Những cái Tết đặc biệt
Văn hoá soi đường - Ngày đăng : 08:40, 05/02/2024
Những cái Tết đặc biệt
Tùy theo mỗi vùng miền hoặc theo quan niệ về tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau, Tết cổ truyền ở từng địa phương cũng có những nét khác nhau.
Tết theo lịch âm ở châu Á là một ngày lễ được người Việt tổ chức long trọng nhất trong năm.
Theo lịch âm, dựa trên sự vận động của mặt trăng, mỗi tháng bắt đầu vào một ngày trăng mới. Và năm mới bắt đầu vào ngày trăng xuất hiện sau khi mặt trời ló rạng khỏi chí tuyến nam, dấu hiệu cuối cùng trong ba dấu hiệu mùa đông.
Tết, vì thế mà theo sự diễn biến của cả Mặt Trăng và Mặt Trời. Tết mở ra mùa Xuân và luôn rơi vào khoảng từ 10 ngày cuối cùng của tháng Một đến ngày thứ ba của tháng Hai.
Tết này gọi là "tiết Nguyên đán," "thời kỳ rạng đông bắt đầu." Ngày này là ngày bắt đầu của năm, của tháng và của mùa, vì vậy, đó là buổi sáng thiêng liêng nhất. Nó báo trước những sự kiện tốt lành của mặt trăng sẽ xảy ra sau đó.
Tết được tổ chức vào ngày mùng 1 tháng Giêng âm lịch. Tuy nhiên, tùy theo mỗi vùng miền hoặc theo quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau, Tết cổ truyền ở từng địa phương cũng có những nét khác nhau.
Dân chòm Mới ở Eo Kén, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa thường ăn Tết vào tháng 11 âm lịch, so với lịch chung, thì ở đây theo một lịch riêng. Bà con dân làng cho là mùa Xuân đã đến từ tháng 11 rồi.
Các cụ giải thích rằng dân chòm Mới này vốn là chủ nhân ông của đất Mường Khoòng cổ kính. Vì có một công lao với nhân gian, nên được ông thần làm lịch cho đi trước nhân gian về ngày tháng. Xuân chưa về bản làng nào khác thì đã phải tới đây rồi.
Chuyện kể rằng xưa kia trên trời có một con rồng ngậm chiếc bình vàng. Bình này chứa các hoa màu cây cỏ để làm cho đẹp đất, đẹp mường. Ai đến xin rồng cũng không cho. Hết ngày này sang tháng khác, nhiều người tài giỏi đã tìm cách để giành bình vàng mà không được vì miệng rồng ngậm rất chặt.
Cuối cùng người dân ở Mường Khoòng đã lập mẹo làm cho rồng cười, nhả bình ra. Người vác bình chạy vội về Mường Khoòng, gieo giống gieo hạt. Vùng Thành Sơn (ngày nay) có cây cối hoa lá trước cả mọi nơi. Vì thế mà xuân đến sớm.
Dân làng Kim Bôi, nay thuộc xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa có tục ăn Tết hết ngày mồng Ba tháng Giêng, nhưng đến này mồng Mười lại tổ chức ăn Tết lại.
Phong tục này có từ thế kỷ XVI đến nay. Nguyên nhân, theo các người già cả là vì có một năm, có vị võ tướng trong làng được lệnh lên đường dẹp giặc. Ra đi, viên tướng đó hẹn với họ hàng, làng xóm là sẽ tiến nhanh, đánh thắng và nhất định khải hoàn về ăn tết ở làng. Dân làng tin lời viên tướng, ba ngày Tết ăn uống vui vầy nhưng vẫn ngóng nhìn ra đường, chờ quân báo tiệp. Sau ngày mồng Ba, viên tướng vẫn chưa về. Họ liền kéo dài thêm một ngày nữa. Nhưng hết ngày mồng Bốn, đội quân ra trận vẫn chưa về. Mồng Năm, mồng Sáu cũng vậy. Yên trí là việc quân trở ngại, viên tướng chắc là lỡ hẹn. Cỗ bàn đón Tết được dân làng xếp lại.
Bỗng nhiên, sáng ngày mồng Mười, bóng cờ, tiếng loa từ xa đưa đến. Đội quân chiến thắng đã trở về. Viên võ tướng vào xin lỗi thần linh cùng các bậc bô lão, họ hàng, làng xóm. Vì tình hình khó khăn, viên tướng đã về chậm vài hôm, nhưng ra quân đã thắng. Dân làng mừng rỡ, họ tổ chức ăn Tết lại, để mừng các tướng lĩnh và quân sỹ.
Từ đó, dân làng Kim Bôi đặt thêm một tục mới, tục ăn Tết ngày mồng Mười tháng Giêng, vốn dĩ là ngày liên hoan mừng đoàn quân chiến thắng.
Cách đây khoảng 40 năm, dân thôn Phú Điền, nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa có tục ăn tết nguội vào khoảng trưa ngày mồng Một. Trong buổi liên hoan này dùng cỗ cúng giao thừa xong để lại.
Sáng mồng Một, cả nhà đi chúc Tết làng xóm xong, trở về nhà khoảng chính giờ Ngọ thì bóc bánh dọn thịt ra ăn. Điều thống nhất là, cả thôn không được nấu nướng thức ăn mới vào thời điểm đó.
Những người già, am hiểu lịch sử của thôn, giải thích rằng tục ăn cơm nguội này là để tưởng nhớ tới cuộc hành quân của Bà Triệu.
Họ lý luận đơn giản. Từ sáng sớm, Bà Triệu xuất quân đi đuổi giặc. Dọc đường chắc chắn chỉ có lương khô, đồ nguội đã chuẩn bị từ hôm qua. Không thể nhóm lửa thổi cơm giữa lúc đang hành quân truy kích địch. Ăn cơm nắm, bánh gói là hợp lý. Đến chiều tối, khi đã quét sách giặc ra khỏi vùng, quân sỹ mới trở về ăn mừng thắng lợi. Lúc đó, thì bếp sẽ đỏ lửa, thức ăn, đồ uống nóng sốt sẽ đuợc mang tới khao quân. Và quả thực, khác với bữa ăn sơ sài buổi trưa, tối mồng Một, người dân Phú Điền ăn Tết rất thịnh soạn./.