Phát huy vai trò, động lực của Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước
Văn hoá soi đường - Ngày đăng : 11:48, 06/02/2024
Phát huy vai trò, động lực của Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước
Phát huy vai trò, động lực của Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước
Mùa Xuân đã đến với mọi người, mọi nhà và Tổ quốc thân yêu. Trong không khí hân hoan, phấn khởi trước sự phát triển toàn diện, vững mạnh của đất nước nói chung, chúng ta có thể tự hào nhận thấy: “Chưa bao giờ văn hóa, thể thao và du lịch nhận được nhiều sự quan tâm, chăm lo lớn như hiện nay.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII: “Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức rất thành công, đã tạo ra một nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được dư luận rộng rãi trong cả nước hoan nghênh và đồng tình, ủng hộ cao.”
Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về vai trò, động lực của Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước.
- Thưa Bộ trưởng, năm 2023, đất nước đã có những bước phát triển, vượt lên nhiều khó khăn, thách thức. Vậy, xin ông đưa ra đánh giá tổng thể những thành tựu của ngành đã đạt được trong năm?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thành quả và những dấu ấn nổi bật trong các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023 là minh chứng sống động khẳng định sự đánh giá và quan tâm ngày càng sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta với sự nghiệp xây dựng và chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thành quả và những dấu ấn nổi bật trong các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023 là minh chứng sống động khẳng định sự đánh giá và quan tâm ngày càng sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta với sự nghiệp xây dựng và chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng
Một là, chúng ta có thể nhận thấy đó là sự thay đổi rất lớn về tư duy, nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và công đồng doanh nghiệp về vị trí, vai trò của văn hóa.
Cụm từ văn hóa chưa bao giờ được nhắc đến nhiều như thời gian qua, quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển,” “văn hóa soi đường cho quốc dân đi,” “văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất” đã và đang thấm sâu trong từng bản làng, thôn xóm, từng chi bộ, tổ dân phố, mỗi tổ Đảng, Đảng viên, hội viên, đoàn viên.
Sự thay đổi về nhận thức đã biến thành các hành động rất cụ thể. Đầu tư cho văn hóa ở các địa phương trong năm 2023 đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương. Trên bình diện quốc gia, nguồn lực đầu tư cho văn hóa lần đầu tiên được Quốc hội phê duyệt 1,8% và đang hướng đến mục tiêu năm sau luôn cao hơn năm trước. Chính phủ đã ưu tiên dành 1.428 tỷ đồng để 17 tỉnh/thành phố triển khai 17 dự án tu bổ, tôn tạo các di tích được UNESCO ghi danh, di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu.
Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đều có kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển văn hoá, nhiều tỉnh, thành đã chủ động tổ chức hội nghị, hội thảo văn hoá cấp tỉnh một cách sâu rộng, triển khai đến cán bộ và nhân dân; nhiều địa phương đã phát huy tiềm năng thế mạnh để từ đó có những nghị quyết chuyên đề nhằm phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người ở từng vùng đất, để tạo ra sức mạnh chung nhằm chấn hưng và phát triển văn hoá Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ “làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa,” kiến tạo chính sách, khơi thông nguồn lực để chấn hưng, phát triển văn hóa.
Xác định nguồn lực bắt đầu từ thể chế, toàn Ngành đã tiếp tục chủ động rà soát các “khoảng trống” trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực quản lý Nhà nước, theo đó Bộ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: 1 Nghị quyết, 6 Nghị định, 9 Quyết định; Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 15 Thông tư... từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp luật đồng thời “khơi thông” nguồn lực, “kiến tạo” sự phát triển mà điểm nhấn quan trọng được Đảng, Chính phủ, Quốc hội giao chủ trì xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Phát triển Văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Hai là, toàn ngành đã tập trung tham mưu trúng, đúng, kịp thời cho cấp ủy Đảng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa.
Chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với 3 nội hàm Dân tộc, Khoa học và Đại chúng được lan tỏa; các thành tố về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới được lượng hóa, để vận dụng trong thực hiện, được nhiều tỉnh thành ủy làm cơ sở trong xây dựng ban hành Nghị quyết chuyên đề về văn hóa để có thể nhận định: nhận thức về văn hóa đã có sự thay đổi theo hướng tích cực và cho phép kỳ vọng “Nhận thức đúng sẽ hành động đẹp.”
Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Từ thực tiễn sinh động đã xuất hiện và nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều điển hình tiên tiến đã xuất hiện, góp phần thiết thực để xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, giá trị “chân-thiện-mỹ” của con người, làm cho cuộc sống của mỗi gia đình, của xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc lần đầu tiên tổ chức dịp 78 năm ngành truyền thống của ngành đã vinh dự được nhận thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo.
Ba là, nhận thức sâu sắc hơn về vai trò văn hóa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước, phát triển văn hóa cần sự chung tay của các cấp, các ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương để nâng tầm quy mô tổ chức, chất lượng các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp vùng, cấp quốc gia.
Các chương trình nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật triển lãm, bảo tàng “đa dạng về hình thức, phong phú về thể loại, đặc sắc về nội dung” không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, phục vụ các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn mà còn thực hiện sứ mệnh củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, quảng bá hình ảnh về quê hương, đất nước, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế.
Điểm nhấn là với sự quan tâm, chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị Toàn quốc về Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam lần thứ Nhất do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu chuẩn bị chương trình, nội dung đã được tổ chức thành công, làm cơ sở cho việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chiến lược mới về Phát triển Công nghiệp Văn hóa trong giai đoạn tới.
Bốn là, tích cực chuẩn bị, trình Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020; tổ chức Hội nghị Toàn quốc Phát triển Thể thao thành tích cao làm cơ sở hoàn thiện Chiến lược Phát triển Thể dục, Thể thao Việt Nam đến năm 2030.
Thể thao Việt Nam dựa trên 2 trụ cột chính là thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Thể thao quần chúng đã giúp phát hiện ra những hạt nhân tiêu biểu, những năng khiếu nổi bật đưa vào tuyển chọn, huấn luyện đào tạo cho thể thao thành tích cao.
Đoàn thể thao Việt Nam đã giành thành tích xuất sắc, dẫn đầu toàn đoàn, vượt chỉ tiêu đề ra tại Kỳ SEA Games được tổ chức tại Campuchia; thi đấu đạt kết quả tốt ở ASIAD 19 tại Trung Quốc, vòng loại Olympic và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới với những kết quả khả quan; Đội tuyển Bóng đá Nữ Quốc gia lần đầu tiên giành quyền tham dự World Cup.
Năm là, du lịch đã về đích với kết quả rất đáng trân trọng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2023.
Sáu là, công tác ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực, Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu rất cao. Hội An, Đà Lạt chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Ngoài ra, 11 chương trình chính trị nghệ thuật trong khuôn khổ 5 chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước cùng với 6 chương trình Tuần Văn hóa, Lễ hội du lịch và văn hóa Việt Nam tại nước ngoài trong năm 2023 đã góp phần quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn với nền văn hóa đặc sắc tới đông đảo bạn bè quốc tế.
- Thưa Bộ trưởng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn những điểm nghẽn nào trong năm qua?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Với tinh thần cầu thị và khiêm tốn, chúng tôi cũng nhận thấy những điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nguồn lực chưa được khơi thông, vẫn còn rất nhiều băn khăn, trăn trở về cách nghĩ, hướng đi có chiều sâu, căn cơ, bài bản cho từng lĩnh vực. Môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về thụ hưởng các giá trị văn hoá giữa các vùng, các miền còn lớn. Đời sống văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn mỏng, một số lĩnh vực thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, quản lý giỏi. Đội ngũ trí thức, chuyên gia đầu ngành còn thiếu.
- Năm 2024, là năm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bước vào giai đoạn tăng tốc để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Xin Bộ trưởng nêu rõ những nhiệm vụ, mục tiêu của ngành trong năm nay?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Toàn ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục cụ thể hóa sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thư gửi toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống: “Chúng ta không chủ quan, tự mãn, quá vui mừng, say sưa trước những kết quả bước đầu và cũng không hề nhụt chí, nản lòng trước những khó khăn, thách thức đang còn phải đối mặt để xác lập các giải pháp đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, vừa có chiều rộng nhưng phải có chiều sâu, chọn việc, chọn điểm, cùng với đó làm rõ trách nhiệm của địa phương, trung ương, cùng cộng đồng trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của ngành.”
Thứ nhất, Bộ sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,” Kế hoạch thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021; tích cực triển khai các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; tổ chức tốt các hoạt động nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2024, đặc biệt là Kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thứ hai, quyết tâm tạo đột phá trong xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, theo đó, xây dựng trình Quốc hội Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; xây dựng trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 30 Thông tư để điều chỉnh các lĩnh vực chuyên môn, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27- NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ ba, tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ. Quan tâm hơn nữa phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết số 09-NQ/BCSĐ ngày 21/6/2021 của Ban cán sự Đảng Bộ về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.” Chăm lo đời sống, động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất thiết thực phát triển nguồn nhân lực.
Thứ tư, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững, gắn với phát triển kinh tế, du lịch. Đẩy mạnh Chuyển đổi Số trong quản lý, khai thác di sản để từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển, đa dạng hóa và hình thức truyền thông, giáo dục về di sản. Hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO ghi danh vào các danh sách đối với hai di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường và nghệ thuật Chèo. Triển khai có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu Quốc gia và Dự án “Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.”
Thứ năm, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các trung tâm văn hóa, các thiết chế văn hóa cơ sở và đội ngũ người làm văn hóa cơ sở hoạt động có hiệu quả, phù hợp với chủ trương của Đảng và của Nhà nước về đổi mới cơ chế tự chủ. Xây dựng mô hình điểm về giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của một số đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tạo sự bình đẳng về văn hóa, thể thao và du lịch đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và đặc biệt là người yếu thế.
Thứ sáu, triển khai thực hiện: Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình “Chuyển đổi Số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”; Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, bình đẳng giới, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tôn trọng và phát huy vai trò người cao tuổi trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.
Thứ bảy, củng cố, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh, quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa. Nâng cao chất lượng hiệu quả, chú trọng xây dựng và phát triển nền nghệ thuật đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng sáng tạo ở các loại hình văn hóa nghệ thuật, nhiều tác phẩm tầm cỡ, phản ánh sâu sắc được các thành tựu, dấu ấn nổi bật của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Nhiệm vụ của năm 2024 theo tôi là rất nặng nề, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải đoàn kết, nỗ lực, khát vọng và hành động quyết liệt hơn nữa; quyết tâm “Tăng tốc về đích” nhất định toàn ngành sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng
Thứ tám, nâng cao hiệu quả, đổi mới mô hình hoạt động, cách thức quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao, phát triển thể thao chuyên nghiệp toàn diện, bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Chương trình Bơi an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em và Đề án tổng thể Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật lần thứ 6 (AIMAG6) tại Thái Lan; Thế vận hội Olympic lần thứ 33 và Thế vận hội Người khuyết tật Paralympic lần thứ 17 tại Pháp.
Thứ chín, tổ chức đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Du lịch năm 2017, sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Duy trì truyền thông chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên kết vùng, liên kết quốc gia và liên kết quốc tế với phương châm một cung đường nhiều điểm đến. Xây dựng con đường di sản quốc gia, con đường di sản quốc tế. Chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường Đông Bắc Á, ASEAN và Tây Âu. Phấn đấu năm 2024 đón 17 đến 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ khoảng 110 triệu lượt khách du lịch nội địa (trong đó khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú) và ước đạt tổng thu từ khách du lịch khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
Nhiệm vụ của năm 2024 theo tôi là rất nặng nề, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải đoàn kết, nỗ lực, khát vọng và hành động quyết liệt hơn nữa; quyết tâm “Tăng tốc về đích” nhất định toàn ngành sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.