Đi lên trong gió ngược

Cơ đồ - Vị thế - Ngày đăng : 15:50, 18/01/2024

Với quan điểm “không thể khoanh tay đứng nhìn," Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhằm "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái."
Cơ đồ - Vị thế

Đi lên trong gió ngược

{Tên tác giả} 18/01/2024 15:50

Với quan điểm “không thể khoanh tay đứng nhìn," Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhằm "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái."

cover-di-len-trong-gio-nguoc.jpg

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Dịp này tại các làng hoa, cây cảnh, người dân đang tất bật tỉa cành, chăm tưới cho hoa bung nở. Các đại lý, cửa hàng đã ăm ắp hàng Tết. Đường phố như nhộn nhịp hơn; làng bản cũng thêm rộn rã. Cửa sổ nhà ai đã vẳng tiếng nhạc Xuân. Những người con xa quê đã lên lịch, đặt vé tàu xe chuẩn bị cho một cái Tết sum vầy, đủ đầy.

Có được niềm vui ấy, ắt hẳn mỗi người, mỗi nhà đã vừa trải qua một năm với nhiều tiến bộ. Ở phạm vi tổng thể, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta vẫn giành được kết quả phát triển kinh tế-xã hội khá toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, là điểm sáng của khu vực và thế giới.

Trong thành tựu chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, năm qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã “đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả," điều hành kinh tế-xã hội đất nước phát triển, đi lên.

Xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái

Trong suốt năm 2023, “những cơn gió ngược” như: suy giảm kinh tế, lạm phát, hậu quả kéo dài của đại dịch COVID-19, cạnh tranh chiến lược, các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... đã cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Ở trong nước, nền kinh tế chịu "tác động kép" của các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn sau đại dịch COVID-19.

Với quan điểm “không thể khoanh tay đứng nhìn," Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhằm "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái."

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động; luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo; không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành “giật cục."

ttxvn_phien-hop-chinh-phu.jpg
Một phiên họp của Chính phủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 22 phiên họp; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì gần 1.600 hội nghị, cuộc họp. Cùng với các nội dung mang tính thường xuyên, nhiều nội dung, vấn đề trọng tâm, cấp bách, phát sinh được Chính phủ kịp thời bổ sung hoặc tổ chức họp bất thường để xử lý và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ công việc.

Cùng với các vấn đề căn cơ như: điều hành hài hòa, hợp lý giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn; công tác quy hoạch, đầu tư nước ngoài, thủ tục hành chính, chuyển đổi số, giải ngân đầu tư công, phát triển 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật, xử lý các dự án tồn đọng…, nhiều khó khăn, vướng mắc, diễn biến bất lợi được xử lý kịp thời, hiệu quả như thị trường tài chính, tín dụng cho sản xuất kinh doanh, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, thị trường lao động, năng lượng...

Khi lạm phát có nguy cơ tăng cao, Thủ tướng chỉ đạo tập trung ưu tiên cho kiểm chế lạm phát, hy sinh tăng trưởng nhưng khi lạm phát được kiểm soát ở ngưỡng an toàn, Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng.

Hay khi thế giới đang khan hiếm lương thực, giá lương thực tăng và dự trữ trong nước đã đảm bảo, Thủ tướng chỉ đạo tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu...

Chúng ta còn nhớ, trong năm, có những lúc thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, thị trường vàng “dậy sóng”; có thời điểm nguy cơ thiếu điện, xăng dầu khiến người dân, doanh nghiệp lo lắng… Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phản ứng chính sách kịp thời, đưa ra các quyết sách, xử lý bất cập, đồng thời hiệu triệu sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, mọi vấn đề sau đó trở lại trạng thái bình thường.

Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện 83 chuyến công tác, làm việc với các địa phương; xử lý hơn 350 kiến nghị của các địa phương, cơ quan, đơn vị; Chính phủ thành lập 5 Tổ công tác giải ngân đầu tư công và 26 Tổ công tác đến các địa phương góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…

Ngoài chuyến đi xuyên Tết, xuyên Việt để kiểm tra, thúc đẩy các dự án giao thông, trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện gần 30 chuyến công tác ở các địa phương, bình quân 2 tuần Thủ tướng đi công tác địa phương 1 lần, phần lớn các chuyến công tác của Thủ tướng là vào ngày nghỉ cuối tuần. Cả năm hầu như Thủ tướng không có ngày nghỉ trọn vẹn.

Những nỗ lực của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của Đảng, cụ thể là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; tình hình kinh tế-xã hội nước ta năm 2023 đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện gần 30 chuyến công tác ở các địa phương, bình quân 2 tuần Thủ tướng đi công tác địa phương 1 lần, phần lớn các chuyến công tác của Thủ tướng là vào ngày nghỉ cuối tuần. Cả năm hầu như Thủ tướng không có ngày nghỉ trọn vẹn.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; an sinh xã hội và đời sống người dân được cải thiện; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt kết quả toàn diện, nổi bật; uy tín, vị thế của đất nước và niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố, nâng lên.

Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo, tăng trưởng GDP của cả nước mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới.

Hiện nay, quy mô GDP nước ta ước đạt 435 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc, lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới... Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.

Cung đường nối những niềm vui

Một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ “đau đáu” không chỉ trong năm 2023 mà từ đầu nhiệm kỳ đến nay là thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Vì theo Thủ tướng, giao thông là huyết mạch của nền kinh tế: đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển mới đến đó; đường đi đến đâu, người dân thuận lợi đến đó; đường đi đến đâu khu công nghiệp, nông thôn phát triển theo.

Chính phủ đã dành nguồn lực lớn, đồng thời chỉ đạo, điều hành quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng thông thường…

Ngay những ngày đầu năm 2023, Thủ tướng đã có chuyến công tác xuyên Việt kiểm tra, đôn đốc các dự án giao thông và dự lễ khởi công 12 dự án thành phần Đường bộ Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 mở màn cho việc khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm khác. Đặc biệt, trong tất cả các chuyến công tác tới địa phương, một trong những nội dung mà Thủ tướng quan tâm chỉ đạo là về phát triển hạ tầng giao thông.

Thủ tướng tới tận nơi, kiểm tra sát sao, chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các dự án như các Dự án Đường bộ Cao tốc, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Cảng Hàng không Điện Biên, Cầu Mỹ Thuận 2…, trong đó có dự án Thủ tướng tới kiểm tra, đôn đốc nhiều lần, thậm chí tới 3-4 lần như Dự án Cầu Mỹ Thuận 2.

Tại những nơi đến kiểm tra, Thủ tướng luôn phát động tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua đại dịch," “chỉ tiến không lùi," “đã nói là làm và đã cam kết là phải thực hiện hiệu quả," làm xuyên ngày nghỉ, xuyên Tết, thi công "3 ca, 4 kíp"…

Nhờ đó, trong năm 2023, có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475km được khánh thành, nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892km; hiện đã khởi công và đang thi công 37 dự án/dự án thành phần khác với tổng chiều dài 1.658km; phấn đấu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km đường cao tốc.

Cùng với các dự án đường bộ, cả nước cũng đã khánh thành cải tạo nâng cấp Cảng Hàng không Điện Biên, Phú Bài, đường cất hạ cánh Cảng Hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất và đang triển khai xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng Hàng không Cát Bi, Nhà ga Hành khách T3 Tân Sơn Nhất...

Các dự án càng biển lớn, có vị trí quan trọng, mức đầu tư hàng tỷ USD đang được nghiên cứu đầu tư, nâng cấp như cảng Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cái Cui (Cần Thơ), Trần Đề (Sóc Trăng)…

Chân thành, tin cậy, hiệu quả

Điểm sáng nữa của đất nước trong năm 2023 là công tác đối ngoại. Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thực hiện thực hiện 12 chuyến công tác nước ngoài, tới 11 quốc gia, đồng thời chủ trì đón Thủ tướng Chính phủ 9 nước thăm Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hơn 200 cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc với lãnh đạo các nước, các tổ chức, bạn bè quốc tế và các hiệp hội, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu của các nước và thế giới.

ttxvn_thu-tuong-phat-bieu-wef.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên Đối thoại Chiến lược Quốc gia Việt Nam-WEF tháng 6/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cùng với đó, trong năm, Thủ tướng nhiều lần đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ trì các hội nghị về ngoại giao kinh tế.

Các hoạt động đối ngoại của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước; thể hiện sự chủ động, tích cực tham gia đóng góp sáng kiến tại các tổ chức khu vực và quốc tế và vai trò, trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Các hoạt động đối ngoại của Thủ tướng góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ; thiết lập cơ chế tiếp xúc giữa người đứng đầu Chính phủ 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia nhằm tiếp nối cơ chế tiếp xúc giữa người đứng đầu 3 đảng cầm quyền của 3 nước, thúc đẩy kết nối 3 nền kinh tế, nhất là kết nối hạ tầng, hợp tác, hỗ trợ nhau trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả.

Các chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tới Indonesia, Brunei, Saudi Arabia, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ đã khai mở giai đoạn mới trong hợp tác với Trung Đông, Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và ngành thực phẩm Halal.

Hoạt động đối ngoại của Thủ tướng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước tới nay.

Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Một mùa Xuân mới lại đến, với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”; với tinh thần “Năm quyết tâm," Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng thực hiện tốt các nhiệm vụ, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực cao nhất để hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 5 năm 2021-2025./.

Tác giả: Phạm Tiếp

infographics_kinh-te-viet-nam.jpeg