Bài 1: Điện mặt trời thắp sáng cuộc sống người dân nóc nhà miền Tây
Mega Story - Ngày đăng : 09:43, 10/04/2024
Bài 1: Điện mặt trời thắp sáng cuộc sống người dân nóc nhà miền Tây
Hơn 10 năm nay, việc ứng dụng mô hình điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp đã không còn mấy xa lạ với bà con nông dân sống ở khu vực núi Cấm, thuộc xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Hơn 10 năm nay, việc ứng dụng mô hình điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp đã không còn mấy xa lạ với bà con nông dân sống ở khu vực núi Cấm, thuộc xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Từ khu rừng cằn cỗi, núi Cấm ngày nay đã “thay da đổi thịt”, đất đai màu mỡ hơn, kinh tế phát triển, cuộc sống người dân khấm khá, cái nghèo cái khổ dần lùi xa.
Vượt quảng đường khoảng 4 km bằng xe mô tô từ dưới chân núi, băng qua nhiều con dốc gần như dựng đứng và những khúc cua gắt, len qua những vườn su su nằm xen dưới tán rừng, chúng tôi đến với núi Cấm, thuộc xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang - vùng đất được mệnh danh là nóc nhà của miền Tây. Từ đằng xa, thấp thoáng những khu vườn bạt ngàn xanh ngát, vùng cây ăn quả trĩu cành… một vùng quê hiện ra đẹp như tranh vẽ.
Trên đầu một con dốc gần như dựng dứng, gần chùa Phật Nhỏ ở lưng chừng núi Cấm, chúng tôi ghé thăm vườn tiêu rộng hơn 8.000m2 của gia đình anh Nguyễn Văn Mừng - một trong những người lắp đặt và sử dụng điện mặt trời đầu tiên ở ấp Vồ Bà, xã An Hảo.
Anh Mừng cho biết, hơn 1 năm nay ấp Vồ Bà mới có điện lưới quốc gia, nhưng phần lớn bà con vẫn dùng điện mặt trời, vì nhà ở xa lưới điện, chi phí kéo điện cao. Những gia đình có điện lưới quốc gia thì vẫn dùng song song với điện mặt trời.
Theo anh Mừng, trước đây, khi chưa có điện mặt trời, nhà nào khá giả thì dùng máy phát điện, còn lại thì dùng bình ắc quy, mỗi ngày phải chạy xe máy hơn 3 km xuống chân núi để sạc bình ắc-quy, rồi chiều lại xuống lấy mang về nhà để mỗi tối có thể thắp đèn. Chưa kể chi phí dầu để vận hành máy bơm mước cho vườn cây ăn trái tốn của gia đình khoản tiền không ít,… Hiện nay, nhà anh Mừng có 4 tấm pin năng lượng mặt trời, mỗi ngày tích dược hơn 500W cùng một hệ thống bơm nước bằng năng lượng mặt trời.
“Chi phí đầu tư điện mặt trời lúc đầu có thể cao, nhưng về lâu dài thì rất tiết kiệm, đơn cử như lúc chưa có điện mặt trời, mỗi tuần gia đình tôi mất hơn 300.000 đồng tiền dầu để bơm nước tưới cho vườn tiêu; rồi đưa máy bơm đến vườn cũng tốn công, máy dễ hỏng hóc nữa. Từ ngày có điện mặt trời, việc tưới nước cho vườn tiêu luôn chủ động, không tốn thêm chi phí gì cả. Mua hơn 10 năm rồi mà mấy tấm Pin năng lượng mặt trời đến nay vẫn dùng rất tốt” – anh Mừng chia sẻ.
Nhờ có điện mặt trời, vườn tiêu của gia đình anh Mừng được tưới tiêu đầy đủ nên năm nào cũng sai quả, chất lượng tiêu cũng đẹp và cao hơn, bán rất được giá. Vụ tiêu năm ngoái, anh thu hoạch được gần 500kg, bán với giá từ 150.000 – 250.000 đồng tùy loại tiêu đen hay tiêu chín.
“Tiêu trồng trên núi có vị thơm hơn nên du khách rất ưa chuộng. Sản lượng hàng năm hầu như không đủ bán”, anh Mừng nói và cho hay trước đây khi chưa có máy bơm năng lượng mặt trời, tuy có chạy máy dầu để tưới nhưng không đủ nước nên tiêu không sai quả như hiện tại.
Nhà gần đó, anh Nguyễn Hữu Hạnh (45 tuổi), Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Vồ Bà có hơn 5.000 m2 quýt hồng nằm gần đỉnh núi. Gần 10 năm trước, từ nguồn hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) anh đã mạnh dạn đối ứng vốn để lắp pin năng lượng mặt trời cho ở căn nhà dưới chân núi và vườn quýt hồng ở trên núi. Hơn 1 năm nay, có điện lướt quốc gia, nhưng anh chỉ kéo điện cho căn nhà ở dưới núi để buôn bán, còn mảnh trồng quýt hồng trên núi anh vẫn dùng điện năng lượng mặt trời để thắp sáng và bơm nước tưới cho vườn quýt.
Vừa dẫn chúng tôi tham quan vườn quýt trĩu quả trên núi Cấm của gia đình, anh Nguyễn Hữu Hạnh kể mình sinh ra và lớn lên trên núi Cấm. Trước đây, lưới điện quốc gia không thể kéo lên sườn núi nên mọi sinh hoạt của gia đình ông rất khó khăn, phải dùng bình ắc quy hoặc chạy máy phát điện mỗi tối. Từ khi có điện mặt trời, nhà ông xài 13 bóng đèn led, và bơm nước tưới cho vườn quýt hồng thoải mái.
“Hiện nay, mặc dù đã có điện lưới quốc gia, nhưng gia đình tôi vẫn sử dụng song song điện lưới quốc gia đối với căn nhà ở dưới chân núi; còn vườn quýt thì vẫn dùng điện mặt trời” - anh Hạnh nói.
Vừa bật hệ thống bơm nước bằng năng lượng mặt trời để tưới cho vườn quýt hồng, anh Hạnh cho hay dùng điện mặt trời này vừa an toàn, vừa bảo vệ môi trường; không bơm máy gây tiếng ồn nên tiết kiệm nhiều lắm.
“Hồi chưa có điện mặt trời, tui phải chạy máy dầu để tháp sáng, bơm nước, mỗi ngày 7 lít dầu. Giờ không chạy máy nữa, tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Tui xài tấm pin này đã 10 năm rồi, nó vẫn hoạt động bình thường”, anh nông dân kiêm Bí thư chi bộ ấp vui vẻ nói.
Giờ thì cả 3 ấp ở trên núi Cấm đều sử dụng điện mặt trời, một số hộ dân ở gần điện lưới quốc gia (mới kéo hơn 1 năm nay) thì dùng song song, nên cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá, mà nhiều hộ dân ăn nên làm ra, có của ăn của để, trở nên giàu có.
“Xưa nghèo lắm, nhưng nay nhờ có điện mặt trờ để bà con phát triển kinh tế vườn đồi nên nên đời sống bà con ổn định, trẻ em được học hành đầy đủ…” – anh Hạnh thổ lộ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hảo (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết, núi Cấm nằm ở độ cao hơn 700m, có 3 ấp là Vồ Đầu, Vồ Bà, Thiên Tuế với 754 hộ, 2.735 nhân khẩu. Mặc dù hơn 1 năm nay, điện lưới quốc gia đã về tới từng ấp, nhưng do dân cư sống thưa thớt nên nhiều hộ dân vẫn chưa thể sử dụng điện lưới quốc gia, bù lại, gần 100% bà con nhân dân nơi đây đã tiếp cận sử điện năng lượng mặt trời vào sinh hoạt và sản xuất từ hơn 10 năm về trước. Điều này không chỉ giúp người nông dân có điện sinh hoạt mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, từ đó góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Mô hình năng lượng mặt trời áp dụng trong sản xuất nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Mừng và anh Nguyễn Hữu Hạnh, ở ấp Vồ Bà, xã An Hảo (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) là 2 trong số hơn 500 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hỗ trợ lắp đặt 4 hầm khí sinh học bằng vật liệu composite tại huyện Chợ Mới từ nguồn hỗ trợ theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 – 2020; thực hiện hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho 150 hộ dân được trang bị đèn xách tay năng lượng mặt trời và 98 hộ dân được lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời (bộ công suất 200Wp) từ nguồn hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) nhằm tăng cường khuyến khích, thúc đẩy người dân áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững.
Tỉnh An Giang cũng là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn điện từ mặt trời do nằm trong vùng có cường độ bức xạ từ 4,5 - 5,1 kWh/m2/ngày, số giờ năng trong năm trên 2.400 giờ, có nhiều ao, hồ lớn nhỏ, vùng đồi, núi... Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, tổng công suất có khả năng phát triển thêm khoảng 3.500 MWp.
Bên cạnh đó, tiềm năng xuất khẩu điện năng sang Campuchia có thể được thực hiện tăng sản lượng do tỉnh đang bán điện qua lưới truyền tải 220kV – mạch kép đủ khả năng truyền tải thêm. Hạ tầng đấu nối, giải tỏa công suất nguồn điện tương đối hoàn chỉnh, mỗi huyện được cung cấp điện từ TBA (trạm biến áp) 110kV và EVN SPC đang dần hoàn thiện kết mạch vòng…
Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho rằng, trước những diễn biến bất thường về giá năng lượng trên toàn cầu, việc nhân rộng các mô hình ứng dụng giải pháp tiết kiệm điện là hết sức cần thiết; trong đó, mô hình sử dụng pin năng lượng mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp là một giải pháp có ý nghĩa, cần được khuyến khích nhân rộng hơn nữa.
Tuy nhiên, để phát triển rộng rãi mô hình này vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải áp dụng công nghệ cao, giá thành đắt... Do đó, trong thời gian tới cần có những chính sách cụ thể, phù hợp, linh hoạt với từng địa phương để điện mặt trời áp mái được phát triển đồng bộ, bền vững và tương xứng với tiềm năng sẵn có, ông Hùng đề xuất./.
Xin mời bấm vào link bài viết bên dưới để đọc Bài 2