Quảng Ninh Tiềm năng và lợi thế phát triển

Mega Story - Ngày đăng : 10:59, 27/10/2023

Sau 60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh ngày nay đã là một trong những tỉnh công nghiệp, dịch vụ năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực.
Mega Story

Quảng Ninh Tiềm năng và lợi thế phát triển

{Tên tác giả} {Ngày xuất bản}

Sau 60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh ngày nay đã là một trong những tỉnh công nghiệp, dịch vụ năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực.

ttxvn-trong-mai.jpg

Thành lập ngày 30/10/1963, sau 60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh ngày nay đã là một trong những tỉnh công nghiệp, dịch vụ năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực.

Quảng Ninh - cửa ngõ kết nối

Với vị trí địa lý đặc thù, Quảng Ninh được xem là một cửa ngõ kết nối các liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh.

Quảng Ninh là địa phương duy nhất ở Việt Nam có đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển với Trung Quốc, thị trường đông dân nhất trên thế giới. Do đó, khi hai quốc gia tiến hành hợp tác phát triển dựa theo tuyến hành lang kinh tế, Quảng Ninh là một địa phương của Việt Nam nằm trong khu vực hợp tác hành lang-con đường giữa Việt Nam và Trung Quốc bao gồm hai hành lang kinh tế là Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, Nam Ninh-Bằng Tường-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ.

ttxvn-cao-toc-hp-qn.jpg
Cầu Bạch Đằng năm trên cao tốc Hải Phòng-Quảng Ninh, là một trong những cây cầu dây văng nhiều nhịp lớn nhất trên thế giới do Việt Nam đầu tư, thiết kế và tổ chức thi công. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Quảng Ninh còn là cửa ngõ kết nối vùng Đồng bằng Sông Hồng với vùng Trung du miền núi phía Bắc. Trên thực tế, mặc dù theo phân vùng kinh tế hiện nay, Quảng Ninh thuộc vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Đồng bằng sông Hồng) nhưng về mặt địa chất và địa lý, phần nhiều diện tích của Quảng Ninh thuộc vùng núi Đông Bắc.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh là cửa ngõ ra biển cho toàn miền Bắc, đặc biệt đi qua Quảng Ninh là đường ra biển nhanh nhất của 2 tỉnh năng động nhất vùng Trung Du và miền núi phía Bắc hiện nay là Bắc Giang và Lạng Sơn.

ttxvn-cam-pha.jpg
Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả 1. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh được xác định là một cực trong tam giác phát triển vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; trong đó Quảng Ninh tiếp giáp với Hải Phòng, tạo ra một cặp địa phương bổ trợ phát triển lẫn cho nhau, hình thành một trung tâm biển mạnh của Việt Nam.

Những yếu tố quan trọng này tạo điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh phát triển các ngành công nghiệp, chế biến sản phẩm theo hướng xuất khẩu, trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế cả vùng.

Ngoài ra, Quảng Ninh có vị trí địa lý thuận lợi cho việc hợp tác phát triển kinh tế, công nghiệp, thương mại và du lịch trong nước và quốc tế qua đường bộ, đường thủy và đường hàng không, đặc biệt với Trung Quốc cũng như các địa phương trong vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ.

Lợi thế phát triển kinh tế biển và du lịch

Với chiều dài đường bờ biển hơn 250km và 2.077 hòn đảo (chiếm phần lớn số đảo của cả nước), trên 40.000ha bãi triều và hơn 20.000ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100km2, vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài có giá trị, tạo ra cơ hội lớn cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, đặc biệt phục vụ xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế thực phẩm giá trị cao.

Ngoài ra, ven biển Quảng Ninh cũng có nhiều khu vực nước sâu và kín gió, thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn và cảng thủy nội địa đáp ứng cho việc giao lưu hàng hóa với các tỉnh trong vùng. Tài nguyên biển có giá trị lớn nhất của Quảng Ninh chính là Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.

Bên cạnh đó, nhờ có chiều dài đường bờ biển dài và nhiều hòn đảo, Quảng Ninh là một địa danh giàu tiềm năng du lịch, là một đỉnh của tam giác tăng trưởng du lịch miền Bắc, với hơn 600 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng; hội tụ đây đủ các yếu tố tự nhiên như rừng, núi, nước non, biển đảo, sông hồ...

Đặc biệt, Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo và được vinh danh là một trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên Mới của thế giới.

ttxvn-halong2.jpg
Hòn Gà Chọi, còn gọi là hòn Trống Mái, nằm ở phía Tây Nam của Vịnh Hạ Long, trở thành một trong những biểu tượng của Vịnh Hạ Long nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
ttxvn-truc-thang.jpg
Trời trong và nắng vừa phải là điều kiện lý tưởng cho du khách bay lên ngắm cảnh Vịnh Hạ Long bằng thủy phi cơ. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
ttxvn-bai-tu-long.jpg
Vịnh Bái Tử Long với hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ trong sắc xanh của biển, sắc vàng của nắng tạo nên khung cảnh "sơn thủy hữu tình" đầy kỳ thú. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Tận dụng lợi thế sẵn có, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút du khách, tỉnh đang đầu tư thêm nhiều điểm du lịch mới như các bãi biển Trà Cổ, Ngọc Vừng, Minh Châu, Quan Lạn. Hệ thống tuyến đảo trên biển với các cánh rừng nguyên sinh, hệ sinh thái và động vật phong phú, quý hiếm có giá trị phát triển các loại hình du lịch biển đảo khám phá, mạo hiểm.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch ngày càng phát triển, Quảng Ninh đã đầu tư nhiều công trình trọng điểm tác động tích cực đến hoạt động du lịch, như Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, Cảng tàu Quốc tế Tuần Châu, Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, Cầu Bạch Đằng, Cầu và đường dẫn Cầu Bắc Luân II, Cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, Cầu Tình Yêu, Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái.

Tỉnh đã phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, hình thành nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp, khác biệt và độc đáo, có sức cuốn hút mạnh mẽ dựa trên giá trị Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển du lịch quốc tế, đẩy mạnh khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch.

ttxvn-mong-cai.jpg
Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Bên cạnh các điều kiện tự nhiên phù hợp cho phát triển kinh tế biển, du lịch, Quảng Ninh còn có lợi thế thông thương với Trung Quốc qua hệ thống các cửa khẩu trên đất liền và trên biển; là Trung tâm số một Việt Nam về tài nguyên than đá, công nghiệp điện, ngoài ra còn có công nghiệp ximăng, vật liệu xây dựng...

Vững bước đi tới tương lai

Vượt qua muôn vàn khó khăn, sau hơn nửa thế kỷ được thành lập, Quảng Ninh đã thực hiện những bước tiến lớn, thực thi cơ chế chính sách đổi mới để tạo nên một diện mạo mới.

Trong bảy năm liên tục, từ năm 2016 đến 2022, Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số, tốc độ đô thị hóa đứng ở tốp đầu cả nước chỉ sau các thành phố trực thuộc Trung ương. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn.

Đặc biệt, trong ba năm 202 -2022 dù chịu tác động tiêu cực, nghiêm trọng chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, tỉnh Quảng Ninh vẫn trở thành một trong số ít những địa phương điển hình, điểm sáng của cả nước thực hiện thành công “mục tiêu kép," với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 đạt 10,28% và năm 2022 đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt 56.500 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước có số thu nội địa cao.

cangvandon.jpg
Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong bảy năm liên tục, từ năm 2016 đến 2022, Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số, tốc độ đô thị hóa đứng ở tốp đầu cả nước chỉ sau các thành phố trực thuộc Trung ương.

Không chỉ vậy, tỉnh Quảng Ninh còn tập trung tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nằm trong nhóm đứng đầu cả nước nhiều năm liên tục về Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách Hành chính (PAR Index), Chỉ số Hài lòng của Người dân, Tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công (PAPI).

Nhờ thực hiện tốt những chính sách đột phá đó Quảng Ninh đã có sáu năm liên tiếp (từ năm 2017-2022) đứng thứ nhất về Chỉ số PCI; 5 năm (2017, 2018, 2019, 2020, 2022) dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số PAR INDEX; 4 năm liên tiếp (2019-2022) xếp thứ 1 trong bảng Chỉ số SIPAS; đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng PAPI toàn quốc năm 2022.

ttxvn-mo-than.jpg
Mỏ than Hà Tu (Quảng Ninh). (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
ttxvn-resort.jpg
Vinpearl Resort & Spa Hạ Long trên đảo Rều đẹp như một viên ngọc giữa biển. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
ttxvn-bac-luan.jpg
Hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân II. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
le-hoi.jpg
Hạ Long hút khách bằng những lễ hội sôi động quanh năm. (Ảnh: CTV)
ttxvn-carnaval_mua_dong.jpg
Carnaval mùa Đông được tổ chức tại Khu du lịch Quốc tế Tuần Châu (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Trên cơ sở thế mạnh sẵn có, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển vượt bậc trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/2/2023.

Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc, giữ đà tăng trưởng hằng năm trên 10%, GRDP bình quân đầu người tới 2025 đạt trên 10.000 USD.

Tong tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; GRDP bình quân đầu người đạt trên 15.000 USD (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025).

Đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái-Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập Thị xã Tiên Yên.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh sẽ phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phát triển du lịch thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, chú trọng chiều sâu, chất lượng đạt đẳng cấp quốc tế, đóng vai trò vừa là điểm đển hấp dẫn, khẳng định thương hiệu mạnh và khả năng cạnh tranh quốc tế cao./.