Nhâm nhi Hà Nội trong lòng ngõ Phất Lộc
Mega Story - Ngày đăng : 09:23, 09/10/2024
Nhâm nhi Hà Nội trong lòng ngõ Phất Lộc
Thú vui “nhâm nhi Hà Nội” chỉ có thể đến vào lúc này, giữa không gian tĩnh lặng như tờ, Hà Nội thực mềm, thực mọng, thực thiết tha.
Đời của một kẻ làm báo ngày, sẩm tối lên toà soạn, nửa đêm xong việc, lại tìm một góc, một chốn nào đó giữa Hà Nội để “nhâm nhi Hà Nội” cho đến lúc rũ người. Thú vui “nhâm nhi Hà Nội” chỉ có thể đến vào lúc này, giữa không gian tĩnh lặng như tờ, Hà Nội thực mềm, thực mọng, thực thiết tha.
Hà Nội cũng là một đô thị không ngủ, với kiểu riêng biệt của mình, không choang choang, ồn ã. Nó đủ chỗ chứa những gã lang thang như chúng tôi, đôi khi là những cánh cửa hé ra nhanh như chớp mắt, hắt ra chút ánh sáng vào lòng ngõ khuya, chỉ đủ cho những bước chân lách vào, rồi sập lại.
Trong một không gian như thế trong ngõ Phất Lộc, chúng tôi ngồi quanh một chiếc bàn ọp ẹp bằng nhựa, trên bàn chỉ đặt một chai 65 Vodka Hà Nội trong như “nước mắt quê hương”, cùng vài cái chén. Rượu vừa rót bồng miệng chén, một đĩa chân ngan thuộc loại lực sĩ được mang ra.
Đó là loại chân ngan mà bạn sẽ hiếm thấy ở các quán ngan hay quán nhậu bình thường. Chân của những con ngan già, ống xương to được bao phủ bởi một lớp da dày dặn như thể đấy là chân ngỗng. Không hiểu sao, một chiếc chân ngan chỉ lấy từ ngang ống chân trở xuống, không bao giờ đủ nguyên chân.
Đó cũng là một công án mà chúng tôi đã hỏi nhau nhiều lần, nhưng đều chịu chết, còn tay chủ quán chỉ mỉm cười bí hiểm kiểu “trời sinh ra thế”. Thêm một đĩa dưa chuột chẻ, húng Láng, rau mùi và một bát gia vị vắt quất là hết.
Thú thật, món chân ngan đó thật tuyệt diệu. Cầm một cái chân lên, ngắm nghía cho kỹ, rồi tỉ mẩn dùng răng tước những mảnh da, gân tuy dày mà rất mềm, song lại giòn sật. Hầu như không có thịt, nhưng miếng da ngan thừa sức đem lại sự thống khoái của thú ăn uống. Tước được một mảnh, liền nhai cho đã, rồi ăn thêm vài lá rau thơm và chiêu bằng hớp rượu. Tuyệt thú cũng chỉ đến thế.
Khi đoạn ống chân đã nhẵn nhụi, tưởng chừng có thể đem làm đồ mỹ nghệ được, mới chuyển sang xử lý phần bàn chân. Đầu tiên là lớp màng giữa các ngón, sau đó tước từng miếng da, sợi gân nhỏ xíu dọc theo ngón chân. Cứ tỉ mẩn như thể đang làm công tác khảo cổ vậy, để rồi sau một lúc, trên mặt bàn đã lùm lùm một đống lóng xương bé tí sạch sẽ gân, da.
Cánh nhà báo chúng tôi ăn chân ngan đã thành nghề, các cử động phối hợp nhuần nhuyền: tước, xé, nhai, uống rượu, khà đầy nhịp nhàng và khoái trá. Đến nỗi, sau này chỉ cần nhìn thấy ai ăn chân ngan ẩu, ví như còn sót da, ví như gặm nham nhở là nhếch mép cười đám không biết ăn cái món thú vị này.
Đĩa chân ngan dần trơ lòng đĩa, chai rượu lấp xấp dưới đáy, những câu chuyện về nghề, về đời mới rì rầm tuôn chảy. Âm thanh rất bé, không thoát khỏi căn phòng nhỏ, nhưng nó khiến chúng tôi có giây phút trốn đời để đi “nhâm nhi Hà Nội”, sống với một Hà Nội không quen thuộc với nhiều người.
Chủ quán cũng rất thất thường, hôm mở hôm không. Y và vợ y vốn mê khiêu vũ, nên hôm nào bận lên sàn khuya là quán đóng. Hôm nào y cãi nhau với vợ, quán cũng đóng. Hôm nào, vợ y nhảy hơi “tình tứ” với bạn nhảy, quán cũng đóng. Nói chung, có muôn vạn lý do, khiến cho nhiều lần “cốc cốc cốc” mà cửa chẳng mở ra.
Còn lại đa phần y vô cùng vui vẻ, giỏi đón chuyện. Áo chim cò lượt là đóng thùng chĩnh chện, giày da mềm đen bóng, y lướt một điệu vũ duyên dáng trong không gian chật hẹp, tay bưng đĩa chân ngan, chai rượu hay đĩa rau thơm mà không hề va chạm hay suy suyển gì cả, miệng vẫn nhỏ nhẹ mà niềm nở tiếp chuyện. Một phong cách rất thị dân phong lưu, sành điệu, biết cách tận hưởng cuộc đời.
Thế rồi, cửa lại hé mở, chúng tôi lách mình trở ra ngõ Phất Lộc, nghe gót chân nện trên lòng ngõ. Gió sông Hồng thổi vào mát rượi, bởi từ đây ra sông chỉ cách một bãi đê. Chẳng thế mà, vào một đêm cuối năm 1946, từ nơi đây, Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút ra khỏi thành phố qua cầu Long Biên.
Trong gió, tôi nghe thấy mùi nước sông Hồng thơm ngái, và dường như tiếng rì rào sóng nước. Dường như thôi, nhưng cứ mơ hồ là thế, giống xuất xứ của tên ngõ vậy. Dân ngõ kể rằng, năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) có thư sinh họ Bùi đến Thăng Long học trường Quốc Tử Giám rồi lập nghiệp tại thôn Tiên Hạ. Dần dần, người làng của thư sinh ở Thái Bình cũng lên đây lập nghiệp, lại mang tên làng cũ mà đặt cho ngõ để không quên gốc tích. Giữa ngõ Phất Lộc là đền Tiên Hạ, thờ danh thần đời Trần là Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370), người được suy tôn là thị trưởng của kinh thành Thăng Long.
Mảnh đất lưu chân thư sinh họ Bùi giờ đã trở thành một chốn sầm uất với hàng quán ken nhau như cài răng lược, lúc nào cũng dập dìu ăn uống.
Thế nhưng, ngõ Phất Lộc cũng chứa đựng những góc nhỏ bí mật để những bước chân tìm về ‘nghe sông Hồng thở than”.