“Chảy máu” - lãng phí tài nguyên khoáng sản: Gánh nặng đè lên “vai” xã hội

Mega Story - Ngày đăng : 14:09, 18/10/2024

Tài nguyên khoáng sản là tài sản công của quốc gia đang bị “chảy máu” do gian lận trong khai thác; hàng tỷ m3 khoáng sản đi kèm trị giá hàng nghìn tỷ đồng được xem như “núi vàng” đã và đang phải mang “thân phận” đất đá thải bỏ, trong khi nhiều dự án, công trình trọng điểm về giao thông của quốc gia đang “đói, khát” vật liệu san lấp. Thực trạng “cơm thừa gạo thiếu” này không chỉ khiến Nhà nước thất thoát nguồn thu, mà còn gây ô nhiễm môi trường, đe dọa khu dân cư đồng thời làm tắc nghẽn “mạch máu
Mega Story

“Chảy máu” - lãng phí tài nguyên khoáng sản: Gánh nặng đè lên “vai” xã hội

{Tên tác giả} 18/10/2024 14:09

Tài nguyên khoáng sản là tài sản công của quốc gia đang bị “chảy máu” do gian lận trong khai thác; hàng tỷ m3 khoáng sản đi kèm trị giá hàng nghìn tỷ đồng được xem như “núi vàng” đã và đang phải mang “thân phận” đất đá thải bỏ, trong khi nhiều dự án, công trình trọng điểm về giao thông của quốc gia đang “đói, khát” vật liệu san lấp. Thực trạng “cơm thừa gạo thiếu” này không chỉ khiến Nhà nước thất thoát nguồn thu, mà còn gây ô nhiễm môi trường, đe dọa khu dân cư đồng thời làm tắc nghẽn “mạch máu

bialoigioithieufinal.jpg

Tài nguyên khoáng sản là tài sản công của quốc gia đang bị “chảy máu” do gian lận trong khai thác; hàng tỷ m3 khoáng sản đi kèm trị giá hàng nghìn tỷ đồng đã và đang phải mang “thân phận” đất đá thải bỏ, trong khi nhiều dự án, công trình trọng điểm về giao thông của quốc gia đang “đói, khát” vật liệu san lấp. Thực trạng “cơm thừa gạo thiếu” này không chỉ khiến Nhà nước thất thoát nguồn thu, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thảm họa sạt lở, đe dọa khu dân cư, làm tắc nghẽn “mạch máu” lưu thông của nền kinh tế, đẩy gánh nặng lên “vai” xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng tới công tác phòng, chống lãng phí. Bác căn dặn “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ.” Người chỉ rõ “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến.” Người cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng “Phải quý trọng của công; phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí.” “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công.”

Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ.”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đặc biệt lưu ý rằng: “Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.” Do vậy, “để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.”

Để công tác chống lãng phí thực sự hiệu quả, cũng như phát huy được giá trị từ các nguồn “nội lực” của quốc gia, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân, việc chống lãng phí, tối ưu hóa nguồn tài nguyên khoáng sản trong thời gian tới là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có khoảng 5.000 mỏ khoáng sản quy mô khác nhau đang hoạt động, với hơn 60 loại khoáng sản; trong đó một số loại có trữ lượng lớn như bauxit gần 900 triệu tấn, quặng apatit khoảng hơn 130 triệu tấn, quặng sắt khoảng trên 40 triệu tấn, đá hoa trắng làm bột carbonat canxi gần 500 triệu tấn, than khoảng 550 triệu tấn…

Đây là nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá của đất nước, song quá trình khai thác và sử dụng thời gian qua lại chưa thực sự hiệu quả, gây thất thoát và lãng phí rất lớn, dẫn đến những hệ lụy về xã hội, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận.

quoteloigioithieu1final.png

Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng trên là bởi hệ thống pháp luật hiện hành đang có nhiều “khoảng trống,” hay nói cách khác là tạo “khe hở” cho những sai phạm. Cùng với đó là quá trình giám sát, kiểm tra, quản lý tại các địa phương cũng bị buông lỏng nên “ung nhọt” lại có đất để “cắm rễ.”

Theo Hiến pháp năm 2013, tài nguyên khoáng sản là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Trước khi giao tài nguyên khoáng sản và tính tiền cấp quyền khai thác để cấp phép cho tổ chức, cá nhân, Nhà nước phải xác định được loại hình, quy mô, giá trị tài sản (mỏ khoáng sản) thông qua công tác phê duyệt, công nhận trữ lượng trong báo cáo thăm dò khoáng sản.

Mặt khác, theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, đất đá thải của mỏ là “khoáng sản đi kèm.” Nếu muốn khai thác, các tổ chức, cá nhân phải phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, và thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính. Thế nhưng, điểm bất cập là Luật Khoáng sản hiện hành lại không có quy định về vấn đề này.

Lợi dụng bất cập từ cơ chế chính sách cùng với tâm lý “dễ làm, khó bỏ,” thời gian qua, phần lớn các doanh nghiệp khai khoáng đã chọn cách khai thác mỏ theo kiểu “ăn xổi.” Tức là mới chỉ quan tâm tới việc khai thác phần ruột, phần lõi khoáng sản có giá trị, “ngó lơ” các loại khoáng sản đi kèm (như đất, đá, xỉ than). Do vậy, hàng tỷ m3 khoáng sản đi kèm trị giá hàng nghìn tỷ đồng đã và đang phải mang “thân phận” đất đá thải bỏ, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa khu dân cư đồng thời làm tắc, nghẽn “mạch máu” lưu thông của nền kinh tế bởi các dự án, công trình giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ do phải chịu cảnh “đói,” thiếu vật liệu san lấp.

“Cái nảy sảy cái ung,” khi bí bách nguồn vật liệu san lấp, không ít địa phương trên cả nước đã chọn phương án “nhảy rào chính sách” hạ từng quả đồi, khoét đào mỏ đất mới. Hệ quả là dọc dài các tỉnh thành từ Bắc vào Nam, rất nhiều núi đồi đã bị đào bới tan hoang để phục vụ nhu cầu san lấp cho các dự án, công trình. Thậm chí nhiều địa phương còn xảy ra tình trạng khai thác trộm đất đá; nạo hút cát sỏi trái phép, gây sạt lở bờ sông, “nuốt trôi” nhà cửa, đất canh tác của người dân…

quote2loigioithieu(1).png

Theo Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, thực tế trên đã và đang gây thất thoát, lãng phí một khối lượng rất lớn khoáng sản đi kèm của quốc gia.

Để bạn đọc có cái nhìn toàn diện về vấn đề trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã dành nhiều thời gian thâm nhập thực tế tại nhiều địa phương trên khắp cả nước để điều tra, làm rõ vì sao Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều quyết sách (trong đó xác định “tài nguyên khoáng sản là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước” và phải “khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả”), song nguồn tài sản công này vẫn bị “chảy máu,” gây thất thoát và đang bị lãng phí vô cùng lớn.

Trên cơ sở đó, phóng viên đã xây dựng loạt bài “Chảy máu” - lãng phí tài nguyên khoáng sản: Gánh nặng đè lên “vai” xã hội, như hồi chuông cảnh tỉnh đồng thời gợi mở các kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội sớm điều chỉnh chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí tài nguyên khoáng sản quốc gia; giải quyết một cách căn cơ vấn đề thiếu vật liệu san lấp phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia trên cả nước trong thời gian tới.

tacgiawhite(5).png