang trí với một bảng màu chỉ gồm ba màu cơ bản lên thành một chất liệu hội họa ngang tầm sơn dầu với một bảng màu phong phú.
Vào thời điểm hiện tại, các họa sĩ trẻ nếu không tìm hiểu sẽ rất ngạc nhiên tại sao việc thêm màu vào bảng màu sơn mài lại khó khăn đến vậy, bởi bây giờ họ chỉ việc ra cửa hàng chuyên bán đồ vẽ sơn mài người ta sẽ bán cho thứ bột màu Nhật chuyên vẽ sơn mài. Nhưng trước đây, để có được những màu sơn đó, người họa sĩ phải kỳ công pha, trộn cực kỳ vất vả. Chính vì những lý do đó mà việc đưa sơn ta thành chất liệu hội họa cả một việc mạo hiểm vào thời điểm đó.
Nhưng, bằng niềm say mê sáng tạo cùng đôi bàn tay tài hoa, các họa sĩ Việt Nam đã thành công trong việc biến chất liệu sơn ta vốn chỉ để trang trí và tăng độ bền cho vật dụng trở thành một chất liệu của hội họa.
Nguyên liệu làm tranh sơn mài
Hiện tại các họa sĩ sơn mài Việt Nam lại đứng trước một thách thức mới, phát triển nghệ thuật sơn mài của mình như thế nào để không bị lạc hậu, nhàm chán. Đã có nhiều con đường mới được lựa chọn, khai phá. Sáng tạo nghệ thuật là không có giới hạn và dường như ranh giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật cũng thật mong manh.
Nghệ thuật sơn mài là một nét riêng độc đáo, đầy bản sắc của mỹ thuật Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Sự phong phú các loại hình sơn mài ngày nay thể hiện nhu cầu tất yếu trong xã hội với nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập. Đồng hành với sự phát triển phong phú của các thể loại sơn mài này là những những biến đổi nhanh chóng về kỹ thuật, chất liệu của nghệ thuật sơn mài Việt Nam
Người trẻ - họ đang làm gì để giữ mãi được nét hội họa độc đáo này?
Với những đổi thay theo dòng lịch sử như thế, lớp người theo đuổi thứ “nghệ thuật đắt đỏ” này cũng dần thay đổi. Từ loại hình chỉ được thấy trong những làng nghề truyền thống, làng nghề thủ công mỹ nghệ, sơn mài dần được đón nhận bởi nhiều tầng lớp, ngành nghề khác nhau hơn. Nếu trước kia người ta hay quen thuộc với hình ảnh những người họa sĩ già, râu tóc bạc phơ, cặm cụi mài cả ngày trời bên những bức tranh, thì giờ đây, đã có thêm nhiều người trẻ tiếp thu và phát triển loại hình nghệ thuật này.
Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về sơn mài, họa sĩ Nguyễn Đình Văn có cơ hội được tiếp xúc với sơn mài từ sớm và quyết định gắn bó với loại hình này tới nay đã hơn 10 năm. Từ một cậu nhóc trưởng thành trong cái nôi của sơn mài - làng nghề Hạ Thái, cho tới nay là một thanh niên trưởng thành, niềm đam mê với bộ môn này vẫn được anh Văn giữ gìn và ngày một phát triển.
Qua quá trình được sống, được nhìn từ thời ông bà, cha mẹ rồi tới khi chính bản thân làm sơn mài, với anh Văn “công nghệ” có lẽ là điều đổi khác nhất khi làm sơn mài.
Nếu như trước kia, các nghệ nhân sơn mài phải hoàn thiện sản phẩm hoàn toàn thủ công, bằng chính đôi tay của mình thì hiện tại, các loại máy móc như máy đánh sơn, máy đánh bóng đã hỗ trợ phần nào trong quá trình này. Ngoài ra, việc công nghệ phát triển cũng giúp các nghệ nhân cập nhật thông tin, tham khảo từ các nước láng giềng như Myanmar, Trung Quốc hay Nhật Bản về nghệ thuật sơn mài. Điều này khiến cho sơn mài Việt Nam nằm trong dòng chảy chung của thế giới, góp phần đưa sơn mài trở nên phong phú và thú vị hơn với nhiều người trẻ. Việc áp dụng công nghệ vào một nghề truyền thống như sơn mài cho thấy nỗ lực duy trì, cải tiến và phát triển sơn mài trong xã hội hiện đại. Sự thích nghi sử dụng công nghệ giúp cho sơn mài hội nhập hơn, mới mẻ và năng động hơn.
Khi được hỏi về sự phát triển của sơn mài tại Việt Nam, anh Văn cho rằng: “Nói về thời điểm hiện tại thì sơn mài đang phát triển rất là tốt. Cách đây khoảng độ chục năm, có thể là ít người biết nhưng đến hiện tại thì đã nhiều người biết đến, đặc biệt tại Việt Nam, nhiều họa sĩ đã chuyển sang sử dụng chất liệu truyền thống này để vẽ tranh. Bởi vì tranh sơn mài vừa có giá trị truyền thống, vừa lâu bền với thời gian, và vẻ đẹp của nó rất đặc trưng Việt Nam”.
Chính vì thế, ngày nay chúng ta có thể thấy những bức tranh sơn mài trở thành món quà ý nghĩa trong các dịp lễ tết hoặc là tranh trang trí cho các ngôi nhà tại Việt Nam. Sự phổ biến ngày một tăng của tranh sơn mài là một minh chứng cho sức hấp dẫn và vẻ đẹp của giá trị truyền thống. Trong xã hội hiện đại, tranh sơn mài không bị lu mờ trước những hào nhoáng của muôn vàn thứ mới mẻ, ngược lại, nó càng được nhiều người yêu thích hơn bởi nét truyền thống, nét Việt Nam không thể nhầm lẫn.
Tuy nhiên, với những nghệ nhân tranh sơn mài như anh Văn thì việc trăn trở làm sao để sơn mài ngày càng phát triển, không bị bó hẹp trong một nhóm người nhất định luôn tồn tại. Anh Văn hi vọng, các hoạt động truyền thông sẽ mang những nét đặc biệt của sơn ta đến với công chúng rộng rãi hơn, để chất liệu độc đáo này sẽ không bị mai một.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng của các tác phẩm, gắn nó với nguồn cảm hứng trực tiếp từ cuộc sống hiện tại sẽ đem lại cho sơn mài sự gần gũi, tính cập nhật, từ đó thu hút được sự quan tâm của những người thuộc thế hệ này. Ví dụ, sơn mài không chỉ là các bức tranh, nó thể hiện tính ứng dụng cao của mình trong các sản phẩm của đời sống hằng ngày như các loại hộp, tủ, lọ hoa, ốp điện thoại. Việc khoác lên các nghệ thuật truyền thống một lớp áo hiện đại mà không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống cốt yếu là một cách khéo léo để chúng có sức sống trường tồn và ngày một phát triển.
Có thể nói, người trẻ chưa bao giờ quay lưng lại với loại hình nghệ thuật truyền thống. Với họ, ngọn lửa của nghệ thuật truyền thống luôn âm ỉ trong máu, và một khi được khơi thông sẽ lại chảy không ngừng.
CHƯƠNG III
“Ngàn năm sót lại một người,
Ngồi trên chiếu rách viết lời vàng son”
Hai câu thơ trên không rõ người viết, nhưng đọc xong nhất thời hiện lên hình ảnh những nhà Nho mạt vận đầu thế kỷ 20 ngồi bên hè phố bán chữ. Phải nói đây là một hình ảnh buồn của một giai đoạn lịch sử khi những nhà Nho học từng được trọng vọng sinh vào thế kỷ Nho học suy tàn phải đem bán chữ nghĩa thánh hiền cho công cuộc mưu sinh, khi một môn nghệ thuật hàn lâm là thư pháp mất đi ánh hào quang. Tuy nhiên, dù chỉ còn là chút tàn dư của một nét văn hóa đẹp trong quá khứ, nó lại khiến hậu thế day dứt và cảm khái. Nhiều người trẻ có chăng chính vì thế mà muốn tìm về quá khứ, khai quật những lớp trầm tích của nghệ thuật thư pháp Việt Nam để viết tiếp lịch sử của bộ môn này sau những năm dài đứt đoạn.
Một lịch sử thăng trầm của thư pháp
Thư pháp (cách gọi tại Trung Quốc và Việt Nam) hay còn là Thư đạo (Nhật Bản) và Thư nghệ (Hàn Quốc) là một bộ môn nghệ thuật có khả năng đại diện cho nền văn hóa Á Đông vì nó gắn với Hán tự - đối với Trung Quốc, Việt Nam có Hán Nôm, Nhật Bản có Hiragana và Katakana, Triều Tiên và Hàn Quốc có Hangul. Bản chất của nghệ thuật thư pháp là chỉ tới thư pháp chữ Hán cho dù sau này có xuất hiện thêm một thứ gọi là thư pháp chữ Việt (thư pháp chữ Quốc ngữ).
Đây là một môn nghệ thuật phái sinh từ văn tự. Do đó, sự xuất hiện của thư pháp gắn liền với sự ra đời của chữ viết, đặc biệt là chữ Hán đối với thư pháp Á Đông.
Dân gian hóa nghệ thuật thư pháp tại Việt Nam
Thư pháp là một bộ môn nghệ thuật hàn lâm. Điều này thể hiện ở chủ thể viết thư pháp và thưởng thức thư pháp - trong xã hội cũ đều là bậc vua chúa, quan lại, văn nhân. Lý do xuất phát từ việc thư pháp yêu cầu cao về mặt chữ nghĩa, mà trong xã hội xưa chỉ có tầng lớp tinh anh thông thạo văn tự. Bên cạnh đó còn cần thời gian để học hỏi và trau dồi, cần vốn sống và nền tảng văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, xã hội rộng lớn. Do đó, để việc viết chữ được nâng lên thành một bộ môn nghệ thuật yêu cầu rất nhiều yếu tố khắt khe và cầu kỳ.
Điều làm một chữ viết bình thường khác với một tác phẩm thư pháp nằm ở “kĩ pháp” và “tâm pháp”. “Kĩ pháp” có thể chỉ đến kỹ thuật dùng mực, dụng bút, cách viết ra sao để các nét có thể liên kết với nhau theo một tiêu chuẩn nghiêm ngặt đã được đặt ra từ hàng ngàn năm trước. Về mặt kĩ thuật, những người luyện thư pháp phải luyện tập chăm chỉ và tỉ mỉ từng nét, từng chữ mới có thể kế thừa được chữ cổ nhân. Tuy nhiên, thư pháp còn cần cả “tâm pháp” - nghĩa là nội tâm người sáng tác. Mỗi tác phẩm phải thể hiện suy tư, phong cách của thư gia qua cách lựa chọn kĩ pháp. Học thư pháp cốt chú ý tới việc lấy ý, còn hình dáng lề lối chỉ là một phần bên ngoài, tuyệt nhiên không phải điều cốt tủy.
Với một bộ môn nghệ thuật mang đậm tính bác học như thư pháp, sẽ rất khó để đa số dân chúng có thể tiếp cận. Tuy nhiên, hiện tượng dân gian hóa thư pháp tại Việt Nam đã khiến cho thư pháp đến gần hơn với đời sống thường dân, thậm chí được coi là một thứ nghệ thuật thị dân.
Theo giảng sư thư pháp, nghiên cứu sinh Lê Huy Hoàng, dân gian hóa thư pháp là hiện tượng không chỉ xảy ra tại Việt Nam. Vào thời kỳ cuối nhà Minh - đầu nhà Thanh, con người đã có thể sản xuất được giấy lớn và sử dụng phổ biến, lại thêm nhu cầu dán câu đối trở nên thịnh hành, dẫn tới việc hình thành nên nhu cầu mua chữ. Dân chúng cần người biết viết chữ để phục vụ những nhu cầu như viết câu đối Tết, viết chữ cho thờ cúng. Điều này sẽ tự động hình thành tầng lớp viết chữ, bán chữ, cho chữ và tầng lớp này thường thì không phải văn nhân. Họ cho rằng đó không phải cách cư xử đúng đắn với chữ thánh hiền. Vì thế sẽ có một nhóm mà phần luyện tập thư pháp của họ kém bài bản nhưng đáp ứng được nhu cầu dân gian. Đồng thời, giấy mực cũng rẻ đi tạo điều kiện thuận lợi cho thú chơi chữ của tầng lớp thị dân. Qua đó hình thành quá trình tạm gọi là “dân gian hóa thư pháp”.
Ở Việt Nam cũng tương tự, đầu thế kỷ 20 thường xuất hiện hình ảnh các ông khóa ngồi ngoài chợ bán câu đối hoặc bán chữ phục vụ người dân dịp Tết. Việc dân gian hóa sẽ làm cho chất lượng chung giảm sút dần và làm mọi người không hiểu đúng về chức năng của thư pháp - nhiều người hiểu thư pháp là việc ông đồ cho chữ, viết chữ đầu xuân. Nhưng đó chỉ là một biểu hiện của dân gian hóa thư pháp.
Dựa trên tư liệu lịch sử thì “ông đồ” không hẳn gắn với “thư pháp”, bản chất vai trò của ông đồ cũng không phải là cho chữ đầu xuân. "Đồ" là "sinh đồ", sau gọi là tú tài. Xưa có thi hương (thi ở địa phương), thi hội (thi vòng 1 trên kinh thành), thi đình (thi vòng "chung kết"). Thi Hương chia làm 4 kì, đỗ 3 kì đầu thì gọi là Tú Tài, hay trước nữa gọi là Sinh Đồ, tục gọi là ông Tú, ông Đồ. Qua đủ 4 kì thì mới gọi là Cử Nhân. Thường thì "ông đồ" không được bổ nhiệm chức quan, nên cứ cố thi mãi hòng được cái cử nhân. Không được thì về quê làm việc sổ sách hoặc dạy trẻ học chữ. Đến khi thất thế thì ra vỉa hè viết chữ như trong thơ cụ Vũ Đình Liên, còn bậc túc nho không ai muốn phải như vậy cả.
Giờ thì viết chữ bán cho người dân cũng là chuyện thường, không phải quá khắt khe chuyện "thánh hiền" nữa, nhưng người viết chữ cũng không phải là "ông đồ" theo như nghĩa bên trên, có thể tạm coi như "ông đồ" được hiểu theo nghĩa mới. Ông đồ ngày nay gắn với tục cho chữ đầu xuân. Mặc dù nghề cho chữ không phải nghệ thuật thư pháp đích thực, nhưng phong tục cho chữ, xin chữ đầu xuân đã trở thành một thông lệ trong nếp sống người Việt. Như đã đề cập, việc dân gian hóa thư pháp có thể dẫn tới những giá trị đích thực của nghệ thuật này bị hiểu sai trong bối cảnh vàng thau lẫn lộn nhưng ít nhất, nó vẫn đem lại lợi ích trên phương diện phổ biến. Chừng nào mọi người còn thấy hình ảnh ông đồ, còn đi xin chữ thì chừng đó thư pháp vẫn được nhớ đến, được trân trọng. Nghệ thuật thư pháp sẽ không bị lãng quên và những người yêu thích thư pháp thực sự sẽ tìm hiểu, nghiên cứu thêm về nó.
Thầy đồ thời nay
Từ
"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua..."
cho đến
"Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ."
Những vần thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên đã phần nào gói trọn được hình ảnh thầy đồ từ quá khứ đến hiện tại. Mỗi dịp Tết đến xuân về, bên cạnh nồi bánh chưng xanh, phong bao lì xì, hình ảnh xin chữ của ông đồ già đã bay bổng từ những trang sách giáo khoa đến cả ký ức của mỗi tâm hồn Việt Nam.
Xin chữ ông đồ ngày Tết luôn được người Việt Nam ta coi là một trong những nét đẹp văn hóa lâu đời. Dân ta quan niệm, năm mới là dịp để khởi đầu vạn sự, bởi vậy, phong tục xin chữ là hiện thân của mong muốn một năm mới bình an, tài lộc, phát tài, phát đạt. Lật lại những trang sử xưa cũ, ta thấy dân ta vốn coi trọng con chữ, ông đồ cho chữ cũng từ đó mà trở thành một “nghề” được quý trọng nhất nhì trong xã hội lúc bấy giờ. Thật vậy, người xin chữ từ những thời xa xưa luôn phải là người có cái “tâm” nghiêm chỉnh, trân quý tri thức. Người ta xin chữ ông đồ túc nho về, trang trọng treo lên những nơi uy nghiêm như phòng khách, bàn thờ,...
Đã có thời tưởng chừng như cả xã hội phải thốt lên “hồn ở đâu bây giờ”, bởi hình bóng “ông đồ già” đã ngày càng bị mai một. Từ những ngày tháng chữ Nôm không còn được công nhận rộng rãi, cho đến những tháng ngày văn hóa phương Tây cứ “thấm” vào văn hóa ta, thầy đồ đã dần trở thành một mảnh ký ức.
Song, những năm trở lại đây, mỗi dịp tết đến xuân về, thầy đồ không còn chỉ gói gọn trong kí ức, hình ảnh đẹp đẽ ấy đã ngày càng hiện rõ hơn, với một hơi thở hiện đại hơn bất cứ thời kỳ nào.
Không chỉ “ông đồ già” với mái tóc hoa râm, nhiều thầy đồ còn đang trong độ tuổi 30 hay 40 cũng đã bắt đầu phổ biến hơn. Không chỉ “các cụ” đi xin chữ ông đồ, nhiều bạn trẻ Gen Z với những gương mặt tươi trẻ đã và đang lặp lại phong tục rất đẹp đẽ này của Việt Nam trong những năm gần đây.
Người trẻ và thư pháp Việt
Thế hệ trẻ là thế hệ luôn tò mò, hứng thú tìm hiểu những điều mới lạ. Đặc biệt, với thế hệ được lớn lên trong thời kỳ hòa bình hiện nay, điều kiện vật chất và khoa học kỹ thuật có phần dư dả hơn thế hệ trước khiến cho thế hệ này quan tâm nhiều hơn tới các giá trị tinh thần, văn hóa, lịch sử. Do đó, tương lai của thư pháp hoàn toàn có thể nhìn với một đôi mắt lạc quan hơn. Bản thân những người trẻ với niềm đam mê những giá trị xưa cũ đã bắt đầu phục dựng lại nghệ thuật thư pháp tại Việt Nam cách đây khoảng 20 năm về trước. Tuy nhiên, bộ môn nghệ thuật này tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều không gian phát triển và những chỗ trống về hệ thống lý luận, thực hành, các tác phẩm cần được bổ sung bởi các thế hệ tiếp theo.
Trả lời cho câu hỏi về tương lai của thư pháp, thầy Lê Huy Hoàng cũng cho biết: “Trên thế giới có rất nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống mà nó vẫn tồn tại - hội họa, nhạc cổ điển. Có thể những nghệ thuật mới, trẻ trung hơn lấn át nghệ thuật truyền thống. Nó không trở thành trào lưu chính trong nghệ thuật đại chúng nhưng khi nó có đủ sự tích lũy và bề dày thì nó sẽ không mất đi”.
Thế hệ trẻ là thế hệ luôn tò mò, hứng thú tìm hiểu những điều mới lạ. Đặc biệt, với thế hệ được lớn lên trong thời kỳ hòa bình hiện nay, điều kiện vật chất và khoa học kỹ thuật có phần dư dả hơn thế hệ trước khiến cho thế hệ này quan tâm nhiều hơn tới các giá trị tinh thần, văn hóa, lịch sử. Do đó, tương lai của thư pháp hoàn toàn có thể nhìn với một đôi mắt lạc quan hơn. Bản thân những người trẻ với niềm đam mê những giá trị xưa cũ đã bắt đầu phục dựng lại nghệ thuật thư pháp tại Việt Nam cách đây khoảng 20 năm về trước. Tuy nhiên, bộ môn nghệ thuật này tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều không gian phát triển và những chỗ trống về hệ thống lý luận, thực hành, các tác phẩm cần được bổ sung bởi các thế hệ tiếp theo.
Điều đặc biệt là trong những năm gần đây, các cuộc triển lãm thư pháp, thư họa được tổ chức bắt đầu nhiều lên và hướng tới chất lượng tác phẩm đã thu hút được sự quan tâm tìm hiểu của rất nhiều người trẻ. Với tinh thần say mê này của thế hệ trẻ, những bậc cha chú đi trước sẽ cảm thấy đúng đắn và tự hào khi đã lưu giữ, truyền lại nghệ thuật thư pháp cho các thế hệ sau của đất nước.
Lịch sử thư pháp Việt Nam đã trải qua những năm thăng trầm, cả những năm vắng bóng khỏi mạch nguồn văn hóa, xã hội nhưng giờ đây, nghệ thuật thư pháp đã và đang bắt đầu trở lại, được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện trong tay các thế hệ tiếp theo
Hết
Thực hiện:
Nội dung: Thu Hằng, Khánh Huyền, Hồng Ngọc, Vy Ninh, Phương Thảo, Mai Trang.
Ảnh/Video: Hồng An, Xuân Anh
Thiết kế: Hồng An, Xuân Anh
Biên tập: Hào Nguyễn