Gốm Chăm - Nghề thủ công đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh
Mega Story - Ngày đăng : 09:02, 28/06/2023
Ngày 15/6/2023, Lễ đón bằng công nhận của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” diễn ra tại Ninh Thuận.
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp ngày 29/11/2022.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm là một di sản văn hóa cần phải được bảo vệ khẩn cấp không chỉ tôn vinh giá trị một nghề truyền thống mà còn khẳng định giá trị văn hóa của cộng đồng, nỗ lực chung tay góp sức để bảo tồn, lưu giữ một nghệ thuật độc đáo này.
Gốm Chăm hiện nay còn hiện diện chủ yếu ở hai làng là Ligok (Trì Đức, tỉnh Bình Thuận) và Hamu Crok (Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận). Trong số đó, tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay, Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa.
Toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng. Chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, nhưng gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian, giữ được hồn tinh túy và giữ được vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm. Đó là giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm.
Tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay, Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa.
Toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng. Chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, nhưng gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian, giữ được hồn tinh túy và giữ được vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm. Đó là giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm.
Hiện nay người Chăm làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống được các gia đình người Chăm nơi đây duy trì qua nhiều đời.
Quy trình làm gốm truyền thống của người Chăm bao gồm nhiều khâu công việc, nhiều công đoạn kết nối với nhau. Đầu tiên là việc chọn đất và lấy đất. Việc xử lý đất trước khi làm gốm quyết định đến chất lượng và hiệu suất sản phẩm sau khi nung.
Sau khi lấy đất về, người ta đập nhỏ thành từng mảnh để lọc bỏ phần đất tạp, chỉ lấy đất sét vàng rồi đem ủ để giữ độ mềm.
Lấy một khối đất vừa đủ, người phụ nữ Chăm uyển chuyển nhào nặn cho đất dẻo ra, sau đó đặt lên một chiếc chum to để tạo khối.
Sản phẩm gốm được chế tác hoàn toàn bằng thủ công “Nắn bằng tay, không bàn xoay." Nghệ nhân tự đi giật lùi quanh bàn chế tác tạo hình gốm. Do đi quanh chế tác nên cách vuốt gốm của nghệ nhân Chăm là vuốt thẳng, khác với cách vuốt ngang ở các làng gốm có sử dụng bàn xoay.
Với sự khéo léo và kỹ thuật điêu luyện, chỉ cần vài vòng, người thợ đã tạo xong khối cho sản phẩm. Hình dáng sản phẩm sẽ được quyết định bởi việc di chuyển lùi xung quanh của người thợ.
Sau đó, họ dùng “vòng quơ” chải quanh thân gốm rồi lấy vải cuộn thấm nước quấn vào tay, chà cho mặt ngoài của gốm bóng láng. Tiếp đó là công đoạn trang trí hoa văn.
Những bàn tay thoăn thoắt khắc lên thân gốm những hoa văn mang chủ đề sông nước, các loài thực vật hay hình ảnh thiên nhiên, đất trời và các vị thần trong tín ngưỡng tâm linh của người Chăm.
Sau khi tạo hình, người ta để sản phẩm trong bóng mát đủ 24 tiếng đồng hồ rồi chà mỏng và tiếp tục phơi thêm 7 ngày cho khô hoàn toàn, sau đó mới đem nung. Nhờ vậy, sản phẩm sẽ “chín” kỹ và không bị nứt.
Sản phẩm sau khi chế tác được nung lộ thiên. Điểm khác biệt của gốm Chăm là các sản phẩm được nung lộ thiên hoàn toàn. Tùy theo điều kiện nắng gió cộng với quá trình và kỹ thuật phun màu (chiết xuất từ dầu hạt điều, cây dông...) sẽ cho ra các sản phẩm có màu sắc đặc trưng như vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu lạ và đẹp mắt, thể hiện rõ nét văn hóa Chăm cổ xưa.
Chính bởi được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công như vậy nên những sản phẩm gốm Chăm không chiếc nào giống chiếc nào. Mỗi sản phẩm đều thể hiện phong cách, tay nghề, sự khéo léo và cả tình cảm, tâm trạng của người thợ trong quá trình chế tác sản phẩm.”
Thời gian để nung chín toàn bộ sản phẩm gốm nhanh hay chậm tùy thuộc vào số lượng gốm nhiều hay ít. Với một số sản phẩm mỹ nghệ, nghệ nhân còn sử dụng một số cách tạo màu tự nhiên như rưới, phun nước hạt điều, nước cây thị - trong khi loại tượng nghệ thuật lại có thể được om trấu hoặc củi để tạo những vết loang đen do khói lửa.
Đặc biệt, một đặc trưng quan trọng của gốm Chăm là thế giới tâm linh tín ngưỡng, phong tục, văn hóa Chăm thể hiện qua gốm. Ở Bàu Trúc, chúng ta dễ dàng bắt gặp dáng hình và điệu múa mềm mại của nàng Apsara, vũ điệu thần Shiva qua tượng hoặc phù điêu, các kiểu sinh thực khí linga-yoni, cặp bình đực-cái, điệu múa Chăm, nghệ nhân chơi kèn saranai… cùng những tác phẩm mô phỏng đời sống văn hóa tâm linh khác.
Suốt nhiều thế kỷ qua, người Chăm ở làng Bàu Trúc vẫn giữ gìn nguyên vẹn nghề truyền thống của cha ông với những kỹ năng, bí quyết nghề được trao truyền từ thế hệ này sang thế khác. Vì thế, nơi đây được các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước ưu ái gọi là “bảo tàng sống” của gốm Chăm.
Nghề làm gốm giúp tăng thu nhập của gia đình và bảo lưu thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, song nghề gốm của người Chăm vẫn đứng trước nguy cơ mai một vì sự tác động của quá trình đô thị hóa đến khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu thô, sự chậm thích ứng với kinh tế thị trường và thế hệ trẻ ít quan tâm đến nghề.
Không chỉ đổi mới sản xuất, làng gốm Chăm Bàu Trúc còn tìm ra một hướng đi mới nhằm quảng bá sản phẩm - phát triển du lịch cộng đồng.
Để tồn tại, làng gốm Bàu Trúc đã đổi mới dòng sản phẩm gốm dân dụng, kết hợp phát triển dòng gốm trang trí nhằm tạo sức hút từ thị trường. Với suy nghĩ phát triển dựa trên nền tảng văn hóa Chăm để giữ nét đặc sắc riêng đồng thời không bó hẹp trong đó, các nghệ nhân gốm Chăm đã phát triển các sản phẩm mới kết hợp các yếu tố văn hóa phương Tây, văn hóa Việt vào trong sản phẩm gốm Bàu Trúc.
Cùng với việc thay đổi mẫu mã, cải tiến sản phẩm gốm dân dụng, làm gốm Bàu Trúc cũng đẩy mạnh phát triển dòng gốm trang trí, gốm mỹ nghệ, gốm lưu niệm có hàm lượng thẩm mỹ, cho giá trị kinh tế cao như đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà, lục bình, tháp nước, các biểu tượng văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông, văn hóa Chăm.
Không chỉ đổi mới sản xuất, làng gốm Chăm Bàu Trúc còn tìm ra một hướng đi mới nhằm quảng bá sản phẩm - phát triển du lịch cộng đồng. Du lịch cộng đồng không chỉ mang lại sinh kế cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan và những giá trị văn hóa bản địa cho làng Bàu Trúc, cũng như bảo vệ nghề truyền thống của đồng bào Chăm khỏi nguy cơ mai một.
Hiện làng gốm Bàu Trúc đang là một trong những điểm đến tham quan nổi tiếng của Ninh Thuận.
Chị Đàng Thị Minh Trọng, chủ cơ sở gốm thủ công mỹ nghệ Hải Âu ở làng gốm Bàu Trúc chia sẻ trước đây, gia đình đa phần sản xuất đồ gốm gia dụng, đồ cúng lễ, chủ yếu phục vụ đồng bào Chăm ở địa phương và các tỉnh lân cận. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, gia đình đã nghiên cứu phát triển dòng gốm mỹ nghệ phục vụ trang trí nội thất, ngoại thất, gạch ốp tường, tượng phù điêu, chậu kiểng, chậu phong thủy, bình hoa, lò, lu, đèn gốm…
“Chúng tôi nghiên cứu kết hợp văn hóa Chăm cùng những yếu tố của các nền văn hóa khác để thiết kế, sản xuất dòng gốm mỹ nghệ với mẫu mã và hoa văn trang trí độc đáo, phong phú, đảm bảo chất lượng để phục vụ thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng cơ sở sản xuất thành điểm đến phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm nghề làm gốm. Hiện cơ sở bán hàng trực tiếp và bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, mỗi tháng xuất bán hàng ngàn sản phẩm gốm các loại, sản phẩm rẻ nhất có giá 10.000 đồng đến những sản phẩm có giá hàng triệu đồng, tùy theo kích cỡ, chủng loại gốm,” chị Đàng Thị Minh Trọng chia sẻ.
Những lớp thợ trẻ nhanh nhạy tìm hướng đi mới như chị Trọng trong làng Bàu Trúc giờ đây có rất nhiều, còn những nghệ nhân làm gốm như cụ Đàng Thị Hằng ở tuổi thất thập cũng đang say sưa cùng lớp trẻ sáng tạo những mẫu mã mới, truyền bí quyết làm nghề cho con cháu. Cụ Hằng bộc bạch: “Nghề làm gốm của người Chăm là mẹ truyền con nối, 18 tuổi tôi bắt đầu làm gốm đến nay 73 tuổi cũng vẫn làm gốm. Tôi luôn dạy con cháu làm nghề này phải biết kiên trì, học hỏi sáng tạo những mẫu mã mới, độc đáo để phục vụ khách hàng.”
Trước đây, nghề làm gốm ở làng Bàu Trúc chỉ dành cho người phụ nữ làm, đàn ông chỉ đi hái củi, đào đất, gánh rơm phụ giúp lúc nung gốm. Thời gian gần đây, thị trường ưa chuộng những sản phẩm gốm có kích thước to lớn, nặng hàng chục kg, thậm chí có sản phẩm nặng cả tấn nên trong làng Bàu Trúc ngày càng có nhiều nam thanh niên, đàn ông trung niên học nghề và làm nhiều sản phẩm.
Cả làng Bàu Trúc hiện có 663 hộ với trên 3.000 nhân khẩu (đồng bào Chăm chiếm trên 90%), trong đó có khoảng 250 hộ gắn bó với nghề làm gốm, có 2 hợp tác xã và 11 cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh gốm.
Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc cho biết đến thời điểm hiện tại Hợp tác xã có 54 thành viên cùng tham gia sản xuất, kinh doanh gốm. Có thể nói, gốm Chăm Bàu Trúc đã có chỗ đứng trên thị trường với nhiều mặt hàng được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày không những của đồng bào Chăm mà còn nhiều dân tộc khác ở khắp các địa phương trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, trước mắt Sở tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Trong chương trình hành động, Sở sẽ phối hợp các bên liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào Chăm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật làm gốm. Đồng thời, Sở phối hợp, hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư về cơ sở vật chất tại làng gốm Bàu Trúc gắn với phát triển du lịch cộng đồng để phát huy giá trị di sản này.
Để phục vụ du khách, làng gốm Bàu Trúc đã thành lập Ban phát triển du lịch cộng đồng với trên 60 thành viên, đầy đủ các tổ chuyên môn như: làm gốm, ẩm thực, văn nghệ, nhạc cụ truyền thống... Nhờ hoạt động chuyên nghiệp, Ban phát triển du lịch cộng đồng làng Bàu Trúc không chỉ phục vụ du khách đến tham quan tại làng nghề, mà còn được mời đi biểu diễn, quảng bá sản phẩm gốm Chăm ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Lâm Đồng.
Tại lễ đón nhận bằng ghi danh của UNESCO với nghệ thuật gốm Chăm ngày 15/6, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.”
Theo chương trình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch kêu gọi các Bộ, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp cần tổ chức các hoạt động bảo vệ khẩn cấp đối với di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm: hỗ trợ, khuyến khích nghệ nhân, cộng đồng truyền dạy tri thức, kỹ thuật, kỹ năng làm gốm, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Xây dựng phương án quy hoạch, mở rộng nguồn nguyên liệu và bảo tồn các làng gốm; huy động các nguồn vốn để bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế mẫu mã mới trên cơ sở các giá trị di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm; mở rộng thị trường tiêu thụ gốm để nâng cao đời sống của cộng đồng.
Bộ cũng đẩy mạnh công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm; xây dựng cơ sở dữ liệu để giới thiệu, quảng bá gốm Chăm. Xây dựng và phát triển Bảo tàng Gốm Chăm của cộng đồng, tổ chức trưng bày, trình diễn về nghề làm gốm trong bảo tàng của cộng đồng và bảo tàng cấp tỉnh.
Tiếp tục đề xuất phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cho những người thực hành có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm; tôn vinh, khen thưởng các thợ làm gốm, cá nhân có nhiều đóng góp bảo vệ di sản.
Hỗ trợ cộng đồng phục hồi những lễ hội, nghi lễ liên quan đến nghề làm gốm của người Chăm; xuất bản những công trình nghiên cứu về nghề gốm của người Chăm nhằm phổ biến tri thức và sự hiểu biết về gốm của người Chăm.
Bộ phối hợp với các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương, các cơ quan chuyên môn, viện nghiên cứu tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị Di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước. Tổ chức định kỳ Liên hoan Nghệ thuật làm gốm của người Chăm nhân dịp lễ hội Katé; phát triển hình thức du lịch di sản văn hóa./.