Nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa: Những “cánh chim” lan tỏa tình yêu biển đảo
Mega Story - Ngày đăng : 08:09, 21/06/2023
Nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa: Những “cánh chim” lan tỏa tình yêu biển đảo
Trường Sa luôn hiện diện sâu lắng trong trái tim và tâm thức mỗi nhà báo. Người làm báo luôn vinh dự khi được làm nhịp cầu nối, là những “cánh chim” nối liền thông tin giữa đảo xa với đất liền.
Hải trình đến với các đảo trên quần đảo Trường Sa rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Chúng tôi đi qua nhiều đảo, từ các đảo chìm đến các đảo lớn để tận mục sở thị công việc của những người ngày đêm canh giữ biển trời cho Tổ quốc. Có những “cung đường” khó khăn như lên nhà giàn, cả biên tập và quay phim giữ gìn máy móc hơn cả bản thân mình.
Những ngày lênh đênh trên biển, nắng gắt đã mệt nhưng nếu gặp áp thấp nhiệt đới thì quả là một “cực hình” bởi nhiều vị khách từ đất liền sẽ lử đử vì say sóng. Và, nhiều nhà báo khi lên đảo tác nghiệp vẫn nguyên cảm giác lắc lư như đang trên... tàu.
Vậy nhưng, với họ, việc có thể truyền tải được những hình ảnh chân thực về cuộc sống của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió đến với Nhân dân cả nước thì những vất vả ấy chẳng thấm vào đâu.
Nghị lực của lính đảo là nguồn cảm hứng
Trong chuyến hải trình cùng Đoàn công tác số 9 tới quần đảo Trường Sa, nhà báo Ngô Thu Lan - Kênh Truyền hình Thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam) tâm sự đây đã là lần thứ ba cô tới với Trường Sa sau hai lần vào năm 2015 và 2017.
Chia sẻ về động lực vượt trùng khơi đến với lính đảo nhiều lần, nhà báo Ngô Thu Lan cho hay với bản tính thích biển và phiêu lưu nên cô muốn khám phá hết để thông tin tới khán thính giả VNEWS tất cả các đảo, nhà giàn của Trường Sa.
Dù đã đi tới lần thứ ba, nhưng với tôi mỗi lần là một cảm giác khác nhau, đều hồi hộp, háo hức và tự hào.
Nhà báo Ngô Thu Lan
“Nếu như cho mình cơ hội, năm nào mình đi cũng được. Dù đã đi tới lần thứ ba, nhưng với mình, mỗi lần tới đây là một cảm giác khác nhau, đều hồi hộp, háo hức và tự hào,” Lan bảo.
Trong hải trình lần này, đoàn công tác số 9 có 2 ngày gặp áp thấp nhiệt đới nên rất nhiều thành viên trong đoàn say sóng. Nhưng vượt lên tất cả, khi đáp vào các đảo, Thu Lan và những người đồng nghiệp của mình đều cố gắng với tinh thần cao nhất để tác nghiệp.
Cánh phóng viên truyền hình di chuyển vất vả với nhiều thiết bị khác nhau như máy quay, micro, gimbal... Bởi thế, những biên tập viên nữ chân yếu tay mềm thường phải gánh vác trách nhiệm “khuân đồ” cùng quay phim. Họ phải rất khẩn trương tác nghiệp để có nhiều khung hình đẹp và đầy đủ nhất, bởi thời gian trên đảo khá eo hẹp.
Nhà báo Ngô Thu Lan và êkíp của Truyền hình Thông tấn trong chuyến hải trình tác nghiệp tại đảo Trường Sa tháng 5/2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhà báo Ngô Thu Lan cho hay trong sự nghiệp làm báo, dù được đi tác nghiệp ở nhiều nơi, nhưng mỗi lần được đi và đặt chân tới Trường Sa - nơi một phần máu thịt của Tổ quốc, chị lại tranh thủ tối đa thời gian trò chuyện cùng những người lính và người dân trên đảo để phản ánh đầy đủ cuộc sống ở đây tới khán giả. Sau chuyến đi này, Thu Lan dự kiến làm một bộ phim dài về y tế biển đảo.
“Tác nghiệp ở Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc để lại cảm xúc thiêng liêng đến lạ kỳ. Những người lính đảo có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường trước muôn trùng sóng gió để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chính họ đã tạo động lực, là điểm tựa cho tất cả chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm, làm tốt công việc của mình để thấy trân trọng và yêu quý hơn công việc mình đã chọn,” nhà báo Ngô Thu Lan trải lòng.
Bồi đắp thêm tình yêu đất nước
Với đặc thù nghề nghiệp, các nhà báo đã đặt chân khắp các vùng đất, thế nhưng với nhiều người, hải trình đến với Trường Sa là một vinh dự, một niềm tự hào lớn, là chuyến đi của cuộc đời.
Nhà báo Giang Hải - Trưởng phòng Sản xuất nội dung, Kênh Thời sự Chính trị tổng hợp VTC1 (tham gia trong đoàn công tác số 4/2023) tâm sự đây là lần thứ hai anh tới Trường Sa. Vậy nhưng, sự háo hức vẫn còn nguyên, cảm xúc vẫn còn nguyên.
Trong hải trình trên tàu 571, anh Giang Hải đồng hành cùng 220 đại biểu, trong đó có gần 50 kiều bào hiện đang sinh sống ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Được tới nơi phên giậu thiêng liêng của Tổ quốc luôn là khát khao, là mơ ước của mọi người con đất Việt. Thế nên, hơn một lần được đặt chân tới đây, với cá nhân tôi, đó thực sự là may mắn, là nhân duyên. Thật đặc biệt vì tôi được đồng hành cùng những người con kiều bào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng từ khắp nơi trên thế giới cùng hội tụ về mảnh đất quê hương và lại cùng hướng ‘điểm hẹn’ là nơi đầu sóng, ngọn gió cách đất liền hàng trăm hải lý,” nhà báo Giang Hải xúc động chia sẻ.
Sau chuyến đi này, tình yêu đất nước của bản thân anh và những người con đất Việt được bồi đắp, lớn thêm, như cây đâm chồi, nảy lộc khi có đủ những cảm nhận, hiểu biết về đất nước, biển đảo của Việt Nam.
Nhà báo Giang Hải và đồng nghiệp là quay phim Văn Hồng Thái của Kênh truyền hình Kỹ thuật số VTC tác nghiệp trong chuyến công tác tại đảo Trường Sa năm 2023. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Anh Hải nhớ lại suốt hải trình 6 ngày trên biển, trực tiếp được thấy những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam đang cầm súng canh giữ biển trời và thêm một lần, anh và cả đoàn được nghe những bài học lịch sử về công cuộc giành và giữ chủ quyền biển đảo của các thế hệ những người lính.
Nhiều kỷ niệm đã lắng đọng lại trong hải trình của anh, đó là những cảm xúc rất đỗi chân thực và thiêng liêng khi nhiều người đã khóc trong lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988. Họ cũng không thể giấu sự xúc động khi biết rằng giữa thời bình vẫn có những người ngã xuống, như Thiếu úy Tạ Ngọc Tú hy sinh (21/4/2001) trong cơn đau thắt đột ngột khi đang theo dõi, bám sát mục tiêu lạ giữa màn đêm trên nhà giàn DK1/16 bãi Phúc Tần.
Nhiều kỷ niệm đã lắng đọng lại trong hải trình của tôi, đó là những cảm xúc rất đỗi chân thực và thiêng liêng khi nhiều người đã khóc trong lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Nhà báo Giang Hải
Trong chuyến thăm Trường Sa, nhà báo Giang Hải và đồng nghiệp thường tận dụng mọi khoảnh khắc để đưa các thông tin về Trường Sa như sự vất vả gian lao của những người lính nơi tiền tiêu của Tổ quốc, về cuộc sống thường nhật của người dân trên đảo, những cuộc giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sỹ trên các điểm đảo tới đất liền...
Đó còn là tiếng hát thắm tình đoàn kết dân tộc của kiều bào vang vọng những nhạc phẩm đong đầy niềm tự hào, trong nước mắt… Có không ít ca từ mà họ đã thuộc nằm lòng, trong những năm tháng xa quê hương: “Tôi nghe Tổ Quốc gọi tên mình; Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa, dội vào ghềnh đá; Tiếng Tổ Quốc vọng về từ biển cả; Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới bủa vây… Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc; Triệu triệu mỗi người thao thức tiếng Việt Nam.”
Các nhà báo với nhiều hoạt động tác nghiệp trên hải trình của Đoàn công tác số 4/2023. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Với nhà báo Giang Hải, hải trình thiêng liêng ấy giúp anh và những thành viên trong đoàn công tác hiểu rằng đã bước lên Tàu 571 - Trường Sa, ai cũng hiểu, hòa bình hôm nay đã phải đánh đổi bằng bao nhiêu xương máu của các thế hệ những người lính và bảo vệ cuộc sống hòa bình ấy, là trách nhiệm không của riêng ai… Đó là những chất liệu quý giá, như “những viên ngọc” giúp anh hoàn thành phim tài liệu Cội nguồn Việt Nam, lên sóng đúng vào thời điểm Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay.
“Đã hơn 2 tháng kể từ ngày rời tàu 571 (23/4/2023), tôi vẫn có cảm giác như mới ngày hôm qua. Mỗi sớm thức dậy, bên tai vẫn văng vẳng tiếng phát thanh: ‘Toàn tàu đánh thức, đánh thức toàn tàu’ như vẫn đều đặn vang lên vào lúc 5h30 phút trên tàu; rồi tiếng sóng biển, tiếng gió và cả tiếng hát của những người con xa xứ: Tôi nghe Tổ Quốc gọi tên mình…,” nhà báo Giang Hải chia sẻ.
Trải qua hàng ngàn hải lý trên biển, với mỗi nhà báo thì sức khỏe là điều kiện tiên quyết. Khi đặt chân đến khu vực quần đảo, mỗi nhà báo, phóng viên phải tự phát huy sở trường riêng của mình để có nhiều chi tiết nhất phục vụ cho tác phẩm.
Khi đặt chân đến đảo, mỗi nhà báo, phóng viên phải tự phát huy sở trường riêng của mình để có nhiều chi tiết nhất phục vụ cho tác phẩm.
Phóng viên Chu Văn Chỉnh - Kênh VTV4, Đài truyền hình Việt Nam (tham gia trong đoàn công tác số 4/2023) cho hay với anh mỗi lần thăm các điểm đảo đều có những cảm xúc khác nhau. Chuyến công tác giúp anh có thêm những người bạn trên thế giới hội tụ chung về một chuyến tàu và thêm lòng yêu nước, hướng về biển đảo.
Vào mùa Hè, thời tiết trên đảo rất nắng nóng nên hầu như mọi người đi lại di chuyển vất vả. Chỉnh là một quay phim nên lúc nào anh cũng lỉnh kỉnh máy móc nặng nề.
“Điều kiện tác nghiệp trong trời nắng nóng, máy quay to, nặng nên khi lên nhà giàn, mình phải di chuyển sao cho vừa đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tác nghiệp,” Chỉnh cho hay.
Những người quay phim với máy móc, thiết bị nặng nề nhưng luôn tìm cách để có những góc quay đẹp nhất về những chiến sỹ và biển đảo ở Trường Sa. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Anh bảo, điều đầu tiên có thể cảm nhận được là muốn tác nghiệp hiệu quả ở đảo thì bản thân phải có sức khỏe tốt và bền bỉ. Đoàn công tác được sắp xếp đến thăm 4 đảo, 1 nhà giàn với thời gian 6 ngày và đó là một lịch làm việc dày đặc. Địa hình các đảo cũng khác nhau, từ các đảo chìm chỉ có diện tích nhỏ như đảo Len Đao, Đá Tây B đến các đảo lớn như Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn… Lên xuống đảo cùng Chỉnh là bộ thiết bị nặng gần chục ki lô gam gồm máy quay, chân đế, micro…
“Vác máy quay, đi bộ dưới nắng gắt quanh những đảo lớn là một 'cực hình' đối với những người quay phim. Nhưng để đưa được những hình ảnh đẹp, chân thực về cuộc sống của quân và dân trên các đảo đến với nhân dân cả nước thì những vất vả đó là xứng đáng. Bản thân tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm nhiều hơn trong tác nghiệp, làm sao để đưa đến đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài những hình ảnh sinh động, chân thực nhất về tình cảm giữa đất liền với đảo và cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ, người dân trên đảo; khơi dậy trong tâm khảm mỗi người tinh thần: Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước,” Chỉnh tâm sự.
Vác máy quay, đi bộ dưới nắng gắt quanh những đảo lớn là một 'cực hình' đối với những người quay phim.
Một điều anh Chỉnh nhớ nhất đó là việc tác nghiệp trên đảo hay toàn bộ hải trình trên biển hầu không có sóng điện thoại. Điều này vất vả cho cả biên tập và quay phim vì những lúc cả hai cần làm việc không gọi điện thoại được cho nhau nên phải chạy đi tìm.
“Cánh chim” nối thông tin đảo xa với đất liền
Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa giờ đây như gần với đất liền hơn bởi thông tin về đời sống của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân sinh sống và làm việc ngoài hải đảo đang được truyền tải trên các kênh thông tin đại chúng một cách thường xuyên.
Sôi nổi các hoạt động báo chí trên Tàu 571 của Đoàn công tác số 4/2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tham gia vào hải trình đến với Trường Sa, tôi ấn tượng khi một buổi họp báo lúc 14 giờ chiều của Đoàn công tác số 4/2023 khi ngày đầu tiên lên Tàu 571. Giữa biển khơi, khi Tàu mới đi được hơn 5 giờ đồng hồ, mọi người còn chưa quen với việc lênh đênh nhiều ngày trên biển, cảm giác trong một phòng họp báo bồng bềnh theo sóng nước khiến hầu hết phóng viên đều cảm thấy lâng lâng.
Vượt ngàn hải lý đến với Trường Sa, mỗi ngày các phóng viên trong đoàn công tác dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị thiết bị tác nghiệp. Họ là những người lên đảo sớm nhất và rời đảo sau cùng để có thể ghi lại trọn vẹn những khoảnh khắc quý giá về cuộc sống, tâm tư tình cảm của quân và dân nơi hải đảo xa xôi, tình cảm của đại biểu.
Là một người tham gia vào đoàn công tác, tôi cảm nhận được tinh thần hối hả của các nhà báo khi đến với Trường Sa. Chúng tôi luôn tranh thủ từng phút để tác nghiệp, để đưa Trường Sa đến gần hơn với đất liền. Cánh nhà báo luôn nỗ lực để có những bài viết, những hình ảnh, thước phim chứa đầy cảm xúc, góp phần chia sẻ cho độc giả, khán giả bức tranh chân thật, sinh động về cuộc sống, chiến đấu và tình cảm quân và dân nơi đảo xa.
Nhà báo Thùy Giang - Báo Điện tử VietnamPlus phỏng vấn Chuẩn đô đốc Phạm Văn Hùng - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân trên Tàu 571. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sau mỗi chuyến lên đảo, về tàu, trong khi các đại biểu có thể nghỉ ngơi, giao lưu, thì các phóng viên lại tiếp tục công việc làm bản tin phát thanh trên tàu với những dữ liệu cập nhật về hành trình, tình cảm của thành viên đoàn công tác với chiến sỹ, với biển đảo quê hương...
Quả thực, Trường Sa luôn hiện diện sâu lắng trong trái tim và tâm thức mỗi nhà báo.
Nhiều chuyến tàu đến với Trường Sa do Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng tổ chức hiện nay thường có đội ngũ nhà báo, phóng viên tham gia cùng. Họ là những người đồng hành để cho ra những sản phẩm phản ánh sinh động thực tế, để Trường Sa gần hơn với đất liền, thông tin ngày ngày được đăng tải đều đặn bởi báo chí luôn là những nhịp cầu nối những bờ vui.
Quả thực, Trường Sa luôn hiện diện sâu lắng trong trái tim và tâm thức mỗi nhà báo. Người làm báo luôn vinh dự khi được làm nhịp cầu nối hay là những “cánh chim” nối liền thông tin giữa đảo xa với đất liền để mỗi người Việt Nam thêm tự hào về biển đảo quê hương, chung sức, đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.
Tác giả: Nhà báo Thùy Giang