Tour mỹ thuật chuyên sâu: Trải nghiệm khác biệt và độc đáo
Mega Story - Ngày đăng : 09:12, 03/10/2023
Tour mỹ thuật chuyên sâu: Thêm trải nghiệm, thêm khác biệt độc đáo
Tour mỹ thuật chuyên sâu: Trải nghiệm khác biệt và độc đáo
Với tour mỹ thuật chuyên sâu có chủ đề “Tranh sơn mài Việt Nam,” du khách không chỉ được tìm hiểu về lịch sử dòng tranh sơn mài độc đáo qua tác phẩm của các danh họa nổi tiếng mà còn được trải nghiệm quy trình sáng tạo tác phẩm...
Nghệ thuật giúp xã hội trở nên thi vị và đáng sống hơn, giúp con người biết yêu cái đẹp và có gu thẩm mỹ. Chính vì vậy, du lịch khám phá nghệ thuật (artcation) luôn có sức hút đặc biệt với dòng khách mong muốn mở rộng nhân sinh quan bằng việc trải nghiệm các tác phẩm nghệ thuật tại điểm đến chứ không chỉ đơn thuần là nghỉ dưỡng.
Nắm bắt xu hướng đó, Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam vừa chính thức ra mắt tour tham quan chuyên sâu theo chủ đề “Tranh sơn mài Việt Nam.” Phóng viên Báo Điện tử Vietnamplus đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Anh Minh về đổi mới này.
Một hành trình đầy sắc màu
- Tour “Tranh sơn mài Việt Nam” với đậm đặc giá trị văn hóa nghệ thuật của các tác phẩm, có thể được xem là sản phẩm du lịch chuyên sâu về mỹ thuật đầu tiên tại Việt Nam. Vậy xin ông cho biết du khách sẽ được trải nghiệm gì đặc sắc khi tham gia hành trình này?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh: Với tour chuyên đề “Tranh sơn mài Việt Nam,” du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh sơn mài của các danh họa nổi tiếng nước nhà, tìm hiểu về lịch sử phát triển của tranh sơn mài thông qua tác phẩm của các thế hệ họa sỹ từ thời Đông Dương đến những năm kháng chiến, những bảo vật quốc gia về sơn mài.
Sau đó, du khách sẽ được tìm hiểu về quy trình làm tranh sơn mài, trực tiếp trải nghiệm một công đoạn trong quá trình sáng tác và mang về chính sản phẩm tự tay mình làm ra. Đây cũng là món quà độc đáo mà Bảo tàng muốn dành cho du khách.
Chúng tôi hy vọng sản phẩm tour sẽ mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, mang đến những trải nghiệm thú vị khách du lịch về mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là chất liệu sơn mài được sử dụng trong hội họa. Với lợi thế là nơi lưu giữ rất nhiều tác phẩm hội họa đỉnh cao của nền mỹ thuật Việt Nam, tôi tin rằng tour chuyên đề này sẽ mang đến những ấn tượng đặc biệt.
- Tranh sơn mài là niềm tự hào của nền nghệ thuật truyền thống nước nhà. Vậy trong tour này, Bảo tàng làm sao để giới thiệu được đúng thế mạnh, tiềm năng và chất lượng của loại hình này tới du khách?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh: Tranh sơn mài có tuổi đời gần trăm năm, là chất liệu đặc biệt của hội họa Việt Nam. Việc giới thiệu đến công chúng những giá trị nghệ thuật của sơn mài cũng là trách nhiệm và niềm tự hào của chúng tôi, với bộ sưu tập tranh sơn mài từ những năm 1939 (Mỹ thuật Đông Dương) đến năm 2020 (Mỹ thuật đương đại).
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi lưu giữ và giới thiệu tác phẩm tranh sơn mài độc đáo của hầu hết các tác giả nổi tiếng, từ họa sỹ Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn đến Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…
Tranh của các danh họa luôn chiếm vị trí trang trọng nhất, được dành riêng 6 phòng trưng bày. Qua đó, du khách sẽ có cái nhìn toàn diện về sự đa dạng của đề tài, phong cách và kỹ thuật sáng tác tranh sơn mài khi tham quan tại đây.
Trong tour sơn mài, chúng tôi cố gắng giới thiệu ngắn gọn và xúc tích nhất về lịch sử phát triển của nghề sơn (qua xem phim, hiện vật cổ) và sự phát triển của sơn mài cận đại, hiện đại và có thể là đương đại (nếu khách có nhiều thời gian), bên cạnh hoạt động trải nghiệm độc đáo.
Khó khăn bủa vây…
- Sản phẩm tour mỹ thuật chuyên sâu sẽ kén khách, họ không chỉ là người quan tâm đến nghệ thuật, có gu thẩm mỹ mà còn có hiểu biết về nghệ thuật… nên sẽ có yêu cầu khá cao về chuyên môn. Nếu triển khai tour cho khách đoàn, với số lượng lớn người tham quan liệu Bảo tàng có đủ nhân lực hướng dẫn viên không, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh: Đây cũng là một trong những khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải. Bởi để đón khách đoàn với số lượng lớn thì chúng tôi chưa thể đáp ứng.
Do đó, giải pháp trước mắt của chúng tôi là đào tạo và sử dụng đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên; đặc biệt là mời các chuyên gia, họa sỹ, nghệ nhân tham gia vào hành trình hướng dẫn những đoàn khách có hiểu biết sâu về nghệ thuật, mỹ thuật. Với những tour ít thời gian, chúng tôi sẽ có lộ trình thích hợp cho khách tham quan.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ, chúng tôi cũng đã chuẩn bị trợ lý ảo thông minh giúp du khách tham quan bảo tàng. Đó chính là thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, giới thiệu gần 200 hiện vật bằng 8 ngôn ngữ.
Chúng tôi cũng thiết kế tờ rơi Highlight tour lựa chọn 10 tác phẩm sơn mài được sắp xếp theo trình tự nhằm gợi ý lộ trình giúp khách tham quan trải nghiệm tour tranh sơn mài một cách dễ dàng. Đây chính là kết quả chuyển đổi số của Bảo tàng trong thời gian gần đây nhằm đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng và hỗ trợ khách tham quan.
Tôi cho rằng thực tế, không một bảo tàng nào có đủ nguồn lực hướng dẫn viên cho cả khách nội địa và khách quốc tế. Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam cũng vậy. Mặc dù khó khăn về nhân sự nhưng chúng tôi sẽ tìm cách tháo gỡ bằng kế hoạch đào tạo thế hệ kế cận để có đội ngũ nhân viên vừa thuyết minh vừa hướng dẫn trải nghiệm phục vụ khách.
- Có lẽ, để vận hành một tour chuyên sâu về mỹ thuật như vậy khó khăn sẽ không chỉ là câu chuyện thiếu hướng dẫn viên?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh: Từ năm 2019 chúng tôi đã lên ý tưởng, nghiên cứu trong thời gian dài và thực sự gặp phải nhiều khó khăn trước khi chính thức vận hành.
Chúng tôi mất hơn hai năm để chuẩn bị nội dung, lựa chọn lộ trình tham quan theo nhiều khung thời gian, cân đối mức chi phí tour hợp lý giữa Bảo tàng với các đơn vị đối tác cũng như khách tham qua.
Bên cạnh đó, thuyết minh viên cũng phải chọn lọc từ ngữ để giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu nhất về quy trình để làm nên một tác phẩm tranh sơn mài cũng như những giá trị tác phẩm cùng câu chuyện gắn liền với tác giả.
Đặc biệt, việc lựa chọn công đoạn nào trong quy trình làm tranh sơn mài cho khách trải nghiệm cũng phải cân nhắc để vừa đảm bảo nội dung, thời lượng tour vừa đảm bảo chi phí hợp lý…
Một điểm nữa là chất liệu sơn mài truyền thống dễ gây kích ứng da khi tiếp xúc, vì thế chúng tôi phải học tập các nghệ nhân/họa sỹ ở làng nghề sơn mài Hạ Thái, thay đổi một chút cho phù hợp với nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch.
Tạo một không gian đủ lớn giữa kiến trúc Pháp cổ của Bảo tàng cho khách đoàn trải nghiệm các công đoạn làm tranh sơn mài cũng không hề đơn giản…
- Biến nghệ thuật, mỹ thuật thành sản phẩm du lịch hấp dẫn là xu hướng không mới trên thế giới, nhưng ở Việt Nam mô hình này cho đến nay vẫn chưa thể phổ biến hoặc là xuất hiện quá ít ỏi, không có sức lan tỏa. Theo ông, đâu là nguyên nhân của thực tế này?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh: Có thể nói nguyên nhân của câu chuyện này là rất nhiều và đến từ nhiều phía. Ở Việt Nam, chưa có nhiều người quan tâm đến mỹ thuật, kể cả trong chương trình giáo dục thì vai trò của mỹ thuật cũng mờ nhạt.
Mỹ thuật chưa thể trở thành sản phẩm du lịch một phần cũng bởi chưa nhận được sự quan tâm và đồng hành từ phía các công ty du lịch, đơn vị lữ hành. Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam chưa trở thành điểm đến được lựa chọn để đưa vào lộ trình tour.
Đa phần khách du lịch đến với Bảo tàng là khách lẻ. Đây cũng là lý do thúc đẩy chúng tôi xây dựng tour tham quan đặc biệt này nhằm giới thiệu với các công ty du lịch, lữ hành về một tour tham quan tiềm năng, độc đáo, thậm chí có thể nói là niềm tự hào của nghệ thuật Việt Nam.
Sẽ thật là khiếm khuyết nếu chúng ta không giới thiệu được với du khách quốc tế về sức sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của dân tộc Việt Nam. Những năm trước đây, 90% khách tham quan Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam là khách nước ngoài.
Sẽ thật là khiếm khuyết nếu chúng ta không giới thiệu được với du khách quốc tế về sức sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của dân tộc Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh
Vài năm gần đây, tình hình đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, lượng khách tham quan là người Việt Nam đã tăng nhiều, 80% là người Việt, trong số đó hơn 60% là các bạn trẻ, học sinh và sinh viên các trường đại học. Đây cũng là tín hiệu rất đáng mừng.
Chúng tôi hy vọng có thể hoàn thiện những tour chuyên sâu, hoạt động trải nghiệm đa dạng để thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan, giúp cho loại hình mỹ thuật trở nên gần gũi hơn với công chúng và trong cuộc sống.
“Mưa dầm thấm lâu”
- Nói đến Bảo tàng Mỹ Thuật, du khách sẽ nghĩ đây là lĩnh vực rất chuyên sâu và sẽ khó có sức hấp dẫn với đại chà. Vì thế, vấn đề nan giải hơn cho mô hình “artcation” (du lịch khám phá nghệ thuật) còn là làm sao nâng cao gu thẩm mỹ và khả năng cảm thụ của cộng đồng… Vậy trong lộ trình phát triển, Bảo tàng sẽ đổi mới như thế nào để có thể tiếp cận được số đông?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh: Mỹ thuật vốn là một lĩnh vực chuyên sâu và kén khách. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, gia tăng trải nghiệm cho khách tham quan.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá, tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến hoạt động nghệ thuật trong không gian Bảo tàng để thu hút công chúng.
Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu số, tập trung chuyển đổi số. Ví như vừa qua, khi Bảo tàng thử nghiệm công nghệ trình chiếu 3D Mapping vào các triển lãm giúp cho không gian Bảo tàng trở nên sống động hơn, công chúng đã có những phản hồi tích cực, đặc biệt là các bạn trẻ. Giờ đây đến Bảo tàng, bên cạnh việc thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, du khách còn được trải nghiệm hiệu ứng thị giác nhờ công nghệ số.
Chỉnh trang cơ sở vật chất để Bảo tàng trông thân thiện hơn, bổ sung thêm nhiều hệ thống thông tin cho khách dễ tiếp cận hơn với nội dung trưng bày, tổ chức các hoạt động nghệ thuật bổ trợ như âm nhạc nhằm tạo sự kết nối với các nhà trường để đưa trẻ em đến Bảo tàng ngay từ khi còn nhỏ, tổ chức cuộc thi tìm hiểu bảo tàng trực tuyến và triển khai tại các nhà trường… là những hình thức giáo dục nghệ thuật không chính thức mà Bảo tàng áp dụng.
Đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng là phương châm của Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam. Thời gian gần đây, chúng tôi không ngừng đa dạng hóa các hoạt động để công chúng bớt nghĩ Bảo tàng Mỹ thuật là nơi chỉ dành cho người am hiểu nghệ thuật đến chiêm ngưỡng. Suy nghĩ đó vô hình chung tạo ra khoảng cách, cản trở người xem đến với Bảo tàng.
Đó là nỗ lực ở phía chúng tôi. Song thực tế, Bảo tàng là một thiết chế văn hóa có chức năng giáo dục, nói cách khác, là trường học đặc biệt và người học/khách tham quan thực hành việc học qua các trưng bày và hoạt động xem, nghe, trải nghiệm tại bảo tàng.
Chúng tôi sẽ khó thực hiện được nhiệm vụ của mình nếu không có sự phối hợp của ngành giáo dục, văn hóa, du lịch. Giáo dục thẩm mỹ cần có thời gian và “mưa dầm thấm lâu,” kế hoạch cần thực hiện từng bước, không thể nóng vội được.
- Khách đi tour thường có lịch trình dày đặc, đến mỗi nơi thường chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa,” chưa kịp cảm nhận đã phải di chuyển đến điểm đến khác. Vậy, Bảo tàng làm sao để khắc phục hạn chế đó?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh: Đối với tour tìm hiểu về mỹ thuật sẽ đòi hỏi quỹ thời gian đủ dài để khách tìm hiểu và trải nghiệm sâu hơn về tác phẩm, tác giả và những câu chuyện liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng tour này, chúng tôi cũng tính toán thời lượng, nội dung phù hợp, có thể cắt ngắn hoặc kéo dài làm sao để phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng khách.
Như tôi đã nói ở trên, “Highlight tour” với trải nghiệm “nhìn, nghe, làm” cùng với sảm phẩm mang về chính là điểm khác biệt dành cho du khách. Không những thế với trải nghiệm iMuseum VFA, sau khi tải app về sử dụng du khách có thời lượng tới 8 tiếng/lần để chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật ngay cả khi rời khỏi bảo tàng.
- Với tour chuyên sâu này, Bảo tàng đã khai thác được bao nhiêu phần trăm nguồn lực tài nguyên và có tính toán đến việc khởi động thêm các tour chuyên đề khác không?
Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh: Nguồn tài nguyên để khai thác ở Bảo tàng còn rất dồi dào. Sơn mài chỉ là một phần trong mỹ thuật hiện đại, nhưng đây là điểm hấp dẫn, khác lạ, dễ thu hút khách nhất nên chúng tôi khởi động trước. Ngoài ra, chúng tôi còn mỹ thuật dân gian, mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật cổ, tranh lụa, tranh in, điêu khắc… có thể nghiên cứu xây dựng tour và khai thác.
Tour “Tranh sơn mài Việt Nam” mang tính thử nghiệm của Bảo tàng, chúng tôi còn rất nhiều tiềm năng có thể khai thác. Với nội dung trưng bày giới thiệu về lịch sử nghệ thuật Việt Nam từ thời tiền sơ sử đến ngày nay, cùng các sưu tập theo chất liệu sơn dầu, sơn mài, giấy, lụa, hay loại hình hội họa, điêu khắc… cùng sự hưởng ứng của các công ty du lịch, lữ hành, chúng tôi hy vọng sẽ sớm có thêm những tour khác được đưa vào vận hành.
Bảo tàng hiện nay đang lưu giữ và bảo quản trưng bày 17.404 hiện vật/ 22.125 đơn vị bảo quản (tính đến tháng 10/2022), trưng bày 3.102 hiện vật; trong đó có các loại hình: hội họa, đồ họa, điêu khắc, gốm thuộc các chất liệu gỗ, đá, đồng, sơn dầu, sơn mài, giấy, lụa…
Các hiện vật không trưng bày ở Bảo tàng đang được bảo quản tại kho với điều kiện tiêu chuẩn và đảm bảo an toàn.
- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Mai Mai (VietnamPlus)