Du lịch cộng đồng làm sống dậy không gian văn hóa bản địa
Mega Story - Ngày đăng : 09:40, 31/05/2023
Du lịch cộng đồng làm sống dậy không gian văn hóa bản địa
Du lịch cộng đồng được giới chuyên gia nhận định sẽ là xu hướng mang đến nhiều triển vọng tạo sinh kế cũng như thay đổi tư duy làm kinh tế cho bà con ở những vùng miền còn nhiều khó khăn.
Để triển khai mô hình này, các hộ dân chủ yếu tận dụng cảnh quan thiên nhiên cũng như giá trị văn hóa bản địa khác biệt trong khi khoản đầu tư tài chính chỉ cần vừa phải.
Nhưng làm du lịch cộng đồng có thật sự đơn giản thế? Làm thế nào để hoạt động này mang lại sinh kế bền vững cho người dân các địa phương đang sở hữu nhiều tiềm năng tự nhiên, văn hóa?...
Phóng viên Báo Điện tử Vietnamplus đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) xung quanh câu chuyện này.
Văn hóa bản địa là chìa khóa
- Thời gian qua, du lịch cộng đồng đã mang đến một hình ảnh tươi mới, đẹp đẽ hơn cho nhiều bản làng, vùng quê Việt Nam. Là người gắn bó với các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn bà con khởi nghiệp du lịch cộng đồng ở nhiều vùng miền trên cả nước, ông đánh giá thế nào về bức tranh này ở nước ta hiện nay?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, rất nhiều địa phương đã đồng loạt triển khai mô hình du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đó gặp rất nhiều khó khăn, như việc nhiều chính quyền địa phương chưa hiểu thế nào là du lịch cộng đồng dẫn đến một số nơi làm theo phong trào để lấy thành tích. Có nơi thì bắt chước chỗ khác hoặc xây dựng mô hình nhưng không cần biết quy chế, quy chuẩn hoặc những điều cần thiết để phát triển du lịch.
Thậm chí, họ phá hết các cảnh quan văn hóa mà không hiểu rằng trong du lịch cộng đồng văn hóa bản địa chính là chìa khóa. Làm du lịch cộng đồng vừa là bảo tồn văn hóa, vừa phát huy các giá trị vốn có của từng đồng bào, từ đó mới tạo sinh kế bền vững.
Thế nhưng thực tế có nơi làm ngược khi xây dựng rất nhiều mô hình bungalow, bê tông hóa cả những ngôi nhà Mông… Họ phá vỡ hết các giá trị gốc, cảnh quan tự nhiên, thậm chí bê cả nhà Thái về khắp các bản làng, cộng đồng.
Nghị quyết 08 chính là động lực, là căn cứ phát triển du lịch cộng đồng, nhưng để triển khai tới từng địa phương lại vướng rất nhiều vấn đề. Ví dụ về tài chính, chưa có quy định cụ thể nào hay hạng mục nguồn lực nào dành cho phát triển du lịch cộng đồng, mà chỉ là hỗ trợ về bãi xe, nhà vệ sinh, đường xá…
Nhiều địa phương muốn hoạch định, triển khai mô hình du lịch nhưng lại vướng mắc về đất đai, hay có những quy chuẩn do bên Giao thông Vận tải áp cho các phương tiện phục vụ du lịch chưa đủ tiêu chuẩn phục vụ khách.
Thực tế, mỗi địa phương chủ trương có một sản phẩm OCOP du lịch là không sai nhưng để “anh nông nghiệp" xét duyệt, thẩm định thì lại khó. Việc này đáng lẽ nên để bên văn hóa hoặc du lịch cùng song hành hỗ trợ triển khai sẽ phù hợp hơn.
Phát triển du lịch cộng đồng cần phải đúng vai trò, trách nhiệm và tất cả chính quyền các sở, ban, ngành cũng như địa phương phải chung tay để thấy sự cần thiết của một tiêu chí quốc gia về phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó chúng ta phân vai, nhiệm vụ cho từng bên, có lộ trình rõ ràng là phát triển cái gì, bảo tồn cái gì, hạn chế cái gì… Làm được như vậy, tôi nghĩ sản phẩm du lịch cộng đồng của từng địa phương mới đủ tiềm lực, sức mạnh tập thể và sức thuyết phục để phát triển.
Trước đây chúng ta chưa có quy chế, quy chuẩn để phát triển du lịch cộng đồng, nhưng từ năm 2020 chúng ta đã có Quy chuẩn Quốc gia, có hướng dẫn chỉ dẫn trong vấn đề triển khai. Tôi hy vọng các tỉnh, thành phố trên cả nước nên có những chuyên gia thực sự am hiểu về du lịch cộng đồng để định hướng, từ đó phát triển mô hình này chuẩn hơn.
- Một trong những thực trạng của hoạt động du lịch cộng đồng Việt Nam hiện nay là việc phát triển ồ ạt, thiếu định hướng, thiếu chọn lọc, dẫn đến các sản phẩm du lịch ra đời chắp vá, lắp ghép thô vụng, nghèo nàn ý tưởng, thậm chí rập khuôn khi đâu đâu cũng chỉ thấy ngủ nhà sàn, thưởng thức ẩm thực, văn nghệ...
Trước cách làm thiếu đầu tư chất xám và thiếu bền vững, làm tổn hại đến những giá trị văn hóa bản địa như vậy, theo ông chúng ta cần làm gì để khắc phục tình trạng này?
Để du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững, ngoài cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa bản địa khác biệt, trước tiên, cần một cộng đồng thực sự muốn làm du lịch, sẵn sàng làm du lịch. Sau đó là sự song hành, chung tay, cầm tay chỉ việc của chính quyền địa phương.
Phạm Hải Quỳnh
Ông Phạm Hải Quỳnh: Thực tế ở nhiều địa phương người dân cũng tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi các mô hình khác nhưng vấn đề là họ học chưa tới. Bởi thường những mô hình đi học tập về chỉ là nhìn bằng mắt và nghe bằng tai mà không biết nó có đúng là du lịch cộng đồng không. Điều đó đã dẫn đến thực trạng như tôi vừa nêu.
Muốn có những sản phẩm tốt về du lịch cộng đồng, trước tiên phải hiểu rõ về cộng đồng, có những người am hiểu đồng hành và hỗ trợ để làm sao cả cộng đồng cùng tham gia vào hoạt động du lịch, cả cộng đồng chuyển đổi sinh kế hiện tại trở thành nghề, thành sản phẩm song hành với du lịch. Từ đó dựa trên những giá trị bản địa để tạo ra sản phẩm thực sự của du lịch cộng đồng.
Du lịch tạo sinh kế bền vững
- Theo ông, chúng ta có thế mạnh gì để bà con có thể tự tin phát triển du lịch cộng đồng? Và để du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững, tôi xin nhấn mạnh yếu tố bền vững cho người dân những vùng khó khăn, điều kiện cần và đủ là gì?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Việt Nam có giá trị cảnh quan thiên nhiên quá đẹp. Đó là lợi thế vô giá.
Ngoài ra, lợi thế lớn của chúng ta là có tới 54 dân tộc anh em với những giá trị văn hóa bản địa khác biệt hoàn toàn. Vấn đề là phải biết mỗi đồng bào dân tộc cụ thể có giá trị văn hóa gì khác biệt, độc đáo. Ví dụ, cùng là văn hóa người Dao nhưng người Dao ở Tả Phìn, Lào Cai khác với người Dao ở Hà Giang. Bởi gắn với mỗi không gian địa lý sẽ là một tập tục, tập quán riêng và người làm nghiên cứu phải tìm ra sự khác biệt đó giữa các đồng bào.
Để du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững, trước tiên, cần một cộng đồng thực sự muốn tham gia làm du lịch, sẵn sàng làm du lịch. Sau đó là sự song hành, chung tay, cầm tay chỉ việc của chính quyền địa phương.
Tôi lấy ví dụ như ở Nậm Pồ (Điện Biên), là một huyện nghèo rất sâu xa nhưng có Bí thư huyện chỉn chu, sẵn sàng xắn tay vào cùng làm với bà con. Các lãnh đạo như chủ tịch huyện, phó chủ tịch huyện tới cấp xã cũng dành thời gian song hành để tạo ra sản phẩm du lịch cho cộng đồng. Tới thời điểm này họ đã bắt đầu phát triển sinh kế.
Tức là từ du lịch họ mới phát triển sinh kế bền vững. Những hộ dân nào làm du lịch thì tiếp tục bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Những hộ dân nào chưa làm du lịch thì phát triển sinh kế. Như gần đây bà con Nậm Pồ trồng bí để bổ trợ cho sinh kế và song hành với du lịch.
Khi du lịch đạt được nguồn thu cơ bản ổn định sẽ giúp làm mạnh sinh kế và ngược lại. Câu chuyện giữa sinh kế và du lịch phải gắn liền mới tạo được bền vững cho phát triển du lịch cộng đồng.
- Ông có thể giới thiệu một số mô hình du lịch cộng đồng điển hình đã thành công cho các địa phương có thể học tập?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Viện Phát triển Du lịch châu Á đang song hành với khá nhiều mô hình du lịch cộng đồng mà ở đó các địa phương thực sự đã đưa cộng đồng vào được. Ví dụ như tôi vừa chia sẻ là Nậm Pồ, Điện Biên. Trong sáu ngày, địa phương đã huy động được 2.736 ngày công, hôm cao điểm có tới hơn 500 người dân tham gia. Đây là một điển hình về gắn kết cộng đồng thành công.
Mô hình khác như Tả Phìn, Sapa với cộng đồng người Dao, họ tập trung ở không gian chung và chia sẻ những giá trị văn hóa bản địa với 28 món ăn từ thảo dược. Huyện vùng cao Nguyên Bình, Cao Bằng cũng là mô hình rất hay. Ở đó, nhờ sự vào cuộc chung tay của chính quyền địa phương các cấp huyện, xã và cộng đồng, họ đã làm thành công mô hình du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, còn nhiều mô hình thành công như ở xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; thôn Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum...
Thắp sáng bản làng, làm sống dậy không gian văn hóa cộng đồng
- Về mặt quản lý, theo ông làm sao để phát huy hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng trên cả nước?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Đó là sự chung tay của các chính quyền địa phương. Trước đây, ta nghĩ rằng bà con cứ làm đi hoặc làm thí điểm một mô hình đi rồi khách đến, tự nhiên sẽ phát triển. Nhưng không, đó chỉ là thí điểm thôi.
Vì nếu thiếu sự giám sát của chính quyền địa phương sẽ nảy sinh tình trạng du lịch phát triển phá vỡ kiến trúc cảnh quan, người dân xây nhà bê tông, khách sạn lớn đón khách trong không gian bản làng mà đáng ra phải bảo tồn.
Khi chính quyền địa phương không tham gia quản lý, giám sát, người dân sẽ cạnh tranh nhau hạ giá, phá giá, làm những việc ảnh hưởng tới phát triển chung sau này. Do đó, thà chúng ta làm chậm mà có quy chế, quy chuẩn thật chắc, có điều tiết và chỉnh sửa ngay từ đầu thì sẽ phát triển được du lịch bền vững. Đi “sửa” sẽ khó khăn, vất vả hơn xây mới rất nhiều. Còn nếu chỉ lăm le đưa vào thí điểm một vài mô hình về sau dễ gây mâu thuẫn cộng đồng, khó phát triển du lịch.
Tôi nghĩ rằng các địa phương cần có nhìn nhận rõ ràng trong việc sẽ đi từ đâu, phát triển cái gì, lộ trình ra sao, đã phát triển là phải đồng bộ.
Tôi vẫn nói với các anh chị ở địa phương đừng nghĩ mình là người đi sau, bởi đi sau sẽ có lợi thế hơn, học được nhiều kinh nghiệm cũng như tránh được những sai lầm của bản làng đi trước.
- Trên hành trình đồng hành cùng bà con khắp các bản làng như vậy, điều gì để lại ấn tượng sâu đậm với ông nhất?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Khi tiếp xúc với cộng đồng, tôi thấy họ đa phần đều rụt rè, số người tham gia làm rất khiêm tốn. Cũng vì thế, hành trình của tôi không phải là câu chuyện của những sản phẩm du lịch cộng đồng hoàn thiện.
Đến với mỗi cộng đồng tôi đều gặp vấn đề đầu tiên là bà con chưa hiểu gì về làm du lịch, không biết mình làm như vậy có được gì không và những nhà đã làm du lịch thì băn khoăn về hiệu quả… Họ đặt ra rất nhiều câu hỏi như thế. Do đó, để giải bài toán hưởng lợi của cộng đồng, trước tiên chúng tôi đã thắp sáng bản làng, tạo khuôn viên cảnh qua, tạo dịch vụ cơ bản…
Sau khi điện được thắp sáng, các bé chạy vòng quanh làng, bà con, già làng trưởng bản bắt đầu tập trung vào không gian văn hóa của họ và bắt đầu ca múa, tập lại những vũ điệu truyền thống xưa, chơi nhạc và nhảy múa giao lưu.
Chúng tôi đã góp phần làm sống dậy không gian văn hóa của cộng đồng, sự gắn kết của cộng đồng để mọi người thấy rằng không phải cứ làm du lịch cộng đồng thì chỉ những người làm du lịch hưởng lợi mà làm du lịch cộng đồng là cộng đồng làm chủ, cộng đồng hưởng lợi.
- Sau cả chặng đường đồng hành đó, hình ảnh nào khiến cho một chuyên gia từng cầm tay chỉ việc cho bà con là ông xúc động nhất?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Mỗi hành trình đến một bản làng đều để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Song, tôi vẫn ấn tượng nhất với bản Ta Lang, xã Bờ Ha lê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Năm 2019, hôm xong công việc ở đó, khi tôi chuẩn bị dời đi thì được già làng gọi lại. Ông đeo cho tôi một chiếc vòng lên đầu rồi vỗ vai bảo “Con sẽ là A Lang Quỳnh, con là người của bản làng và con sẽ trở về bản làng” [A Lang là họ của người Kơ Tu, Quảng Nam-PV].
Thực sự khi nghe già làng nói vậy tôi rất xúc động và sẽ nhớ mãi trong đời. Ngay cả giờ đây khi kể lại điều đó với bạn tôi cũng thấy rưng rưng.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Tổng cục Du lịch, đến năm 2020, trên cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng với hơn 5.000 homestay hoạt động (sức chứa gần 100.000 khách). Tuy nhiên, mới chỉ hơn 2.000 cơ sở trong số đó được công nhận đạt chuẩn.
Dự án cũng hỗ trợ phát triển phần mềm về đào tạo, marketing, hoàn thiện sản phẩm, giúp bà con có sự nhìn nhận đúng đắn về phát triển du lịch cộng đồng.
Tác giả: Mai Mai