Tăng cường Quan hệ Đối tác Chiến lược Sâu rộng Việt Nam và Nhật Bản
Mega Story - Ngày đăng : 14:11, 20/09/2023
Tăng cường Quan hệ Đối tác Chiến lược Sâu rộng Việt Nam và Nhật Bản
Trong 50 năm qua, khuôn khổ quan hệ Việt Nam-Nhật Bản liên tục được nâng cấp, từ Đối tác Tin cậy, Ôn định Lâu dài (năm 2002) lên Hướng tới Quan hệ Đối tác Chiến lược vì Hòa bình và Phồn vinh ở châu Á (năm 2006), Quan hệ Đối tác Chiến lược vì Hòa bình và Phồn vinh ở châu Á (năm 2009) và Đối tác Chiến lược Sâu rộng vì Hòa bình và Thịnh vượng của châu Á (năm 2014).
Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973. Kể từ đó đến nay, sau 50 năm, hai nước đã trở thành đối tác rất quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung.
50 năm quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Nhật Bản
Trong 50 năm qua, khuôn khổ quan hệ Việt Nam-Nhật Bản liên tục được nâng cấp, từ Đối tác Tin cậy, Ôn định Lâu dài (năm 2002) lên Hướng tới Quan hệ Đối tác Chiến lược vì Hòa bình và Phồn vinh ở châu Á (năm 2006), Quan hệ Đối tác Chiến lược vì Hòa bình và Phồn vinh ở châu Á (năm 2009) và Đối tác Chiến lược Sâu rộng vì Hòa bình và Thịnh vượng của châu Á (năm 2014).
Trong suốt nhiều năm qua, sự tin cậy về chính trị giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản đã không ngừng được củng cố và tăng cường thông qua các cuộc tiếp xúc, giao lưu các cấp, đặc biệt là cấp cao diễn ra thường xuyên.
Gần đây nhất là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản (tháng 6/2019), dự Lễ Đăng quang của Nhật hoàng Naruhito (tháng 10/2019); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ Quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (tháng 9/2022); bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt-Nhật (tháng 9/2022); Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản (tháng 11/2021), dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước Công nghiệp Phát triển (G7) Mở rộng và làm việc tại Nhật Bản (tháng 5/2023)…
Phía Nhật Bản có chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Suga Yoshihide (tháng 10/2020); Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (tháng 4/2022)...
Các chuyến thăm cũng như các cuộc gặp gỡ thường xuyên của lãnh đạo hai nước bên lề các hội nghị quốc tế và khu vực đã góp phần củng cố quan hệ tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển có hiệu quả trong quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Gần đây nhất, chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước Công nghiệp Phát triển (G7) Mở rộng và làm việc tại Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (từ ngày 19 đến 21/5/2023) đã mở ra một dấu mốc phát triển mới trong Quan hệ Đối tác Chiến lược Sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.
Việc Việt Nam được Nhật Bản mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 Mở rộng cho thấy Nhật Bản vô cùng coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác quan trọng và cần thiết trong việc thực hiện mục tiêu Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (FOIP) của Nhật Bản.
Trong chuyến công tác này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng phát triển, đồng thời thúc đẩy các nội dung hợp tác trọng tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA thế hệ mới, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng...; tăng cường phối họp, chia sẻ lập trường, hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Hai bên đã đạt một số kết quả thực chất trong lĩnh vực hợp tác viện trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư với việc ký kết 3 văn kiện hợp tác ODA trị giá 61 tỷ yen cho các dự án Chương trình ODA thế hệ mới…
Ngoài ra, hai nước đang duy trì hiệu quả các cơ chế đối thoại, như Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch từ năm 2007; Đối thoại Đối tác Chiến lược Việt Nam-Nhật Bản về ngoại giao-an ninh-quốc phòng cấp Thứ trưởng Ngoại giao từ năm 2010; Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt-Nhật cấp Thứ trưởng từ tháng 11/2012; Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng từ tháng 11/2013; Ủy ban Hỗn hợp về Thương mại, Năng lượng và Công nghiệp từ năm 2014; Đối thoại Nông nghiệp cấp Bộ trưởng từ năm 2014; Đối thoại Chính sách Biển Việt Nam-Nhật Bản cấp Bộ trưởng (thành lập từ tháng 12/2019).
Cùng với đó, hai bên cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc, các hội nghị ASEAN+, APEC, ASEM… đóng góp ngày càng tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Nhà nước Việt Nam.
Hợp tác kinh tế-thương mại liên tục phát triển
Nhật Bản hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 (Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới) đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011).
Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng đều qua các năm. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD; năm 2021 đạt 42,7 tỷ USD; năm 2022 đạt 47,6 tỷ USD. Trong 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt trên 24,9 tỷ USD.
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn các mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, máy vi tính và sản phẩm điện tử và linh kiện… mà Việt Nam có thế mạnh; ngược lại, Nhật Bản xuất khẩu chủ yếu máy móc, phụ tùng, thiết bị… sang Việt Nam. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999.
Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 ở Việt Nam (sau Hàn Quốc và Singapore) với 5.143 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 71 tỷ USD (tính đến tháng 7/2023).
Nhật Bản cũng là nước cung cấp Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng số vốn của các nhà tài trợ nước ngoài dành cho Việt Nam, với 29,3 tỷ USD trong đó viện trợ không hoàn lại là 1,8 tỷ USD.
Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước có bước đột phá từ năm 2014, hai nước đã ký "Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác Nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản" (tháng 9/2015), ký lại Tầm nhìn chung sửa đổi vào tháng 5/2018, đang triển khai "Tầm nhìn Trung và Dài hạn Hợp tác về Nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 2 giai đoạn 2020-2024." Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Ngoài hợp tác kinh tế, thương mại, hai nước cũng hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế, du lịch, hợp tác giữa các địa phương, lao động… Trong đó, hợp tác giáo dục-đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức. Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 51 nghìn người.
Nhật Bản đang hợp tác để nâng cấp 4 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao (gồm Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học Nông nghiệp Hà Nội); đang hợp tác xây dựng Trường Đại học Việt-Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ; hỗ trợ Việt Nam dạy tiếng Nhật tại một số trường tiểu học, phổ thông cơ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh...
Về giao lưu văn hóa, các lễ hội thường niên, như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam và Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản tại Việt Nam… luôn được đông đảo nhân dân hai nước đón nhận.
Nhật Bản còn là một trong những thị trường khách du lịch lớn nhất thế giới với 18 triệu lượt khách đi du lịch nước ngoài mỗi năm trước khi có dịch COVID-19. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến du lịch yêu thích của khách du lịch Nhật Bản với khoảng 1 triệu lượt khách tham quan mỗi năm.
Năm 2022, dù đã mở cửa trở lại từ rất sớm nhưng Việt Nam mới chỉ đón được 128.764 khách Nhật Bản, thấp hơn nhiều so với trước dịch COVID-19 do Nhật Bản còn thận trọng với dịch. Nhưng đến năm 2023, lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam đã có sự tăng trưởng trở lại.
Trong nhóm 10 thị trường hàng đầu đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản là một trong 4 thị trường khách ở khu vực Đông Bắc Á có mức tăng trưởng cao: Hàn Quốc (hơn 1,3 triệu lượt), Trung Quốc (399.000 lượt), Đài Loan-Trung Quốc (252.000 lượt), Nhật Bản (204.000 lượt)./.
“
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có khoảng 500.000 người. Người Việt hiện sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản, trong đó chủ yếu tập trung tại tỉnh Aichi, Tokyo, Osaka, Saitama, Chiba; Fukuoka…