Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Linh hoạt khi thực hiện chính sách và quyết liệt trong chuyển đổi số
Tết thời Chuyển đối số - Ngày đăng : 13:21, 19/01/2023
Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Linh hoạt khi thực hiện chính sách và quyết liệt trong chuyển đổi số
Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Linh hoạt khi thực hiện chính sách và quyết liệt trong chuyển đổi số
Năm 2022, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam thực thi nhiệm vụ trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Song với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều thành tích quan trọng, ngành bảo hiểm xã hội đã được người dân, doanh nghiệp ngày càng tin tưởng, hài lòng, đánh giá cao.
Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về những kết quả của ngành bảo hiểm xã hội trong năm 2022.
Vượt khó hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng
- Xin ông cho biết những khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mà ngành bảo hiểm xã hội đã phải vượt qua trong năm 2022?
Ông Nguyễn Thế Mạnh: Năm 2022 là một năm có nhiều biến động, khó khăn với ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi lĩnh vực an sinh xã hội có nhiều thay đổi về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất hằng tháng đã tăng từ 154.000 đồng lên 330.000 đồng từ ngày 01/01/2022, do mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng/tháng theo quy định của Nghị định số 07/2021/NĐ-CP.
Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 353/2022/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2022 có khoảng 4,9 triệu người trên toàn quốc không còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu… và những thay đổi về chính sách đã tác động rất lớn tới công tác mở rộng diện bao phủ của ngành trong năm 2022.
- Ngành bảo hiểm xã hội đã triển khai các giải pháp gì để vượt qua một năm khó khăn chồng chất, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Mạnh: Trước tình hình đó, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã luôn chủ động, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương linh hoạt triển khai nhiều giải pháp như: Tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Một trong những hoạt động rất hiệu quả của ngành bảo hiểm xã hội trong năm 2022 là việc huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn.
Sự quyết liệt, linh hoạt trong triển khai các chính sách chính là dấu ấn rõ nét ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành, nhờ đó mà ngành bảo hiểm xã hội đã vượt khó hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng.
Trong năm 2022, diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được mở rộng và vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với khoảng 91,1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021 và là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế-xã hội được Quốc hội, Chính phủ giao hoàn thành vượt kế hoạch.
Khoảng 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng14,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng đồng nghĩa lưới an sinh xã hội được mở rộng, có thêm hàng chục triệu lượt người được thụ hưởng chế độ. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao năm 2022 mà còn tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lộ trình đến năm 2025 theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng.
- Bên cạnh việc phát triển đối tượng, việc chi trả kịp thời, đầy đủ, đảo bảo quyền lợi người tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng là vấn đề được đông đảo người lao động quan tâm, xin ông cho biết kết quả thực hiện nhiệm vụ này của ngành trong năm 2022?
Ông Nguyễn Thế Mạnh: Trong năm 2022, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tăng cường sử dụng các dịch vụ công, rút ngắn thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ, đẩy mạnh chi trả các chế độ qua tài khoản ngân hàng… đảm bảo quyền lợi cho người tham gia được đúng-đủ-kịp thời.
Năm 2022, toàn ngành đã giải quyết hơn 95.000 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; đảm bảo chi trả kịp thời, an toàn cho hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; chi trả hơn 10,9 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; gần 1 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp…; 151,4 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú.
Đáng chú ý, năm 2022 có khoảng 61% số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1813 của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã chi trả nhanh - chính xác - an toàn các khoản trợ cấp từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến tận tay người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Tính đến hết ngày 31/12/2022, toàn ngành đã triển khai hỗ trợ và giảm mức đóng từ các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ đạt trên 47.200 tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ COVID-19 của Chính phủ. Trong đó, có 99,3% người lao động trong tổng số trên 13 triệu người lao động được hưởng gói hỗ trợ bằng tiền mặt từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng.
Với quan điểm xuyên suốt "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ" ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn nỗ lực đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng. Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vai trò trụ cột của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội tiếp tục được phát huy, góp phần tích cực ổn định đời sống cho người lao động, tạo thêm niềm tin vững chắc vào các chính sách an sinh xã hội giàu tính nhân văn của Đảng và Nhà nước.
Hình thành hệ sinh thái bảo hiểm xã hội 4.0
- Với vai trò là cơ quan đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, xin ông cho biết thêm về những nỗ lực thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện của ngành bảo hiểm xã hội trong năm 2022?
Ông Nguyễn Thế Mạnh: Nắm bắt xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và định hướng, chiến lược chuyển đổi số Quốc gia, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trong năm qua, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ, thống nhất hệ thống công nghệ thông của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao; đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp toàn diện hơn.
Chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội mà cụ thể là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã thúc đẩy hiện đại hóa ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam và góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Đây là cơ sở dữ liệu quốc gia lưu trữ thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thông tin về y tế, an sinh xã hội.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam được Chính phủ giao là cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đến nay, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý dữ liệu của trên 98,7 triệu dân và hộ gia đình (trong đó có 90,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, 15,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 4,9 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp); kết nối trực tuyến với hơn 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, xử lý và tiếp nhận gần 300 triệu lượt hồ sơ trực tuyến hằng năm (trong đó, trung bình mỗi năm có khoảng 170 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế).
Toàn bộ dữ liệu và ứng dụng nêu trên được quản lý và lưu trữ tập trung, liên thông, thống nhất tại trung tâm dữ liệu chính và trung tâm dữ liệu dự phòng. Như vậy, có thể nói cơ sở dữ liệu về bảo hiểm và tương tác của cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam với người dân có sự lan tỏa, ảnh hưởng rất lớn.
- Có thể thấy từ nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm cơ quan bảo hiểm xã hội đang chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, quá trình này đóng góp vào việc xây dựng "hệ sinh thái bảo hiểm xã hội 4.0" như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Mạnh: Để "hệ sinh thái bảo hiểm xã hội 4.0" ngày càng hoàn thiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã vào cuộc quyết liệt trong việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số.
Đến hết tháng 12/2022, hệ thống đã xác thực trên 71,2 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ gần 62,3 triệu lượt thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cả nước đã có trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (chiếm 93,8% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế).
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang phối hợp với Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chip và trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm hạn chế và ngăn chặn trục lợi trong đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành; tích hợp, cung cấp 20 dịch vụ công thuộc 14 thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 7 dịch vụ công trên ứng dụng VssID. Tất cả các thủ tục hành chính của ngành đều được thực hiện trên không gian mạng.
Trong thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng với các địa phương đã tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt, triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để từng bước hoàn thiện "hệ sinh thái Bảo hiểm xã hội 4.0".
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Công tác cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy được Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai hiệu quả, đã giảm từ 114 thủ tục, với 335 giờ thực hiện (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục với số giờ thực hiện chỉ còn trên 100 giờ.
Bảo hiểm xã hội đã đẩy mạnh giao dịch điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, 100% dịch vụ công của ngành được thực hiện ở mức độ 4; người dân có thể tương tác với cơ quan bảo hiểm xã hội ở nhiều kênh khác nhau như: Tổng đài hỗ trợ, Cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội của Ngành… Trong năm đã có khoảng 18,3 triệu lượt người tương tác, tiếp cận với các thông tin về chính sách./.
Tác giả trích dẫn