Bài 1. Mở siêu thị: Một đơn vị quốc doanh tiên phong trong đổi mới

Mega Story - Ngày đăng : 15:14, 02/10/2024

Thời kỳ bao cấp, hàng hóa khan hiếm, việc phân phối hàng hóa thông qua hình thức tem phiếu là phổ biến. Song khi kinh tế bắt đầu mở cửa, việc chuyển đổi sang một mô hình bán lẻ hiện đại ở miền Bắc cũng bắt đầu xuất hiện, nhưng chủ yếu là do một số tư nhân khu vực phía Nam mở ra. Chính vì vậy, việc tiên phong đưa ngành thương nghiệp quốc doanh theo mô hình hiện đại cũng là một sự thay đổi đột phá trong tư duy của những người đứng đầu ngành thương mại.
Mega Story

Bài 1. Mở siêu thị: Một đơn vị quốc doanh tiên phong trong đổi mới

Xuân Quảng 02/10/2024 15:14

Thời kỳ bao cấp, hàng hóa khan hiếm, việc phân phối hàng hóa thông qua hình thức tem phiếu là phổ biến. Song khi kinh tế bắt đầu mở cửa, việc chuyển đổi sang một mô hình bán lẻ hiện đại ở miền Bắc cũng bắt đầu xuất hiện, nhưng chủ yếu là do một số tư nhân khu vực phía Nam mở ra. Chính vì vậy, việc tiên phong đưa ngành thương nghiệp quốc doanh theo mô hình hiện đại cũng là một sự thay đổi đột phá trong tư duy của những người đứng đầu ngành thương mại.

bai-1-cover.png

Thời kỳ bao cấp, hàng hóa khan hiếm, việc phân phối hàng hóa thông qua hình thức tem phiếu là phổ biến. Song khi kinh tế bắt đầu mở cửa, việc chuyển đổi sang một mô hình bán lẻ hiện đại ở miền Bắc cũng bắt đầu xuất hiện, nhưng chủ yếu là do một số tư nhân khu vực phía Nam mở ra. Chính vì vậy, việc tiên phong đưa ngành thương nghiệp quốc doanh theo mô hình hiện đại cũng là một sự thay đổi đột phá trong tư duy của những người đứng đầu ngành thương mại.

Thực tế cho thấy, với sự “cởi trói” về mặt cơ chế, chính sách, nhiều số đơn vị đã mạnh dạn vay các nguồn vốn lớn hàng chục tỷ đồng để xây dựng mới hoặc nâng cấp các siêu thị, Trung tâm thương mại tự chọn sau này.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (giai đoạn 1999-2005) sau này làm Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội - một trong những người tiên phong đưa mô hình bán lẻ hiện đại vào ngành thương mại quốc doanh của Thủ đô những năm đầu hội nhập. Cách làm đúng xu hướng này giúp hệ thống thương mại của Hà Nội có bước chuyển mình, đóng góp tích cực vào việc tăng trưởng kinh tế cũng như tạo ra sự thay đổi lớn cho ngành bán lẻ theo hướng văn minh, hiện đại.

Sau khi giành chính quyền (1954), các cơ quan chức năng của thành phố đã bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng đất nước, tập trung phát triển hàng hóa dịch vụ để phục vụ đời sống nhân dân. Tuy vậy, ngành Thương nghiệp Thủ đô đứng trước những khó khăn, thử thách mới. Tình trạng thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, phương tiện, cán bộ, nghiệp vụ phổ biến ở các cơ sở trong ngành. Nhu cầu, mức sống xã hội theo quy luật nội tại ngày càng phát triển cao, trong khi hàng hóa, lương thực, thực phẩm không đủ đáp ứng, tạo ra khoảng cách và mâu thuẫn lớn giữa cung và cầu, làm cho mặt trận lưu thông phân phối luôn trong tình trạng nóng bỏng mà ngành Thương nghiệp phải đối mặt với nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Đặc biệt, năm 1985, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục khó khăn, có mặt khó khăn gay gắt, tác động đến hoạt động thương nghiệp. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 8 và Nghị quyết 16 của Thành ủy Hà Nội, ngành Thương nghiệp đã chuẩn bị mọi mặt để thi hành, tập trung vào tổ chức lại lực lượng, quỹ hàng hóa, cải tiến phương thức kinh doanh dịch vụ.

bac_phu.jpg.png
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mạng lưới kinh doanh và phương thức phục vụ được tăng cường, thương nghiệp quốc doanh thêm 358 điểm bán hàng mới (nâng tổng số lên 956 điểm); Hợp tác xã mua bán tăng 86 điểm (nâng tổng số lên 536 điểm), ngoài ra, hằng ngày có từ 20-30 xe ôtô đi bán hàng lưu động. Toàn ngành tuyển dụng và bố trí thêm 350 mậu dịch viên bán lẻ. Giờ bán hàng từ 6h30 đến 19h hàng ngày, còn các Trung tâm thương mại bán đến 20h30. Nhờ sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, sau khi thực hiện bù giá vào lương, đã đảm bảo đủ lượng hàng bán ra trong tháng 8, tháng 9/1985, không gây xáo trộn lớn về thị trường, giá cả.

Từ quý 2/1989, Hà Nội hoàn thành việc xóa bỏ hoàn toàn chế độ tem phiếu sau mấy chục năm bao cấp, thực hiện cơ chế một giá, mở đường cho thị trường Hà Nội hoạt động phong phú, đa dạng theo quy luật cung-cầu. Cuối năm 1989, thành phố có 124/131 cửa hàng, trạm, trại, xí nghiệp thuộc các công ty thành phố thực hiện chế độ này, các công ty cấp huyện vẫn tiếp tục áp dụng chế độ khoán thu nhập.

Nhiều đơn vị kinh doanh theo chế độ khoán thu nhập đã có hiệu quả, như: Cửa hàng Bách Hóa 12 Bờ Hồ, số 5 Nam Bộ, Kim Liên, Giảng Võ… Về cơ bản, các đơn vị đã chuyển được sang kinh doanh theo cơ chế mới, bắt đầu thích ứng với cơ chế thị trường, phục vụ đời sống nhân dân Thủ đô.

Dù đã nghỉ hưu hàng chục năm, song ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội vẫn nhớ như in những ngày bắt đầu mở siêu thị, một mô hình mà ngành quốc doanh Thủ đô thời bấy giờ vẫn còn rất mới mẻ.

Năm 1995, khi đó đang đảm nhận Bí thư Đảng ủy Công ty Bách Hóa Hà Nội kiêm Phó Giám đốc Công ty, nên giữa cách làm cũ và mới cũng phải cần sự đấu tranh quyết liệt. Tuy nhiên, sau những chuyến công tác học tập kinh nghiệm tại Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… thấy người đi mua hàng chỉ cần xách chiếc giỏ và mất vài phút thanh toán rất tiện lợi vì thế quyết định mở Trung tâm thương mại quốc doanh đầu tiên ở Thủ đô (kiểu bán hàng tự chọn) đã thôi thúc ông phải nhanh chóng thực hiện.

Sau khi được Ban Giám đốc “bật đèn xanh,” chỉ sau 3,5 tháng, một Trung tâm thương mại quốc doanh đầu tiên được khai trương tại số 7 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm (tháng 11/1995). Điểm nổi bật ở đây chính là hàng hóa đa dạng, với gần 1.200 mặt hàng, từ đồ gia dụng, rau, củ quả, thực phẩm được sắp xếp rất bắt mắt và quyền lợi khách hàng ở đây được phục vụ cao nhất.

Thời gian đầu, mỗi ngày có mấy nghìn lượt người đến xem, đông đến nỗi mòn cả đá lát nền vì mô hình mới lạ, rất dân chủ mua bán, lựa chọn thoải mái, hàng hóa phong phú, dần dần người mua tăng dần và rất phù hợp.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội.

Từ thành công tại điểm bán số 7 Đinh Tiên Hoàng, chỉ sau 7 tháng, Công ty Bách Hóa Hà Nội đã mở thêm một loạt các điểm bán hàng tại Giảng Võ, Thanh Xuân, hướng dẫn Intimex mở siêu thị...

dth1.jpg
Trung tâm thương mại quốc doanh đầu tiên ở Thủ đô được khai trương tại số 7 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm (tháng 11/1995). (Ảnh: NVCC)

Là mô hình mới, kinh nghiệm còn ít, việc áp dụng mã vạch, mã số đối với các loại hàng hóa còn nhiều bỡ ngỡ, chưa có các hệ thống giám sát hàng hóa tự động, nên ông phải mời 2 kỹ sư công nghệ thông tin đến hỗ trợ xây dựng phần mềm nhập hàng, bán hàng và quản lý tiền hàng.

Đặc biệt, thời đó, chưa có camera giám sát nên việc quản lý hàng hóa rất khó, ông Phú đã bàn với Ban Giám đốc làm các ống nứa treo vào các góc của siêu thị cùng với sự hỗ trợ của Công an kinh tế để giám sát việc mua bán hàng đã giảm hẳn việc mất hàng hóa (tỷ lệ chỉ 1,5 phần nghìn) khiến nhiều người đã tìm đến ông để học kinh nghiệm làm siêu thị.

“Hầu như các siêu thị của doanh nghiệp nội tại thành phố, như Lan Chi… đều do tôi hướng dẫn cách làm, từ đó nhân rộng ra, bây giờ Hà Nội đã có hơn 100 siêu thị rồi, trong khi năm 1995-1996 chỉ một mình đơn phương độc mã cùng chợ Hôm có một điểm của tư nhân,” ông kể lại.

Cái tài của người lãnh đạo chính là ở tư duy và cách quản lý. Ông Phú cho hay thời điểm đó, nhân viên Công ty Bách Hóa có 45 người, nhưng với mô hình mới (giữ 1/3 từ thời bao cấp và 2/3 tuyển nhân viên thành thạo máy tính và có kỹ năng chuyên môn tốt) đã giúp năng suất lao động tại cửa hàng cao gấp 4 lần mô hình thương mại cũ. Nhờ vậy, thu nhập cán bộ và nhân viên của Công ty cũng được cải thiện hơn, thậm chí còn thừa vốn cho Công ty xây lắp thương mại trong ngành thương mại vay để xây nhà kinh doanh.

Mặc dù sự cạnh tranh trong giai đoạn đó còn ít, nhưng ông cho rằng đây là mô hình mới và rất văn minh nên hàng hóa càng ít khâu trung gian càng hiệu quả. Chia sẻ kinh nghiệm về lựa chọn nguồn hàng, ông nói “hầu như không mất vốn, toàn bán hàng ký gửi, bán xong 10-15 ngày mới phải thanh toán, sau đó viết hóa đơn VAT. Như vậy, vốn không mất, chỉ mất chi phí quản lý nội bộ, chiết khấu cũng chỉ 15%, thấp hơn nhiều so với nhiều doanh nghiệp hiện nay đang áp dụng,” ông nói.

Với quan điểm “mua tận gốc, bán tận ngọn” nên khi ấy mức chiết khấu 15% là “vỗ tay-thắng lợi rồi” vì chi phí nội bộ chỉ 5%, vốn không mất thậm chí còn dư tiền để cho vay. Để có thể làm được việc này, ông phải trực tiếp đi vào các tỉnh phía Nam để mua chè, mướp đắng về bán (cả bán lẻ, bán buôn), tức là mua hàng tận gốc không qua trung gian.

Hơn nữa, để chọn nhà cung ứng và có được hơn 1.000 mặt hàng vào bán, ông cho đăng trên phương tiện thông tin đại chúng, đơn vị nào có nhu cầu và hàng hóa, nếu đạt được tiêu chuẩn, chất lượng của Công ty và đủ hóa đơn chứng từ sẽ mang đến Công ty theo hình thức ký gửi.

“Trước khi lên Sở, Công ty Bách Hóa đã có 368 bạn hàng (rau củ, thịt, socola…), doanh số bán tốt, 10 ngày thanh toán/lần, đội ngũ nhân viên rất chuyên nghiệp,” ông nhớ lại.

Đặc biệt, giá nhiều mặt hàng trong cửa hàng số 7 Đinh Tiên Hoàng còn rẻ hơn ngoài thị trường vì mặt hàng nào mua nhiều, bán nhiều giá sẽ thấp, như: chè khổ qua, mướp đắng. Chủ trương của ông là cắt trung gian để giảm giá trị chứ không ép nhà cung cấp. Hơn nữa, vào siêu thị mua hàng mát mẻ, hàng đảm bảo chất lượng, được lựa chọn thoải mái, mua có hóa đơn, khiếu nại rõ ràng, ưu thế hơn hẳn so với thương mại cũ.

Chia sẻ thêm thành công, ông Phú cho rằng đầu tiên phải xuất phát từ người lãnh đạo, có chuyên môn, kỹ năng và sâu sát với công việc, nếu nhân viên mắc khuyết điểm sẽ điều chuyển ngay. Thậm chí 1 hộp tăm cũng vào thẻ làm công khai chính trực, không gian lận. Từ đó, tạo nề nếp trong công việc từ người cũ người mới.

Ông tự nhận mình là người “nghiêm khắc” trong công việc, chỉ cần các đồ trong siêu thị dính bụi thì cô lao công sẽ phải tạm nghỉ mấy tiếng (nhưng chỉ nghỉ 1 lần) và sau lần đó họ làm rất trách nhiệm, mọi việc đều ngăn nắp… Thông qua đó, tạo thái độ làm việc, chất lượng hàng hóa, môi trường và văn minh thương mại trong cửa hàng, xây dựng thương hiệu Đinh Tiên Hoàng vang xa.

Hay việc một khách hàng từ Hải phòng đến mua hàng, chẳng may làm rơi vỡ một chiếc cốc, thay vì phải đền thì ông rất nhã nhặn “nhận lỗi” về phía nhân viên cửa hàng do sắp xếp chưa khoa học. Thậm chí có khách hàng cao tuổi cầm 2 gói mì đến đổi trả, dù không có hóa đơn thanh toán nhưng vẫn được phục vụ tốt nhất và chỉ cần cách ứng xử văn minh như vậy đã có thể xây dựng “chữ Tín” trong kinh doanh.

Khách hàng tuyên truyền cho mình là tốt nhất không cần quảng cáo. Tôi thấm nhuần cho nhân viên về đạo đức kinh doanh, hàng có thể thiếu nhưng không thể thiếu sự trung thực, bất kỳ khiếu nại nào tự giải quyết được thì thôi còn vướng phải lên Ban Giám đốc, không để mất lòng khách hàng.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội.

Năm 1999, ông chính thức lên Sở Thương mại giữ chức Phó Giám đốc Sở Thương mại (phụ trách mảng thương mại nội địa gồm chợ và siêu thị của Hà Nội), lúc đó cơ ngơi của ngành thương mại Thủ đô đã có khoảng 20 siêu thị, còn chợ dân sinh cũng lên tới vài trăm.

Để đấu tranh giữa cái cũ cái mới, tạo văn minh thương mại, thời đó ông đã tạo ra một môi trường làm việc để các nhân viên theo guồng làm việc mới, những cán bộ có tuổi có thể bố trí làm thủ quỹ thay vì phải trực tiếp bán hàng… quan trọng là tầm nhìn của người lãnh đạo.

“Ngày 30 Tết, lãnh đạo còn trực tiếp xuống cửa hàng động viên anh em, doanh số cứ vượt 100 triệu đồng thì thủ quỹ sẽ chi thưởng trực tiếp 20.000 đồng - người thực việc thực, đánh vào tinh thần và vật chất để động viên anh em, nên họ làm suốt ngày đêm,” ông nêu kinh nghiệm.

Kinh tế phát triển, hội nhập kinh tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng. Trước cơ hội mới, ngành thương mại Thủ đô cũng đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ của nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới. Nhiều đại siêu thị như: Big C (Thái Lan), Metro (Thái Lan); Lotte (Hàn Quốc) hay AEON (Nhật Bản) đều mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Với sự thay đổi này, người tiêu dùng Thủ đô cũng có nhiều cơ hội để trải nghiệm mua sắm, lựa chọn các mặt hàng từ nhiều quốc gia trên thế giới ngay tại sân nhà. Song điều mà ông Phú trăn trở nhất, chính là số lượng đại siêu thị của Việt Nam phát triển còn khiêm tốn, quy mô cũng nhỏ hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI. Vì thế, với tiềm năng vượt trội và trình độ quản lý tốt cộng với nguồn tài chính lớn, đặc biệt là uy tín về thương hiệu, các siêu thị ngoại đã hút được một lượng lớn khách hàng nội địa nhờ được nhiều ưu đãi và chăm sóc tốt hơn, nguồn hàng dồi dào, đa dạng hơn.

Đặc biệt, các chợ truyền thống, nơi chiếm tới 80% thực phẩm tươi sống, rau củ quả, nhưng nhiều nơi đang xuống cấp, do vậy cần sự quan tâm của cơ quan chức năng nhiều hơn nữa để tạo ra sự thay đổi lớn cho ngành thương mại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

“Thương mại là nơi đón đầu ra của sản xuất, phục vụ Nhân dân nên nhu cầu tiêu dùng rất quan trọng. Chỉ số giá ổn định là do nông nghiệp và do hệ thống phân phối phát triển tốt, do vậy cần phải chăm chút những người tạo ra của cải cho xã hội,” ông kiến nghị thêm./.

Xuân Quảng