Theo chân người dân biên viễn miền Tây xứ Nghệ xuyên rừng hái “lộc Trời”
Mega Story - Ngày đăng : 19:54, 12/05/2023
Theo chân người dân biên viễn miền Tây xứ Nghệ xuyên rừng hái “lộc Trời”
Dãy núi Huồi Đu trùng trùng, điệp điệp bao quanh khu vực xã Mường Lống, xã Huổi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) ngút ngàn cây xanh. Dưới tán rừng xanh mướt mây mù che phủ quanh năm ấy, nấm linh chi trở thành “sản vật" mang lại nhiều giá trị kinh tế cho người dân.
Dãy núi Huồi Đu trùng trùng, điệp điệp bao quanh khu vực xã Mường Lống, xã Huổi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) ngút ngàn cây xanh. Dưới tán rừng xanh mướt mây mù che phủ quanh năm ấy, nấm linh chi trở thành “sản vật" mang lại nhiều giá trị kinh tế cho người dân.
Vào mùa mưa, những dãy núi phủ lên mình một “tấm áo” xanh mướt. Đây là lúc các loài thực vật dưới những tán cây rừng sinh sôi nảy nở, trong đó có nấm linh chi và các loại thảo dược quý hiếm.
Những năm gần đây, nhờ hợp tác với Tập đoàn TH, người dân Kỳ Sơn đã biết thu hái thảo dược đúng cách, tránh tình trạng khai thác cạn kiệt, không còn tận diệt “lộc Trời”. Sản phẩm sau khi thu hái được Tập đoàn TH bao tiêu đầu ra, giúp cải thiện sinh kế cho cư dân bản địa.
Gian nan hái “ngọc” trong rừng
6 giờ sáng, khi mây mù còn phủ dày trên những ngôi nhà ở nơi có độ cao hơn 2.000m so với mặt biển, anh Vừ Chống Lầu (bản Phà Xắc, Huổi Tụ) đã bắt đầu cho một ngày đi rừng hái nấm. Hành trang mang theo mỗi buổi đi rừng của anh Lầu cũng như những người hái nấm linh chi là một vài chai nước, lương thực cùng đôi ủng dài qua đầu gối, chiếc gùi, cây rựa. Trang phục của họ là bộ đồ mặc kín mít để tránh vắt xâm nhập vào cơ thể.
Lối mòn trong rừng chỉ đủ cho một người đi. Vào mùa mưa, cánh rừng trở nên ẩm ướt, con đường mòn trơn trượt khiến người khách phải bấm chân xuống đường, thận trọng dò dẫm từng bước để khỏi trượt ngã.
Thoăn thoắt đi sâu vào trong rừng, hết đi đường mòn rồi leo lên sườn núi dốc đứng, anh Lầu nhớ như in những lối đi dẫn đến nơi có nấm linh chi đã ‘ngắm nghía’ từ trước. Giữa chốn rừng sâu, cây xanh bạt ngàn vây kín nhưng không quá khó khăn cho người ‘thợ rừng’ tìm đến điểm cần tới.
Sau gần một giờ đồng hồ luồn rừng cùng anh Lầu, chúng tôi đến khoảng lưng chừng núi, bên dưới là những lá cây nứa ẩm, dưới mặt đất đầy vắt. Vắt nhảy tanh tách vào ủng, rồi luồn bám vào chân hay bất cứ phần nào trên cơ thể lộ ra của người đi rừng.
Vừ Chống Lầu tiến tới một gốc cây cổ thụ đã mục nát, ở đó có những cây nấm đã bung dù lên khỏi mặt đất, mũ dù có hình tròn bán kính 8-15cm, mặt trên của nấm có màu nâu đỏ, còn mặt dưới mũ dù có màu trắng. Anh nhẹ nhàng cầm con dao khẽ ngắt những cọng nấm cao chừng nửa gang tay để tránh làm tổn thương những cây nấm nhỏ. Mùi nấm tươi thơm ngát, dễ chịu, Lầu lấy tay gỡ vết bẩn còn dính nơi cọng nấm, rồi cho vào gùi...
Anh Vừ Chống Lầu bảo rằng từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm là mùa mưa nên rừng ẩm ướt, nấm linh chi và các thảo dược quý trong tự nhiên mọc lên rất nhiều. Khi ấy, công việc nương rẫy cũng đã xong, những người dân bản lại rủ nhau đi vào rừng hái “lộc” để cải thiện cuộc sống.
“Hôm nào xác định đi xa thì phải rời nhà từ sáng sớm, mang theo cơm nắm, nước. Có ngày không may, đi cả buổi rồi về không nhưng cũng có ngày may gặp cả chùm nấm to thì được vài kilogam. Thu hái xong, mình sẽ đánh dấu gốc nấm để năm sau tới khu vực đó hái tiếp. Bụi nấm này mình tìm thấy mấy tuần trước, khi ấy nó còn nhỏ nên mình đánh dấu lại vị trí, rồi tính thời điểm để hôm nay trở lại thu hoạch,” anh Lầu bày tỏ.
Vào mùa, người dân hái nấm ở khu rừng gần, sau đó đi vào những cánh rừng xa hơn, leo qua những dãy núi cao. Có ngày, anh Lầu và người hái nấm phải đi bộ từ dãy núi này qua dãy núi khác, cả đi và về 20-30 cây số. Loại nấm này chỉ mọc trong các rừng nứa có độ ẩm cao, nên đi hái rất vất vả. Trong mỗi chuyến đi rừng, việc đốt lửa, tháo ủng lên hơ để vắt rơi ra, hay tự tay cầm cây nứa cậy những con vắt căng máu ra khỏi cơ thể người là chuyện thường gặp.
Bà Lỳ Y Mò - một người chuyên đi hái nấm linh chi cho hay người dân thường dựa theo kinh nghiệm để tìm và hái nấm. Theo đó, ở những nơi có lớp lá tre nứa ủ lâu ngày, khi những trận mưa rừng bắt đầu đổ xuống, sau hơn một tháng, từ lớp mùn ẩm thấp sẽ mọc lên những cây nấm đầu tiên, mũ đinh sẽ lớn dần, trở thành cây nấm có mũ dù hoàn chỉnh. Sau một thời gian, nếu không hái, dù nấm to dày sẽ thối đi. Do đó, nấm linh chi phải được hái đúng thời điểm mới có độ thơm và giữ được lâu.
Theo bà Mò, từ ngày có Công ty cổ phần dược liệu TH - TH Herbals (thuộc Tập đoàn TH) về Kỳ Sơn tiến hành các hoạt động bảo tồn và thu mua nhiều loại thảo dược, họ rủ nhau lên rừng tìm hái nấm để tăng thêm thu nhập, cải thiện nguồn sống. Thế nhưng thay vì khai thác đến mức kiệt quệ như mọi khi, họ đã được hướng dẫn cách giữ lại những mầm linh chi để tiếp tục thu hái vào lần kế tiếp.
"Mùa mưa, trong những cánh rừng tre nứa núi mọc nhiều, đặc biệt có nhiều nấm linh chi, nên bà con ai cũng tranh thủ thu hái. Có lúc cao điểm mỗi người một ngày hái được từ 3 đến 5 kg. Nhiều lúc, tại một gốc cây gỗ mục có tới gần hai chục mũ nấm linh chi với nhiều kích thước khác nhau, chiều dài từ 5-25 cm. Tuy nhiên mọi người chỉ thu hái những cây nấm lớn, không hái nấm nhỏ, chưa đủ kích thước,” bà Y Mò chia sẻ.
Theo những người chuyên đi hái nấm, ở khu vực núi này, linh chi chỉ mọc trên những cây đã chết đứng, không bao giờ mọc trên những thân cây còn sống. Khi thu hái, họ thường để lại một phần chân nấm để có nguồn thu cho mùa sau. Bởi khi có mưa, linh chi sẽ tiếp tục mọc lên.
Chuyến đi “săn” nấm trong rừng kéo dài trên các triền núi Huồi Đu rộng gần 20km. Khuôn mặt nhiều người dân đen sạm bởi sương gió lộ rõ niềm vui, phấn khởi bởi chuyến đi thu hoạch được nhiều “lộc Trời.”
Gìn giữ, bảo tồn để mưu sinh
17h chiều,chị Lầu Y Sì (xã Huồi Tụ) xếp khoảng 10 bao tải nấm linh chi lên chiếc xe wave cà tàng, vượt qua những đoạn đường ổ gà tới Trung tâm Bảo tồn và Phát triển dược liệu Mường Lống- đơn vị do TH Herbals quản lý. Tại đây, ông Lầu Chia Lồng, Giám đốc trung tâm đã đợi sẵn. Vùa giúp chị Y Sì bốc dỡ những tải nấm linh chi khỏi xe máy, ông Lồng động viên: “Đợt hàng này chị Sì và bà con thu hái được nhiều quá...”
Cầm trên tay cây nấm linh chi nặng tới gần 1kg, chị Lầu Y Sì nở nụ cười mãn nguyện với thành quả sau gần một tuần đi rừng vất vả của mình và hàng xóm. Sau khi đưa lên cân kiểm tra, chuyến hàng này được 86kg.
Theo lời chị, mỗi vụ lên rừng hái nấm, gia đình chị thu được 5-6 triệu đồng, giúp chị có thêm thu nhập lúc nông nhàn.
Khi được hỏi làm sao nhận biết được nấm nào đạt tiêu chuẩn chất lượng, nấm nào không, chị Lầu Y Sì kể trước mỗi mùa thu hoạch thảo dược, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Bảo tồn và phát triển dược liệu Mường Lống đều có những buổi mời người dân đến để phổ biến kiến thức về cách thức lựa chọn và thu hái thảo dược để đạt chất lượng tốt nhất.
“Qua những đợt đào tạo, tập huấn đó, chúng tôi được phổ biến các kiến thức chỉ thu hoạch nấm trưởng thành, còn nấm nhỏ thì để lại cho chúng phát triển. Các cán bộ cũng phân tích, nếu cứ mãi chạy theo giá trị kinh tế mà tận thu cả những cây nấm mới mọc thì sợ rằng sau này không còn nấm tự nhiên để thu hái nữa… Vì vậy, chúng tôi hiểu vừa thu hái, vừa phải bảo vệ những nguồn dược liệu trong tự nhiên để những năm sau còn thu hái tiếp,” chị Y Sì cho hay.
Ngoài ra, không chỉ nấm linh chi, người dân còn thu hái những thảo dược quý trong tự nhiên như giảo cổ lam, lạc tiên… tới bán cho trung tâm.
“Chúng tôi thu mua với số lượng lớn. Sáng sớm, người dân đi thu hái và buổi chiều có thể tới bán. Đơn cử như giảo cổ lam, mỗi ngày một người có thể thu hái từ 30-50kg, lạc tiên cũng vậy. Hàng năm, công ty thu mua từ 4-5 tấn linh chi, 8-10 tấn giảo cổ lam do bà con thu hái hoàn toàn từ tự nhiên trong rừng...,” anh anh Nguyễn Đức Khang, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển dược liệu Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) nhấn mạnh.
Chính vì vậy, vào mùa cao điểm là tháng 6-tháng 7, cán bộ của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển dược liệu Mường Lống phải tăng ca, làm thâu đêm và thậm chí ngay từ tháng 5-6 đã phải thuê thêm nhân công bên ngoài để thu mua, sơ chế, cắt tỉa, đóng gói.
Sản phẩm sau khi thu mua sẽ được các chuyên gia của trung tâm phân tích, kiểm tra chất lượng, tập kết tại xưởng, phân loại rửa, thái lát, sấy khô theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và được đóng gói vận chuyển vào trong kho bảo quản. Tiếp theo, các nguyên liệu này sẽ được xử lý các bước tiếp theo theo quy trình hiện đại nhất để cho ra thành phẩm.
Chị Lầu Y Sì thì hồ hởi bảo rằng trước đây, để bán được nấm linh chi cho thương lái, người dân phải chở hàng hóa vượt nhiều núi đèo với quãng đường gần 30km tới thị trấn Mường Xén. Tới nơi, có khi họ còn bị tiểu thương ép giá, không mua. Còn bây giờ, dân bản chỉ cần đem tới xã Mường Lống – chỉ cách nơi ở 3km là đã có người chịu trách nhiệm thu mua, chưa kể giá ở đây thường cao hơn thị trường. Nhờ đó, người dân không còn phải thấp thỏm lo lắng cho sản phẩm đã vất vả thu hái trong rừng.
Kỳ Sơn – mảnh đất vùng biên viễn phía Tây xứ Nghệ hùng vĩ và nên thơ ẩn hiện với những mái nhà trong mây, những dãy núi điệp trùng trải dài xanh thẳm. Trong những ngọn núi, dưới các cánh rừng già, hàng ngày người dân vẫn cần mẫn vào rừng “hái lộc Trời" để mưu sinh và họ biết những sản phẩm ấy không chỉ giúp mình cải thiện sinh kế mà còn được Tập đoàn TH xử lý thành những gói trà thảo dược quý để chăm sóc sức khỏe con người./.
Tác giả: Thùy Giang