“Ông trùm” của các nam vương và hành trình “áo gấm đi đêm” cùng phái mạnh

Mega Story - Ngày đăng : 16:24, 05/02/2024

Phúc Nguyễn được ví như “ông trùm” của các cuộc thi dành cho phái mạnh, người đã đưa nhiều lứa “6 múi” đi chinh chiến khắp các cuộc thi quốc tế và gặt hái nhiều thành công.
Mega Story

“Ông trùm” của các nam vương và hành trình “áo gấm đi đêm” cùng phái mạnh

Mai Mai 05/02/2024 16:24
ong-trum-7-.jpg

Chọn lối đi vừa hẹp vừa lắm chông gai là “sân chơi nhan sắc nam,” nhiều năm qua chuyên gia đào tạo Phúc Nguyễn – “ông trùm” của các cuộc thi dành cho phái mạnh đã đưa nhiều lứa “6 múi” đi chinh chiến khắp các cuộc thi quốc tế.

Không “khua chiêng gõ mõ” quá rình rang như những cuộc thi của phái đẹp có đại diện Việt Nam tham gia, “gà chiến” của Phúc cứ “áo gấm đi đêm” mà thi đâu thắng đó, như: Mister Global 2021 Danh Chiếu Linh, Mister International 2018 Trịnh Bảo, Manhunt International 2017 Trương Ngọc Tình.

Đồng cảm với những “thiệt thòi” của nam giới trên các sân khấu lớn, Phúc bảo dẫu biết đầu tư vào các cuộc thi cho nam là cầm chắc “lỗ” hay may mắn lắm thì “không bị lỗ” nhưng vẫn làm vì trót đam mê…

_mg_0795.jpg
Dàn nam vương bước ra từ các cuộc thi nhan sắc dành cho nam cùng hội ngộ.

Nhân dịp Xuân mới, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện cùng chuyên gia đào tạo Phúc Nguyễn, nhà sáng lập Công ty Leading Media, đơn vị nắm giữ bản quyền cuộc thi Mister International (một trong những cuộc thi nam vương lớn nhất thế giới) đồng thời là nhà sáng lập cuộc thi Mister Vietnam.

Khi phái mạnh trở thành phái... yếu

- Hiện nay, trên sân chơi nhan sắc, phái mạnh lại trở thành phái yếu khi độ lan tỏa chưa mạnh mẽ. Có phải vì đồng cảm sâu sắc cùng giới nên anh đã chọn con đường “nâng đỡ” họ bằng cách tổ chức riêng một cuộc thi cho nam?

Phúc Nguyễn: Đúng rồi, thậm chí trong văn hóa sống thường ngày bây giờ phái mạnh cũng đang có xu hướng dần trở thành phái yếu. Bởi trong mắt nam giới, phụ nữ là “đối tượng” cần được chiều chuộng, yêu thương và vì thế đàn ông thường trong tâm thế nhượng bộ phái đẹp.

Khi bước chân vào “cuộc chiến nhan sắc,” rõ ràng phái mạnh càng trở thành phái yếu. Nhiều thập kỷ qua, gần như không có cuộc thi nhan sắc riêng biệt nào dành cho nam giới. Các bạn nam mỗi lần đi diễn đều mang tâm thế của người diễn phụ, diễn lót, diễn để minh họa cho bạn nữ.

Phúc Nguyễn bắt đầu vào nghề bằng sự cân bằng. Có nghĩa khi mình tìm được một học trò, một ngôi sao là nữ thì Phúc Nguyễn sẽ cố gắng để tìm ra được một học trò, một ngôi sao là nam. Khi càng gắn bó với môi trường công việc này, Phúc thấy các bạn nữ có quá nhiều sân chơi, quá nhiều cơ hội và sự lựa chọn, nhưng đi kèm với đó là cạnh tranh khốc liệt.

manhunt-international-vietnam-tran-manh-kien..jpg
Trần Mạnh Kiên giành ngôi vị Á vương Manhunt International 2022.
dsc01145.jpg

Trong khi đó, thị trường của nam là thị trường rộng mở, không có cạnh tranh và đang bị bỏ ngỏ. Phúc chọn tiêu chí và slogan của công ty là “Leader Traner,” có nghĩa luôn dẫn đầu xu hướng. Vì thực sự nếu làm việc này chỉ vì kinh tế thì Phúc Nguyễn sẽ không đủ động lực, không cảm thấy hạnh phúc. Phúc thấy mình cần phải đi trước, tạo ra xu hướng.

Là người gắn bó với các bạn mẫu nam xuyên suốt gần 2 thập kỷ, Phúc thấy các bạn nam quá thiệt thòi. Trong các show diễn thời trang chủ yếu vẫn là mẫu nữ, còn lác đác mới thấy vài gương mặt nam. Lấy ví dụ, thị trường định giá cát-sê nữ là 10 triệu đồng/show diễn thì mẫu nam chỉ 2 triệu đồng. Như vậy, mẫu nam không có đất diễn cũng như chẳng còn đất sống. Về lâu dài, các bạn trẻ sẽ mất đi hứng thú với nghề.

Hiện giờ các cuộc thi dành cho nữ gần như bão hòa và Phúc tin đây chính là cơ hội cho thị trường nhan sắc nam dần lên ngôi. Chính vì lẽ đó, cuộc thi Mister Vietnam ra đời với mong muốn giúp các bạn nam thực sự được là “phái mạnh” trên sân chơi nhan sắc.

- Không chỉ tổ chức cuộc thi dành cho nam mà còn hỗ trợ thí sinh cả chi chí đi lại, khách sạn cùng toàn bộ chi phí luyện hình thể… như anh liệu có bị lỗ không?

Phúc Nguyễn: Chúng tôi tiếp xúc với ngành thời trang, công nghiệp sắc đẹp từ thuở ban đầu, đã tạo ra nhiều tên tuổi như Phạm Hương, Trương Thị May, Hoàng My, Thanh Ngân… Vì thế, hơn ai hết chúng tôi nhìn ra bài toán kinh tế khi tổ chức cuộc thi dành cho nữ sẽ thành công hơn nhiều cuộc thi dành cho nam.

Nhưng mỗi ban tổ chức có tiêu chí, mục tiêu riêng và sẽ phải cân bằng bài toán kinh tế của mình. Ngành nghề đầu tiên gắn bó với Phúc là nghệ thuật, showbiz, nên bản thân luôn muốn khai phá những nhân tố đặc biệt, tìm ra “chiến binh” đến với đấu trường quốc tế bằng cách tổ chức cuộc thi.

Bài toán kinh tế trong các cuộc thi nam thực sự hóc búa vì đây là thị trường hầu như không có đất diễn. Những công ty tổ chức sự kiện, chương trình dành cho nam chỉ coi phái mạnh là thành phần phụ. Vì bài toán kinh tế của Mister Vietnam đều là từ lỗ cho đến… không có lời, nên thực sự Phúc chưa bao giờ đặt ra bài toán kinh tế cho cuộc thi này.

Mọi người thắc mắc sao vẫn tổ chức được nếu lỗ? Phúc xin thưa, công ty của Phúc hoạt động đa lĩnh vực và may mắn có nguồn thu từ những lĩnh vực khác như nghỉ dưỡng, bất động sản, nha khoa... Với Phúc Nguyễn và những người dẫn đầu công ty, sắc đẹp là đam mê. Chúng tôi tìm kiếm một con người, đào tạo người đó thành đại diện được thế giới đón nhận, đó là niềm tự hào của chúng tôi.

“Chịu đấm ăn xôi” để gặt hái bất ngờ

- Có hậu thuẫn mạnh như vậy liệu anh có ấp ủ sẽ dành riêng một sân chơi thời trang, những show diễn lớn thậm chí là tuần thời trang chỉ dành cho nam?

Phúc Nguyễn: Từ khi bắt đầu tổ chức cuộc thi Mister Vietnam 2019, tôi đã ấp ủ việc làm nên một điều gì đó, tạo thị trường hay một sân chơi lớn có thể thay đổi góc nhìn của những người làm trong ngành nghệ thuật cũng như những người kinh doanh mà cần sử dụng hình ảnh đại diện là nam giới.

_mg_3195.jpg
Manhunt International 2017 Trương Ngọc Tình.
_mg_3169.jpg

Sau khi tổ chức một sân chơi dành cho phái mạnh, mong muốn này của tôi càng thêm mạnh mẽ. Nhưng để có thể thay đổi được “cục diện” thì không chỉ một hay hai kỳ tổ chức, mà cần phải cho giới trẻ thấy rằng có một Mister Vietnam văn minh, các bậc phụ huynh thấy rằng nên để cho con có trải nghiệm ở cuộc thi đó.

Chỉ khi thay đổi được tư duy như vậy mới có thể đi tới sân chơi lớn hơn, giúp phái mạnh tỏa sáng và được ghi nhận như một “nam chính” chứ không chỉ xuất hiện mờ nhạt bên các mẫu nữ trên sàn diễn.

Quan trọng nhất vẫn là kinh tế, phải để cho các mẫu nam có thu nhập từ công việc và nghề nghiệp mình lựa chọn. Việc tiếp theo mới hướng tới những show diễn riêng cho họ, thậm chí những tuần lễ thời trang dành riêng cho nam.

Với Mister Vietnam mùa 2, các bạn sẽ thấy tiêu chí cũng đã thay đổi, đầu tiên là Runway Star, là tìm kiếm những nhân tố làm chủ được sân khấu và có thể tỏa sáng trên sân khấu, thể hiện được hết ý tưởng bộ sưu tập. Bản thân tiêu chí này đã tiệm cận với những show diễn dành riêng cho những ngôi sao trìn diễn thời trang nam.

Vào cuộc thi này, thí sinh được hỗ trợ các chi phí, để có những trải nghiệm cho hành trình: học ngoại ngữ, catwalk, ngôn ngữ hình thể, giao tiếp… nhằm giúp các bạn không chỉ xây dựng hình ảnh làm người mẫu, mà còn để có kiến thức chung trong ngành nghề, lan tỏa giá trị cộng đồng…

1j5a4150.jpg

Không phải Phúc “chịu đấm ăn xôi” mà mong muốn là người dẫn đầu, tiên phong để gặt hái những điều bất ngờ, thay vì đi theo lối mòn một cách rập khuôn.

Phúc Nguyễn

Không phải Phúc “chịu đấm ăn xôi” mà mong muốn là người dẫn đầu, tiên phong để gặt hái những điều bất ngờ, thay vì đi theo lối mòn một cách rập khuôn. Chúng tôi hy vọng sau một vài mùa thi mọi người sẽ thấy được chỗ đứng của những người mẫu nam, nhìn nhận đường đi của chúng tôi là đúng.

Đặc biệt, Bán kết của cuộc thi năm nay chính là buổi trình diễn thời trang chuyên nghiệp, có cả những thử thách sàn diễn để thí sinh thể hiện bản lĩnh làm chủ sân khấu, thể hiện tố chất của một ngôi sao sàn diễn, chứ không đơn thuần là thi, phỏng vấn, hay tập trung vào yếu tố hình thể. Ban giám khảo sẽ ngồi đó để xem các thí sinh của mình tỏa sáng trên sân khấu như thế nào.

- Tiêu chí tuyển sinh cuộc thi cũng khá lạ lùng, không giống với các cuộc thi nhan sắc thông thường, như: Tuyển chọn thí sinh chỉ cần có chiều cao đạt chuẩn, còn lại thí sinh có hình thể mập hay gầy, có kỹ năng trình diễn hay chưa… đều được chấp nhận. Vì sao vậy?

Phúc Nguyễn: Người ngoài nghề có thể thấy những tiêu chí đó lạ lùng, nhưng những người trong nghề chúng tôi khi đặt ra tiêu chí thì sẽ có lời giải bằng thời gian, chuyên môn của huấn luyện viên dành để đào tạo thí sinh.

Ngoại hình chính xác là chiều cao đủ tiêu chuẩn nữ 1m65, nam 1m75 theo quy định và dựa theo thị trường người mẫu nam trên thế giới. Tôi rất ngưỡng mộ bạn Mister International 2023 người Thái Lan là diễn viên cao 1m76. Tôi đã mời bạn về Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng mời bạn về làm việc, bởi dù chiều cao bạn có thể khiêm tốn nhưng tài năng, khả năng của bạn lại vượt trội.

Tìm một Mister Vietnam như chúng tôi nói là điểm chung bình cộng 5 tiêu chí. Nếu nhìn nhận sự thay đổi của thị trường Việt Nam và thế giới các bạn sẽ thấy chiều cao không phải yếu tố duy nhất trong cuộc thi sắc đẹp. Thay vào đó là thần thái, cách bạn tỏa sáng, thể hiện tinh thần của bộ sưu tập thời trang…

Ban tổ chức sẽ giúp thí sinh giải quyết vấn đề hình thể. Chỉ cần các bạn cố gắng, cùng sự hỗ trợ của chuyên gia, chỉ 6 tháng sau bạn sẽ đẹp. Thời điểm đến với cuộc thi có thể bạn chưa đẹp nhưng sau 6 tháng chúng tôi cam kết đủ tiềm lực, tài lực giúp bạn đẹp hơn. Đó sẽ là một hành trình thay đổi bất ngờ cho các thí sinh từ ngày đầu cho tới đêm Chung kết.

Nam vương hay Hoa hậu cũng chỉ là bạn trẻ giữ sứ mệnh của ban tổ chức

- Bên cạnh ngoại hình, quá trình “lột xác” về phát ngôn hay ứng xử của những người chiến thắng cũng là vấn đề từng khiến ban tổ chức nhiều cuộc thi phải đau đầu…

Phúc Nguyễn: Phát ngôn của thí sinh sau mỗi cuộc thi là điều hầu hết ban tổ đều “sợ.” Chúng tôi “sợ” các bạn sau khi đăng quang có những phát ngôn không đúng đắn, thiếu chừng mực. Mỗi ban tổ chức sẽ có cách khác nhau để hạn chế điều đó.

Chúng tôi có chuyên gia tâm lý, kỹ năng giao tiếp Lý Thị Mai sẽ đồng hành với các thí sinh. Cô là chuyên gia có đủ chuyên môn để hướng dẫn, giúp các bạn khai thông tầm nhìn cũng như có cách tìm hiểu thí sinh để lên kế hoạch loại trừ bớt rủi ro hay sự cố không đáng có. Ban tổ chức muốn giúp các em thay đổi, nhưng tất nhiên không thể thay đổi trình độ, văn hóa ứng xử của một người chỉ trong vài tháng tham gia thi.

Tôi nghĩ rằng một nam vương hay hoa hậu thì cũng chỉ là một bạn trẻ giữ vai trò sứ mệnh do ban tổ chức đặt ra. Với độ tuổi trung bình 20-22 tuổi, chúng ta chưa thể đòi hỏi quá nhiều ở trình độ của các bạn mà nên có cái nhìn tích cực, cảm thông, nhẹ nhàng góp ý để các bạn có cơ hội thay đổi, tiến bộ hơn.

Ban tổ chức của cuộc thi chỉ gặp thí sinh trong một tháng, không thể lúc nào cũng ở bên. Nhưng thời gian có thể giúp các bạn hoàn thiện kỹ năng, trình độ cần thời gian dài hơn để học hỏi và tích lũy, đó cũng là lý do Mister Vietnam cần nhiều thời gian tổ chức hơn các cuộc thi khác.

- Kế hoạch thiện nguyện được ban tổ chức xây dựng như thế nào để giúp Quán quân tiếp tục tỏa sáng sau cuộc thi cũng như tạo sức ảnh hưởng như các cuộc thi Hoa hậu khác, thưa anh?

Phúc Nguyễn: Ở mùa 1 Mister Vietnam, chúng tôi đã thực hiện và cảm thấy tự hào khi hướng các bạn trẻ lan tỏa được giá trị nhân văn qua những hoạt động cộng đồng, chung tay đẩy lùi dịch COVID-19. Thời điểm đó, ban tổ chức cũng bất ngờ với các thí sinh, bởi họ không chỉ đóng góp vật chất mà tinh thần luôn sẵn sàng đối diện với dịch bệnh, thậm chí với cả cái chết.

Tiêu chí của cuộc thi Mister Vietnam mùa 2 có nhiều thay đổi, biên độ tuổi thí sinh được mở rộng từ 18-32 tuổi với tiêu chí tiệm cận hơn với ngành công nghiệp thời trang quốc tế, tìm kiếm các gương mặt thuộc những lĩnh vực: Runway Star (Ngôi sao sàn diễn); Commercial Face (Gương mặt quảng cáo); Slim Fit Body (Hình thể cân đối); Multi –Talented (Đa Năng); Content Creator (Sáng tạo nội dung).

Tiêu chí này mở ra cơ hội đa ngành nghề hơn là chỉ tập trung đến đối tượng mẫu có hình thể đẹp so với mùa 1.

Chúng tôi cũng tổ chức nhiều chương trình khác như: xây dựng nhà tình thương; chương trình hỗ trợ những cô giáo tới lớp mà không có lương; chương trình chia sẻ yêu thương nơi biên cương của tổ quốc; chương trình Đông ấm cho em; chương trình Gắn kết yêu thương; đóng góp 40 chiếc xe lăn cho đám cưới tập thể của 40 cặp đôi khuyết tật…

310654255_5040338499400552_2865306541415807371_n.jpg
Trần Mạnh Kiên đã xuất sắc giành ngôi vị Á vương 3 trong đêm chung kết Manhunt International 2022.

Khi khởi động mùa 2 cuộc thi, chúng tôi đã đặt câu hỏi phải làm gì để lan tỏa hơn nữa những giá trị nhân văn trong cộng đồng. Và kế hoạch xuyên suốt của mùa 2 sẽ là gắn liền phát triển ngành nghề truyền thống với thoát nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Chúng tôi sẽ kết hợp với chính quyền địa phương ở Bảo Lộc, Lâm Đồng thuê đất, cấp giống, xây dựng nhà để cho người dân nuôi tằm - chính là ngành nghề chủ yếu ở đây. Các thí sinh cũng sẽ góp sức lao động, lập kế hoạch giúp người sản xuất, phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững. Ban tổ chức hỗ trợ đưa các chuyên gia, các thí sinh đến để xây dựng kế hoạch trồng dâu, cải tạo đất, thu hoạch… cho tới khi kiếm được tiền, chia cho người dân.

Kế hoạch sau mỗi mùa chương trình thi của chúng tôi sẽ khác nhau, có ý nghĩa lâu dài, hướng các bạn trẻ đóng góp sức lực của mình vào những việc làm mang ý nghĩa nhân văn.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh./.

Hiện có 5 cuộc thi sắc đẹp uy tín nhất thế giới dành cho nam: Nam vương Thế giới (Mister World), Manhunt International, Nam vương Quốc tế (Mister International), Nam vương Toàn cầu (Mister Global), Nam vương Siêu quốc gia (Mister Supranational) thì Việt Nam đã chiến thắng 3 cuộc thi là Mister Global 2021 Danh Chiếu Linh, Mister International 2018 Trịnh Bảo, Manhunt International 2017 Trương Ngọc Tình.

Bên cạnh đó, Mai Tuấn Anh, Trần Mạnh Kiên cũng giành ngôi vị Á vương Manhunt International. Các Nam vương hiện nay không chỉ là những gương mặt nổi bật trong làng mẫu nam mà còn được mời tham gia các sự kiện quốc tế.

tac-gia-1-(1).jpg

Mai Mai