Du lịch mạo hiểm: Sức hấp dẫn từ những "vương quốc hang động"

Mega Story - Ngày đăng : 15:48, 05/02/2024

Đại dịch COVID-19 khiến mọi thứ thay đổi, du khách bắt đầu tìm kiếm những trải nghiệm nhiều sắc màu và cảm xúc khác biệt, là những tour du lịch mạo hiểm, tour trải nghiệm mang tính cá nhân hóa...
Mega Story


Du lịch mạo hiểm: Sức hấp dẫn từ những "vương quốc hang động"

Mai Mai 05/02/2024 15:48

Đại dịch COVID-19 khiến mọi thứ thay đổi, du khách bắt đầu tìm kiếm những trải nghiệm nhiều sắc màu và cảm xúc khác biệt, là những tour du lịch mạo hiểm, tour trải nghiệm mang tính cá nhân hóa...

du-lich-mao-hiem.jpg

Hơn 20 năm gắn bó với du lịch, Bùi Trí Nhã chuyên dẫn khách Việt Nam ra nước ngoài với những trải nghiệm “chẳng giống ai,” hay đưa khách quốc tế vào Việt Nam cũng phải theo những cung đường “khù khoằm” nhưng giàu cảm xúc. Nhà sáng lập DiDi Travel Bùi Trí Nhã chọn cách làm du lịch như thế vừa để thỏa mãn đam mê cá nhân vừa giúp du khách có những góc nhìn tươi mới trước những vùng đất tưởng như đã quen.

Đại dịch COVID-19 khiến mọi thứ thay đổi, Bùi Trí Nhã giờ tập trung chủ yếu cho thị trường nội địa nhưng vẫn chung thành với “thị trường ngách” là những tour du lịch mạo hiểm, tour trải nghiệm mang tính cá nhân hóa. Mỗi chuyến đi cùng Nhã là một trải nghiệm nhiều sắc màu và cảm xúc khác biệt.

minh-anh-tit-mega-cuoi-nam-5-.jpg

- Xu hướng xê dịch ngày nay là du khách không chỉ nghỉ dưỡng, vui chơi đơn thuần mà quan tâm nhiều đến những giá trị cảm xúc mà hành trình mang lại, khám phá mới mẻ của điểm đến cũ và khai phá chính những giới hạn của bản thân với du lịch mạo hiểm. Và, tôi thấy xu hướng này chính là con đường mà anh luôn theo đuổi?

Ông Bùi Trí Nhã: Khi chất lượng cuộc sống tốt lên, tôi thấy rằng mọi người bắt đầu tìm đến những giá trị cảm xúc từ mỗi hành trình trải nghiệm mới với hình thức du lịch thể thao, mạo hiểm. Thời gian gần đây “bùng nổ” rất nhiều giải chạy được tổ chức trên khắp cả nước. Chạy không chỉ giúp cải thiện sức khỏe con người mà cũng là cách quảng bá cho du lịch địa phương.

hhen-nie-32-.jpg
Hoa hậu H'Hen Niê từng có chuyến khám phá hang động Sơn Đoòng. (Ảnh: Hải An/Vietnam+)

hhen-nie-7-.jpeg
Đây cũng là lần đầu H'Hen Niê thử thách bản thân với bộ môn đu dây trong lòng hang tối và trơn trượt, độ dốc thẳng đứng. (Ảnh: Hải An/Vietnam+)

hhen-nie-4-.jpg
Thành quả sau chặng đường đu dây. (Ảnh: Hải An/Vietnam+)

Ví dụ, nhắc đến Sapa giờ đây người ta sẽ nhớ đến Topas Ecolog là đơn vị chuyên tổ chức các giải chạy và cộng đồng ở vùng đó cũng được hưởng lợi từ việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ như homestay, các khu nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên…

Những năm qua, rất nhiều du khách khi đến Sapa đã không còn chọn khu vực trung tâm thị trấn nữa mà sẽ đến “Sapa Landscape” như cách du khách quốc tế gọi. Tức là họ sẽ đến vùng ven, tham quan quanh Sapa, hòa nhập sâu vào các bản làng với mong muốn tìm hiểu cuộc sống, văn hóa đặc sắc của người bản địa, để có nhiều trải nghiệm hơn.

Tôi cũng nhận ra một điều, ngày nay một bộ phận người có điều kiện họ không còn thích phô trương việc có nhiều tiền nữa mà họ tập trung vào các trải nghiệm. Có những nhóm du khách trẻ họ thích “khoe” với nhau rằng tôi chạy Sapa rồi, chạy Pù Luông rồi, chạy Đà Lạt rồi… để chứng tỏ rằng tôi khỏe, tôi đã đi nhiều nơi với rất nhiều trải nghiệm.

Với tôi, khai thác tour độc, lạ, giàu trải nghiệm, nhiều cảm xúc sẽ giúp du khách vượt qua chính mình và đôi khi để được sống chậm lại trong sự tĩnh lặng.

- Giới trẻ ngày nay cũng bắt đầu quan tâm nhiều tới du lịch mạo hiểm và những chuyến trải nghiệm “tất cả trong một.” Nhưng đây lại là loại hình tour đặc thù cần rất nhiều kỹ năng mà không phải ai cũng có…

Ông Bùi Trí Nhã: Vị trí địa lý ở Việt Nam khá là thú vị và đắc địa với nhiều khu vực tiếp giáp biển và lục địa. Địa chất của chúng ta rất thú vị với nhiều hang động độc đáo, như ở Quảng Bình vừa có núi vừa có rừng vừa có biển, có hang động, có suối, rất thích hợp cho du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng. Chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp tất cả các yếu tố đó để có một hành trình ấn tượng khó quên.

Tour du lịch mạo hiểm không phải là một chuyến phượt đơn thuần mà người đi du lịch mạo hiểm cần phải có rất nhiều kỹ năng như bơi, lặn, leo núi, chèo kayak, đi bộ đường trường, đu dây… bên cạnh đội ngũ dịch vụ đi kèm phải có chất lượng đồng bộ. Vì thế, những tour du lịch mạo hiểm ở Quảng Bình hay nhiều nơi khác nếu làm đúng tiêu chuẩn sẽ có giá khá đắt.

Đơn cử như tour 3 ngày 2 đêm ở Quảng Bình có giá trung bình 15 triệu đồng/người. Vì sao giá cao như vậy? Là bởi hành trình sẽ mang đến cho các bạn những trải nghiệm: Đu dây, leo núi, ngủ vách núi, ngủ trong hang, bơi và chèo SUP trong hang, khám phá những vùng địa chất đặc biệt…

nau-bo-anh-thu-cong-du-lich-sach-anh-4-.jpg

Đi kèm giá tiền như vậy mỗi du khách sẽ luôn có một “porter” đi kèm để đảm bảo an toàn, có đầu bếp, có người chăm sóc y tế theo đoàn; đặc biệt phí bảo hiểm của du khách bao giờ cũng ở mức cao nhất.

Với những đòi hỏi đó, du lịch mạo hiểm không dành cho số đông, mà dành cho nhóm khách có nhiều kỹ năng, mong muốn giàu có trải nghiệm và vượt qua giới hạn bản thân, cuối cùng là cũng phải có điều kiện tài chính.

- Ngoài Quảng Bình, với kinh nghiệm của người có hàng chục năm chuyên các tuyến mạo hiểm, anh thấy khu vực nào sẽ khiến du khách đến sẽ phải trầm trồ vì ngạc nhiên, thú vị?

Ông Bùi Trí Nhã: Phía Bắc Việt Nam rất đẹp. Trước đây, mọi người hay đi Tây Bắc nhưng giờ xu hướng tập trung vào khu vực Đông Bắc, với những điểm đến rất đẹp như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang…

Tôi đánh giá Cao Bằng, Lạng Sơn có phong cảnh đẹp hữu tình như tranh thủy mặc. Mọi người có thể chiêm ngưỡng những dãy núi và dòng sông xen kẽ nhau với độ cao vừa phải. Địa chất địa mạo ở khu vực này rất đặc biệt và cảnh sắc thì còn tuyệt vời hơn.

Trong những khu rừng hay thung lũng ở đây gần như không có bóng người và tôi chắc chắn khi bước đến đây mọi người sẽ phải “ồ” lên, bởi vì nó quá đẹp. Phong cảnh tựa như chốn thiên đàng, với hồ trên núi không quá rộng nhưng trong veo, màu xanh biếc như ngọc vì chảy ra từ khe núi đá vôi.

Ở Lạng Sơn, Cao Bằng đều có những điểm như vậy. Chắc chắn các bạn sẽ đặc biệt ấn tượng với thung lũng Lân Tỵ ở Hữu Lũng (Lạng Sơn); núi Mắt Thần, hồ Thang Hen ở Trà Lĩnh (Cao Bằng) và rất nhiều hố sụt xung quanh đó...

Du lịch ở những nơi này còn rất hoang sơ và rất phù hợp với du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao. Bên cạnh đó, có những kỳ quan độc đáo như Thác Bản Giốc, Hồ Ba Bể vốn đã có nhiều điểm đẹp từ xưa.

Tôi đánh giá Cao Bằng và Lạng Sơn là “vương quốc hang động” ở miền Bắc còn chưa được khám phá hết và trong những năm tới sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Nhưng tôi hy vọng các điểm đến đó sẽ được khai thác bền vững. Bởi du lịch mạo hiểm là loại hình cần gắn bó chặt chẽ với cộng đồng địa phương và phải giữ được vẻ đẹp hoang sơ.

z5136674569077_ef8457d07151154668715f3580b2ce10.jpg

Ngoài chinh phục những điểm đến mạo hiểm của vùng đất mới Tây Nguyên, hãy khám phá văn hóa bản địa hoàn toàn khác biệt, và dành thời gian để sống chậm lại giữa đại ngàn.

- Những năm gần đây du lịch ở khu vực Tây Nguyên cũng bắt đầu được quan tâm với nhiều điểm đến mới có nhiều trải nghiệm thú vị. Ông có ấn tượng như thế nào về vùng đất này?

Ông Bùi Trí Nhã: Du lịch Tây Nguyên đang nổi lên với hình thức Famstay. Nghĩa là khách đến đây sẽ có những trải nghiệm như làm càphê, làm trà, tìm hiểu về những fam trồng hạt điều, macca, tiêu… cùng với người bản địa. Đó thường là những khóa học, workshop giúp du khách tìm hiểu về các sản vật đặc thù của địa phương.

Đặc biệt, ở khu vực này có rất nhiều thác, suối đẹp cùng những dòng sông huyền thoại như Đắkrông. Tôi đánh giá ở Lâm Đồng có thác Phi Liêng đang được khai thác tương đối chỉn chu với hoạt động đu dây, câu cá trên suối…, hay sau một đêm ngủ lều trên đồi thông bạn sẽ thức dậy cùng buổi sáng tinh mơ mờ sương cùng ly càphê tự rang xay rồi thả tâm trí lãng đãng theo những đám mây bồng bềnh, không khí trong lành…

Tôi có ấn tượng đặc biệt với đồng bào dân tộc bản địa ÊĐê, Ba Na ở Tây Nguyên. Khoảng trước những năm 80 của thế kỷ trước, người Tày, Nùng, Mông từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai di cư vào Tây Nguyên làm kinh tế mới nay đã trở thành những làng bản người Tày, Nùng, Mông kết hợp với người ÊĐê, Ba Na ở Tây Nguyên tạo ra một phong cách sống rất thú vị nhờ sự giao thoa văn hóa vô cùng độc đáo.

Ngoài chinh phục những điểm đến mạo hiểm của vùng đất mới Tây Nguyên, hãy khám phá văn hóa bản địa hoàn toàn khác biệt, và dành thời gian để sống chậm lại giữa đại ngàn.

nau-bo-anh-thu-cong-du-lich-sach-anh-5-.jpg

- Gần 20 năm gắn bó với khách quốc tế, anh thấy nhu cầu của họ thay đổi như thế nào khi tới trải nghiệm điểm đến Việt Nam? Và anh có đánh giá thế nào về các dòng khách tới Việt Nam?

Ông Bùi Trí Nhã: Do phong cách sống, những người châu Âu, đặc biệt thị trường khách Âu Mỹ thường sống chậm hơn nên khi đến Việt Nam là một đất nước rất xa lạ với nền văn hóa của họ, nên có xu hướng muốn trải nghiệm và hưởng thụ chậm nhất có thể.

Tôi thấy khách Tây họ rất thích tìm hiểu cách nấu rượu của người Việt Nam như thế nào, khác biệt gì với cách nấu Wishky hay rượu vang của họ không. Họ cũng không thể ngờ là Việt Nam lại có thể trồng lúa hoàn toàn thủ công và rất ngạc nhiên khi người nông dân Việt Nam chỉ dùng tay từ các khâu gieo mạ, cấy lúa thẳng hàng và gặt lúa.

Họ cũng ngạc nhiên khi biết chính những người phụ nữ dân tộc vùng cao lại là lực lượng sản xuất chính để tạo ra nguồn sống cho cả gia đình… Qua đó, khách Tây từng hỏi tôi rằng ở Việt Nam sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà ra sao?

Trong những chuyến đi vào rừng thì họ rất muốn tìm hiểu cách hái trà, làm trà của người Việt như thế nào? Họ hỏi rất nhiều, vì những khu rừng ôn đới ở châu Âu rất ít chủng loại cây, không như vùng nhiệt đới chúng ta.

Khi vào rừng Việt Nam họ rất thích thú vì ở đây cực kỳ đa dạng sinh học. Khách Tây đặc biệt quan tâm tới những kiến thức tổng hợp, về khoa học tự nhiên, địa lý, địa chất, lịch sử và họ hỏi rất kỹ.

Với khách châu Á, có thể vì đồng điệu hơn về văn hóa nên họ sẽ đi du lịch khá nhanh, còn người Việt thì du lịch theo điểm nhiều hơn. Khó tính nhất từ châu Âu có thể nói là khách Đức, Pháp. Hai quốc gia này có lượng khách đến Việt Nam nhiều nhưng cũng rất khó tính. Khách đến từ Mỹ, Canada, Australia thì rất cởi mở, vui tính.

- Sau mỗi hành trình đó, khi tiễn khách nước ngoài về nước, điều mà anh gieo vào tâm trí họ sâu sắc nhất thường là gì?

Ông Bùi Trí Nhã: Một, đó là sự thử thách, mạo hiểm trong những hành trình mà tôi đưa họ khám phá, trải nghiệm điểm đến Việt Nam.

Hai, đó là không gian văn hóa bản địa độc đáo. Tôi tin rằng hiếm nơi nào trên thế giới có truyền thống văn hóa gia đình sâu sắc như người Việt Nam. Các cá nhân trong một gia đình dù trưởng thành hay đi bất cứ đâu vẫn luôn gắn bó mật thiết và giữ được sợi dây tình cảm linh thiêng với cái “gốc” gia đình, quê hương, bản quán. Và điều đó khiến du khách nước ngoài tôn trọng người Việt, họ trở lại Việt Nam cũng một phần vì thế.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh./.

z5136310452012_67ee789c051bc5e16d7398569d3a49af.jpg
Thư thái thưởng thức tách càphê tự pha giữa không gian hoàn toàn tĩnh lặng và đẹp như một bức tranh thủy mặc sau hành trình chinh phục những thử thách mạo hiểm. (Ảnh: Trí Nhã/Vietnam+)
tac-gia-1-.jpg