Về xứ Kinh Bắc nghe câu dân ca quan họ, nghe lời hát giao duyên

Mega Story - Ngày đăng : 09:16, 30/01/2023

Sự thiết tha, đằm thắm, tinh tế, nghĩa tình hầu như đã hội tụ đầy đủ trong những làn điệu dân ca quan họ của trấn Kinh Bắc xưa.
Mega Story

Về xứ Kinh Bắc nghe câu dân ca quan họ, nghe lời hát trao duyên

{Tên tác giả} 30/01/2023 09:16

Sự thiết tha, đằm thắm, tinh tế, nghĩa tình hầu như đã hội tụ đầy đủ trong những làn điệu dân ca quan họ của trấn Kinh Bắc xưa.

dau-xuan-tray-hoi.png
anh-tray-hoi-4.jpg

Người ơi ngươi ở em về...
Người ơi! Người ở đừng về,
Người ơi! Người ở đừng về
 …
Mà này cũng có a đâu bằng.
Đâu bằng người đợi chúng em
Người ơi người ở đừng về…

Có lẽ không chỉ người dân Việt Nam mà cả không ít những người nước ngoài yêu mến Việt Nam đều có thể cất lên lời hát trữ tình mà da diết của bài quan họ cải biên “Người ơi người ở đừng về” từ làn điệu "Chuông vàng gác cửa tam quan" này.

Sự thiết tha, đằm thắm, tinh tế, nghĩa tình hầu như đã hội tụ đầy đủ trong những làn điệu dân ca quan họ của trấn Kinh Bắc xưa.

Trấn Kinh Bắc xưa là vùng đất bên bờ Bắc sông Hồng, đối diện Kinh đô Thăng Long, gồm toàn bộ đất đai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay và các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm của Hà Nội; Văn Giang, Văn Lâm của Hưng Yên.

Xa xưa, Kinh Bắc đã hấp dẫn người dân mọi miền tới làm ăn sinh sống, trở thành miền quê trù phú, kinh tế phát triển vào bậc nhất trong “tứ trấn”- “Ai lên xứ Bắc mà trông/Đất lành gạo trắng nước trong thay là.” Và người xưa vẫn thường nói phải có cuộc sống sung túc, thanh nhàn, phong lưu lắm thì người dân mới có thể cất lên những lời ca tiếng hát yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống đến vậy trong những làn điệu dân ca quan họ đặc trưng của vùng đất giàu lịch sử văn hóa này.

Vốn dĩ quan họ chỉ ở bên bờ nam sông Cầu (thuộc đất Bắc Ninh), nhưng do sức ảnh hưởng của nó quá lớn nên đã lan rộng sang các vùng lân cận như bên Bắc sông Cầu (thuộc Bắc Giang). Và con sông Cầu cũng được mệnh danh là dòng sông quan họ.

anh-quan-ho-5.jpg
Chiếc xà tích gồm 1 ống để đựng vôi và 1 chiếc đựng chỉ là vật dụng liền chị quan họ thường mặc khi đi chơi quan họ. (Nguồn: TTXVN)

Theo Sở Văn hóa Hà Bắc (thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay), trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 có 49 làng quan họ rải rác ở các huyện Tiên Sơn, Yên Phong, Quế Võ, Việt Yên và thị xã Bắc Ninh, với hàng ngàn bài hát lời cổ mộc mạc, dân dã, mang nét đẹp riêng vừa thiêng liêng, vừa cổ xưa mà rất Việt Nam. Mỗi làng quan họ ở Bắc Ninh lại có nét độc đáo riêng.

Vì ra đời từ rất lâu về trước nên quan họ Bắc Ninh có rất nhiều câu chuyện kể về thời điểm ra đời, có ý kiến cho là quan họ có từ thế kỷ 11, số khác cho là từ thế kỷ 17. Tất cả các công trình khảo sát, nghiên cứu từ trước tới nay tuy có khác nhau nhưng đều khẳng định giá trị to lớn của di sản văn hóa phi vật thể quan họ, đặc biệt là dân ca quan họ, loại hình nghệ thuật được coi là cốt lõi của văn hóa xứ Kinh Bắc ngàn năm văn hiến.

So với các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian khác như hát xoan, hát ghẹo, hát chèo, hát ca trù, hát ví dặm, tuồng, cải lương... thì hát quan họ có thời gian tồn tại lâu đời nhất (tuổi thọ hàng ngàn năm).

Điều đó đã chứng minh hát quan họ là một nét văn hóa bản địa không những không bị phong kiến phương Bắc đồng hóa, đánh mất, mà ngược lại vẫn phát triển nhờ bản sắc riêng và sức sống của nó trong lòng người dân vùng Kinh Bắc.

9.png

Từ xa xưa, dân ca quan họ đã là món ăn tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa đẹp của người dân Kinh Bắc. Đây là những làn điệu dân ca đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ - thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam.

Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Với số lượng bài ca và làn điệu phong phú (hơn 500 bài ca và 213 làn điệu), được thể hiện bằng nghệ thuật ca hát đặc sắc và độc đáo, dân ca quan họ có thể nói đã đạt tới đỉnh cao của thi ca và âm nhạc dân tộc.

Dân ca quan họ là một hình thức hát giao duyên. Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm, cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người quan họ.

Tiếng hát quan họ tạo nên hiệu quả thẩm mỹ chính vì sự kết hợp nghệ thuật cao của âm nhạc-thơ ca-giọng hát người nghệ sỹ quan họ truyền thống hát không nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân ở các làng quê. Trong quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; còn hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ.

Nhiều bài quan họ truyền thống vẫn được các liền anh, liền chị “chơi quan họ” ưa thích đến tận ngày nay như: Hừ La, La rằng, Tình tang, Ban kim lan, Cái ả, Cây gạo…

"Chơi quan họ" truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức, thưởng thức “cái tình” của bạn hát.
Hầu hết các bài quan họ đều theo thể lục bát hay lục bát biến thể, cũng có bài theo thể văn xuôi. Đến nay, có ít nhất 300 bài (giai điệu) quan họ đã được ký âm gồm những đoạn thơ, bài thơ, chủ yếu là thể lục bát do các nghệ nhân quan họ truyền thống bàn giao cho các nhà sưu tầm lưu giữ.

ttxvn_quan-ho-bac-ninh-2.jpg
Nhà chứa - không gian sinh hoạt văn hóa độc đáo của người quan họ. (Nguồn: TTXVN)

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa quan họ, hiện nay nhiều làng ở Bắc Ninh vẫn duy trì được lối chơi văn hóa quan họ với hàng ngàn bài hát lời cổ mộc mạc, dân dã, mang nét đẹp riêng, vừa thiêng liêng, vừa cổ xưa mà rất Việt Nam.

Kho băng ghi âm quan họ cổ do các nghệ nhân ở các làng quan họ hát hiện vẫn được lưu giữ tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Các bài quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca quan họ đã được khám phá. Ngày nay, dân ca quan họ đã phát triển và hoàn chỉnh cả về phương diện âm nhạc, lời ca và hình thức trình diễn. Các làn điệu quan họ ngày càng phong phú và có phong cách riêng.

ca-quan-ho-2-1.png
(Nguồn: VIetnam+)

Nét độc đáo của quan họ Bắc Ninh chính là ở sự hòa quyện tuyệt diệu giữa giai điệu và lời ca, giữa trang phục truyền thống độc đáo gắn với cách ứng xử văn hóa của các liền anh, liền chị.

Trang phục quan họ không chỉ thể hiện tính nghệ thuật thẩm mỹ, là hình thức bên ngoài mà nó còn bao hàm cả chiều sâu văn hóa của người quan họ. Liền anh mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Đầu liền anh đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp. Trang phục liền chị thường được gọi là "áo mớ ba mớ bảy," nghĩa là liền chị có thể mặc ba áo dài lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bảy áo dài lồng vào nhau (mớ bảy), với màu sắc đa dạng, rực rỡ. Liền chị mặc váy dài màu đen, chít khăn mỏ quạ và đội nón quai thao.

Những câu ca quan họ mượt mà sâu lắng đã trở nên vô cùng quen thuộc với người dân trong nước và quốc tế, với những hình ảnh gợi nhớ đến một ngôi làng yên ả vùng Bắc Bộ, với những cô gái mặc mớ ba mớ bảy đội chiếc nón quai thao duyên dáng, cùng những chàng trai áo the khăn xếp đang đối đáp giao duyên.

1.jpg
Biểu diễn dân ca quan họ. (Nguồn: Vietnam+)

Dân ca quan họ tuy không ồn ã, náo nhiệt, nhưng lại là một nét đẹp văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác và vẫn vẹn nguyên giá trị tinh thần không chỉ ở Bắc Ninh mà còn vang danh quốc tế.

Năm 2009, với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội đồng chuyên môn đánh giá cao dân ca quan họ về giá trị văn hóa, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và trang phục.

ca-quan-ho-1-.png

Hằng năm, cứ mỗi độ Xuân về, người dân các làng quan họ gốc thuộc xứ Kinh Bắc (bao gồm cả Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay), dù ở bất cứ nơi đâu cũng trở về quê hương để trẩy hội đình, hội chùa, những lễ hội hết sức độc đáo bởi đã gắn liền với trình diễn quan họ tự bao đời nay.

Ngày hội Xuân là dịp để các bọn quan họ mời bạn đến làng mình, tham gia tế lễ, thăm hỏi gia đình và sinh hoạt ca hát. Mỗi năm vào hội, tất cả các bọn quan họ trong làng đều mời các bọn quan họ kết nghĩa với mình sang chơi. Có những làng như làng Diềm, làng Lũng có hàng chục bọn quan họ nam, nữ và bọn quan họ nào cũng kết nghĩa với bọn quan họ ở làng khác.

7.jpg
(Nguồn: Vietnam+)

Trong ngày hội Xuân của một làng quan họ, trai gái quan họ từ các làng, chủ yếu là các làng kết bạn, nô nức rủ nhau đến trảy hội và ca hát. Từng cặp nhóm quan họ kết bạn đứng hát với nhau ngay ở ngoài trời nơi trung tâm hội, như sườn đồi (hội Lim), hoặc sân đình, sân chùa và có khi tỏa ra hát ở mặt đê, ven sông Cầu.

Lễ hội vùng Lim (Bắc Ninh) là lễ hội tiêu biểu nhất của người quan họ, bởi ở hội Lim không chỉ có phần lễ trang nghiêm, phần hội với nhiều trò chơi dân gian mà còn có không gian sinh hoạt văn hóa quan họ đặc sắc nhất.

Ít có lễ hội nào mà không gian diễn xướng quan họ lại phong phú như ở hội Lim, từ hát trên sân khấu, hát dưới thuyền, hát cửa đình, cửa chùa đến hát canh trong nhà chứa quan họ hay tại gia đình nghệ nhân... Cũng vì thế mà hội Lim luôn có sức hấp dẫn, lôi cuốn đối với mỗi người dân và du khách thập phương.

Ngày 13 tháng Giêng (âm lịch) mới là chính hội nhưng từ sớm ngày 12, trên đồi Lim - trung tâm lễ hội - đã tưng bừng với các lán hát quan họ và các trò chơi dân gian.

ttxvn_hoi-lim.jpg
Hát quan họ phục vụ du khách tại hội Lim. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Đến hội Lim, khách du Xuân không chỉ được nghe quan họ mà còn được xem nhiều hoạt động văn hóa truyền thống khác của địa phương, tham dự các trò chơi truyền thống như: đánh đu, chọi gà, chọi chim, đấu vật, tổ tôm điếm, thi cờ người... Tất cả tạo nên một không gian văn hóa riêng của vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Có thể nói, quan họ luôn được thực hành trong các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng, được cộng đồng hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang lưu giữ, trao truyền từ nhiều thế hệ trở thành bản sắc của địa phương và lan tỏa trở thành không gian văn hóa đặc thù.

5.png
(Nguồn: Vietnam+)

Trong những năm qua, môi trường tự nhiên và xã hội của sinh hoạt văn hóa quan họ là các thôn làng được bảo tồn và phát triển. Các di tích lịch sử văn hóa và lễ hội truyền thống gắn với sinh hoạt văn hóa quan họ được nhà nước xếp hạng bảo vệ.

Các câu lạc bộ, các đội văn nghệ quan họ thu hút hàng trăm nghệ nhân, các liền anh, liền chị tham gia vào công việc sưu tầm, truyền dạy cho lớp trẻ, đồng thời trực tiếp tham gia vào việc giới thiệu Dân ca quan họ với du khách trong và ngoài nước. Tỉnh Bắc Ninh cũng đã phong tặng hơn 70 nghệ nhân quan họ.

tray-hoi-9.jpg

Trung tâm Văn hóa quan họ truyền thống khu vực Bắc Giang và Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy dân ca quan họ ở tỉnh Bắc Ninh, cùng với Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh cũng đang tiếp tục giới thiệu dân ca quan họ lan tỏa khắp mọi miền đất nước và ra quốc tế, đồng thời làm nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, gìn giữ và phát triển dân ca quan họ.

Dù cuộc sống ngày càng đô thị hóa, nhưng về miền quan họ, bạn vẫn thấy mỗi làng quê, mỗi gốc đa, mái đình, bến nước, dòng sông vẫn ẩn chứa tình người quan họ. Và dù thời gian có trôi đi, thì câu quan họ vẫn được truyền từ đời này sang đời khác. Sức sống bền bỉ, trường tồn của những canh quan họ, của những câu hát trao gửi vẫn thu hút và tạo ấn tượng bền sâu với du khách./.

di-san-phi-vat-the.jpg
Dân ca quan họ Bắc Ninh là một trong số 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.