Bàn về Tuồng: Tinh hoa nghệ thuật sân khấu Việt

Mega Story - Ngày đăng : 15:37, 08/03/2023

Hàng trăm năm qua Tuồng vẫn luôn tồn tại và gắng sức vươn lên phát triển dù gặp vô vàn khó khăn và lắm lúc chao đảo trước những làn sóng văn hóa nghệ thuật mới hiện đại hội nhập vào đời sống quần chúng.
cover.png

Hàng trăm năm qua Tuồng vẫn luôn tồn tại và gắng sức vươn lên phát triển dù gặp vô vàn khó khăn và chao đảo trước những làn sóng văn hóa nghệ thuật mới hiện đại hội nhập vào đời sống quần chúng. Mặc cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của bao thế hệ nghệ sỹ và ngành văn hóa tìm đường đi cho Tuồng trong tương lai, mọi thứ dường như không đủ. Để Tuồng có thể vượt qua “ải” này, chỉ mong cái lòng yêu nghề của lớp nghệ sỹ còn cháy rừng rực, công chúng thì chủ động tìm đến Tuồng mà yêu thương, che chở và Nhà nước thì mở rộng tay tiếp sức mạnh tinh thần và vật chất cho Tuồng hơn nữa.

b08caa90-a8f4-46e9-8ebd-6e6c8b0ce831

“Tuồng”, “hát bộ” hay “hát bội” là những cách gọi khác nhau chỉ một loại hình loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền độc đáo của Việt Nam. Với ngôn ngữ văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn nôm, Tuồng là nghệ thuật tổng hợp có cả văn học, hội họa, âm nhạc, trò diễn… thể hiện giá trị và bản sắc truyền thống của dân tộc. Cho đến nay vẫn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau và chưa được thống nhất liên quan đến thời điểm ra đời của Tuồng, phân kỳ lịch sử phát triển, đặc thù của mỗi giai đoạn, mối quan hệ giữa Tuồng và diễn xướng dân gian, mối quan hệ giữa Tuồng và kịch hát trong khu vực cũng như thế giới… 

screenshot_20230120_050838(1).png

Một số sử gia như Trần Quốc Vượng và Đinh Xuân Lâm cho rằng, nghệ thuật sân khấu Tuồng đã có từ trước thời Lý và đến Lý-Trần thì đã chuyên nghiệp. Theo đó, Tuồng bắt nguồn từ các trò khởi xướng dân gian từ thời nhà Đinh (thế kỷ X) và sang thời nhà Lý (thế kỷ XI) đã trở thành các trò chơi, diễn xướng được vua Lý Thái Tông phổ biến rộng rãi và phát triển sau đó.

Một luồng quan điểm khác lại gắn liền sự ra đời của Tuồng với câu chuyện Đào Duy Từ cùng chúa Nguyễn Hoàng đi từ Bắc vào Nam vào thế kỷ XVII.

Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu lại thống nhất với quan điểm Tuồng bắt đầu manh nha hình thành từ thời Trần vào khoảng thế kỷ XIII thông qua vụ việc tướng Lý Nguyên Cát của nhà Nguyên bị bắt. Nhà Trần đã yêu cầu ông biểu diễn cho triều đình xem và từ đó đã phát triển nghệ thuật diễn xướng đến dân chúng, nhân dân thời điểm lịch sử bấy giờ. Tuồng cứ thế hình thành và phát triển nhưng có phần chậm chạp ở các thế kỷ XV-XVI. 

​Tuy nhiên, về cơ bản, đa phần các nhà nghiên cứu khẳng định Tuồng là loại hình sân khấu nghệ thuật lâu đời nhất, có mặt ở cả ba miền đất nước, khởi nguồn từ đất bắc rồi dần tiến vào miền trung và nam. Vào thời nhà Nguyễn, Tuồng phát triển rực rỡ nhất với nhiều vị vua viết Tuồng giỏi, tiêu biểu là vua Tự Đức. Nhiều đội Tuồng, đội soạn giả, và các rạp hát nổi tiếng lần lượt được xây dựng thời này và còn duy trì đến ngày nay. Tiêu biểu là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam Duyệt Thị Đường.

Thời kỳ này, triều đình Nguyễn coi nghệ thuật Tuồng như là quốc kịch và phát triển, lan tỏa rộng khắp, nhất là ở miền Trung. Nhiều người đã tự đứng ra lập gánh hát, nuôi "đào", "kép" riêng và cạnh tranh với nhau, thúc đẩy nghệ thuật Tuồng “sống” và phát triển sôi động. 

head1.png
7348ff87-c9fb-4622-9fc4-cdac6a620959

Đã có nhiều ý kiến khác nhau từ các học giả về cách phân loại Tuồng. Theo đó, Hoàng Châu Kí trong cuốn “Tuồng Cổ” đã dựa vào thời gian xuất hiện, tác giả sáng tác và nội dung phản ánh để phân chia Tuồng thành: Tuồng cổ, Tuồng cung đình, Tuồng dân gian, Tuồng đồ, Tuồng văn thân, Tuồng tân thời, Tuồng cận đại, Tuồng hiện đại, Tuồng lịch sử. Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Cầu trong cuốn “Tuồng hài”, dựa vào thời gian, đã chia các vở Tuồng trước năm 1945 thành Tuồng cổ điển (Tuồng thầy) và Tuồng dân gian. 

​Còn theo chia sẻ của Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, ông Phạm Ngọc Tuấn, Tuồng truyền thống được phân ra hai loại là Tuồng cung đình và Tuồng dân gian. Tuồng cung đình hay còn được gọi là Tuồng quân quốc, Tuồng thầy, Tuồng pho và Tuồng dân gian còn được biết đến là Tuồng hài, Tuồng đồ. Bên cạnh Tuồng truyền thống còn có các vở Tuồng viết mới như Tuồng lịch sử, Tuồng hiện đại, đương đại, Tuồng về đề tài nước ngoài. Đặc biệt, nếu như Tuồng quân quốc viết về chuyện vua, chuyện nước thì Tuồng dân gian thiên về những câu chuyện dân gian mang tính chất hài kịch và hài hước, châm biếm hơn, phục vụ đời sống tinh thần của người dân. 

dao-phi-phung-1601.jpg
img_7581.jpg
son-hau-9982.jpg
img_0826.jpg
46904591-1ca2-43a3-8fcf-d7fa765aa6ab

Là một loại hình nghệ thuật cổ điển lâu đời, tồn tại dọc chiều dài lịch sử Việt Nam, Tuồng in đậm dấu ấn những giá trị văn hóa, văn minh độc đáo được truyền từ đời này sang đời khác. Đây là một đặc trưng đáng tự hào mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Ở Tuồng, các yếu tố ca, vũ, nhạc được phát triển một cách hài hòa qua khả năng diễn xuất xuất chúng của các diễn viên, nghệ sỹ. Những người nghệ sỹ đóng các vở Tuồng phải được đảm bảo có khả năng diễn xuất tốt, khéo léo kết hợp cả vũ đạo (điệu múa), hệ thống nói lối, bài bản, làn điệu (hát) để biểu đạt được tính cách, tâm trạng, suy nghĩ của các nhân vật trong vở diễn.

Trong đó, múa Tuồng yêu cầu vừa phải gần gũi với động tác sinh hoạt và hành động tâm lý trong đời sống xã hội con người. Nghệ sĩ diễn Tuồng phải phối hợp những động tác sinh hoạt hàng ngày với những điệu múa dân gian, múa tín ngưỡng, tôn giáo trong tế lễ, hội hè, trong múa cung đình và võ thuật dân tộc để tạo nên một hệ thống vũ đạo từ đơn giản đến phức tạp. 

screenshot_20230121_090154.png

Hát Tuồng là sự kết hợp của nói lối (hình thức nói cách điệu có tiết tấu, có giai điệu, thường được viết bằng chữ Nôm), bài bản (các nhịp, phách, điệu), và làn điệu. Được xây dựng theo lối kể chuyện, hát xướng dân gian trên cơ sở tế lễ và tụng niệm trong nhà chùa, hát Tuồng được viết theo thể thơ lục bát, song thất lục bát hoặc tứ tuyệt,... với hệ thống nhịp điệu từ nói thường chuyển sang nói lối. Nói lối của Tuồng được viết theo văn biền ngẫu từ 4 đến 8 từ.

 Lối diễn trong Tuồng được khuếch đại, khoa trương hơn thực tế từ lời nói cho đến động tác để dễ dàng lột tả nhân vật, lấy được sự đồng cảm của khán giả. Các động tác càng nhỏ càng nhanh, khi lên sân khấu càng được biểu diễn cường điệu thì khán giả càng cảm nhận được. Ngay cả dáng đi cũng cần thể hiện được cái “tâm” của nhân vật trong vở thiện hay ác.

Bên cạnh lối diễn xuất thì khả năng hóa trang của diễn viên cũng không kém quan trọng để lột tả được “cái thần” của nhân vật. Tuồng lấy sự cách điệu và ước lệ là tiêu chí nghệ thuật cơ bản. Điều này được thấy rõ qua việc các yếu tố hội họa trong phục trang, mặt nạ hóa trang, cách vẽ mặt đều thể hiện được tính cách, bản chất của mỗi nhân vật trên sân khấu. Một số đặc điểm tiêu biểu đã được cố NSND Nguyễn Lai nghiên cứu, đúc kết từ những mẫu hóa trang mặt như: mặt trắng (đại diện cho diện mạo đẹp đẽ, tính cách trầm tĩnh), mặt đỏ (người trí dũng, chững chạc), mặt rằn (diện mạo xấu xí, tính cách nóng nảy), mặt tròng xéo đen (tướng phản, hai bên thái dương có vết đỏ là người nóng nảy, nếu tròng xéo đen nền đỏ thắm hay xanh là người vũ dũng), mặt mốc (nịnh), mặt lưỡi cày (người đoản hậu, nhát gan).

4211b463-5a63-46dd-909b-8d199de3bf43

Ngoài ra, âm nhạc cũng là yếu tố tạo sức hút lớn cho Tuồng.  Âm nhạc của Tuồng khai thác từ vốn nhạc dân gian, đa dạng âm điệu, thể hiện nhiều sắc thái biểu cảm vui buồn ở từng cung bậc khác nhau. Dàn nhạc trên sân khấu Tuồng có thể kể đến Bộ gõ (trống, thanh la, mõ..), bộ hơi (kèn, sáo, chủ yếu là kèn), bộ dây (nhị, cò, hồ, đại, tiểu...), bộ gảy (tam, tứ, nguyệt...) tham gia thổi hồn vào nhân vật và bối cảnh tác phẩm, từ khi mở màn cho đến khi kết thúc vở diễn. Vậy nên, với chất bi hùng của mình, âm nhạc của Tuồng có thể tạo không khí cho vở diễn và biểu hiện tâm tư tình cảm của nhân vật (tâm trạng bên trong và những tình huống kịch tính).

Bên cạnh những đặc điểm đặc trưng về phong cách biểu diễn, không thể không kể đến tính bác học của Tuồng đã giúp Tuồng vươn đến cực điểm thời kỳ thịnh vượng (thế kỉ XVII, XVIII, XIX). Chúa Nguyễn sử dụng Tuồng như một loại hình nghệ thuật giải trí mang tính cung đình với những chủ đề ca tụng chuyện vua, chuyện nước. Tuồng đã có cơ hội và điều kiện để phát triển mạnh mẽ, được các vua triều Nguyễn đặc biệt yêu thích. 

Phần lớn những chủ đề của Tuồng trong thời kỳ này xoay quanh tinh thần “phò vua diệt ngụy”, “trung quân”, “chính quốc”. Vở Tuồng luôn tràn đầy âm hưởng hùng tráng cùng với chất bi hùng của những tấm gương tận trung báo quốc, sẵn sàng hy sinh mình vì đại nghĩa, bất chấp mọi hiểm nguy để vì vua, vì nước. Đó chính là bài học về đạo đức ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và đất nước. Tuồng chính là một loại hình nghệ thuật khắc họa được nét đẹp văn hóa của những người anh hùng thời kỳ bấy giờ.

info.png

Có thể thấy rằng, Tuồng xưa đã chinh phục được biết bao vua chúa lúc bấy giờ, được các triều đình phong kiến ưu ái lựa chọn như một công cụ quản lý đất nước và tiếp khách bang giao. Tuồng cũng là loại hình văn hóa giải trí lành mạnh cho quần chúng, xứng đáng là viên ngọc sáng quý báu trong kho tàng văn hóa nghệ thuật truyền thống nước nhà.

head2.png
a4a6b0bd-c688-49e9-a19d-82530f8ec9eb

Ngày nay, để xây dựng được những vở diễn hiện đại, vừa có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khán giả mà vẫn giữ được phong cách nghệ thuật Tuồng truyền thống là một thách thức không hề nhỏ.​

Cũng giống như Bác Hồ đã từng đánh giá:

Tuồng tốt đấy, nhưng cần phải cải tiến, chớ gieo vừng ra ngô

Về kịch bản, các vở Tuồng ngày nay cố gắng nhất có thể để có những lời thoại phù hợp với khán giả hiện đại mà không quá xa với bối cảnh vở diễn. Các tình huống hài hước, nhiều màu sắc luôn được khéo léo lồng ghép để khiến cho khán phòng rộn ràng và ngập tràn tiếng cười. Rất nhiều vở Tuồng ngày nay không còn lấy cảm hứng từ những truyện truyền kỳ xa xôi hay sự tích của Trung Quốc mà dựa vào hiện thực cách mạng đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước của nhân dân ta như: Chị Ngộ, Má Tám, Hoàng Hoa Thám, Hoàng hôn đen, Suối đất hoa,…

Tuồng hiện đại còn đặc tả những con người thời đại, những mẫu người mới, những anh hùng trên mặt trận đấu tranh bảo vệ tổ quốc và xây dựng kinh tế: doanh nhân, bác sỹ, giáo sư… Đây là những hình tượng nhân vật hoàn toàn mới, không giống những mô hình nhân vật trong Tuồng cổ, buộc các nghệ sỹ Tuồng phải tìm tòi, khám phá những mô hình mới.

Bên cạnh đó, nhiều vở Tuồng đã thực hiện tốt việc hóa trang cho các nhân vật, không chỉ kế thừa hiệu quả từ các mô hình vẽ mặt trong Tuồng cổ, mà còn sáng tạo, cải biên cho phù hợp với Tuồng hiện đại. Trong số những vở Tuồng gần đây, các nhân vật được vẽ mặt thường là các nhân vật Tuồng phản, nền mặt trắng, họa tiết trang trí là các đường vằn đen xước lên, kế thừa kiểu vẽ mặt của loại nhân vật phản diện trong Tuồng cổ. 

quynh-lien3-1616828057761822923736.jpg
chung-vo-diem-played-by-ngoc-giau-02-min-scaled.jpg
hat-boi-lo-hong-lon-ve-_381649782732.jpg

Ngoài ra, không thể không đề cập tới yếu tố ánh sáng trong các vở kịch hiện đại. Trước kia, ánh sáng của các vở Tuồng được tạo ra từ những vật dụng thôn quê như cây đuốc, đèn con cóc, đèn chai thắp bằng dầu hôi treo trên cao của những hàng quán trước cửa rạp. Hiện nay, ánh sáng của các vở Tuồng là những ánh sáng hiện đại, đa dạng màu sắc kết hợp với hiệu ứng chớp tắt tự động liên tục giúp diễn biến các cảnh thêm hấp dẫn, tự nhiên hơn. 

Trực tiếp theo dõi vở Tuồng “Nữ Tướng Lê Chân” vào ngày 10/12 vừa rồi, chúng tôi đã thực sự có những khoảnh khắc tuyệt vời thưởng thức một loại hình nghệ thuật mẫu mực, đặc sắc nhưng rất đỗi thân quen, gần gũi. 

“Nữ Tướng Lê Chân” là một vở Tuồng lịch sử của tác giả Lê Công Phượng, được tái hiện dưới ngòi bút tài năng của đạo diễn - NSƯT Lê Tuấn Cường, xoay quanh cuộc đời vị nữ anh hùng dân tộc Lê Chân - một nữ tướng tiên phong dưới thời Hai Bà Trưng. Tài năng và sắc đẹp của Lê Chân đã khiến Thái thú Tô Định, trong một lần kinh lý, muốn bắt ép nàng về làm tỳ thiếp, song song với mưu đồ đồng hóa người Việt. Tuy nhiên, khi âm mưu không thành, hắn đem quân giao chiến và giết cả cha cô. Trong niềm đau thương, Lê Chân quyết rèn binh thư, võ nghệ, ngày đêm luyện quân chờ ngày đền nợ nước, trả thù nhà…

ac4f727a-de09-4377-9354-9428522d68ab

Khán giả tới dự vở diễn hôm đó, dù tóc còn xanh hay đã ngả hoa râm, tất thảy đều bị cuốn theo những tình tiết sinh động của câu chuyện: từ mối nhân duyên nồng đậm tình ý giữa Lê Chân và Hào Nam, sự tàn ác và gian xảo của Tô Định và bè lũ tay sai, cho tới khoảnh khắc giao tranh giữa Lê Chân và Tô Định,… Giống như môtíp xây dựng kịch bản Tuồng truyền thống, vở diễn có hai tuyến nhân vật với những mâu thuẫn rõ nét: giữa sự nô dịch và độc lập, tự do; giữa sự lương thiện và độc ác; giữa sự chân chính và xảo quyệt,… qua đó làm nổi lên sự khảng khái, bộc trực và bản lĩnh của người con gái Lê Chân, cùng với bài học ý nghĩa về ý chí và sự ngay thẳng của con người sẽ luôn chiến thắng những thế lực xấu xa.

Bên cạnh cốt truyện, những yếu tố ánh sáng, trang phục và đạo cụ được kết hợp ăn ý và linh hoạt với nhau tạo một sân khấu Tuồng mãn nhãn tràn ngập tiếng vỗ tay tán thưởng từ khán giả. Đặc biệt, cảm xúc của khán giả khi theo dõi những tình tiết đặc sắc trong câu chuyện được đẩy lên cao trào nhờ sự hậu thuẫn của một ban nhạc sống trực tiếp phụ nhạc cho vở kịch, cùng hệ thống đèn và phun khói sân khấu hiện đại.

Nhưng có lẽ điều làm khán giả thích thú hơn cả là cách mà các diễn viên thể hiện câu chuyện trên sân khấu: cách họ vừa uyển chuyển vừa dứt khoát cử động để thực hiện những điệu múa, cách họ luyến láy trong từng câu chữ, cách họ kết hợp lời nói, giọng hát, cử động và sắc thái gương mặt để truyền tải tâm trạng nhân vật, … đã làm nên cái hồn rất riêng cho vở kịch - cái riêng khó mà có được chỉ qua màn hình vô tuyến hay điện thoại.  

624135af-41b2-42e0-9d95-ac48090a8672

Dẫu cho Tuồng chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng các khán giả trung thành của nghệ thuật truyền thống, không thể phủ nhận có rất nhiều vấn đề phức tạp, cả chủ quan lẫn khách quan, đang ảnh hưởng quá trình bảo tồn Tuồng, hạn chế sự phát triển bền vững cũng như lượng khán giả theo dõi loại hình nghệ thuật này. 

Vấn đề đầu tiên nằm ở khâu sáng tạo kịch bản. Hiện nay, số lượng tác giả viết riêng kịch bản cho sân khấu Tuồng trên cả nước chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và sự khan hiếm người viết kịch bản cho sân khấu Tuồng xuất phát từ nhiều lý do. Để viết được một vở kịch Tuồng hay, tác giả cần phải có hiểu biết sâu về văn học cổ cùng các thể thức trong nghệ thuật Tuồng, phải thuộc các làn điệu Tuồng, bố cục, kết cấu của sân khấu tự sự, … đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Yêu cầu cao là vậy, nhưng những gì mà tác giả viết kịch bản Tuồng nhận lại về cả danh hiệu lẫn vật chất đều không so sánh được với những người viết kịch bản cho các chương trình ca nhạc hay kịch nói. Xu thế này đã làm hạn chế sự ra đời của những kịch bản Tuồng mới, thể hiện rõ qua thực trạng nhiều vở Tuồng hiện nay đều là tác phẩm phục dựng, không phải tác phẩm theo kịch bản mới. 

Theo nhà báo Thu Cúc (Báo Nhân dân), khán giả vẫn chưa có thói quen bỏ tiền túi để thưởng thức các tác phẩm văn hóa nghệ thuật cổ truyền nói chung và Tuồng nói riêng. Rất nhiều khán giả tới dự các vở diễn tại Rạp Hồng Hà, tuy nhiên họ đến xem nhờ vé mời của chương trình chứ không phải mua vé. Đây là rào cản lớn mà Nhà hát Tuồng Việt Nam gặp phải, bởi:

Tuồng là một trong những loại hình sân khấu tốn kém nhất về mặt dàn dựng, từ đạo cụ cho tới phục trang.

Một điều đáng tiếc khác là thực trạng đào tạo đội ngũ diễn viên cho Tuồng tại Việt Nam. Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội chỉ đào tạo diễn viên Tuồng đến hệ trung cấp theo đề án phối hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam, mỗi khóa đào tạo thường cách xa nhau đến 10 năm, hoặc chỉ được đào tạo theo dự án (khi Nhà hát cần diễn viên diễn Tuồng cho các sự kiện lớn thì sẽ phải yêu cầu liên kết với các trường để đào tạo, chẳng hạn gần đây nhất là dự án liên kết với trường Đại học Sân khấu Điện ảnh khóa 2014-2018). Kết quả là lượng diễn viên gạo cội theo nghề đã ít, nay lại ít hơn vì chỉ với tấm bằng hệ trung cấp, diễn viên có mức lương khởi điểm rất thấp sau khi ra trường. Những mối lo về cơm gạo áo tiền khiến nhiều trong số họ đành nói lời chia tay với nghề để trang trải cuộc sống tốt hơn. Đây quả thực là một vấn đề nan giải và có phần chưa được công bằng với Tuồng, khi mà các bộ môn truyền thống khác như chèo, cải lương vẫn được bổ sung nguồn nhân lực dồi dào hàng năm, thậm chí, hệ đào tạo của hai bộ môn này là hệ đại học thay vì trung cấp như Tuồng.

82a2b555-5bfe-42e2-b265-59d9d108cc7d

Hơi thở của Tuồng, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn được gìn giữ vẹn nguyên nhờ đóng góp lớn của thế hệ những “chiến sĩ trên mặt trận văn hoá” “sinh vì nghệ, tử vì nghệ”. Cứ đều đặn mỗi tối thứ Sáu và Chủ Nhật hàng tuần, một sân khấu nhỏ của Nhà hát Tuồng Việt Nam lại được dựng ngay trên con phố Mã Mây đông đúc người qua. Những buổi biểu diễn ấy mặc dù không bán vé, cũng không có những thông báo rầm rộ trên mạng xã hội hay đường phố Hà Nội, ấy thế mà đông đúc khán giả, từ già, trẻ, gái, trai, ai cũng chọn cho mình một chỗ ngồi lý tưởng để thưởng thức buổi diễn. Đối với người làm nghệ thuật, những buổi biểu diễn “đường phố” như thế chính là cách để đưa Tuồng đến gần hơn với công chúng, để bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa lâu đời mà ông cha ta đã hết mình nuôi dưỡng và trân trọng.

img_7530.jpg
Một buổi biểu diễn Tuồng miễn phí trên tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Bên cạnh đó cũng không thể phủ nhận sức sống tiềm tàng của những làng Tuồng không chuyên - nơi lưu giữ những giá trị nguyên bản nhất của bộ môn nghệ thuật Tuồng. Họ có thể không phải là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng kỹ năng về nghề hay cách họ cảm thụ nhân vật đều rất xuất sắc, bởi họ học từ chính niềm đam mê của những nghệ nhân đi trước. Và đáng mừng thay, ở một số địa phương, loại hình văn hóa này vẫn được triển khai rất thường xuyên và sôi nổi, đặc biệt phải kể đến “kinh đô” của Tuồng - Bình Định. Nơi đây quy tụ hơn chục đoàn diễn Tuồng không chuyên, với những người nông dân mang cày là những người nghệ sĩ.

8308e37a-8749-49b2-b3bd-5871f429b2ab

Ngày nay, một số bạn trẻ đã có những sáng kiến “làm sống lại” tình yêu nghệ thuật Tuồng trong đời sống hiện đại, đặc biệt là cách dùng công nghệ số để duy trì giá trị truyền thống trong dự án “Trường Ca Kịch Viện” của một cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

truong-ca-kich-vien.jpg
Nguồn: Trường Ca Kịch Viện

Dự án ra đời vào năm 2020, đến nay đã thành công xây dựng một lượng tương tác “khủng” với hơn 100.000 lượt truy cập website và hơn 6.000 lượt thích fanpage trên Facebook. Một số triển lãm mở cửa tự do để quảng bá nghệ thuật Tuồng cũng đã được triển khai thành công vào đầu năm 2022 này. 

Tuồng đồng hành trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từ thời phong kiến được xem là “quốc kịch”, vậy mà đến thời kỳ hiện đại, cái linh hồn dẻo dai và mãnh liệt ấy lại đang vươn mình trong vô vọng khi sự quan tâm của cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng không còn dồn quá nhiều vào những giá trị văn hóa truyền thống nữa. 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có những chính sách cần thiết để tăng cường công tác duy trì và phát triển Tuồng. Bên cạnh những đãi ngộ, trợ cấp dành cho người diễn Tuồng, Đảng còn tạo điều kiện để những đoàn Tuồng chuyên nghiệp và không chuyên có cơ hội tham dự những sự kiện văn hóa trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên những chính sách đó tính đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là về vấn đề kinh phí luyện tập và chế độ bồi dưỡng cho diễn viên.

Vậy nên Tuồng nay vẫn cứ cầm chừng, với câu hỏi đau đáu, liệu tre già rồi măng có mọc.

Không những vậy, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, ông Phạm Ngọc Tuấn còn cho biết đầu tư cho công tác truyền thông marketing Tuồng cũng chưa được chú tâm, trong thời đại mà đáng lẽ ra nên tận dụng triệt để mạng xã hội để cải tiến và quảng bá Tuồng tới đông đảo công chúng. Vốn dĩ làm truyền thông nghệ thuật rất khó, bởi họ phải hiểu được nghệ thuật mới có thể làm được truyền thông. Hơn thế nữa nghệ thuật Tuồng không phải ngày một ngày hai là có thể thấm nhuần giá trị, mà nó là một quá trình, cùng đồng hành, cùng chia sẻ giá trị với nhau. Vậy nên, những người làm truyền thông đòi hỏi những yêu cầu rất cao về chuyên môn nghiệp vụ, bên cạnh năng khiếu làm truyền thông xã hội. Nhưng trợ cấp kinh tế mà khiêm tốn thì liệu họ có đủ nguồn để phát triển bản thân hay không, và có đủ động lực để duy trì mãi với nghề hay không? 

278135266_509479190762183_126190574264972696_n.jpg
278457867_509478560762246_6984434761720056344_n.jpg
278251303_509477800762322_779593909896280278_n.jpg

Nghệ thuật Tuồng có đang phát triển cầm chừng?

Câu trả lời là có. Mặc cho bao nhiêu nỗ lực duy trì và phát triển đến từ vị trí Nhà hát Tuồng Việt Nam, nếu không có sự hỗ trợ triệt để từ phía nhà nước, thì làm sao có thể cho ra đời những kịch bản sân khấu phù hợp với xu thế mới, làm sao để chiêu mộ những nhân tài trẻ nối tiếp con đường của những người đi trước được đây. Không chỉ Tuồng nỗ lực, mà chính những thế hệ sau, những thế hệ truyền lửa cho Tuồng, phải vận hết sức mình để ánh sáng của Tuồng không bao giờ vụt tắt trên đất Việt.

head3.png

Viễn cảnh nào cho Tuồng trong tương lai? Đối với người đứng đầu Nhà hát Tuồng Việt Nam, câu trả lời vẫn luôn là bảo tồn nét văn hóa truyền thống này để Tuồng tiếp tục là nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc trên trường quốc tế. Bởi đơn giản văn hóa chính là bộ mặt của quốc gia, văn hóa còn thì đất nước còn, văn hóa mất thì đất nước mất. Trải qua hàng trăm năm lịch sử và vốn mang trong mình nét đẹp văn hóa độc đáo, chắc chắn Tuồng trong tương lai sẽ tiếp tục được bảo tồn và đồng thời phát triển hơn nữa trong dòng chảy hiện đại muôn màu muôn vẻ của xã hội. Song đứng trước thực trạng Tuồng gặp rất nhiều vấn đề khó khăn chồng chất cần tháo gỡ, sự chung tay hành động của Nhà hát Tuồng, Nhà nước và giới trẻ – chủ nhân tương lai của đất nước, là vô cùng cần thiết để chấn hưng loại hình nghệ thuật một thời huy hoàng này.

64985b6d-16c5-4ece-9362-6098bcf653e7

Trước hết, nỗ lực bảo tồn Tuồng vẫn phải đặt lên hàng đầu, nhưng đồng thời cần tiến hành cải tiến Tuồng hơn nữa để công chúng có thể tiếp cận văn hóa nghệ thuật truyền thống một cách gần gũi hơn. Suy cho cùng, từ trước đến nay, nhiệm vụ hàng đầu của Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn luôn là giữ gìn và phát huy tinh hoa nghệ thuật Tuồng truyền thống trên cơ sở cách tân và cải tiến phù hợp. Việc kết hợp tiếp tục bảo tồn và đẩy mạnh việc hiện đại hóa Tuồng không thể thiếu sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước và các cơ quan chức năng ngành văn hóa và cả ngành ngoại giao, đặc biệt khi muốn đem sân khấu Việt ra với thế giới.

Phát huy thế mạnh Tuồng lịch sử

Thực tế, Tuồng đang có những bước đi chao đảo trước việc vô vàn luồng văn hóa trên toàn thế giới xâm nhập vào đời sống công chúng nhưng có một sự thật không thể chối cãi là Tuồng lịch sử, hiện đại và đương đại ngày càng được khán giả – đặc biệt giới trẻ – quan tâm và đón xem hơn, do đó trong tương lai, Tuồng cần tiếp tục phát huy thế mạnh này của mình. Trong đó, có thể nói lịch sử trở thành đề tài tiềm năng nhất của nghệ thuật Tuồng nhờ hơi thở hiện đại qua sự kết hợp linh hoạt giữa chất liệu Tuồng truyền thống trong chủ đề trung quân ái quốc.

mot-canh-trong-vo-tuong-trung-than-1555421403-width1000height543-16264287313531728021-1626486470444-16264864707321577697154.jpg

Buổi công diễn vở Tuồng lịch sử “Trung thần” năm 2019 kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Tuồng Việt Nam là một ví dụ tiêu biểu. Vở Tuồng đã nhận được những lời tán thưởng không ngớt từ khán giả với không một chỗ trống trong Rạp Hồng Hà. Có thể lí giải sự thành công này bởi hai yếu tố - chiều sâu tư tưởng và sự dàn dựng gần gũi, sinh động.

​Vở diễn trước tiên nhận được sự đồng cảm của khán giả nhờ nội dung ý nghĩa và thông điệp khiến người xem suy ngẫm: trong một xã hội luôn tồn tại sự đối chọi giữa những trung thần tận tụy vì nước vì dân với những gian thần, nịnh thần, chỉ lo cho lợi ích cá nhân. Sự đối lập gay gắt này hoàn toàn dễ hiểu và dễ liên hệ trong xã hội hiện đại ngày nay và thông qua sự kết hợp nhịp nhàng giữa ca kịch và vũ đạo, khán giả được chứng kiến nhiều cao trào, đầy ắp sự kịch tính và thấm đẫm chiều sâu tư tưởng. 

​Công chúng yêu nghệ thuật truyền thống trong nước còn được tiến một bước gần hơn tới nghệ thuật Tuồng thông qua các vở Tuồng áp dụng thủ pháp nghệ thuật phương Tây. Rất nhiều tác phẩm bất hủ của nhân loại đã được Nhà hát Tuồng Việt Nam mạnh dạn thử nghiệm dàn dựng, như kịch bản Otello, Romeo – Juliet, Le Cid, Giông Tố, Oedipus làm vua… qua đó làm phong phú kho tàng nghệ thuật Tuồng của dân tộc tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu và hội nhập quốc tế.

Tích cực tham gia các dự án hợp tác và liên hoan nghệ thuật quốc tế

Nhiều dự án hợp tác quốc tế đã được thực hiện hết sức thành công bởi Nhà hát Tuồng Việt Nam và điều này cần được tiếp tục phát huy đẩy mạnh hơn nữa trong tương lai. Trong đó, các dự án đồng sản xuất vở diễn cần được đặc biệt chú trọng bởi thông qua việc đồng sản xuất, những đạo diễn nước ngoài có thể giúp ta tìm ra những nét tinh túy, đặc sắc, riêng biệt của Tuồng để thuận lợi trong việc tiếp cận công chúng nước ngoài và lan tỏa nghệ thuật Tuồng ra càng nhiều mảnh đất trên thế giới.

Còn nhớ, dự án hợp tác nghệ thuật thành công tốt đẹp của Tuồng Việt – kịch mặt nạ Pháp bắt đầu với vở diễn Vòng cát và sau là vở Antigone Việt Nam. Đã có hơn 100 buổi công diễn vở Vòng cát ở trong và ngoài nước, được khán giả cả hai nước Việt – Pháp nhiệt tình ủng hộ và hoan nghênh. Mượn tích chuyện nàng Antigone châu Âu nhưng khai thác nhân vật chính theo hướng khác – nhân vật chính Ti An không chết và hướng đến một tương lai tốt đẹp, luôn sống trọn vẹn cho những giá trị mà cô tin tưởng. Qua nhân vật Ti An, vở diễn tôn vinh hình ảnh đẹp đẽ của phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến giành lại tự do, độc lập cho dân tộc.

748716a2-e7ca-42e9-9efd-351adb87c3ba
Nguồn: Internet

Dù không có phụ đề cho cả vở diễn bằng tiếng Pháp và tiếng Việt nhưng nhờ lòng tôn trọng to lớn với cả nghệ thuật mặt nạ Pháp và nghệ thuật Tuồng Việt Nam mà đạo diễn Alain Destandau đã giúp hai nền nghệ thuật hòa quyện vào nhau rất tinh tế, chạm đến trái tim người xem, và vượt lên mọi rào cản ngôn ngữ. Hai vở diễn hợp tác Việt-Pháp thành công đến mức các nhà tổ chức nghệ thuật tham gia sân khấu kịch lớn nhất châu Âu – Festival D’Avignon – đã yêu cầu ký hợp đồng biểu diễn dài ngày cho hai vở tại Pháp trong năm 2010 và 2011.

Không chỉ dừng lại ở các dự án hợp tác quốc tế, việc tham gia các liên hoan nghệ thuật quốc tế cũng cần được khuyến khích nhiều hơn để các nghệ sĩ Việt Nam có cơ hội giao lưu, mài giũa, nâng cao chuyên môn, tự hào thử sức mình trước sân chơi nghệ thuật lớn và đem về cho Tuồng nhiều cơ hội phát triển hợp tác mới, tăng cường sự nhận thức và hiểu biết của khán giả quốc tế về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. 

Thúc đẩy và đa dạng hóa các chương trình lan tỏa Tuồng với khán giả trẻ 

Quay trở lại việc đem Tuồng đến với khán giả trong nước, đặc biệt là giới trẻ, “Chương trình giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ” được khởi động năm 2021 cần được tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động hơn nữa để sớm thu hẹp khoảng cách giữa khán giả trẻ với loại hình nghệ thuật bác học trân quý của nước nhà.

Tính đến tháng 11/2021, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã thể hiện được tổng cộng 4 trích đoạn tiêu biểu: “Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội”, “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, “Trần Quốc Toản ra quân”, “Ôn Đình chém tá” và được kì vọng sẽ tiếp tục mang đến nhiều tiết mục biểu diễn hơn nữa cho người trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vốn là một bộ môn nghệ thuật mang tính mẫu mực, kết hợp văn chương cổ theo lối cách điệu, ước lệ,... nên vấn đề mấu chốt của người tổ chức chương trình là phải giúp khán giả trẻ Tuồng tác trực tiếp với Tuồng để hiểu và yêu loại hình nghệ thuật kén người xem này.. 

info2_optimized(1).png

Bên cạnh đó, thông qua các hình thức đa dạng như giao lưu trực tiếp, gần gũi giữa nghệ sĩ trẻ và khán giả trẻ trong các buổi diễn hay tương tác và kết nối cởi mở qua các fanpage trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, và YouTube, khán giả có thể trực tiếp làm quen với đạo cụ, học các động tác biểu diễn Tuồng với chính các diễn viên trẻ, và được giải đáp các thắc mắc về kỹ thuật biểu diễn, vũ đạo, hóa trang, âm nhạc, cũng như kết nối với Tuồng từ ngay chính chiếc điện thoại thông minh của mình. ​

Nói cách khác, đã đến lúc Tuồng nhận được hỗ trợ đầu tư nhiều hơn nữa từ Nhà nước và cần sự bắt tay phối hợp của cơ quan chức năng ngành giáo dục, truyền thông để xây dựng lớp khán giả trẻ từ bậc tiểu học, THCS, THPT cho đến bậc cao đẳng, đại học hiểu Tuồng, yêu Tuồng, để vượt lên cái mác “kén người xem” và thực trạng dần bị quên lãng trước dòng chảy sôi động của các loại hình văn hóa hội nhập.

Hỗ trợ phát triển mạng lưới Tuồng không chuyên

Cuối cùng, việc phát triển mạng lưới Tuồng không chuyên sâu rộng thông qua các câu lạc bộ Tuồng ở địa phương là hết sức cần thiết trong việc bảo tồn loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống này. Nhà nước cũng cần tăng cường tiếp sức các phong trào Tuồng không chuyên để các tiết mục Tuồng ở các tỉnh, thành, địa phương đến gần hơn với nhân dân và góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong việc xã hội hóa các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống.

5ee0e476-08ed-428d-a63a-4aa49ab4cafa

Tăng cường đào tạo cho các nghệ sỹ Tuồng

Đứng trước hiện thực nguồn nhân lực đang thiếu trầm trọng từ đội ngũ sáng tạo (tác giả, diễn viên, nghệ sỹ, nhạc công) cho đến người làm công tác truyền thông marketing, Nhà nước cần nhanh chóng tháo gỡ nút thắt quan trọng này để không chỉ dừng lại ở phục dựng, chuyển thể từ kịch mà còn sản xuất những tác phẩm nghệ thuật mới xuất sắc và đồng thời lan tỏa vẻ đẹp Tuồng đến công chúng qua đội ngũ truyền thông đắc lực. Việc này trước hết nên bắt đầu bằng việc cập nhật các cơ chế chính sách phù hợp hơn với đặc trưng của bộ môn nghệ thuật Tuồng, để tăng mức lương hưu cho những “chiến sỹ trên mặt trận văn hóa” ngày đêm duy trì và hết lòng lan tỏa những tinh hoa nghệ thuật cổ truyền. Sau đó là việc mở rộng và tăng cường các chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu hàng năm cho đội ngũ diễn viên, đạo diễn, sáng tác, nhạc sỹ, họa sỹ, biên đạo múa không chỉ ở trình độ trung cấp mà còn nâng cao đến trình độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. 

screenshot_20230123_094951.png

Phổ biến nghệ thuật Tuồng tới khán giả

Tuồng vốn là một bộ môn nghệ thuật thiên về tính ước lệ, cách điệu và biểu trưng rất cao. Ngôn ngữ trong Tuồng là thứ ngôn ngữ bác học, đa phần là thơ đường luật mà không phải khán giả nào lần đầu xem cũng có thể hiểu được. Do đó, đào tạo lớp người làm nghệ thuật thôi là chưa đủ, còn cần “đào tạo khán giả” xem Tuồng. 

Cần nhiều hơn nữa những chương trình như “Giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ” để không chỉ người trẻ mà tất cả những người chưa từng tiếp xúc với Tuồng ở mọi lứa tuổi có cơ hội để được tiếp cận và thưởng thức trực tiếp các vở Tuồng đặc sắc. Không những thế, người xem rất cần được hiểu hơn về Tuồng thông qua các câu hỏi thiết thực giải đáp tính bác học của Tuồng, hay có thể là về cách trang điểm của diễn viên, các lối múa, đi và đứng (mà trong nghề gọi là bê, xiên, lỉa và lăn, khai, ký, cầu,...), hay thông qua việc trực tiếp đóng thử các phân đoạn Tuồng yêu thích,... Có như vậy, các giá trị về mặt thẩm mỹ, nghệ thuật, ý nghĩa lịch sử, nhân văn của Tuồng mới được truyền tải một cách trọn vẹn.

27747498_357505084726285_856964347437349621_o.jpg
27908395_360875741055886_2945710593309461104_o.jpg
27908399_360875957722531_3814286909231356_o.jpg
9b833935-8794-41e0-9ed4-45486c87145a

Ngành công nghiệp dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống là hướng đi mà nhiều quốc gia hiện nay đang thực hiện và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như Nhật Bản và Hàn Quốc. Với những nét đặc trưng riêng biệt hiện có, Tuồng thực sự có nhiều tiềm năng để góp phần vào nền công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

Thực tế, bạn bè các nước rất yêu thích nghệ thuật Tuồng của chúng ta. Theo chia sẻ của Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, tại các Festival quốc tế tại Bỉ, Cuba, Hàn Quốc, Pháp,... khán giả nước bạn đều bày tỏ sự thích thú với bộ môn nghệ thuật sân khấu này của Việt Nam bởi sự độc đáo, lạ, khác biệt và mang những chất liệu riêng biệt của văn hóa phương Đông. Đặc biệt, Tuồng có tính truyền thống, có nghĩa là truyền từ đời này qua đời khác trong khi các nước phương Tây chỉ có tính đương đại.

screenshot_20230123_095446.png
Nguồn: Nhà hát tuồng Việt Nam

Câu hỏi đặt ra là nếu phát triển Tuồng thành ngành công nghiệp văn hóa thì nên phát triển theo hướng nào? Hiện tại, nếu để Tuồng phát triển riêng rẽ thì còn rất khó vì xét trên một số khía cạnh, đối với những người chưa từng tiếp xúc với bộ môn này, Tuồng còn kén người xem và thiếu sức hút so với với những loại hình văn hóa đại chúng khác. 

Kinh nghiệm từ các nước bạn có thể đưa ra một vài gợi ý cho định hướng phát triển Tuồng của nước ta. Kinh Kịch, Hí Kịch của Trung Quốc hay kịch Noh của Nhật Bản cũng là các loại hình nghệ thuật sân khấu được cho là kén khán giả. Tuy nhiên, hai quốc gia này đang làm tốt công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của mình. Trong đó, các đoàn nghệ thuật, các đơn vị sự nghiệp được Trung Quốc đài thọ về mặt kinh phí. Nhà nước có văn bản chỉ đạo cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tới các trường học để biểu diễn, thị phạm với mức tối thiểu 1 trường/vở/năm. Bên cạnh đó, Nhật Bản quảng bá kịch Noh thông qua việc kết hợp với các đơn vị du lịch hay các mùa lễ hội có quy mô lớn. Có thể thấy điểm chung ở cả Trung Quốc và Nhật Bản là đều lồng ghép các chương trình sân khấu biểu diễn nghệ thuật trong các tour du lịch.

screenshot_20230123_095631.png
Nguồn: Internet

Quay trở lại Việt Nam, so với Kinh Kịch hay Kịch Noh, Tuồng không kém phần độc đáo nhưng việc quảng bá và phát triển nó trở thành một bộ phận của ngành công nghiệp văn hóa chưa có nhiều. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, dựa trên thực tế tại Việt Nam, Tuồng nên được gắn với du lịch và thời trang, đặc biệt là du lịch. Thông qua du lịch để giới thiệu, quảng bá Tuồng đến bạn bè quốc tế cũng như phục vụ trở lại cho ngành du lịch. Địa điểm biểu diễn có thể linh hoạt hơn thay vì chỉ tổ chức tại nhà hát chính, có thể ở trên đường phố, tại các lễ hội quốc tế, các khách sạn quốc tế,...

Hiện nay, Huế là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả công tác này. Các chương trình nhã nhạc cung đình, ca kịch Huế tạo được dấu ấn đậm nét với du khách, đặc biệt là khách ngoại quốc khi địa phương này sử dụng nghệ thuật thực cảnh, được dàn dựng công phu, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, với sự hỗ trợ hiệu quả của của kỹ thuật âm thanh, ánh sáng.

tu-hao-nha-nhac-cung-dinh-hue-mot-trong-nhung-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cua-nhan-loai-6-1638257493.jpeg
Nguồn: Internet

Tuy nhiên, để Tuồng tạo ra được những đóng góp thực sự cho ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư lớn, nghiêm túc và bài bản từ phía nhà nước. Vì về cơ bản, đầu tư vào các loại hình nghệ thuật thường không tạo ra được kết quả trong một sớm một chiều mà cần một quá trình lâu dài có tính chiến lược. Nhà nước cần có những văn bản hướng dẫn và chính sách cụ thể để vạch rõ lộ trình, hướng đi cho Tuồng nói riêng và các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung trong các thời gian dài, đặc biệt cần mạnh dạn đầu tư và phân bổ ngân sách lớn cho công tác này. 

ket.png