“Lời khẩn cầu” trách nhiệm vì tương lai: Chỗ nào còn rừng xin hãy gìn giữ
Mega Story - Ngày đăng : 14:22, 28/12/2023
“Lời khẩn cầu” trách nhiệm vì tương lai: Chỗ nào còn rừng xin hãy gìn giữ
Trải qua rất nhiều “bài học nhân tai” đúc rút từ hàng loạt vụ “thảm họa” sạt lở đất, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề về người và của, tiêu tốn ngân sách Nhà nước - giới chuyên gia, đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách đều có chung nhận định rằng cần phải giành lại không gian Xanh, để tự nhiên còn thở, còn sống.
Trải qua rất nhiều “bài học nhân tai” đúc rút từ hàng loạt vụ “thảm họa” sạt lở đất, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề về người và của, tiêu tốn ngân sách Nhà nước - giới chuyên gia, đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách đều có chung nhận định rằng cần phải giành lại không gian Xanh, để tự nhiên còn thở, còn sống.
Theo đó, các hoạt động phát triển phải tuân thủ theo quy hoạch; đặc biệt cần phải bảo vệ rừng, những nơi nào còn “lá phổi tự nhiên” tuyệt đối phải gìn giữ, bảo vệ.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, cho hay để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, việc giữ rừng là giải pháp bền vững nhất với tất cả các địa phương, đặc biệt là những tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Theo ông Ánh, phát triển kinh tế là điều tất yếu, nhưng phát triển phải theo hướng Xanh thì mới lâu bền. Đó cũng là kinh nghiệm được đúc rút sau rất nhiều vụ “thảm họa” thiên tai, sạt lở đất liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương trong thời gian qua.
Với Cao Bằng - tỉnh biên giới có địa hình chia cắt phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai, sạt lở rất lớn, ông Ánh khẳng định bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trong nhiều năm qua, cấp ủy chính quyền địa phương đã thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống thiên tai. Cụ thể, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành rất nhiều các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch hành động trong công tác phòng chống thiên tai.
“Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng đã chỉ đạo các cấp kiện toàn ban chỉ huy, phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ ở các cấp đủ số lượng đáp ứng được yêu cầu. Từ đó xây dựng những kế hoạch cụ thể chi tiết, chủ động ứng phó với thời tiết thiên tai khắc nghiệt. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống và kế hoạch hành động cụ thể, địa phương đã hạn chế được đáng kể những thiệt hại về người và của, do thiên tai, bão lũ, sạt lở gây ra,” ông Ánh nhấn mạnh.
Ngoài sự chủ động tích cực của các cấp, ngành trong công tác phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn, ông Ánh cho biết Cao Bằng cũng đặc biệt coi trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Đây là một chiến lược phát triển của tỉnh Cao Bằng theo phương án Phát triển Xanh, phát triển bền vững; trong đó nhiệm vụ cốt lõi là bảo vệ và phát triển rừng, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế bằng mọi giá.
“Đó là chiến lược chúng tôi nhất quán thực hiện từ trước đến nay. Đây cũng là một điều kiện quan trọng cùng với sự chủ động tích cực để tạo môi trường tốt cho Cao Bằng trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế bền vững,” ông Ánh nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cũng chia sẻ câu chuyện ngày trước, qua những chuyến đi thực tế ở các tỉnh vùng Tây Bắc như Sơn La, ông nhận thấy hoạt động phát triển sản xuất của người dân mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Tuy nhiên ông không đồng tình, bởi đó là cách làm rất “mạo hiểm.” Đơn cử như việc người dân trồng ngô bên cạnh đỉnh núi, hễ mưa xuống là bị xói mòn, đất chảy xuống sông, không chỉ ảnh hưởng môi trường tự nhiên mà còn tiềm ẩn rủi ro cho chính người dân.
“Ở Cao Bằng, chúng tôi xác định bảo vệ môi trường tự nhiên cũng là giảm thiểu thiên tai. Chính vì thế, hiện nay, mọi người đến Cao Bằng, đi đến đâu cũng sẽ thấy màu xanh, khí hậu rất ôn hòa. Đó là tài nguyên thiên nhiên quý. Có thể bây giờ kinh tế bị chậm nhưng chắc chắn sau này sẽ là giá trị,” ông Ánh nêu quan điểm.
Với quan điểm nhất quán trên, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Cao Bằng, nhấn mạnh thời gian tới sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân triển khai tích cực, chủ động thực hiện tất cả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường. “Nếu đạt được 2 mục tiêu trên thì Cao Bằng sẽ tiếp tục phát triển trên con đường đúng theo cái định hướng mà tỉnh đã đề ra,” ông Ánh tin tưởng.
Đề cập thêm đến những việc cần phải làm trong công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai, ông Nguyễn Công Doanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng cho hay trong thời gian tới, tỉnh này sẽ kiểm soát chặt công tác quy hoạch xây dựng và các hoạt động xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất.
“Đặc biệt, tỉnh Cao Bằng nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Theo tôi, một trong những yếu tố khiến thiên tai ngày càng khó lường hơn là bởi nạn phá rừng. Đây là yếu tố ‘nhân tai’ nên việc này cần phải kiểm soát và quyết liệt ngăn chặn,” ông Doanh nói và nhấn mạnh.
Tự hào là một trong những tỉnh có tỷ lệ rừng cao nhất cả nước hiện nay, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Bình Mai Văn Minh nhấn mạnh trong số các loại hình thiên tai, đáng sợ nhất là sạt lở núi, tuy nhiên may mắn cho tỉnh này là rừng còn giữ được, nên hiện tượng sạt lở đất trên địa bàn ít khi xảy ra.
Ông Minh cũng nêu quan điểm với những địa phương đã phá hết rừng thì nguy cơ sạt lở núi, sạt lở đồi sẽ rất đáng lo ngại. Vì thế, những địa phương nào, nơi nào còn rừng thì hãy cố gắng bảo vệ, gìn giữ, không nên phá rừng để “phát triển nóng.”
“Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy nhiều nước phát triển khi xảy ra lũ, không có cách nào để chống hiệu quả vì rừng đã bị phá hết để làm đô thị hết. Vậy nên, các nước đi sau như Việt Nam, vẫn còn rừng tự nhiên thì cố gắng bảo vệ tuyệt đối, trừ trường hợp những dự án quá trọng điểm thì phải chấp nhận. Như tại tỉnh Quảng Bình, chúng tôi kiên quyết tuyên bố là bảo vệ rừng đến cùng,” ông Minh nói.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm cũng nhấn mạnh rừng là “lá phổi tự nhiên,” không chỉ để điều hòa không khí mà còn giảm sức tàn phá của thiên tai.
Vì vậy, hiện nay, tỉnh này đang tập trung tất cả các nguồn lực để phát triển rừng, tổ chức cho các đơn vị triển khai phục hồi các vùng đất rừng phòng hộ; khuyến khích nhân dân trồng rừng với các loại cây gỗ lớn, cây bản địa có thời gian sinh trưởng dài để nâng cao hiệu quả trong sản xuất lâm nghiệp cũng như tăng khả năng chống chịu của đất để giảm thiểu các rủi ro sạt lở có thể xảy ra.
“Thực sự rừng tự nhiên đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu. Do đó, chúng tôi sẽ tập trung các nguồn lực cho việc bảo vệ nghiêm ngặt đối với các khu vực rừng tự nhiên cũng như phát triển, khôi phục rừng tự nhiên; hạn chế đến mức tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên trong các trường hợp đầu tư công (như làm công trình thủy lợi; công trình giao thông cấp thiết; các công trình phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội),” ông Lâm nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về công tác bảo vệ rừng tự nhiên, ông Lâm cho biết hiện tại tỉnh Quảng Bình đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi đây là tỉnh có mức thu ngân sách thấp và hoạt động bảo vệ rừng tự nhiên chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương (với kinh phí bảo vệ rừng là 300.000 đồng/hécta). Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ mỏng và đời sống của các cán bộ tham gia bảo vệ rừng cũng còn rất khó khăn.
“Do vậy, để làm tốt công tác bảo vệ rừng, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách thường xuyên và có trách nhiệm. Trong đó, công tác tuyên truyền phải đến được với người dân. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần tích cực tham gia vào các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng với quyết sách của Đảng, Chính phủ, với sự triển khai trách nhiệm của địa phương và sự đồng lòng góp sức của mỗi người dân trong bảo vệ rừng, phát triển Xanh, những rủi ro do thiên tai như lũ quét, sạt lở đất sẽ giảm đi rất nhiều,” ông Lâm nói.
Là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, cũng khẳng định thời gian tới, tỉnh này sẽ đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng để tăng khả năng giữ nước; để giảm thiểu các nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lở núi gây hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Từ thực tiễn đi kiểm tra hàng loạt vụ thiên tai, sạt lở xảy ra trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng câu chuyện phòng, chống thiên tai, nhất là sạt lở đất tới đây cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn và bản đồ sạt lở cũng phải tính toán đầy đủ các yếu tố, đặc biệt về địa chất.
Dẫn ví dụ từ vụ sạt lở nghiêm trọng tại đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vào ngày 30/7/2023, ông Hiệp nhấn mạnh vụ sạt lở này là một bài học mới, nguy cơ mới cần phải quyết liệt hơn và giải pháp tích cực hơn trong ứng phó với sạt lở đất.
“Đặc biệt, với điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ bất thường như hiện nay thì tất cả tác động của con người đều có thể gây ra hậu quả. Quan trọng nhất hiện nay trong phòng, chống sạt lở là phải tôn trọng tự nhiên. Đây cũng là một trong nhiều bài học để các địa phương rút kinh nghiệm trong ứng phó với sạt lở đất,” ông Hiệp nói.
Chia sẻ giải pháp từ địa phương, đại diện tỉnh Thái Nguyên cho rằng để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, vấn đề đặt ra là tuyệt đối không để người dân tự ý đào, bạt đồi núi xây dựng nhà ở khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn, làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất đá gây thiệt hại về người và tài sản.
Có chung quan điểm, ông Trần Quốc Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ, nêu quan điểm để việc cảnh báo, phòng tránh có hiệu quả, các địa phương cần rà soát, đầu tư nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của các công trình phòng chống thiên tai, đặc biệt là các công trình đê điều, hồ đập; tiến hành quy hoạch sử dụng đất để phục vụ công tác di dời, trồng rừng, phát triển nông nghiệp, bố trí dân cư an toàn gắn với sinh kế bền vững.
Lưu ý tới xu thế phát triển du lịch thông qua hình thức homestay, farmstay đang phổ biến, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An cho rằng đây là vấn đề cần phải quản lý chặt. Lý do, theo sở này, nếu hoạt động nghỉ dưỡng theo hình thức homestay, farmstay hình thành một cách tự phát, thiếu sự quản lý của các cơ quan chức năng sẽ dẫn đến tình trạng, phá rừng, chiếm đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái phép, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, xây dựng các công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, gây hệ lụy.
Từ góc độ chuyên gia, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng lưu ý qua những vụ trượt lở liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, có thể thấy phát triển phải có quy hoạch và phải chừa lại không gian để tự nhiên còn thở; bởi nếu o ép tự nhiên quá thì ắt tự nhiên sẽ phản ứng lại và hệ lụy sẽ lớn hơn nhiều.
Dẫn chứng một số đô thị với mật độ công trình nhà ở dày đặc mọc lên trên các quả đồi như Sapa, Đà Lạt, Tam Đảo,… ông Văn cho hay bất kỳ chỗ nào hoạt động dân sinh càng sôi động thì vai trò của hoạt động dân sinh trong việc gây ra trượt lở càng lớn. Vì thế, ông khuyến nghị: “Đối với những vùng đất mới, khi tính phương án xây dựng công trình cần phải điều tra khảo sát, để biết chỗ nào xây dựng được, chỗ nào không và chỉ phát triển chỗ nào nền địa chất ổn định, an toàn. Vùng đất đã và đang phát triển rồi, khu vực có nguy cơ cao thì không phát triển thêm.”
Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng thời gian tới cần phải thay đổi nhận thức của người dân, chính quyền các địa phương về nguy cơ sạt lở đất. Bởi nếu người dân tiếp tục bạt đồi, núi để xây nhà trong khi chính quyền không có biện pháp can thiệp, yêu cầu thực hiện đúng quy định nhà nước thì những vụ đổ tường chắn, taluy sạt trượt gây chết người như ở thành phố Đà Lạt vừa qua, sẽ vẫn còn xảy ra.
Trước khi kết thúc loạt bài viết này, chúng tôi xin đề cập tới bài học từ “thảm họa” động đất, sóng thần tàn phá kinh tế, cướp đi sinh mạng của 19.000 người dân Nhật Bản (xảy ra vào ngày 11/3/2011). Cho đến nay, khi nhắc đến “thảm họa” này, rất nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng về sự mất mát khủng khiếp mà đất nước, con người Nhật Bản phải hứng chịu trước sức mạnh tàn phá của tự nhiên.
Thế nhưng, việc nhanh chóng hồi sinh và vực dậy nền kinh tế chỉ trong một thời gian ngắn của “đất nước mặt trời mọc” cũng khiến thế giới thán phục. Điều đó cho thấy bằng sức mạnh của ý chí, con người có thể vượt qua mọi khó khăn. Song thảm họa ấy cũng nhắc nhớ rằng sức mạnh của thiên nhiên là quá đỗi khủng khiếp.
Hiện nay, thế giới vẫn đang tiếp tục phải đối mặt ngày càng nhiều với những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, bất thường. Trong đó, theo đánh giá của quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu.
Thực tế, với trên 1.100 trận thiên tai thuộc 21/22 loại hình thiên tai khác nhau mà Việt Nam hứng chịu ảnh hưởng trong năm 2023 (khiến 166 người chết và mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng từ việc hư hỏng về nhà cửa, hoa màu, công trình thủy lợi, đường giao thông), phần nào cho thấy biến đổi khí hậu ngày một khó lường, thiên tai ngày càng thêm khốc liệt.
Tuy nhiên, qua phân tích của giới chuyên gia, lãnh đạo các cấp bộ, ngành, địa phương, các nhà hoạch định chính sách mà chúng tôi đề cập trong loạt bài này, cũng cho thấy thiên tai ngày một khốc liệt là bởi “bàn tay tàn phá” của con người. Vì vậy, nếu không quyết liệt sửa sai hay ngăn chặn những hành vi tiêu cực gây hại tới núi rừng, tới “ngôi nhà chung” đa dạng sinh học, thì Việt Nam sẽ còn phải gánh chịu ngày càng nhiều thiên tai thảm khốc. Nói thẳng ra là càng phá sẽ càng đau!
Đơn cử như việc sử dụng cát để xây dựng đường cao tốc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo thống kê của các bộ, ngành, đến năm 2025, vùng này cần hoàn thành khoảng 400km đường cao tốc với nhu cầu cát san lấp lên tới 39 triệu m3; chưa kể các công trình công cộng, công trình dân sinh khác. Với nhu cầu cát san lấp rất lớn trên, giới chuyên gia cho rằng nếu tăng khai thác cát tự nhiên thì tương lai, sụt lún, sạt lở ở vùng Vựa lúa số 1 Việt Nam sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
“Chúng tôi không muốn phá tự nhiên, phá đảo để lấy cát biển làm nền đường. Hãy nghĩ tới bài học từ các nước phát triển, họ đang phải mua cát về đắp bờ bãi, mở rộng bờ cõi. Nếu chúng ta phá đi sẽ ảnh hưởng đến sụt lún và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Chúng ta cần phải cân nhắc cái chung để có quyết định chính xác hơn, có giải pháp hợp lý hơn,” ông Tống Văn Nga - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam nêu quan điểm.
Minh chứng trên cho thấy rõ ràng, các địa phương không thể vay mượn của tự nhiên “ăn” trong ngắn hạn và phải trả giá trong dài hạn. Vì thế, Tăng trưởng Xanh dẫu khó cũng phải làm ngay từ bây giờ, bởi sẽ là quá muộn nếu tiếp tục theo đuổi lập luận “tăng trưởng trước, xử lý hậu quả, làm sạch sau.” Hãy lấy thảm họa của Nhật Bản làm bài học bởi khi thiên nhiên đã nổi giận, sẽ không gì ngăn cản được!
Tuy vậy, chúng tôi cũng hoàn toàn tin tưởng rằng với định hướng tầm nhìn, chiến lược phát triển đã nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khi xác định “đón đầu xu thế mới để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững;” cùng với những động thái liên tục, cam kết mạnh mẽ gần đây của Việt Nam (khi cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chuyển dần từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo,…) đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao; và sự hưởng ứng trách nhiệm của mỗi cán bộ, người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong Phát triển Xanh, tương lai của nền kinh tế Việt Nam nhất định sẽ bền vững và “an toàn” hơn./.