Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Vững vàng “nền móng” để vực dậy thị trường bất động sản
Khát vọng bay cao - Ngày đăng : 21:25, 04/02/2024
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Vững vàng “nền móng” để vực dậy thị trường bất động sản
Trong năm 2023, ngành Xây dựng đã ghi dấu cột mốc đáng nhớ khi 2 bộ luật rất quan trọng là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Trong số đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) được giới chuyên gia đánh giá là bộ luật có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua (kể từ Pháp lệnh Nhà ở 1991, Luật Nhà ở 2005 và Luật Nhà ở 2014), góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh trong thời gian tới.
Trong năm 2023, ngành Xây dựng đã ghi dấu cột mốc đáng nhớ khi 2 bộ luật rất quan trọng là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Trong số đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) được giới chuyên gia đánh giá là bộ luật có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua (kể từ Pháp lệnh Nhà ở 1991, Luật Nhà ở 2005 và Luật Nhà ở 2014), góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh trong thời gian tới.
Trước thềm Xuân Giáp Thìn 2024, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh về những điểm sáng nổi bật của ngành trong năm qua cũng như nhiệm vụ trong năm mới nhằm tạo sự chuyển biến tích cực cho thị trường.
- Đầu tiên, xin Thứ trưởng cho biết những điểm sáng nổi bật của ngành Xây dựng trong năm 2023 vừa qua?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Năm 2023, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cùng với sự quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành của Bộ Xây dựng, toàn ngành đã vượt và đạt 10/12 chỉ tiêu đề ra, trong đó hoàn thành 5/5 chỉ tiêu được Chính phủ giao.
Một số chỉ tiêu chính như tăng trưởng ngành xây dựng tăng 7,06% (đóng góp 0,51 điểm phần trăm trong GDP chung, tuy mức độ thấp hơn các năm trước nhưng vẫn là mức đóng góp chiếm tỷ trọng lớn trong GDP cả nước); tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,7%; diện tích nhà ở bình quân cả nước đạt 26 m2 sàn/người; tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 96%...
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã đồng thời thông qua 02 dự án luật quan trọng do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo gồm: Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, qua đó thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến nhà ở như đất đai, đầu tư, xây dựng, tín dụng…
Cùng với đó, ngành Xây dựng đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; linh hoạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; chính sách phát triển nhà ở xã hội tiếp tục được đặt ở vị trí trung tâm, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ “không để ai bị bỏ lại phía sau.”
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã đạt được nhiều điểm sáng về Chuyển đổi Số; cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng; công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc đạt nhiều kết quả tích cực; tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp đạt được kết quả đáng ghi nhận…
- Trong năm qua, 2 bộ luật rất quan trọng là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia và người dân cả nước. Xin Thứ trưởng thông tin rõ hơn về những điểm mới nổi bật nhất của 2 luật này?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Ngày 27/11/2023, Quốc hội Khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Điểm nổi bật của 2 luật trên là đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp và người nghèo; quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, phát triển an toàn, lành mạnh, đồng bộ với thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động; giải quyết được các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật nhà ở, kinh doanh bất động sản với các luật khác có liên quan.
Đặc biệt, luật đã sửa đổi, bổ sung chính sách về nhà ở xã hội. Điển hình như quy định về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp thuận lợi hơn khi đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; sửa đổi, bổ sung nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư, các quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được đồng bộ theo pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu…
Tương tự, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn về các loại bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh, quy định về quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản và dự án bất động sản; công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; hoàn thiện chính sách xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản bảo đảm tính pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, khả thi trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan.
Luật này cũng đã bổ sung, luật hóa một số quy định về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản; bổ sung một số chính sách về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai.
- Bên cạnh các điểm sáng, năm 2023 cũng là giai đoạn thách thức đối với thị trường bất động sản. Nhìn lại diễn biến đã qua, Bộ Xây dựng sẽ đưa ra giải pháp gì để thúc đẩy phát triển cho thị trường bất động sản trong thời gian tới?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Như chúng ta đã biết từ cuối năm 2022, thị trường bất động sản đã gặp nhiều khó khăn, thanh khoản kém, rất nhiều dự án dở dang. Tình trạng này tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2023, chủ yếu do các vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ và việc tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế.
Trước bối cảnh trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp trong chỉ đạo, điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như: Chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, đất đai, tín dụng; thành lập Tổ công tác 1435 tháo gỡ khó khăn cho các dự án trên cả nước; chỉ đạo điều hành một cách linh hoạt về tín dụng,… Nhờ đó, thị trường bất động sản đã từng bước được tháo gỡ và có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Tuy vậy, để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững hơn trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các nghị định, thông tư để cụ thể hóa các quy định của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đảm bảo có hiệu lực đồng thời với 2 luật này từ ngày 1/1/2025.
Bộ Xây dựng cũng sẽ tiếp tục triển khai một cách thống nhất, đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030;” qua đó gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, giúp cân bằng nguồn cung nhà ở giữa các phân khúc cho thị trường bất động sản.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ thường trực Tổ công tác 1435 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản; tiếp tục rà soát khó khăn của các dự án khác; đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục về đầu tư, đất đai để sớm triển khai các dự án mới.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan đề xuất các giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Cụ thể là linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ, xem xét thực hiện chính sách hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp.
- Thứ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về tình hình triển khai các chương trình, dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động, người thu nhập thấp hiện nay. Đâu là vướng mắc mà việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt được các mục tiêu?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.” Theo đó, đề án đề ra mục tiêu hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên cả nước trong giai đoạn 2021-2025 là 428.000 căn hộ, giai đoạn 2025-2030 là 634.200 căn hộ đồng thời giao chỉ tiêu hoàn thành cụ thể cho các địa phương trong từng giai đoạn.
Ngay sau khi đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng đã tích cực tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản; tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện đề án đồng thời có văn bản gửi các địa phương đôn đốc, đề nghị triển khai các giải pháp để thực hiện đề án.
Kết quả là tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn cả nước đã có 475 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 432.698 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng, cụ thể như sau: Đã hoàn thành 46 dự án với quy mô 20.210 căn; đã khởi công xây dựng 120 dự án với quy mô 120.066 căn. Ngoài các dự án đã được khởi công nêu trên, đã có 309 dự án với quy mô 292.422 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư mới.
Mặc dù bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng nêu trên, tuy nhiên việc triển khai đề án vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua, nhưng ngày 1/1/2025 mới có hiệu lực, do việc phát triển nhà ở xã hội vẫn gặp những khó khăn nhất định; chưa khuyến khích, thu hút được nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án mới trong năm 2024.
Nhiều địa phương cũng chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, nhất là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, hàng năm.
Ngoài ra, tiến độ giải ngân gói 120.000 tỷ còn chậm. Lý do bởi các địa phương phê duyệt dự án chậm, nhiều địa phương đã có dự án tuy nhiên chưa lập danh mục, công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của ủy ban nhân dân cấp tỉnh; một số chủ đầu tư đã được hướng dẫn các thủ tục vay vốn nhưng chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định; lãi suất gói 120.000 tỷ còn cao, thời gian cho vay ngắn hạn nên chưa đủ hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp hoặc người dân vay vốn.
- Vậy trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ có những giải pháp cụ thể gì để đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động, người thu nhập thấp cũng như sớm đạt được mục tiêu đề ra?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ để đẩy mạnh việc thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.”
Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở, trong đó có Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và các Thông tư hướng dẫn thi hành để cụ thể hóa các quy định của Luật Nhà ở năm 2023, đảm bảo có hiệu lực đồng thời với Luật Nhà ở năm 2023 (từ ngày 1/1/2025), qua đó kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Trong năm 2024, Bộ Xây dựng cũng sẽ làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc về việc rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội; hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc về chính sách pháp luật trong quá trình triển khai, thúc đẩy tạo nguồn cung nhà ở xã hội.
Mặt khác, Bộ Xây dựng sẽ thường xuyên bám sát tiến độ triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” tại các địa phương, để đôn đốc, nhắc nhở và báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp chỉ đạo kịp thời.
Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nhà ở, bất động sản cũng sẽ đôn đốc các địa phương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư đủ điều kiện vay vốn để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, để các ngân hàng thương mại có cơ sở áp dụng cho vay theo gói 120.000 tỷ đồng; phối hợp Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tiếp tục giảm lãi suất và kéo dài thời hạn vay vốn ưu đãi./.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!