Nhà báo Phạm Đình Lợi: Cuba và lãnh tụ Fidel Castro luôn trong trái tim tôi

Mega Story - Ngày đăng : 10:02, 26/09/2023

Bằng tình yêu sâu đậm với đất nước Cuba từ thuở thanh xuân, qua nửa thế kỷ, nhà báo Phạm Đình Lợi đến nay dù ở tuổi 80 vẫn đang tiếp tục góp những viên gạch vững chắc vào việc xây lâu đài hữu nghị Việt Nam-Cuba.
Mega Story

Nhà báo Phạm Đình Lợi: Cuba và lãnh tụ Fidel Castro luôn trong trái tim tôi

{Tên tác giả} 26/09/2023 10:02

Bằng tình yêu sâu đậm với đất nước Cuba từ thuở thanh xuân, qua nửa thế kỷ, nhà báo Phạm Đình Lợi đến nay dù ở tuổi 80 vẫn đang tiếp tục góp những viên gạch vững chắc vào việc xây lâu đài hữu nghị Việt Nam-Cuba.

mega-anh-cover-ngang.png

“Dù Việt Nam và Cuba cách xa nhau nửa vòng trái đất, không cùng văn hóa, nhưng với tôi, quãng thời gian được học tập và làm việc tại quốc đảo Cuba là những ngày tháng không thể nào quên, tôi coi Cuba như quê hương thứ hai của mình,” nhà báo-dịch giả Phạm Đình Lợi đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế khi nói về tình cảm của mình với đất nước Cuba tươi đẹp và mến khách.

Đặc biệt, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông trong những năm tháng ở Cuba là 3 lần vinh dự được gặp Tổng tư lệnh Cuba Fidel Castro - người đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Cuba cũng là vị lãnh tụ đã từng nói: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình.”

14(1).png

Những năm học Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, qua sách báo, anh sinh viên Phạm Đình Lợi đã biết đến đất nước Cuba tươi đẹp trên biển Caribe. Anh rất thích bài thơ "Thăm Cuba" của Tố Hữu với những câu thơ:

Nửa vòng trái đất rẽ tầng mây
Anh đến Cuba một sáng ngày
Nắng rực trời tơ và biển ngọc
Đảo tươi một dải lụa đào bay

pdl-chup-cung-phong-vien-bao-moncada-bo-noi-vu-cuba.jpg
Phóng viên Phạm Đình Lợi hồi trẻ (trái), chụp cùng phóng viên của Báo Moncada thuộc Bộ Nội vụ Cuba trong thời gian công tác tại VNTTX

Ít năm sau, khi đã ra trường và trở thành cán bộ của Việt Nam Thông tấn xã (sau này là TTXVN), phóng viên trẻ Phạm Đình Lợi có dịp đọc nhiều tin tức, tài liệu về đất nước Cuba anh hùng, biết đến chiến thắng Giron tháng 4/1961, cuộc khủng hoảng tên lửa tháng 10/1962 và những bài diễn văn ứng khẩu hào hùng, lay động lòng người của Fidel Castro.

Phạm Đình Lợi say mê đọc tập bút ký "Hiên ngang Cuba" của nhà báo, nhà văn Thép Mới. Tập sách truyền cho anh cảm nhận đẹp, tươi mới về dân tộc Cuba dũng cảm, kiên cường, giàu tinh thần đoàn kết quốc tế, quyết tâm chống cường quyền.

Anh mơ ước một ngày nào đó có thể được được đến thăm - dù chỉ là một lần, đất nước “Nắng rực trời tơ và biển ngọc/ Đào tươi một dải lụa đào bay…”

15(1).png

Thế rồi điều mơ ước của Phạm Đình Lợi đã từ giấc mơ trở thành hiện thực. Năm 1970, đang là phóng viên thường trú tại tỉnh Sơn La, anh được điều về Phòng tin Văn xã, sau đó một thời gian anh được thông báo có tên trong danh sách đoàn 10 cán bộ, do Bí thư Đoàn Thanh niên TTXVN Hồ Tiến Nghị-người sau này là Tổng Giám đốc TTXVN, làm trưởng đoàn được cử đi Cuba học tiếng Tây Ban Nha nhằm chuẩn bị cán bộ cho việc tuyên truyền đối ngoại thông qua bản tin của Thông tấn xã phát ra quốc tế bằng tiếng Tây Ban Nha.

Sau một thời gian học tiếng Tây Ban Nha ở trường Đại học La Habana, khi trình độ ngôn ngữ đã tương đối vững, phóng viên Phạm Đình Lợi đã được nhà báo Vũ Văn Âu, sau đó là nhà báo Nguyễn Khắc Thìn thuộc Cơ quan thường trú TTXVN tại La Habana (Cuba) huy động dịch tài liệu từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Việt. Cũng trong thời gian đó, Phạm Đình Lợi cùng với nhóm cán bộ đi học còn đến thực tập làm tin, viết bài bằng tiếng Tây Ban Nha và học tập kinh nghiệm tác nghiệp tại Thông tấn xã Prenssa Latina, chuẩn bị hành trang cho nhiệm vụ sau này.

huy-hieu-ky-niem-40-nam-prensa-letina.png
Huy hiệu kỷ niệm 40 năm ra đời Thông tấn xã Prensa Latina (Cuba) của Nhà báo Phạm Đình Lợi. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Kết thúc khóa học ở Cuba, Phạm Đình Lợi về làm việc tại Phòng Tin tiếng Tây Ban Nha thuộc Ban Biên tập Tin Đối ngoại. Nửa năm sau, tháng 7 năm 1975, anh được cử trở lại La Habana trong nhiệm vụ phóng viên đại diện TTXVN tại đây.

Kể từ đó, có thể nói cuộc đời làm báo của nhà báo Phạm Đình Lợi gắn liền với mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với đất nước Cuba anh hùng - đất nước và nhân dân luôn bên cạnh ủng hộ cách mạng Việt Nam.

Trong cuộc đời làm báo của mình, nhà báo đã có trên 15 năm (gần bằng một nửa thời gian công tác tại Thông tấn xã Việt Nam) học tập, sống và làm việc tại Cuba. Trong số này, 3 nhiệm kỳ làm phóng viên đại diện thường trú là 12 năm, nhiệm kỳ đầu hơn 3 năm (1975-1979) nhiệm kỳ thứ hai là 5 năm (1987-1992) và nhiệm kỳ thứ ba kéo dài gần 4 năm (1996-1999).

img_1259.jpg
Nhà báo Phạm Đình Lợi xem bài viết về một buổi họp báo có Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tham gia năm 1999. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
img_1260-1-.jpg
Nhà báo Phạm Đình Lợi ngồi giữa hai nhà báo, phóng viên nước ngoài. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Những năm làm phóng viên thường trú tại Cuba, Nhà báo Phạm Đình Lợi cùng các đồng nghiệp luôn tâm niệm phải nỗ lực hết mình, khắc phục mọi khó khăn để bảo đảm tin bài về quan hệ Việt Nam-Cuba, tình hình khu vực Cuba, Mỹ La tinh luôn đầy đủ, kịp thời và chính xác.

Những tin bài về sự kiện Lãnh tụ Fidel Castro trực tiếp ra sân bay đón Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình; tin bài Lãnh tụ Fidel trực tiếp gặp gỡ, hội đàm với bà Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam; hay tin bài Chủ tịch Fidel Castro đón tiếp và phát biểu tại buổi mít tinh chào mừng Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Cuba… cho thấy rõ nghĩa tình Việt Nam-Cuba trong những thời kỳ hào hùng và gian khó nhất.

Video: Chuyến thăm Việt Nam năm 1973 của Fidel Castro: Vượt qua mọi khó khăn, rủi ro

16(1).png

Chia sẻ về Lãnh tụ Cuba, nhà báo Phạm Đình Lợi nhận xét Fidel là một nhà lãnh đạo rất uyên bác, thông minh, nhưng cũng rất giản dị và gần gũi.

Ông từng 3 lần vinh dự được gặp và tiếp cận với lãnh tụ Fidel Castro. Cho đến giờ những lần gặp Fidel vẫn in đậm trong trí nhớ nhà báo lão thành Phạm Đình Lợi.

Tháng 3/1974, Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức Cuba. Trong buổi chiêu đãi chào mừng Đoàn tổ chức tại Cung Cách mạng ở Thủ đô La Habana, lần đầu tiên nhà báo Phạm Đình Lợi được nhìn thấy lãnh tụ Cuba trong khoảng cách gần.

Thời điểm đó, ông chuẩn bị kết thúc khóa học tiếng Tây Ban Nha tại trường Đại học La Habana và được điều động tham gia làm phiên dịch cho nhóm báo chí.

tu-lieu-4.jpg
Phóng viên Phạm Đình Lợi có cơ hội bắt tay chào Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tại buổi chiêu đãi chào mừng Quốc khánh Cuba 1/1/1976. (Ảnh do Nhà báo Phạm Đình Lợi cung cấp)

“Ấn tượng sâu sắc nhất với tôi về Fidel trong lần gặp đầu tiên này là tác phong hết sức giản dị và dễ gần của ông” - nhà báo Phạm Đình Lợi hồi tưởng. Ông kể: Vào cuối buổi tiệc, khi các quan chức ngoài giao đã lần lượt ra về, bỗng từ phía đám đông sinh viên Việt Nam có tiếng ồn ào: “Fidel, Fidel.” Chúng tôi chạy lại phía đó, ai cũng muốn hỏi một câu gì đó và có lẽ Fidel cũng muốn trả lời từng người. Câu chuyện có vẻ như kéo dài không dứt, bỗng Fidel cúi xuống hỏi nhóm nữ sinh đứng cạnh: “Các cháu đã ăn kem chưa? Kem socola, kem hạnh nhân, kem sữa, các cháu thích loại nào?” Vừa nói, ông vừa rẽ đám đông đi về góc phòng nơi đặt những chiếc máy làm kem di động. Fidel tự tay bấm máy và lần lượt lấy ra từng cốc kem và đưa cho từng bạn. Sau đó ông hướng dẫn cách bấm máy làm kem cho một bạn đứng gần nhất và nhanh chóng bước về phía cửa thông sang một phòng khác trong sự ngỡ ngàng của mọi người.

Video: Ấn tượng của nhà báo Phạm Đình Lợi về phong cách của Lãnh đạo Cuba Fidel Castro

Ngay ở lần diện kiến đầu tiên này, Phạm Đình Lợi đã nhận thấy lãnh tụ Fidel là người có một trí nhớ phi thường. Ông biết rõ từng quan chức Cuba có mặt trong phòng tiệc và không cần sự trợ giúp của Vụ trưởng Vụ Lễ tân, lần lượt giới thiệu tên và chức vụ từng người với khách. Fidel cũng thuộc tên từng vị Đại sứ, Đại diện lâm thời của các nước, thậm chí còn nhớ cả tên các vị phu nhân tháp tùng các nhà ngoại giao có mặt trong buổi tiệc.

Lần thứ hai nhà báo Phạm Đình Lợi được gặp Fidel là trong nhiệm kỳ thứ 2 giữ nhiệm vụ phóng viên đại diện thường trú của Việt Nam Thông Tấn xã tại Cuba. Đó là vào tối 2/9/1975, Fidel đến dự buổi chiêu đãi nhân dịp 30 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong khuôn khổ buổi lễ đó, sau khi trò chuyện và xin ý kiến lãnh tụ Fidel, Đại sứ Hà Văn Lâu đã cho người gọi các phóng viên thường trú của TTXVN và Đài Tiếng nói Việt Nam đến gần để có thể tranh thủ phỏng vấn Fidel. Trưởng Phân xã VNTTX tại Cuba lúc đó là nhà báo Nguyễn Khắc Thìn, thay mặt anh em phỏng vấn Fidel, còn nhà báo Phạm Đình Lợi và phóng viên Bùi Ngọc Hải (phóng viên của cơ quan thường trú) cùng nhà báo Nguyễn Trí Dũng (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã lắng nghe và ghi chép để viết tin về sự kiện.

tu-lieu.jpg
"Chúng tôi - những nhà báo Việt Nam may mắn được có dịp phỏng vấn Fidel: (từ phải sang trái) Bùi Ngọc Hải, Phạm Đình Lợi, Nguyễn Khắc Thìn (VNTTX) và Nguyễn Trí Dũng (Đài tiếng nói Việt Nam)," nhà báo Phạm Đình Lợi chia sẻ trên trang cá nhân năm 2020. Ảnh chụp năm 1975

Lần thứ ba nhà báo Phạm Đình Lợi được gặp Fidel là trung tuần tháng 7/1978, khoảng một tháng trước ngày khai mạc Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới tại Cuba. Buổi tối hôm đó, đoàn nhà báo các nước đang ở thăm Cuba và các phóng viên thường trú nước ngoài tại Cuba được mời dự chiêu đãi tại khu nhà khách Chính phủ. Vào giữa buổi tiệc, khi cánh nhà báo đang bàn luận sôi nổi về một đề tài thì có người phát hiện Fidel vừa xuất hiện sau cánh cửa phòng dành cho khách VIP. Các nhà báo ùa vào vây quanh Fidel và những câu hỏi liên tiếp được đưa ra. Fidel trả lời người này chưa xong thì người khác lại chen vào hỏi tiếp.

“Sau này nhớ lại, tôi cũng không hiểu bằng cách nào mà mình có thể len lỏi trong đám đông chật như nêm ấy để tiến sát được bên Fidel. Fidel cúi xuống nhìn thấy tôi, đặt một bàn tay lên vai tôi và kéo lại gần hơn” - nhà báo Phạm Đình Lợi kể lại.

“Tôi cứ đứng như vậy trong vòng tay của Fidel mãi cho đến khi ông buông tay khỏi vai tôi và nói: “Thôi nhé, hẹn các nhà báo vào một dịp khác, giờ thì tôi không thể để các vị khách chờ quá lâu.

tu-lieu-3.jpg
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tiếp ông Xuân Thủy - Bí thư Trung ương Đảng sang Cuba năm 1978 với tư cách khách mời danh dự của Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ 11 tại Cuba. Phóng viên Phạm Đình Lợi ở bìa phải ảnh, đeo kính

Tôi còn đang bàng hoàng vì sự việc diễn ra và kết thúc bất ngờ như thế thì một đồng nghiệp Cuba quen biết kéo tôi lại và nói với tất cả mọi người: ‘Đây là anh bạn phóng viên Việt Nam, các bạn thấy không, Fidel bao giờ cũng có sự quan tâm đặc biệt với Việt Nam!’”

Nhà báo Phạm Đình Lợi hết sức ấn tượng với phong cách của lãnh tụ Fidel Castro, nhất là khả năng hùng biện lôi cuốn người nghe. Khi được phỏng vấn, lãnh tụ Fidel Castro thường thích trả lời trực tiếp, ít khi trả lời bằng văn bản. Fidel có thể bàn luận nhiều vấn đề trong hàng giờ đồng hồ, trình bày nhiều suy nghĩ mới lạ và nắm vững cả những vấn đề về khoa học và công nghệ. Điều đó thể hiện năng lực, tư duy siêu việt và sự uyên bác của ông.

img_1244(1).jpg
Nhà báo Phạm Đình Lợi và cuốn sách vừa được xuất bản "Fidel Castro - Huyền thoại xuyên thế kỷ" do ông biên soạn. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Bằng tình yêu sâu đậm với đất nước Cuba từ thuở thanh xuân, qua nửa thế kỷ, nhà báo Phạm Đình Lợi đến nay dù ở tuổi 80 vẫn đang tiếp tục góp những viên gạch vững chắc vào việc xây lâu đài hữu nghị Việt Nam-Cuba.

17(1).png

“Không chỉ riêng tôi, những người đã từng đi học tại Cuba đều có tình cảm đặc biệt với đất nước anh hùng và tươi đẹp này” - nhà báo Phạm Đình Lợi chia sẻ.

Trong thời kỳ chiến tranh, nhà nước ta gửi các đoàn sinh viên Việt Nam sang học. Từ năm 1961, đã có đoàn 21 sinh viên Việt Nam sang học tiếng Tây Ban Nha ở Cuba. Những người được cử đi học là cán bộ thuộc Ban Đối ngoại, Bộ Ngoại giao, cán bộ một số cơ quan khác và TTXVN có 2 người gồm nhà báo Nguyễn Khắc Thìn (đã mất) và nhà báo Vũ Văn Âu năm nay đã 91 tuổi là những người đầu tiên sang Cuba học tiếng Tây Ban Nha.

Việc đưa sinh viên Việt Nam sang Cuba học chính là sáng kiến của lãnh tụ Fidel Castro. Khi tiếp khách đoàn Việt Nam lúc bấy giờ phiên dịch của đoàn Việt Nam dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, phiên dịch của Cuba lại chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha và như vậy, để chuyển tải ngôn ngữ phải qua 3 cầu Việt-Anh-Tây Ban Nha và Tây Ban Nha-Anh -Việt, nên lãnh tụ Fidel Castro đã đưa ra ý tướng mời phía Việt Nam cử sinh viên sang học tiếng Tây Ban Nha.

nha-bao-pham-loi-cam-do-chan-giay-ghi-dia-chi-cq-thuong-tru-tai-cuba-1-.jpg
Trong cuộc đời làm báo của mình, nhà báo đã có hơn 15 năm (gần bằng một nửa thời gian công tác tại Thông tấn xã Việt Nam) học tập, sống và làm việc tại Cuba. Trên tay ông là đồ chặn giấy ghi địa chỉ Cơ quan thường trú của TTXVN tại Havana, Cuba. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Từ sáng kiến đó, hàng nghìn sinh viên Việt Nam được gửi sang theo học nhiều ngành khác nhau và được Chính phủ Cuba tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc học tập.

Sinh viên Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần từ người dân quốc đảo Caribe giàu tình cảm. Có những bà mẹ Cuba từng bỏ công sức sửa chữa, may lại quần áo cho những “đứa con” Việt Nam. Ở giảng đường, giáo viên và bạn học cũng luôn quan tâm, thường xuyên hỏi thăm tình hình học tập, đời sống của sinh viên Việt Nam.

“Quãng thời gian học tập và làm việc tại đây là những ngày tháng không thể nào quên bởi vẻ đẹp của đất nước, con người Cuba luôn khơi gợi mọi cảm xúc trong tôi. Đó là những con người hiếu khách, tình cảm nồng nhiệt, luôn mang lại năng lượng tích cực cho tất cả những người xung quanh. Chính những tính cách đó đã truyền cảm hứng và tạo nên một phong cách cởi mở, thân thiện, 'đậm chất Cuba' trong những người Việt từng sinh sống, học tập, làm việc tại đây,” nhà báo Phạm Đình Lợi tâm sự.

18(1).png

Bằng tình yêu sâu đậm với đất nước và con người Cuba, nhà báo Phạm Đình Lợi luôn tâm niệm phải nỗ lực đóng góp cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Cuba.

Sau khi nghỉ hưu năm 2003, vì tình nghĩa sâu nặng với đất nước Cuba anh em, dù sức khỏe giảm sút, nhà báo Phạm Đình Lợi vẫn tham gia hiệu đính một số tác phẩm văn học của các tác giả Cuba do các bạn trẻ Việt Nam chuyển ngữ như ''Bertillon 166'' của José Soler Puig, in năm 2017; ''Tìm về chân lý'' (Un encuentro con la verdad) của Guillermo Garcia Frias, in năm 2015; ''Vụ án Moncada'' (El Juicio del Moncada) của Marta Rojas, in năm 2013; ''Tập trung! Điểm danh'' (Atención! Recuento!) của Juan Almeida, in năm 2016.

thiet-ke-chua-co-ten-1-.png

Bằng tình yêu sâu đậm với đất nước Cuba từ thuở thanh xuân, qua nửa thế kỷ, nhà báo Phạm Đình Lợi đến nay dù ở tuổi 80 vẫn đang tiếp tục góp những viên gạch vững chắc vào việc xây lâu đài hữu nghị Việt Nam-Cuba.

Những tác phẩm dịch này do Nhà Xuất bản Văn học xuất bản, cùng nhiều ấn phẩm khác của Việt Nam tham gia triển lãm tại Hội chợ Sách La Habana 2020, góp phần tăng cường sự giao lưu hợp tác về văn hoá giữa Cuba-Việt Nam.

Mới đây nhất, ngày 5/9/2023, Nhà Xuất bản Thông tấn đã cho ra mắt cuốn sách của tác giả Phạm Đình Lợi "Fidel Castro - Huyền thoại xuyên thế kỷ.” Cuốn sách là một tuyển tập hơn 30 bài về Fidel do ông và các tác giả Việt Nam khác viết, cùng các bài do ông và cộng tác viên sưu tầm, tuyển chọn và biên dịch.

Đó là những hồi ức, suy ngẫm, đánh giá của hàng loạt những nhân chứng lịch sử tầm cỡ trên thế giới về vị lãnh tụ của quốc đảo Cuba Fidel Castro. Trong sách còn có một số bài viết của chính lãnh tụ Fidel bao gồm lời hiệu triệu, diễn văn tại Liên hợp quốc, bài báo cùng những bài trả lời phỏng vấn nhằm nêu bật tài năng, trí tuệ và phong cách riêng của nhà lãnh đạo Cuba.

screenshot_10.png

Lật giở cuốn sách "Fidel Castro - Huyền thoại xuyên thế kỷ,” nhà báo Phạm Đình Lợi chia sẻ: “Tôi ấp ủ thực hiện cuốn sách này đã lâu, nhưng muốn ra mắt vào một dịp đặc biệt để cuốn sách trở nên có ý nghĩa hơn. Và tôi chọn tháng 9, thời điểm đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm chuyến thăm lịch sử của Fidel vào vùng mới giải phóng ở Quảng Trị (1973-2023), 70 năm cuộc tấn công pháo đài Moncada (1953-2023) và 60 năm thành lập Ủy ban Cuba Đoàn kết với miền Nam Việt Nam (1963-2023).

Nói về cảm hứng ra mắt cuốn sách này nhà báo Phạm Đình Lợi cho biết thêm: “Cuộc đời Fidel Castro gắn với những biến chuyển sôi động nhất của thế giới từ thế kỷ XX đến khi ông qua đời (năm 2016). Vị lãnh tụ huyền thoại của cách mạng Cuba đi về thế giới bên kia ở tuổi 90, song ông đã để lại một di sản đồ sộ về những cống hiến, đấu tranh và những lý tưởng cách mạng kiên trung của hòn đảo Cuba tươi đẹp.

Trước đó, đã có nhiều người viết sách về Fidel và Việt Nam, trong đó trọng tâm là đề tài về tình cảm của Fidel và Việt Nam, những phát biểu của người Việt Nam về Fidel. Tôi nghĩ là cần phải mở rộng, đưa thêm những tài liệu mà những người nổi tiếng, nhà văn, nhà báo, nhà chính trị của thế giới nói về Fidel, đánh giá về Fidel, nhận định về tính cách, phẩm chất của Fidel, giúp các độc giả Việt Nam thấy được phong cách, phẩm chất, tài năng của ông.”

Chân dung của “Huyền thoại xuyên thế kỷ Fidel Castro” được phác họa chân thật qua các lăng kính khá thuyết phục: Fidel - lãnh tụ chính trị đã làm nên nhiều kỳ tích ở Cuba, Mỹ Latinh và thế giới; Fidel - một chiến binh không bao giờ bị khuất phục trước kẻ thù; Fidel - một con người dung dị mà vĩ đại; Fidel - một hiệp sỹ cách mạng giữa đời thường.

tu-lieu-2.jpg
Lãnh tụ Fidel Castro thân mật hỏi chuyện đoàn thiếu nhi Việt Nam sang dự một trại hè ở Cuba, năm 1978.

Trong lời đề tựa cuốn sách, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba nhận xét: “Khắc họa chân dung Fidel Castro là công việc rất khó, vì tầm vóc của ông vượt qua mọi tầm cao thông thường. Tác giả Phạm Đình Lợi, vì tình yêu với Cuba và Lãnh tụ Fidel, đã tình nguyện góp sức vào công việc lớn lao này.”

Với tình cảm sâu sắc, Nhà báo Phạm Đình Lợi tâm sự “cảm ơn cuộc đời đã cho tôi nhiều may mắn, cảm ơn đất nước Cuba, cảm ơn Thông tấn xã Việt Nam, Thông tấn xã Cuba Prensa Latina, cảm ơn tất cả những người bạn thân thiết của tôi đã hiểu tôi, đồng hành cùng tôi và luôn giúp đỡ tôi. Dù thế giới có đổi thay, dù nhân tình thế thái đâu đó có sớm nắng chiều mưa… chúng tôi, những người đã được học tập và trưởng thành trên đất nước Cuba luôn nhớ về Tổ quốc của José Martí và Fidel Castro với tình cảm chân thành, thủy chung, mãi mãi không bao giờ thay đổi.”

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thế Nghiệp khi viết về người bạn đồng môn Phạm Đình lợi trong cuốn sách “Bạn văn của tôi” đã chia sẻ: “Những người từng được nhân dân Cuba đùm bọc, nuôi dạy luôn nguyện làm một ‘viên gạch’ nhỏ trong ngàn vạn viên gạch xây dựng nên lâu đài hữu nghị Việt Nam-Cuba trường tồn và phát triển”.

Dù thế giới có đổi thay, dù nhân tình thế thái đâu đó có sớm nắng chiều mưa… chúng tôi, những người đã được học tập và trưởng thành trên đất nước Cuba luôn nhớ về Tổ quốc của José Martí và Fidel Castro với tình cảm chân thành, thủy chung, mãi mãi không bao giờ thay đổi

Nhà báo Phạm Đình Lợi

Nhà báo-dịch giả Phạm Đình Lợi tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1965; học tiếng Tây Ban Nha tại Đại học La Habana từ năm 1970-1974. Ông là phóng viên thường trú, Trưởng cơ quan đại diện TTXVN tại Cuba (từ 1975-1979, 1987-1992 và 1996-1999).

Ông từng tham gia dịch “Trăm năm cô đơn” cùng các dịch giả Nguyễn Trung Đức, Nguyễn Quốc Dũng (1983) và hiệu đính các tác phẩm dịch “Vụ án Moncada” của Marta Rojas, “Tìm về chân lý” của Guillermo García Frías, “Tập trung, điểm danh” của Juan Almeida và “Bertillon 166” của José Soler Puig.

tacgia(1).jpg