Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa - Vai trò của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng

Mega Story - Ngày đăng : 15:20, 30/06/2023

Quán triệt sâu sắc vấn đề bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, Bộ Quốc phòng đã triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được nhiều thành tựu trong công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng.
Mega Story

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa - Vai trò của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng

{Tên tác giả} 30/06/2023 15:20

Quán triệt sâu sắc vấn đề bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, Bộ Quốc phòng đã triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được nhiều thành tựu trong công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng.

cover-quocphong.jpg

Kế thừa và vận dụng sáng tạo kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng và mở rộng quan hệ đoàn kết, hợp tác quốc tế nhằm huy động sức mạnh tổng hợp để giành và giữ vững nền độc lập, thống nhất đất nước. Trong công cuộc đổi mới, Đảng lãnh đạo đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó chú trọng hợp tác quốc phòng, chỉ rõ nhiệm vụ của đối ngoại quốc phòng là đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương, tham gia chủ động, tích cực hợp tác đa phương, tạo thế đan xen lợi ích và tăng cường lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, của Quân đội, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, với phương châm “nội yên, ngoại tĩnh”, cha ông ta luôn coi trọng việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Nhà chính trị, quân sự Trần Quang Khải (1241-1294) đã từng nói: “Thái bình tu trí lực. Vạn cổ thử giang san” (Thái bình nên tu dưỡng trí lực, vật lực. Đất nước vững nghìn Thu).

Vua Lê Thái Tổ (1385-1433) đã căn dặn con cháu, muôn dân: “Biên phòng hảo vị trù phương lược. Xã tắc ưng tu kế cửu an” (Biên phòng cần có phương án chiến lược tốt. Đất nước phải có kế lâu dài), “Lo giữ nước từ khi nước chưa nguy.”

Kinh nghiệm quý báu của cha ông được đúc kết từ lịch sử đã được kế thừa, vận dụng trong tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo nên giá trị văn hóa, nghệ thuật dựng nước, giữ nước Việt Nam.

anh-1.-bt-pvg-ky-kh-hop-tac-voi-cpc-.jpg
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đại tướng Tea Banh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia ký kế hoạch hợp tác năm 2023 giữa Bộ Quốc phòng hai nước, ngày 19/2/2023.

Đối với các nhà kinh điển Macxit, đặc biệt là V.I Lê-nin, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được đặt đi đôi với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngay sau khi Cách mạng tháng Mười thắng lợi, V.I Lê-nin đã yêu cầu: “Một khi chúng ta bắt tay vào công cuộc hòa bình kiến thiết, thì chúng ta phải đem hết sức mình để tiến hành công cuộc đó không ngừng đồng thời hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của chúng ta như chăm lo con ngươi của mắt mình.”

Trong thời đại Hồ Chí Minh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa tiếp tục được kể thừa và phát triển lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” và Người đã căn dặn toàn dân, toàn quân ta: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, “Bất kỳ hòa bình, hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững, chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước.”

Tư tưởng của Người đã được vận dụng góp phần làm nên cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đất nước, giành được những thắng lợi to lớn, dân tộc được độc lập, nhân dân có cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc.

Trong thời kỳ đổi mới, trên nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa phát huy truyền thống dân tộc, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ. Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX, XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về quốc phòng, an ninh đã xác định cơ bản về bảo vệ Tổ quốc.

anh-15-luong-van-manh-du-apsc-lan-20.jpg
Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam do Đại tá Lương Văn Mạnh, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng làm Trưởng Đoàn tham dự Hội nghị Chính sách An ninh Diễn đàn Khu vực (ASPC) lần thứ 20 tại Indonesia, từ ngày 20-22/6/2023.

Tới Đại hội XIII (2021-2025), Đảng ta phát triển, hoàn hiện đường lối về bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa, từ khi “nước chưa nguy” thành tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công cuộc đổi mới đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới “Chủ động ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh xung đột từ sớm, từ xa”, “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh xung đột từ sớm từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”, “Thực hiện dĩ bất biến, ứng vạn biến, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt... giữ trong ấm ngoài êm, giữ nước từ khi nước chưa nguy.”

Như vậy, tư duy, lý luận về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm từ xa” đã được Đảng ta hoàn thiện, phát triển mới và chính thức đưa vào Văn kiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Hội nhập quốc tế và Đối ngoại quốc phòng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Quán triệt sâu sắc vấn đề bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa vào nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được nhiều thành tựu trong công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng.

Bộ Quốc phòng đã chủ động, tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước giải quyết tốt các vấn đề chiến lược liên quan đến quân sự, quốc phòng, an ninh, biên giới lãnh thổ, không để Tổ quốc bị động bất ngờ trong mọi tình huống; xử lý tốt quan hệ quốc phòng với các nước, nhất là với các nước láng giềng, nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, tạo nên thế đan xen chiến lược, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; củng cố tình hữu nghị đoàn kết quốc tế, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng, góp phần tăng cường tiềm lực, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, củng cố lòng tin chiến lược giữa Việt Nam với các nước, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, của Quân đội trên trường quốc tế, góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Tính đến nay, Việt Nam đang có quan hệ quốc phòng với hơn 100 quốc gia, cử 32 Cơ quan Tùy viên Quốc phòng thường trú tại các nước và 01 Tùy viên Quân sự tại Liên hợp quốc; 52 quốc gia đặt Cơ quan Tùy viên Quốc phòng/Tùy viên Quân sự tại Việt Nam.

Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng được triển khai theo hướng chủ động, mở rộng với các nước trên thế giới, trong đó thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác quốc phòng với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng có biên giới liền kề và các nước lớn; đảm bảo cân bằng các mối quan hệ trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, cùng có lợi và tuân thủ luật pháp quốc tế; giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Tính đến nay, Việt Nam đang có quan hệ quốc phòng với hơn 100 quốc gia, cử 32 Cơ quan Tùy viên Quốc phòng thường trú tại các nước và 01 Tùy viên Quân sự tại Liên hợp quốc; 52 quốc gia đặt Cơ quan Tùy viên Quốc phòng/Tùy viên Quân sự tại Việt Nam.

Công tác đối ngoại với các nước láng giềng có chung đường biên giới được tăng cường thông qua việc ký kết, thực hiện hiệu quả các văn bản, thỏa thuận hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, phối hợp đấu tranh chống các loại tội phạm xuyên biên giới, di cư trái phép, tăng cường các hoạt động tuần tra biên giới chung trên bộ; tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với các nước làng giềng; trao đổi kinh nghiệm, hợp tác về huấn luyện đào tạo, khoa học công nghệ quân sự.

Lực lượng hải quân, cảnh sát biển và các lực lượng hoạt động trên biển tăng cường giao lưu, hợp tác với các đối tác của các nước có vùng biển liền kể để thúc đẩy sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và giải quyết các vấn đề an ninh biển, thực hiện kiểm soát các vấn đề nảy sinh trên biển để phòng ngừa xung đột; duy trì tốt công tác bảo đảm an ninh và thực thi pháp luật trên biển thông qua các cơ chế tham vấn song phương và ký kết các văn bản hợp tác; tổ chức tuần tra chung với hải quân và lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước.

anh-4-bt-tiep-eu.jpg
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti, ngày 15/6/2023.

Thông qua các hình thức hợp tác song phương, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã góp phần củng cố tình đoàn kết hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy nhiều lĩnh vực hợp tác, ngăn ngừa xung đột, giải quyết tốt các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước.

Mặt khác, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng tiếp tục khẳng định được uy tín, vị thế của đất nước, của quân đội trong khu vực và trên trường quốc tế khi tích cực, chủ động tham gia và đề xuất sáng kiến trong các cơ chế hợp tác đa phương.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã và đang tham gia tích cực vào hầu hết các cơ chế, diễn đàn quốc tế, khu vực, gồm hợp tác quốc phòng, quân sự trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, đối thoại, cũng như các cơ chế, tổ chức đa phương quốc tế. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng đã hiện thực hóa và đăng cai thành công nhiều hoạt động lớn, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Điển hình là thành công của các hội nghị quân sự, quốc phòng năm 2010, năm 2020 khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN. Trong đó, việc hiện thực hóa và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên vào năm 2010 đã tạo ra một cơ chế hợp tác mới giúp ASEAN tăng cường thu hút nguồn lực từ bên ngoài để kiến tạo hòa bình, ổn định khu vực, mang lại điều kiện thuận lợi cho các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam phát triển đất nước.

Tiếp đến là thành công của Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN lần thứ 23, Giải bắn súng quân dụng Lục quân ASEAN lần thứ 30, cuộc thi “Vùng tai nạn” trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế Army Games 2022; Chương trình Giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ nhất và đặc biệt là thành công của Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2022.

Triển lãm đã đón 52 đoàn khách quốc tế do lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân đội 30 nước, cùng hơn 170 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của các quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham gia; đã đón hơn 60.000 nhân dân, gần 10.000 lượt cán bộ, chiến sỹ tới tham quan, ghi dấu ấn về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong bối cảnh tình hình mới. Đây là cơ hội tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và lĩnh vực công nghiệp quốc phòng giữa Việt Nam và các quốc gia; quảng bá, tuyên truyền về năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do Việt Nam sản xuất tới bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước; mặt khác, góp phần đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài để sản xuất vũ khí, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang và tìm hiểu xu hướng phát triển của công nghiệp quốc phòng trên thế giới.

anh-3-tt-giang-shangrila-19.jpg
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự  Đối thoại Shangri-La 19, tại Singapore, tháng 6/2022.

Bên cạnh đó, việc lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự và phát biểu tại các diễn đàn an ninh quốc tế lớn, nhất là tại Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn Hương Sơn-Bắc Kinh, Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow đã giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ tính chất nền quốc phòng của Việt Nam là hòa bình, tự vệ, khẳng định với cộng đồng quốc tế chủ trương tăng cường tiềm lực quốc phòng của Việt Nam chỉ nhằm bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống lại nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Điều này góp phần quan trọng minh bạch chính sách, củng cố và tăng cường lòng tin chiến lược.

Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã giúp Việt Nam khẳng định được vị thế, uy tín, hình ảnh một quốc gia thân thiện, yêu chuộng hòa bình và có tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng quốc tế.

Cùng với đó, việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã giúp Việt Nam khẳng định được vị thế, uy tín, hình ảnh một quốc gia thân thiện, yêu chuộng hòa bình và có tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng quốc tế. Ngoài việc cử các sỹ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ, Việt Nam còn triển khai 5 Bệnh viện dã chiến đến Nam Sudan, triển khai Đội Công binh tới Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại khu vực Abyei...

Những chiến sỹ mũ nồi xanh của Việt Nam đã được các phái bộ và cơ quan Liên hợp quốc đánh giá cao, ghi nhận sự chuyên nghiệp, kỷ luật cao, sáng tạo, giành được sự ủng hộ không chỉ của lãnh đạo phái bộ, chỉ huy lực lượng quân sự đồng nghiệp quốc tế, mà còn nhận được sự yêu mến, ủng hộ của đông đảo người dân nước sở tại. Điều này đã góp phần lan tỏa sự ủng hộ và lòng yêu mến dân tộc Việt Nam tới cộng đồng quốc tế đồng thời khẳng định năng lực hội nhập quốc tế và làm việc trong môi trường đa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và quán triệt sâu sắc tư duy, lý luận về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã liên tục được mở rộng, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, trên cả hai bình diện, song phương và đa phương góp phần củng cố, nâng cao vị thế của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế, tiếp tục lan tỏa hình ảnh và phẩm chất cao quý của “bộ đội Cụ Hồ” ra toàn thế giới, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong bối cảnh chiến lược mới

Bước vào thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21, dù xu thế hòa bình hợp tác vẫn là chủ lưu, nhưng tình hình thế giới, khu vực đã ghi nhận những chuyển dịch nhanh chóng bất thường và khó định đoán. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn có xu hướng ngày càng quyết liệt trên hầu hết tất cả các lĩnh vực của đời sống như chính trị, kinh tế, thương mại... kéo theo xu hướng phân tuyến, tập hợp lực lượng, đặc biệt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

Tình hình tranh chấp chủ quyền, xung đột cục bộ, chiến tranh ủy nhiệm tiếp tục phức tạp; vai trò của hệ thống quản trị toàn cầu, luật pháp quốc tế bị suy giảm. Nhiều thách thức phi truyền thống nổi lên với khả năng đan xen, chuyển hóa thành những nguy cơ truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhập cư, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và cả an ninh thông tin.

anh-5-bt-tham-ad.jpg
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh trao đổi trước cuộc Hội đàm hợp tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ, tại Ấn Độ ngày 19/6/2023.

Tất cả những đặc điểm này đều có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống quốc tế, khu vực, cũng như lợi ích toàn diện của Việt Nam, đặc biệt sẽ tác động đáng kể đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng an ninh, nhất là nhiệm vụ hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng.

Bối cảnh chiến lược mới đặt ra tính cấp thiết của việc nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam, đàm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Tại Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng ta bắt đầu đề ra một trong những nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là “tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh”; đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng tiếp tục nhấn mạnh “tăng cường hợp tác quốc tế và quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, lần đầu tiên đề cập đến đối ngoại quốc phòng đa phương trong văn kiện Đại hội, cụ thể là “đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương; chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng-an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc.

Mới đây nhất, để phát huy và cụ thể hóa kết quả của Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (12/2021) đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức, Quân ủy Trung ương đã hoàn thành xây dựng Đề án và trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 53 KL/TW ngày 28/4/2023 về Hội nhập quốc tế và Đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Đây là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và thời gian tiếp theo, nhằm triển khai thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, “Việt Nam là bạn là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.”

Cũng theo đó, công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng tiếp tục sẽ được nâng cao chất lượng hiệu quả theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”, toàn diện sâu rộng kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, độc lập, tự chủ trong quan hệ hợp tác.

anh-7-bt-giang-.jpg
Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam do Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng lần thứ 8 (trực tuyến), ngày 16/6/2021.
anh-8-ttmt-du-acdfim.jpg
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, dẫn đầu đoàn Đại biểu quân sự cấp cao QĐND Việt Nam tham dự Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 20 tại Indonesia, ngày 7/6/2023.
anh-9-dtqp-viet-nam-campuchia.jpg
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đại tướng Neang Phat, Quốc vụ khanh Thường trực Bộ Quốc phòng Campuchia đồng chủ trì Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Campuchia lần thứ 6, tại Tây Ninh, ngày 19/4/2023.
anh-10-dt-qp-vn-australia.jpg
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Ngài Hugh Jeffrey, Phó Tổng Thư ký Quốc phòng Australia phụ trách chiến lược, chính sách và công nghiệp quốc phòng đồng chủ trì Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam - Australia lần thứ 6, tại Hà Nội, ngày 12/5/2023.
anh-6.-bt-tham-ad.jpg
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đồng chủ trì Hội đàm hợp tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ, tại Ấn Độ ngày 19/6/2023.

Nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong bối cảnh chiến lược mới, các cơ quan chức năng các đơn vị đầu mối thực hiện hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng cần chú trọng tới những vấn đề sau:

Trước hết, cần quán triệt, bám sát chủ trương chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng, các quy chế, quy định trong việc triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trên cả hai bình diện, song phương và đa phương, nhất là các cơ chế hợp tác quân sự, quốc phòng khu vực. Trong đó, coi quan hệ song phương là nòng cốt, đa phương là động lực, bổ khuyết ưu thế, nguồn lực cho nhau.

Hai là, kiên định về nguyên tắc, nhất là những vấn đề có liên quan đến lợi ích, chủ quyền của Việt Nam, nhưng linh hoạt, sáng tạo về cách làm, phương pháp tiếp cận, triển khai, bám sát phương châm “tích cực, chủ động chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả,” thể hiện tinh thần sẵn sàng đối thoại, cởi mở, trách nhiệm, trao đổi thẳng thắn và sẵn sàng phối hợp, hợp tác với các nước để ứng phó và xử lý các vấn đề có liên quan.

Ba là, hoàn thiện thống nhất các quy trình trong nội bộ về trao đổi, tham vấn với các nước ASEAN tại các diễn đàn khác nhau. Trong các quy trình này, chú ý phân loại đối tác, xác định ưu tiên, qua đó xây dựng được cách tiếp cận phù hợp đồng thời tăng cường phối kết hợp giữa các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương một cách có trọng điểm.

Bốn là, liên tục bổ sung, cập nhật xây dựng kế hoạch và chương trình hành động đầy đủ, lâu dài và phù hợp cho các giai đoạn khác nhau khi tham gia các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ ASEAN. Trong đó, tập trung ưu tiên cho cơ chế hợp tác Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM)/Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+), các lĩnh vực hợp tác có lợi cho Việt Nam và cho các quốc gia thành viên ASEAN, nhất là các nhu cầu như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn, an ninh biển, hành động mìn nhân đạo, quân y, gìn giữ hoà bình, trao đổi thông tin, hợp tác nghiên cứu, dự báo tình hình.

Năm là, quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách tham gia hoạt động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng (đào tạo, bồi dưỡng và công tác chính sách) có năng lực, trình độ đối ngoại, tham mưu, nghiên cứu, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm, có kiến thức nền ngang tầm hoặc vượt trước yêu cầu nhiệm vụ.

Sáu là, sớm nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu có thể được chia sẻ theo phân quyền cho các đơn vị đầu mối tham gia hoạt động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng về các cơ chế hợp tác, các đối tác, các văn bản pháp lý liên quan, các vấn đề cần chú ý để bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong quá trình đề xuất xây dựng và ra quyết định về chính sách khác nhau đối với từng nước, từng cơ chế hợp tác. Đồng thời, chú trọng hơn nữa đến công tác nghiên cứu, dự báo tình hình và trao đổi học thuật kênh 1.5 và 2.0. Trong đó, gắn nghiên cứu, dự báo tình hình với công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng để nâng cao hiệu quả phục vụ tham mưu chiến lược.

Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là cấu phần quan trọng trong đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là cấu phần quan trọng trong đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong những năm qua, lực lượng làm công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã nỗ lực tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước giải quyết tốt các vấn đề chiến lược liên quan đến quân sự, quốc phòng, an ninh, biên giới lãnh thổ, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa./.

Tác giả: Quang Thanh