Đưa năng lượng tái tạo vào canh tác nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long
Mega Story - Ngày đăng : 09:41, 10/04/2024
Đưa năng lượng tái tạo vào canh tác nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tuy nhiên, phía sau những thành tựu đó là những thách thức không nhỏ mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt. Sản xuất nông nghiệp, với 90 triệu tấn CO2e phát thải hàng năm, trong đó lúa gạo chiếm 75% lượng khí thải Metan, đang là nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính. Đây là bài toán khó đối với một khu vực phụ thuộc lớn vào nông nghiệp.
Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa và trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây hàng đầu của Việt Nam, đang đứng trước một kỷ nguyên mới: sự kết hợp giữa canh tác truyền thống và năng lượng tái tạo. Với đóng góp gần 32% GDP ngành nông nghiệp và hàng đầu về sản lượng lúa, thủy sản, trái cây, khu vực này đang tiếp tục khẳng định vị thế không thể thiếu trong nền kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, phía sau những thành tựu là những thách thức không nhỏ mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt. Sản xuất nông nghiệp, với 90 triệu tấn CO2e phát thải hàng năm, trong đó lúa gạo chiếm 75% lượng khí thải Metan, đang là nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính. Đây là bài toán khó đối với một khu vực phụ thuộc lớn vào nông nghiệp.
Trong bối cảnh này, cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 trở nên đặc biệt quan trọng. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Sự chuyển mình này không chỉ là nghĩa vụ quốc tế mà còn là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững hơn.
Giữa những thách thức ấy, ánh sáng của hy vọng đang le lói. Các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, đang dần trở thành hiện thực. Nhưng liệu chúng có thực sự mang lại hiệu quả kinh tế và lợi ích môi trường như kỳ vọng?
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện loạt bài giới thiệu các mô hình hiệu quả, những thuận lợi cũng như thách thức và khó khăn khi áp dụng năng lượng tái tạo vào sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ góc độ chính sách, chi phí đến hiểu biết của người dân.
Năm bài viết trong chùm bài này gồm:
1. Điện mặt trời thắp sáng cuộc sống người dân nóc nhà miền Tây
2. Lò bún 40 năm tuổi đổi đời nhờ chiếc máy vạn năng
3. Lợi ích kép của điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp
4. Năng lượng tái tạo sát cánh cùng con tôm
5. Hóa giải thách thức, năng lượng tái tạo sẽ là “chìa khóa” phát triển xanh
Từ các mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời vào canh tác tác nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta không chỉ nhìn thấy một bức tranh đầy màu sắc về sự đổi mới và tiến bộ mà còn cả những thách thức cần vượt qua.
Từ việc ứng dụng năng lượng mặt trời trong nuôi tôm tại Bạc Liêu hay đơn giản chỉ là giúp thắp sáng và chạy máy bơm nước trên núi Cấm ở An Giang, những nỗ lực này không chỉ góp phần vào việc giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân, mà còn hướng tới một mục tiêu xa hơn: bảo vệ môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, những thách thức như chi phí đầu tư ban đầu, hạn chế về hệ thống điện lưới và thiếu chính sách hỗ trợ cần được giải quyết để tối ưu hóa lợi ích từ năng lượng tái tạo. Khi nhìn về tương lai, việc liên kết chặt chẽ giữa chính sách, đầu tư và công nghệ sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long trong thời đại năng lượng xanh./.
Xin mời bấm vào link bài viết bên dưới để đọc Bài 1