Tục xin chữ đầu năm

Văn hoá soi đường - Ngày đăng : 15:51, 05/02/2024

Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thú vui tao nhã là xin chữ ngày Xuân, chứa đựng những ước vọng về một năm mới thuận hòa, may mắn và bình an.
Văn hoá soi đường

Tục xin chữ đầu năm

{Tên tác giả} 05/02/2024 15:51

Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thú vui tao nhã là xin chữ ngày Xuân, chứa đựng những ước vọng về một năm mới thuận hòa, may mắn và bình an.

48.png
template-ha-32-.png

Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thú vui tao nhã là xin chữ ngày Xuân, chứa đựng những ước vọng về một năm mới thuận hòa, may mắn và bình an đến với mỗi người và mỗi gia đình. Đây là việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, bắt nguồn từ sự hiếu học, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người Việt.

uoc-vong-ngay-xuan.png

Thời xưa ở Việt Nam, vào mỗi dịp Xuân về, người dân thường đến nhà những Thầy Đồ, những người hay chữ để xin chữ về treo như một bức tranh, vừa là vật trang trí nhưng cũng vừa là món ăn tinh thần. Thầy đồ hay người cho chữ sẽ viết một chữ hoặc nhiều chữ trên một tờ giấy lớn, với nội dung mang tính cách chúc tụng hay giáo dục, nét chữ thường được khen là đẹp như rồng bay phượng múa. Lối viết như vậy được gọi là Thư pháp.

Xưa, người cho chữ phải là người dày công học hành, có thể chính là những ông đồ dạy học hoặc những người đỗ đạt, “có danh gì với núi sông”. Chữ được viết theo kiểu thư pháp, thường là chữ Nho và có thể viết theo nhiều cách trên nền giấy đỏ. Người cho chữ tùy tâm trạng, tùy hoa tay mà tạo ra những hình thái con chữ lạ mắt, độc đáo.

Mỗi chữ hiện ra dưới tay các thầy đồ không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp, mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Chữ có thể tùy theo nguyện vọng của người xin chữ, hoặc tùy theo nhận định của người cho chữ đối với người xin.

28.jpg
Những nét chữ đều tăm tắp của các ông đồ. (Ảnh: Hà My/TTXVN phát)

Chữ thường được viết trên nền giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm của người phương Đông còn duy trì tới ngày nay, màu đỏ là màu của sự sống và sự tái sinh, là biểu tượng của sự may mắn, nên trong ngày Tết mọi thứ đều có màu đỏ: hoa đào, câu đối, phong bao mừng tuổi... đều có màu đỏ.

Người xin chữ thường ở mọi lứa tuổi, tầng lớp, ngành nghề. Mỗi chữ được cho ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang nỗi niềm, tâm tư, mong ước hay một ý niệm nhất định. Nhưng thường là xin các chữ: Phúc, Lộc, Thọ, An Khang, Cát Tường, Như Ý... để cầu mong sự bình yên cho gia đình, con cháu. Người buôn bán thì xin chữ Phát, Lộc, Tài, Vượng… với mong muốn công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió.

Những người trẻ phấn đấu thường xin chữ: Chí, Thành, Đạt, Đắc, Nhẫn… để mong muốn luôn bền gan, vững chí vượt qua khó khăn, đạt được những mục tiêu đã đề ra trong cuộc sống; các cháu nhỏ thường được bố mẹ xin cho các chữ: Học, Hiếu, Lễ, Nghĩa, Tiến… với mong muốn con mình lớn lên là những người con hiếu thảo của gia đình, thành công dân có ích cho xã hội…

Dân tộc Việt Nam vốn hiếu học, xin cái chữ của thầy, dẫu không được đến trường nhưng chữ nghĩa của thầy treo lên tường nơi trang trọng, trong những giờ phút thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, để rồi ngấm sâu vào trong mỗi suy nghĩ, việc làm của mỗi người, đó là cách học suốt đời.

Không phải người ta lúc khá giả mới học, cả năm vật lộn nắng mưa, đói kém, nhưng Tết đến cũng dành vài đồng để xin đôi ba chữ. Người cho chữ cũng không phải vì tiền mà vì muốn cho cuộc đời này nhiều người sống đẹp, có ý nghĩa và giàu lòng nhân ái hơn, dẫu có nhận vài đồng cũng là tiền giấy mực…

Không phải ai biết chữ cũng có thể cho chữ được. Người cho chữ phải hiểu chữ và hiểu cả người xin chữ nữa. Gương mặt nết người. Nét chữ nết người. Người xin chữ thì cái sự xin kia là công việc của tâm linh. Lòng có thành đức mới sáng: Chữ nghĩa thầy cho là để gánh vác, để bươn chải mà vươn lên cho thành đạt chứ không phải trò xổ số cầu may.

thu-phap-moi-mien-2.png

Có được như vậy người cho chữ mới đáng mặt chữ và người xin chữ mới xứng hồn chữ, bằng không cũng chỉ như nước chảy bèo trôi, chữ nghĩa trả thầy... Có được như vậy thì việc xin chữ và cho chữ mới thật sự ý nghĩa. Và những người của muôn năm cũ sẽ lại về cùng con cháu mỗi mùa hoa mai, hoa đào nở mang lộc chữ đến cho muôn nhà.

su-tro-lai.png

Cũng như nhiều nét văn hóa xa xưa bị mai một theo thời gian, những ông đồ cùng câu đối đỏ ngày Tết đã có lúc bị rơi vào quên lãng hàng chục năm.

Nhưng đến những năm đầu thế kỷ 21, một lần nữa phong tục này đã sống lại một cách diệu kỳ.

Từ xuân 2007, phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh Niên Thành phố Hồ Chí Minh chính thức xuất hiện ngay mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch với tên gọi “Ông đồ xuống phố.”

Xuân 2008, phố ông đồ thứ 2 xuất hiện tại Cung văn hóa Lao Động Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là 2 Phố ông đồ thu hút nhiều nhà thư pháp tham gia nhất, đến nay riêng 2 phố này có khoảng 100 ông đồ.

Tại Hà Nội, tục viết chữ đầu năm bắt đầu từ một vài người tự phát ngồi viết chữ và bán câu đối ở dốc phố Bà Triệu (Hà Nội). Sau đó, đoạn phố này đông dần, rồi chuyển về những khu vực vỉa hè quanh Văn Miếu.

Kể từ Tết Nguyên đán 2014, khu vực viết chữ thư pháp được chuyển hẳn về khu vực Hồ Văn trước cửa Văn Miếu, trở thành phố ông đồ tấp nập, cùng nhiều hoạt động văn hóa, dân gian khác, trở thành một trong những điểm đến yêu thích của người dân Hà Nội.

Rồi dần trở thành thông lệ, từ ngày 20 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng, Hội chữ Xuân thường được tổ chức ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Bên vẻ trầm mặc, thiêng liêng của trường Giám xưa, “hồn dân tộc lại sáng bừng trên giấy điệp” qua những nét thư pháp tài hoa của các ông đồ mới. Và những ngày Hội chữ đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam, tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học của dân tộc.

20.jpg
24.jpg
26.jpg
vna_potal_quang_binh_tiep_nhan_sach_thu_phap_lon_nhat_the_gioi_-dai_tuong_cua_nhan_dan_vo_nguyen_giap_-_nhung_nam_thang_cuoc_doi-_3934282.jpeg
vna_potal_thanh_hoa_ve_thu_phap_len_hoa_qua_ngay_tet_-_truyen_tai_loi_chuc_hay_y_nghia_den_gia_chu_170109575_4389975.jpg

"Ông đồ Tây"

"Ông đồ" người Pháp Jean-Sébastien Grill khiến nhiều người dân Hà Nội và du khách thích thú, bất ngờ khi mặc áo the, khăn xếp, nói tiếng Việt thành thạo và viết thư pháp điêu luyện tại Hội chợ xuân Quý Mão 2023 ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

(Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN)

"Bà đồ"

Ở Hội chữ Xuân Quý Mão 2023, ngoài các ông đồ quen, còn xuất hiện các "bà đồ" với đường nét chữ uốn lượn.

(Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN)

Thư pháp dài 100m

Các Ông Đồ thể hiện thư pháp trên băng giấy dài gần trăm mét trước sự chứng kiến và thán phục của đông đảo du khách trong, ngoài nước.

(Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Sách thư pháp lớn nhất thế giới

Ngày 20/6, tại thành phố Đồng Hới, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật tác phẩm sách thư pháp bằng tiếng Việt “Đại tướng của Nhân dân Võ Nguyên Giáp - Những cuộc đời” và bốn bức tranh về Đại tướng do kỷ lục gia, nghệ nhân thư pháp Võ Dương thực hiện và trao tặng.

Quyển sách có kích thước “khủng” 2,04x1,36mx0,48m, với tổng trọng lượng ước tính hơn 500kg. Bìa sách được làm bằng gỗ gõ đỏ kích thước 2.04x1.36m, chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên bìa sách được làm bằng gỗ gõ đỏ, kích thước 0,5x0,7m và được dát vàng 24k.

Những tác phẩm thư pháp chữ Việt trong cuốn sách được tác giả Võ Dương thực hiện thủ công bằng mực tàu và acrylic trên 250 trang và được ép keo Nhật 5 lớp.

(Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Vẽ thư pháp lên hoa quả ngày Tết

Với năng khiếu sẵn có cùng đam mê nghệ thuật, đặc biệt là thư pháp, anh Lê Đức Hùng (sinh năm 1988, ở thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) đã nhận vẽ, trang trí chữ thư pháp lên hoa quả ngày Tết.

Qua đôi tay khéo léo của anh Hùng, những quả dừa, quả bưởi, dưa hấu hay lon bia, nước giải khát, những vật để thờ cúng dịp Tết bỗng trở nên nhiều sắc màu, trang trọng và mang nhiều thông điệp ý nghĩa cho gia chủ.

(Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

“Phố Ông Đồ” là nơi các nhà thư pháp giao lưu trực tiếp với đông đảo quần chúng, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô cũng như khách du lịch, làm sống lại nét đẹp vốn có từ ngàn đời tại thủ đô ngàn năm văn hiến, thể hiện sâu sắc tư tưởng trọng trí thức của người dân Việt Nam, đồng thời cũng là bản sắc của người dân Thủ đô...

Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, phong tục thư pháp cũng lan rộng ở rất nhiều địa phương, thu hút từ người lớn cho đến trẻ em nhằm lan tỏa những mong ước đẹp đẽ khi Xuân về.

Vậy là hơn ¼ thế kỷ qua, sự trở lại một cách mãnh liệt của tục xin chữ cho chữ như làm dấy lên một trào lưu mới của học hành-thi cử, ai cũng mong muốn có được nhiều con chữ hơn để lập nghiệp khi vào đời.

Nghệ thuật thư pháp ngày nay không còn chỉ đóng khung trong “mực tàu, giấy đỏ” mà đã mở ra những gỗ, đá, trúc, tre, lụa, gấm. Rồi không phải cứ “áo the, khăn xếp”, áo nâu, râu tóc bạc phơ mới là người cho chữ. Quá nửa phố “ông đồ” ngày nay là các sinh viên khoa Hán – Nôm hay các trường nghệ thuật.

Người xin chữ ngày nay cũng đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, mọi ngành nghề. Người trung niên xin chữ “Tâm”, chữ “Đức”; nam thanh, nữ tú xin chữ “Yêu”, chữ “Hiếu”, chữ “Trung”; người có lòng trắc ẩn, hiếu lễ xin chữ “Cha”, chữ “Mẹ”… Người đi thi cho chữ “Đăng khoa”. Người ít tuổi cho chữ “Trí tuệ, Chí hướng”. Những em nhỏ sẽ cho chữ “Minh”. Mừng bố mẹ sẽ chữ “An khang”, chữ “Hiếu”. Mừng các cụ không thể thiếu chữ “Thọ”.

Cũng như vậy, trong buôn bán, kinh doanh sẽ là chữ “Bảo tín hưng long, Phát đạt doanh môn”... Mỗi chữ ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang nỗi niềm tâm tư thầm kín, một trạng thái tinh thần, hoặc một ý niệm tự răn mình.

Việc xin chữ đầu năm ngày một trở nên thịnh hành, nó đang trở thành phong tục đẹp của người Việt Nam mỗi độ xuân về Tết đến. Việc mang ý nghĩa này có ở nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước. Từ Bắc chí Nam, từ xuôi lên ngược, chẳng phân biệt giàu nghèo, sang hèn... ta thường bắt gặp những gương mặt giống nhau ở sự thành tâm của người xin chữ trước người cho chữ. Ngày xưa là chữ Nho, ngày nay vẫn là chữ Nho, lại có thêm cả chữ Quốc ngữ, với lợi thế thông dụng, dễ đọc, dễ hiểu.

Các thầy đồ Hán học và Quốc ngữ học tha hồ thả hồn theo nét bút mà tặng lại cho người xin cái tâm, cái tài của mình được gửi qua nét chữ và nội dung của chữ theo ước nguyện của người xin chữ./.

vna_potal_ha_noi_pho_ong_do_khai_but_ben_ho_van__138353.jpg
Phong tục xin và cho chữ đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Nội, Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 tại Hồ Văn (Văn Miếu-Quốc Tử Giám) luôn là điểm đến không thể thiếu của người dân thủ đô mỗi dịp Tết đến Xuân về. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)