Nội dung chính Thông điệp liên bang 2023 của Tổng thống Nga

Mega Story - Ngày đăng : 14:06, 22/02/2023

Thông điệp liên bang của Tổng thống Putin khẳng định nhu cầu độc lập, tự do phát triển của nước Nga và bày tỏ quan điểm của Điện Kremlin đối với các chính sách của phương Tây.
Mega Story

Nội dung chính Thông điệp liên bang 2023 của Tổng thống Nga

{Tên tác giả} 22/02/2023 14:06

Thông điệp liên bang của Tổng thống Putin khẳng định nhu cầu độc lập, tự do phát triển của nước Nga và bày tỏ quan điểm của Điện Kremlin đối với các chính sách của phương Tây.

thong-diep-2.jpg

Khoảng 12h05 giờ Moskva (16h05 giờ Hà Nội) ngày 21/2, tại trung tâm triển lãm Gostiny Dvor ở thủ đô Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình bày Thông điệp liên bang trước Quốc hội Liên bang.

Đây là thông điệp đầu tiên của Tổng thống Putin kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2/2022. Sự kiện được phát trực tiếp trên các kênh truyền hình Nga gồm Rossiya-1, Rossiya-24 và Channel One.

Trong thông điệp kéo dài 1 giờ 45 phút, Tổng thống Nga Putin đã đề cập đến nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại quan trọng. Đây cũng là bức thông điệp đầy khúc triết, khẳng định nhu cầu độc lập, tự do phát triển của nước Nga và bày tỏ quan điểm của Điện Kremlin đối với các chính sách của phương Tây.

Giải quyết khủng hoảng Ukraine bằng các biện pháp hòa bình

Trong Thông điệp liên bang 2023, Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định Nga đã nỗ lực bằng mọi cách để giải quyết khủng hoảng Ukraine bằng các biện pháp hòa bình.

Mở đầu thông điệp, Tổng thống Putin nêu rõ Nga đang ở trong thời điểm khó khăn và mang tính bước ngoặt, ngay trước thềm các sự kiện lịch sử. Ông nhấn mạnh Moskva đã làm mọi cách có thể để giải quyết vấn đề (ở Ukraine) bằng các biện pháp hòa bình.

Với sự kiên nhẫn, Nga đang thương lượng một cách hòa bình để thoát khỏi xung đột khó khăn hiện nay nhưng một kịch bản hoàn toàn khác đang được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó. Moskva sẽ quyết định từng bước các nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt.

ttxvn_putin-5.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang trước hai viện Quốc hội tại Moskva ngày 21/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Putin cho rằng trong thế giới đương đại, không nên có sự phân chia các quốc gia văn minh và tất cả các quốc gia còn lại. Nga sẵn sàng đối thoại với phương Tây nhưng lại nhận về phản ứng không rõ ràng. Theo nhà lãnh đạo Nga, các nước phương Tây đã chi hơn 150 tỷ USD để hỗ trợ Kiev trong khi các quốc gia nghèo nhất năm 2022 được phân bổ 60 tỷ USD.

Ông Putin cũng khẳng định nước Nga sẽ không bao giờ khuất phục trước những âm mưu chia rẽ của phương Tây. Ông cũng gửi lời cám ơn người dân Nga vì sự dũng cảm và kiên định ủng hộ chính phủ. Tổng thống Putin bày tỏ sẻ chia với những khó khăn mà người thân của các binh lính Nga đang trải qua, đồng thời cam kết chính phủ sẽ có biện pháp hỗ trợ đặc biệt với việc thành lập một quỹ mới dành riêng cho kế hoạch này.

Kinh tế Nga đứng vững trước những biện pháp trừng phạt của phương Tây

Cũng trong Thông điệp liên bang lần thứ 18 đọc trước hai viện Quốc hội Nga, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định nền kinh tế quốc gia vẫn đứng vững trước những biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây.

Cụ thể, nhà lãnh đạo Nga nêu rõ các nước phương Tây đã áp dụng các biện pháp trừng phạt gây tổn hại cho người dân nước này nhưng không đạt được mục đích "đánh bại Nga trên mặt trận kinh tế."

Ông Putin nói: "Những tính toán của họ đã không thành hiện thực. Nền kinh tế Nga và hệ thống quản trị cho thấy sức mạnh lớn hơn họ tưởng tượng."

Tổng thống Putin khẳng định trước Quốc hội rằng nước này có mọi nguồn lực tài chính cần thiết để đảm bảo an ninh và phát triển quốc gia bất chấp những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây.

ttxvn_kinh-te-nga.jpg
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Putin cho biết các công ty Nga đã xây dựng lại các chuỗi cung ứng và Moskva đang phối hợp với các quốc gia khác để xây dựng các hệ thống thanh toán và cấu trúc tài chính mới, một hệ thống thanh toán quốc tế độc lập với đồng USD. Tổng thống Putin đã dẫn các dữ liệu phản ánh những kết quả kinh tế của Nga. Cụ thể, theo dữ liệu mới nhất, GDP của Nga năm 2022 giảm 2,1% tốt hơn so với những dự báo trước đó rằng kinh tế “sẽ sụp đổ."

Nông dân Nga có vụ mùa bội thu với mức năng suất kỷ lục. Dự kiến đến ngày 30/6/2023, Nga có thể đưa tổng sản lượng ngũ cốc xuất khẩu lên 55-60 triệu tấn, vượt ngoài sức tưởng tưởng ở thời điểm 10 năm trước.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng lưu ý điều quan trọng là Nga cần phải thay đổi cấu trúc kinh tế của đất nước. Về cơ sở hạ tầng, ông Putin cho biết Nga đã quyết định kéo dài tuyến đường cao tốc Moskva-Kazan đến Irkutsk, và sau đó đến biên giới với Mông Cổ và Trung Quốc, phát triển hành lang Bắc-Nam, hiện đại hóa tuyến đường sắt xuyên Siberia và BAM, phát triển Tuyến đường biển Bắc Băng Dương.

Nga tạm dừng tham gia New START với Mỹ

Trong Thông điệp liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo nước này sẽ tạm dừng tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Mỹ.

Ông Putin tuyên bố Nga chuẩn bị đình chỉ hiệp ước, nhưng không rút khỏi hiệp ước. Tổng thống Nga khẳng định nước này sẽ không phải là bên đầu tiên nối lại hoạt động thử hạt nhân nhưng nêu rõ một khi Mỹ thử vũ khí hạt nhân thì Bộ Quốc phòng Nga và các cơ quan liên quan cũng sẵn sàng cho điều tương tự.

Ông nhấn mạnh: "không ai có thể ảo tưởng rằng thế cân bằng chiến lược toàn cầu có thể bị phá hủy."

Hồi đầu tháng này, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov ho rằng trên thực tế Mỹ đã "phá hủy khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí." Nga cũng khẳng định sẽ không thảo luận về New START với Mỹ chừng nào Washington còn tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine.

Nga khẳng định sẽ không thảo luận về New START với Mỹ chừng nào Washington còn tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine.

New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước được ký kết năm 2010 nhằm hạn chế kho vũ khí của Nga và Mỹ ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân, giảm gần 30% so với mức đặt ra hồi năm 2002.

Đến tháng 1/2021, Tổng thống Putin đã nhất trí kéo dài hiệp ước này thêm 5 năm, tới năm 2026. Cho đến nay, Moskva và Washington cho phép lẫn nhau mỗi năm được thực hiện dưới 20 lần thanh sát trong khuôn khổ New START.

Tổng thống Putin khẳng định sức mạnh của nước Nga

Tổng thống Putin nêu rõ người dân Nga được nuôi dưỡng theo tấm gương của tổ tiên vĩ đại và có nghĩa vụ phải xứng đáng với truyền thống, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ông nhấn mạnh rằng người dân Nga là cội nguồn sức mạnh và các quyền của công dân là bất khả xâm phạm. Cuộc bầu cử vào các cơ quan địa phương và khu vực cũng như các cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức theo đúng luật định.

ttxvn_putin-1(1).jpg
Người dân theo dõi qua màn hình Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày Thông điệp liên bang 2023 tại thủ đô Moskva, ngày 21/2/2023.  (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên quan đến các chính sách an sinh xã hội, cải thiện y tế và giáo dục, hỗ trợ đời sống người dân, Tổng thống Nga tuyên bố thúc đẩy chương trình hiện đại hóa chăm sóc sức khỏe ban đầu; đẩy nhanh tốc độ xây dựng các khu nhà ở tái định cư và phát triển khu vực nông thôn; đề xuất tăng mức lương tối thiểu thêm 18,5% từ năm 2024; các dự án quốc gia được vay vốn không tính lãi; tăng quy mô khấu trừ thuế cho giáo dục trẻ em...

Dư luận về thông điệp của Tổng thống Putin

Phản ứng trước việc tổng thống Nga tuyên bố đình chỉ tham gia New START, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc Nga quyết định tạm dừng tham gia New START với Mỹ.

Nêu rõ thông báo của Nga về đình chỉ tham gia New START là vô cùng đáng tiếc, Ngoại trưởng Blinken cho biết nước này sẽ theo dõi mọi hành động của Nga nhằm đảm bảo rằng trong bất kỳ tình huống nào, Mỹ và các đồng minh của mình đều ở thế an toàn.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg bày tỏ lấy làm tiếc và kêu gọi Nga xem xét lại quyết định của mình.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Nga và Mỹ tiếp tục thực thi đầy đủ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

ttxvn_putin-2(1).jpg
Hình ảnh phát trên màn hình tại một tòa nhà ở thủ đô Moskva về Thông điệp liên bang 2023 do Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày, ngày 21/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà phân tích thì cho rằng có thể nhận thấy rõ thông điệp liên bang 2023 của Tổng thống Putin được phát đi vào thời điểm thế giới đang chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, đó là trước thềm dấu mốc một năm Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine; Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vận động Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt đơn gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển; chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Ukraine; Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị thăm châu Âu và có chuyến thăm Nga nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine, đúng vào dịp Tổng thống Mỹ thăm Ba Lan để thảo luận về các nỗ lực chung hỗ trợ Ukraine và củng cố sức mạnh đồng minh ở sườn phía Đông của NATO.

Những chuyến công du “chằng chéo” phần nào cho thấy Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn không ngừng kêu gọi gia tăng các nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine song song với việc tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đang nỗ lực kêu gọi giải quyết xung đột ở Ukraine một cách hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn.

Theo nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Vương Nghị, vấn đề giữa các quốc gia không nên được giải quyết thông qua việc gây sức ép hoặc các biện pháp trừng phạt đơn phương, bởi điều đó sẽ phản tác dụng.

Bắc Kinh đã đề xuất một sáng kiến về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước phải được tôn trọng và các nguyên tắc trong Hiến chương Liên hợp quốc phải được duy trì./.

infographics_thong-diep-lien-bang.jpg