Đi tìm Chúa Chổm ở ngõ Cấm Chỉ

Mega Story - Ngày đăng : 09:27, 09/10/2024

Ngõ dài khoảng 100 mét khá rộng rãi và được nắn thẳng tắp như một con phố, liên thông với phố Tống Duy Tân, một đầu trổ ra đường Điện Biên Phủ, một đầu trổ ra đường Trần Phú.
Mega Story

Đi tìm Chúa Chổm ở ngõ Cấm Chỉ

{Tên tác giả} 09/10/2024 09:27

Ngõ dài khoảng 100 mét khá rộng rãi và được nắn thẳng tắp như một con phố, liên thông với phố Tống Duy Tân, một đầu trổ ra đường Điện Biên Phủ, một đầu trổ ra đường Trần Phú.

ngo-cam-chi.png

Ngõ Cấm Chỉ nằm ở đầu đường Hàng Bông, đoạn ra Cửa Nam, nên còn gọi là ngõ số 2 Hàng Bông. Ngõ dài khoảng 100 mét khá rộng rãi và được nắn thẳng tắp như một con phố, liên thông với phố Tống Duy Tân, một đầu trổ ra đường Điện Biên Phủ, một đầu trổ ra đường Trần Phú.

Lai lịch của cái tên Cấm Chỉ cũng rất thú vị, song kiểu gì cũng đều liên quan đến vua chúa, hoàng tộc. Thời Hậu Lê, ngõ Cấm Chỉ là một lối đi vào Dương mã thành, tức là một mang cá của cửa Đông - Nam của hoàng thành Thăng Long. Lối này bị cấm chỉ không cho đi lại sau khi nổi trống thu không.

Tuy nhiên, cách giải thích được nhiều người chấp nhận nhất mặc dù pha màu huyền thoại phố phường là liên quan đến Chúa Chổm - vị hoàng tử mà vua Lê Chiêu Tông (1516-1522), vị vua thứ 10 của của nhà Hậu Lê - đánh rơi ngoài dân gian trong một cơn phong tình bất chợt.

ha-mega-28-.png

Là giọt máu rơi, Chúa Chổm lớn lên trong hoàn cảnh đói nghèo. Thế nhưng, Chúa Chổm có một đặc điểm mà các bà, các cô buôn bán hàng ăn, quà vặt rất thích là tốt vía. Chúa Chổm cứ ngồi đâu ăn là hàng đó lại khách đến ăn đông như rươi, cho nên chủ quán nào cũng muốn Chúa Chổm đến quán mình để xin vía.

“Tốt vay, dày nợ”, Chúa Chổm đi đâu cũng được cho ăn uống mà không cần trả tiền ngay, chỉ ghi sổ nợ. Dần dà, Chúa Chổm trở thành người chẳng thiết tha làm ăn gì cả, chỉ quanh năm suốt tháng ăn chịu, uống nợ mà không ai làm khó dễ, rồi các khoản nợ nần tích tiểu thành đại mà thành chồng chất, phải phiêu dạt sang xứ Ai Lao (Lào).

Năm 1527, vua Lê Chiêu Tông mất, Mạc Đăng Dung cướp ngôi lập ra nhà Mạc. Một trọng thần khác là Nguyễn Kim đã lên đường đi tìm giọt máu rơi của vua Lê Chiêu Tông để lập thành vua, duy trì triều đại Hậu Lê. Và Nguyễn Kim đã tìm được Chúa Chổm, tên thật là Lê Ninh, suy tôn làm vua Lê Trang Tông (1533 – 1548), mở ra thời kỳ Lê Trung Hưng.

Khi Chúa Chổm được Nguyễn Kim đón kinh thành, có đi ngang qua khu vực Dương Mã thành, bị rất nhiều chủ nợ đã nhận ra và xúm vào đòi nợ. Bởi sổ nợ quá dày, chủ nợ ùn ùn kéo tới như mây, khiến đoàn tuỳ tòng cũng cháy túi vì trả nợ hộ vua.

Vậy nên, Nguyễn Kim mới bày ra cách miễn thuế hết cho dân trong vòng một năm và ra lệnh viết bảng “Cấm Chỉ” ở gần cửa Nam để cấm dân tình sau khi vua đi qua đây thì không được chỉ mặt đòi nợ nữa. Không biết có phải nhờ vía ăn hàng tốt của Chúa Chổm mà thành tụ điểm ăn uống hay không, chứ ngõ Cấm Chỉ quá đắc địa.

Ngày xưa, ngõ nằm gần Trường Thi nên phục vụ nhu cầu ở trọ và ăn uống của các sĩ tử “lai kinh ứng thí”. Ngõ cũng nằm gần các điểm đông người như nhà ga Hàng Cỏ, hồ Hoàn Kiếm, khu nhà thương Phủ Doãn, khu chơi đêm nên chẳng gì lợi bằng bán đồ ăn.

Ngõ Cấm Chỉ có đủ món ăn từ xôi, phở, bún, miến, bò, gà, ngan, vịt, dê, ngỗng, tôm, cua, ốc, ếch, ăn kiểu Tây, kiểu Tầu đủ cả. Tuy nhiên, trong con ngõ Cấm Chỉ có 2 món thật sự nổi danh: Xôi mặn và bánh cuốn Kỳ Đồng.

Ngõ Cấm Chỉ có khoảng 10 hàng xôi, bán từ đầu đường Hàng Bông bán vào. Xôi mặn ngõ Cấm Chỉ chỉ là xôi trắng ăn với giò, chả, thịt kho tàu hay trứng gà, trứng vịt kho tàu… khác xa những thứ xôi mặn như xôi xéo ăn với pate hay thịt gà mạn Nguyễn Hữu Huân.

Xôi nấu bằng thứ gạo nếp đã làm nên danh tiếng của làng xôi Phú Thượng nên xôi dẻo, thơm, cắn vào thấy hạt xôi mẩy, tròn căng như đuôi ong và có hương vị thơm ngon không thể quên được. Xôi này ăn với thịt rim và trứng vịt rán kho tàu trong những ngày bắt đầu se lạnh thì đúng là miếng ngon nhớ đời.

Ở đoạn ngõ Cấm Chỉ gặp phố Tống Duy Tân có một hàng bánh cuốn nức danh: bánh cuốn Kỳ Đồng. Nguyên liệu làm bánh cuốn cũng giống những nơi khác là gạo, hành, nấm hương, mộc nhĩ và thịt lợn. Đây là thứ bánh cuốn có nhân, chứ không phải dòng bánh cuốn Thanh Trì chỉ có lá bánh không.

Gạo tráng bánh cuốn là gạo tẻ ngon và thơm, chọn kỹ, không được dính gạo nếp bởi như thế bánh sẽ dính, tráng sẽ bị rách. Nhân bánh gồm mộc nhĩ và nấm hương thái nhỏ, chế biến trước, trộn với thịt lợn để sẵn sàng. Khi nào có khách mới múc bột tráng bánh, đặt nhân vào rồi cuốn, xếp ra đĩa, rắc chút hành khô là xong.

Nước chấm bánh cuốn được hâm hơi nóng, chua mặn vừa vị, rắc hạt tiêu cho thơm nóng, nặn thêm 1-2 giọt tinh dầu cà cuống nữa là tuyệt vời vô cùng. Thứ nước chấm đó sẽ biến gắp bánh cuốn thành một thứ ăn chơi thanh nhã nhưng xa xỉ về mặt hương thơm, ăn một lần, nhớ cả đời.

Hàng trăm món ăn ở ngõ Cấm Chỉ khiến nơi đây tự hào “ăn cả Hà Nội”. Nhưng có điều, ăn xong phải trả tiền luôn, chẳng thể nào ký sổ như Chúa Chổm - người đã tạo nên một huyền thoại phố phường và con ngõ này.

cam-chi-6.jpg