Lai Châu hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, xanh, bền vững, toàn diện

Mega Story - Ngày đăng : 14:20, 10/01/2024

Tầm nhìn đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh phát triển xanh, bền vững, văn minh, giàu bản sắc văn hóa, phát triển toàn diện; kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới.
Mega Story

Lai Châu hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, xanh, bền vững, toàn diện

{Tên tác giả} 10/01/2024 14:20

Tầm nhìn đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh phát triển xanh, bền vững, văn minh, giàu bản sắc văn hóa, phát triển toàn diện; kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới.

lai-chau-cover-3(1).jpg

Là tỉnh vùng cao biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, Lai Châu có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế-xã hội, nhất là về nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại, xuất nhập khẩu, kinh tế cửa khẩu.

Theo Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/12/2023, tầm nhìn đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh phát triển xanh, bền vững, văn minh, giàu bản sắc văn hóa, phát triển toàn diện; kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới.

Tỉnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; phấn đấu trở thành tỉnh có kinh tế, xã hội trên mức trung bình của cả nước.

Những kết quả tích cực của Lai Châu sau 20 năm chia tách, thành lập

Tại Lễ kỷ niệm 115 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (1/1/2004-1/1/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, diễn ra vào tối 6/1/2024 vừa qua, bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu nêu rõ để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Lai Châu trong phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 22 về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh.

Tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra một chương mới trong lịch sử của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lai Châu.

ttxvn_trao-huan-chuong-lao-dong-lai-chau.jpg
Thừa Ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu ngày 6/1/2024. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Ngày đầu mới chia tách, thành lập, Lai Châu là tỉnh khó khăn nhất cả nước; kinh tế-xã hội kém phát triển; kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ còn thiếu, năng lực của một bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã tận dụng thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, kém phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện về mọi mặt.

Kinh tế phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 20 năm đạt trên 9%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tăng 70 lần, từ 31 tỷ đồng lên trên 2.000 tỷ đồng. Diện mạo các vùng đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; hết năm 2023, toàn tỉnh có 41,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân gần 14 tiêu chí/xã. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư và ngày càng hoàn thiện; 100% xã đã có đường ôtô đến trung tâm.

ttxvn_ho-ngheo-lai-chau.jpg
Công an thành phố Lai Châu trao tặng nhà ở cho hộ nghèo. (Nguồn: TTXVN)

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người tăng 21 lần, từ 2,2 triệu đồng lên trên 47 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 5%/năm, hiện còn dưới 25%. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng lớn mạnh, từ 5 đảng bộ trực thuộc, 204 tổ chức cơ sở đảng với 8.300 đảng viên đã tăng lên 12 đảng bộ trực thuộc, 551 tổ chức cơ sở đảng và trên 30 nghìn đảng viên. Tổ chức bộ máy các cấp được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Sự phát triển toàn diện của tỉnh Lai Châu ngày hôm nay đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về việc chia tách, thành lập tỉnh, đồng thời khẳng định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ trong thư gửi đồng bào, cán bộ Lai Châu cách đây 70 năm.

Những thành tựu đạt được sau 20 năm chia tách, thành lập là tiền đề vững chắc và động lực quan trọng để Lai Châu tiếp tục vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn trong chặng đường mới; thực hiện thắng lợi mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du và miền núi phía Bắc và đến năm 2050 trở thành tỉnh có kinh tế, xã hội trên mức trung bình của cả nước."

Phát triển kinh tế-xã hội nhanh, xanh và bền vững

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu ngày 19/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Lai Châu cần quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV; đồng thời, bám sát tình hình thực tế để điều chỉnh nhiệm vụ cho phù hợp.

ttxvn_tinh-uy-lai-chau.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu ngày 19/11/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tỉnh cần phát triển kinh tế-xã hội nhanh, xanh và bền vững trên cơ sở phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường; biến nguy thành cơ; biến không thành có; biến di sản thành tài sản; biến tiềm lực thành nguồn lực; vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa khẩu của mình, không trông chờ, ỷ lại. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng tinh thần phát triển tỉnh.

Lai Châu tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉnh chú trọng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Lai Châu cần phát triển kinh tế-xã hội nhanh, xanh và bền vững trên cơ sở phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường; biến nguy thành cơ; biến không thành có; biến di sản thành tài sản; biến tiềm lực thành nguồn lực; vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa khẩu của mình, không trông chờ, ỷ lại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Là địa phương có thế mạnh phát triển về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, tỉnh Lai Châu phải hết sức chú trọng bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Thủ tướng yêu cầu Lai Châu chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, bảo đảm kết nối liên hoàn trong nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao; cấp điện cho khu vực nông thôn, vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

ttxvn_thu-tuong_lai-chau.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Huổi Luông ở Lai Châu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế của tỉnh; tập trung ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Tỉnh chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là những nông sản có thế mạnh của địa phương (lúa chất lượng cao, cao su, mắcca, quế, dược liệu...).

Đồng thời, Lai Châu phải cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là chế biến nông sản, sản xuất vật liệu, phát triển ngành điện năng, khai thác, chế biến khoáng sản theo hướng xanh, bền vững.

Tỉnh phát triển ngành dịch vụ theo hướng đột phá, trong đó tiếp tục tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc, nét đẹp của thiên nhiên, con người Lai Châu (du lịch sinh thái, trải nghiệm, chữa bệnh, kết hợp nông nghiệp...)

Tỉnh đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Lai Châu nhất là tại huyện Sìn Hồ; tăng cường liên kết du lịch với các trung tâm du lịch và các tỉnh lân cận; tập trung phát triển thương mại điện tử, kinh tế biên mậu.

ttxvn_tai-dinh-cu-lai-chau.jpg
Vùng tái định cư xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đổi thay, cuộc sống của người dân dần ổn định và thoát nghèo. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Khi đi khảo sát, nghe báo cáo và cho ý kiến về phát triển kinh tế Khu Cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng của tỉnh Lai Châu, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lai Châu tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng thành một trong những điểm đột phá về kinh tế, cực tăng trưởng mới của địa phương; xây dựng phòng tuyến hợp tác và phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương cho biết phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, Lai Châu tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, kỷ luật, kỷ cương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao; hoàn chỉnh và triển khai Đề án Phát triển Sâm Lai Châu trên địa bàn giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2035. Tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển du lịch.

Lai Châu chú trọng phát triển công nghiệp có lợi thế, công nghiệp chế biến gắn với bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các công trình giao thông có tính liên vùng.

Tỉnh đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ; tăng cường hỗ trợ kết nối cung-cầu tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu.

ttxvn_nong-san-lai-chau.jpg
Phiên chợ nông sản tỉnh Lai Châu. (Nguồn: TTXVN)

Cùng với đó, Lai Châu tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện đầy đủ, kịp thời, các chính sách an sinh xã hội; chế độ, chính sách đối với người có công. Tỉnh thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, chương trình, dự án đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư tạo động lực phát triển. Tỉnh kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, từ đó góp phần hoàn thành mục tiêu Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra./.