Hà Nội phân cấp, ủy quyền xây dựng đô thị thông minh
Mega Story - Ngày đăng : 09:05, 05/12/2023
Hà Nội phân cấp, ủy quyền xây dựng đô thị thông minh
Trong chùm 5 bài viết, phóng viên đã nêu ra sự quyết tâm của Hà Nội trong thời gian tới “tăng phân cấp – tăng niềm tin” ở cấp dưới.
Theo số liệu của UBND thành phố Hà Nội, số lượng biên chế của khối quận, huyện cao gấp 2,71 lần số biên chế công chức cấp sở ngành thành phố nhưng chỉ giải quyết 20,4% nhiệm vụ quản lý nhà nước và 23% thủ tục hành chính.
Mô hình “tháp ngược” trong quản lý hành chính, tức cấp thành phố ít người nhưng lại ôm đồm quá nhiều việc khiến cho đội ngũ cán bộ bị quá tải, chậm muộn, ùn ứ hồ sơ khi giải quyết các thủ tủ hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
Trong khi Hà Nội là “siêu đô thị” với xấp xỉ 10 triệu dân, nhiều việc phát sinh đòi hỏi cần phải giải quyết cấp bách. Nhưng, cơ chế “quyền anh, quyền tôi”; “cua cậy càng, cá cậy vây”, kèm với tư tưởng ăn sâu bám dễ “hành là chính” nên việc nhỏ như thay thế bóng đèn đường cũng phải xin ý kiến rất nhiều ngành. Hay, có nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền xây trường học cho huyện nhưng trình hồ sơ làm thủ tục mà nhiều năm các cơ quan thành phố không trả lời, đẩy đi đẩy lại, khiến cho nguồn lực xã hội không được phát huy.
Nhận thấy bộ máy có sự cồng kềnh, sức ỳ lớn, một số bộ phận cán bộ công chức đùn đẩy né tránh trách nhiệm đến mức người đứng đầu Thành ủy Hà Nội coi đó là “nỗi đau” khi nghe dư luận đề cập đến “Hà Nội không vội được đâu.”
Nên trong rất nhiều việc phải làm, thành phố quyết tâm chọn khâu đột phá mấu chốt đó là phân cấp, ủy quyền gắn với cải cách hành chính. Tinh thần được thống nhất triển khai: Đảm bảo một việc không quá 2 cấp hành chính; Giảm tầng nấc trung gian, nơi nào gần dân nhất thì nơi đó giải quyết; người dân cần được tiếp cận chính sách nhanh nhất; hiệu quả nhất.
Việc phân cấp ủy quyền của Hà Nội cũng nằm trong tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.”
Chính phủ có Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 chỉ đạo: “UBND cấp tỉnh thực hiện phân cấp đối với cấp UBND huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn trực thuộc…”
Cùng với đó, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 nêu: “Xây dựng quy định phân cấp mạnh mẽ hơn cho các quận, huyện, thị xã về quản lý kinh tế - xã hội gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi.”
Việc phân cấp, phân quyền của Hà Nội và cho Hà Nội cũng được nhiều Đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV diễn ra trong tháng 11/2023 với mong muốn: Tạo hành lang pháp lý rõ ràng; rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính; cho điểm tựa, tạo cơ chế tự chủ linh hoạt cho cấp dưới thực hiện nhiệm vụ…khi được phân cấp, phân quyền.
Qua tìm hiểu thực tế tại Hà Nội nhận thấy, Thủ đô còn nhiều cái vướng, cái bó trong khuôn khổ luật pháp nhưng đã mạnh dạn đi trước cả nước về phân cấp, ủy quyền. Từ đó, tạo một “làn gió mới”, bước tiến dài trong cải cách hành chính.
Và đây là “cái gốc” ngăn chặn đùn đẩy trách nhiệm, né việc khó của một số cán bộ vì phân cấp để: rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả; sắp xếp được vị trí việc làm, tạo sự chủ động sáng tạo cho cấp dưới nhưng vẫn thống nhất trong quản lý.
Trong chùm 5 bài viết, phóng viên đã nêu ra sự quyết tâm của Hà Nội trong thời gian tới “tăng phân cấp – tăng niềm tin” ở cấp dưới; cũng như xác định đây là cuộc “cách mạng” của hệ thống chính trị thành phố và cả những khó khăn trong việc chống lại “lợi ích nhóm” - cản trở không muốn phân cấp, ủy quyền do bị mất quyền lợi.
Cũng từ đó bài viết nêu ra ý kiến của nhà quản lý; bài học kinh nghiệm, đề xuất thêm giải pháp để Thủ đô thực hiện phân cấp, ủy quyền gắn với cải cách hành chính được hiệu quả hơn. Để khi bộ máy công quyền gọn nhẹ, giảm tầng nấc trung gian, thủ tục hành chính được rút gọn… sẽ là tiền đề quan trọng tiến đến xây dựng Thủ đô thông minh, giàu đẹp.
Chùm bài gồm:
Bài 1: Khâu đột phá chiến lược trong xây dựng đô thị thông minh
Bài 2: Giảm đầu mối, tầng nấc trung gian trong cải cách hành chính
Bài 3: Tạo làn gió mới trong phân cấp, ủy quyền cải cách hành chính
Bài 4: Rào cản từ các quy định pháp luật trong phân cấp cải cách hành chính
Bài 5: Tháo gỡ điểm nghẽn trong cải cách hành chính