Bài 2: Hàng tỷ m3 khoáng sản đem đổ thải: Nghịch lý từ “núi vàng” dầm nắng, mưa
Mega Story - Ngày đăng : 08:09, 19/10/2024
Bài 2: Hàng tỷ m3 khoáng sản đem đổ thải: Nghịch lý từ “núi vàng” dầm nắng, mưa
Với con số khoảng 5.000 mỏ khoáng sản quy mô khác nhau đang hoạt động ở trên cả nước, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường thì khối lượng “khoáng sản đi kèm” (đất, đá, xỉ than) là rất lớn. Tuy nhiên do luật không quy định cụ thể nên nguồn khoáng sản này hiện vẫn đang phải mang “thân phận” thải bỏ, được các doanh nghiệp, chủ mỏ chất cao thành “núi” nằm phơi mưa, nắng... gần sát khu dân cư.
Với con số khoảng 5.000 mỏ khoáng sản quy mô khác nhau đang hoạt động ở trên cả nước, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường thì khối lượng “khoáng sản đi kèm” (đất, đá, xỉ than) là rất lớn. Tuy nhiên do luật không quy định cụ thể nên nguồn khoáng sản này hiện vẫn đang phải mang “thân phận” thải bỏ, được các doanh nghiệp, chủ mỏ chất cao thành “núi” nằm phơi mưa, nắng... gần sát khu dân cư.
Hệ lụy là các “núi” thải trên không chỉ chiếm một diện tích rất lớn đất rừng, đất sản xuất để làm bãi chứa; tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hàng loạt thảm họa sạt lở gây thiệt hại khủng khiếp (như thảm họa Làng Nủ ở tỉnh Lào Cai), gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân; mà còn gây thất thoát, lãng phí tài sản công khoáng sản quốc gia, nhất là trong bối cảnh các dự án, công trình giao thông trọng điểm tại nhiều địa phương vẫn đang chịu cảnh “đói,” thiếu vật liệu san lấp.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, hiện nay trên cả nước có hàng chục tỷ m3 đất, đá, xỉ than thải bỏ sau khi được tách ra trong quá trình hoạt động khai thác của các mỏ khoáng sản. Trong đó các nhóm mỏ có lượng khoáng sản đi kèm thải bỏ nhiều nhất là than, quặng và đồng; tập trung ở các tỉnh giàu có về tài nguyên khoáng sản nhất cả nước như Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên.
Chỉ tính riêng các mỏ than tại tỉnh Quảng Ninh, nguồn tin từ Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia cho biết hiện có hơn 1 tỷ m3 đất, đá thải.
Hay như tại tỉnh Lào Cai, trong khoảng 5 năm trở lại đây có khoảng 125 triệu m3 đất, đá thải được “bóc ra” trong quá trình hoạt động khai thác mỏ đồng Sin Quyền. Phần lớn đất, đá, xỉ thải này đang chất cao thành “núi” quanh khu vực các mỏ.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là bởi theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật khoáng sản, thì đất, đá thải của mỏ là khoáng sản đi kèm; nếu muốn khai thác, tổ chức, cá nhân phải thực hiện các thủ tục hành chính. Thế nhưng Luật Khoáng sản 2010 lại không có quy định cụ thể để tổ chức, cá nhân được thăm dò, khai thác các loại khoáng sản đi kèm như thế nào cũng như không quy định việc chuyển thẩm quyền phê duyệt, công nhận trữ lượng ra sao để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tránh thủ tục hành chính rườm rà…
Trong khi đó, thực tế thời gian qua cho thấy trong khu vực hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá thải mỏ). Ngược lại, trong khu vực hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền cấp phép của địa phương (như các tỉnh Lạng Sơn, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Định,…) cũng có khoáng sản đi kèm thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường (đá ốp lát, đá nguyên liệu ximăng, đá vôi công nghiệp).
Thực tế trên đã khiến tài sản công khoáng sản của quốc gia bị thất thoát khi chưa được xác định đúng, đủ trữ lượng; gây lãng phí khi đất, đá, xỉ than trong quá trình hoạt động khai thác của các mỏ khoáng sản đang được các mỏ đem đổ thải.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường thẳng thắn nêu thực tế mặc dù là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản, song công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn còn bộc lộ những vướng mắc, khó khăn; nhất là khan hiếm vật liệu do gặp khó trong việc khai thác, thu hồi vật liệu xây dựng thông thường.
“Khoảng 5 năm trở lại đây, tỉnh có khoảng 125 triệu m3 đất, đá thải được bóc ra trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản, trung bình mỗi năm khoảng 25 triệu m3. Hầu hết khối lượng đất, đá thải sau khi được bóc ra trong quá trình khai thác được đơn vị khai thác đổ vào các khu vực đổ thải,” ông Trường nói.
Tại vùng “thủ phủ vàng đen” lớn nhất Việt Nam, hàng năm, các mỏ than trên địa bàn Quảng Ninh cũng đưa ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất, đá thải. Đây là tỉnh có khối lượng đất, đá thải trong quá trình khai khoáng lớn nhất cả nước.
Qua điều tra, khảo sát thực tế tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus ghi nhận hiện nay có hàng trăm bãi thải khoáng sản đi kèm được chất cao hàng chục mét. Nhiều bãi thải chất cao như núi. Các địa phương có nhiều bãi thải nhất là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai…
Điều đáng nói là phần lớn các bãi thải khoáng sản đi kèm được doanh nghiệp, chủ mỏ chất cao như núi lại nằm gần sát khu dân cư, không chỉ chiếm một diện tích rất lớn đất rừng, đất sản xuất để làm bãi chứa, mà còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, gây ô nhiễm môi trường), ảnh hưởng đến đời sống của người dân sống xung quanh
Đơn cử như tại tỉnh Thái Nguyên, suốt nhiều năm qua, người dân sống dưới chân bãi thải của Mỏ than Khánh Hòa ở xã Phúc Hà (thành phố Thái Nguyên) luôn phải thấp thỏm bất an bởi những rủi ro về nguy cơ sạt lở, thảm họa môi trường mà bãi thải có thể gây ra, nhất là vào mùa mưa lũ.
Mỏ than này nổi tiếng với 2 bãi thải “khổng lồ” được đắp cao thành núi, đập vào mắt bất cứ ai đi qua thành phố.
Tại tỉnh Quảng Ninh, báo cáo của ủy ban nhân dân tỉnh này gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nêu lên thực trạng: Với khoảng 150 triệu m3 đất, đá thải mà các mỏ than trên địa bàn đưa ra các bãi thải hàng năm, tổng diện tích đất chiếm dụng để làm bãi thải lên tới hàng nghìn hécta. Việc này dẫn tới nguy cơ sạt đất, đá trong mùa mưa lũ, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân quanh khu vực.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tuấn - người dân ở thành phố Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) cho biết trong suốt 10 năm trở lại đây, điều người dân lo lắng nhất là xảy ra sạt lở khi mưa lớn. Bởi lẽ, trên địa bàn thành phố hiện có rất nhiều “núi” thải khổng lồ với khối lượng đất, đá lên tới hàng trăm triệu m3, được tách bỏ từ các mỏ than. Trong đó, ngay phía dưới chân các dãy “núi” thải ở các phường Cẩm Trung, Cẩm Thành, Cẩm Bình là các khu dân cư, rất đông dân sinh sống.
“Thực trạng trên như ngàn cân treo sợi tóc. Nếu mưa lớn trút xuống, nguy cơ xảy ra thảm họa sạt lở là rất cao. Thậm chí mức độ thiệt hại còn nghiêm trọng gấp ngàn lần so với thảm họa ở thôn Làng Nủ, bởi khu vực dân cư của thôn này chỉ có gần 40 hộ gia đình, trong khi phía dưới các dãy “núi” đất, đá thải ở các phường Cẩm Trung, Cẩm Thành, Cẩm Bình có tới hàng nghìn hộ dân sinh sống. Khi xảy ra sạt lở, đất đá từ trên cao đổ xuống sẽ cuốn khu dân cư ra biển,” ông Tuấn lo lắng.
Ngược lên tỉnh Hà Giang, trên địa bàn tỉnh này hiện cũng đang có rất nhiều bãi thải, hồ chứa chất thải như những “quả bom” treo trên đầu dân. Điển hình như bãi thải, hồ chứa chất thải của Nhà máy tinh chế quặng Minh Sơn, Mỏ chì - kẽm (ở huyện Bắc Mê); Mỏ quặng sắt Nam Lương, Mỏ quặng sắt Lũng Pù (ở xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên).
Các hồ, bãi thải này nằm lộ thiên trên thượng nguồn, có độ dốc cao, lại gần khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ gây ra thảm họa khi mưa lũ lớn.
Sinh sống gần bãi thải của Nhà máy tinh chế quặng Minh Sơn, anh L.V.D (thôn Khuổi Lòa, xã Minh Sơn) cho biết hồ chứa chất thải của nhà máy này trước đây là một thung lũng nước, sâu khoảng 150-180 m. Mỗi năm trôi qua, hàng nghìn tấn chất thải đã lấp kín thung lũng này. “Mỗi lần nhìn vào hồ chứa chất thải này tôi lại thấy lo lắng cho người dân dưới hạ nguồn suối Lũng Vầy,” anh D., buồn rầu nói.
Ông Thào Mỹ Chính, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Minh Sơn cũng khẳng định cứ mưa nhiều thì các hồ chứa chất thải trên địa bàn nghiễm nhiên tràn. “Nỗi lo lớn nhất của chúng tôi là mùa mưa lũ. Vừa qua, tôi đã đề nghị các sở, ngành trong tỉnh thẩm định, kiểm tra lại các hồ chứa xem có đảm bảo không. Nếu cứ làm rồi đổ cho thiên tai thì không được, người dân không thể chấp nhận!,” ông Chính nhấn mạnh.
Đáng chú ý là tại bãi thải của Mỏ quặng sắt Nam Lương, ghi nhận của phóng viên vào thời điểm giữa tháng 4/2024 cho thấy xung quanh sườn của bãi thải này hiện đang xuất hiện nhiều rãnh sụt lún kéo dài, có những vị trí lún sâu tới hơn 1m.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thuận Hòa Nguyễn Thị Chiêm cho biết trên địa bàn xã có mỏ sắt Nam Lương (của Công ty Cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản Nam Lương) và mỏ sắt Lũng Pù (của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đức Sơn), nhưng hiện chỉ có mỏ sắt Lũng Pù còn hoạt động theo giấy phép Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trước đây, các mỏ này đều đã có sự cố môi trường.
“Nhìn bãi thải, hồ thải của 2 công ty này, chúng tôi rất lo bởi khối lượng chất thải quá khổng lồ. Những khu vực này nếu xảy ra sự cố (sạt lở, sụt lún gây vỡ bờ bao), chất thải sẽ đổ thẳng xuống sông Miện. Cả đầu nguồn lẫn hạ nguồn sẽ bị nhiễm chất thải, ảnh hưởng rất lớn đến người dân ở hạ lưu,” bà Chiêm chia sẻ.
Nỗi lo của bà Chiêm thực sự đáng suy ngẫm bởi trong năm 2022, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đức Sơn đã từng bị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang xử phạt hành chính số tiền 150 triệu đồng. Công ty Cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản Nam Lương cũng bị phạt 253 triệu đồng do xả nước thải ra môi trường có thông số tổng chất rắn lơ lửng vượt 2,6 lần, thông số sắt vượt 1,29 lần giới hạn cho phép…
Điều “tréo ngoe” là mặc dù người dân, lãnh đạo ở các địa phương có mỏ khoáng sản đều bày tỏ những nỗi lo về mất an toàn của các bãi thải, hồ chứa chất thải trong tương lai, song doanh nghiệp dường như không mảy may lo ngại, thậm chí còn “đá bay” trách nhiệm vì đã có lá bùa hộ mệnh là “phí bảo vệ môi trường.”
Đơn cử như tại Mỏ sắt Lũng Pù, ông Bùi Mạnh Thắng - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đức Sơn cho biết doanh nghiệp này đang khai thác khoáng sản theo hình thức hầm lò và lộ thiên.
Mỗi năm, doanh nghiệp này khai thác đúng trữ lượng cấp phép khoảng 70.000 tấn quặng sắt. Thông thường 1,4 tấn quặng thô khai thác, công ty thu được khoảng 1 tấn kim loại; còn lại 0,4 tấn đất đá thải là bỏ đi. Mỗi tấn khoáng sản thu được, doanh nghiệp phải đóng 50.000-60.000 đồng phí môi trường.
Ông Thắng cũng cho biết hiện hồ chứa của công ty có hơn 10.000 tấn chất thải. Bãi thải này được chính ông Thắng tự thiết kế và khẳng định tương đối an toàn với địa hình đồi núi dốc vì có hệ thống rọ đá kè dưới chân hồ chứa nước thải.
Tuy nhiên, khi người viết băn khoăn về khả năng chống chịu với thiên tai do mưa lũ của bãi thải, ông Thắng cho hay: “Cái này chỉ làm để chống sạt lở chứ không hiểu chịu được cấp mấy. Sau khi có hệ thống rọ đá kè dưới chân hồ chứa nước thải, bên môi trường mới đồng ý về thiết kế để bãi thải hoạt động, còn sự cố tính sau.”
“Hiện sự cố không xảy ra nhưng lúc khác thì không biết trước được điều gì. Nếu có sự cố, doanh nghiệp sẽ chủ động cứu hộ, sự việc lớn quá không xử lý được thì Chính phủ sẽ dùng quỹ môi trường mà doanh nghiệp đóng để cho máy móc vào cứu hộ,” Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đức Sơn thản nhiên nói thêm.
Không chỉ gây thất thoát tài nguyên, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thảm họa sạt đất, đá trong mùa mưa lũ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, việc các bãi thải “khoáng sản đi kèm” nằm phơi mưa, nắng còn gây lãng phí vô cùng lớn khi các dự án, công trình giao thông trọng điểm tại nhiều địa phương trên cả nước hiện vẫn đang phải chịu cảnh “đói,” thiếu vật liệu san lấp. Nghịch lý “cơm thừa gạo thiếu” này do thiếu giải pháp căn cơ đã và đang làm tắc nghẽn “mạch máu” lưu thông của nền kinh tế, đẩy gánh nặng lên “vai” xã hội.
Đơn cử như tại tỉnh Quảng Ninh, để đáp ứng nhu cầu phát triển các đô thị, dự án đầu tư xây dựng (đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị), hàng năm, tỉnh này cần khối lượng vật liệu san lấp lên tới khoảng 130 triệu m3/năm.
Trong bối cảnh đất, đá thải từ quá trình khai thác của các mỏ than đang đổ thải thành “núi,” nhưng không “dễ dàng” sử dụng, trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã xác định được 79 mỏ đất đồi có thể đưa vào khai thác sử dụng làm vật liệu san lấp trong giai đoạn đến năm 2030.
Tuy nhiên với trữ lượng không lớn (chỉ khoảng 250 triệu m3), trường hợp Quảng Ninh bắt buộc phải “san phẳng” 79 mỏ đất đồi trên, thì trung bình mỗi năm tỉnh này cũng chỉ đáp ứng được 30 triệu m3/năm.
“Điều này đặt ra nguy cơ thiếu vật liệu san lấp rất lớn trong thời gian tới; ảnh hưởng đến tiến độ, việc triển khai các dự án công trình, dự án phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh,” báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề cập.
Cùng chia sẻ khó khăn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết trung bình mỗi năm tỉnh này có khoảng 25 triệu m3 đất, đá thải (tập trung khối lượng đất, đá thải lớn trong quá trình khai thác mỏ đồng Sin Quyền), song đến nay cũng chưa được nghiên cứu để sử dụng làm nguyên vật liệu phục vụ mục đích san lấp cho các dự án, công trình trên địa bàn.
Từ thực tế đơn vị triển khai công trình trọng điểm quốc gia, ông Hoàng Đức Thọ - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng, cho biết đơn vị đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ngoài ra, ban đang thực hiện một số dự án trọng điểm của tỉnh.
Tuy nhiên vấn đề thiếu vật liệu san lấp, đất đắp là một trong những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Nguyên nhân dẫn tới khó khăn, theo ông Long đó là Điều 64, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định việc tận dụng đất, đá từ đào nền đường chỉ được phép sử dụng cho công trình đó; không có hướng dẫn về việc sử dụng đất, đá thừa của dự án này để điều phối sang thực hiện dự án khác. Trong khi chỉ riêng dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, nhu cầu vật liệu đắp của dự án là khoảng 16 triệu m3, sau khi điều phối cân bằng đào đắp tối ưu, nhu cầu đất đắp từ mỏ của dự án khoảng 3 triệu m3.
“Đây là vấn đề cần sớm giải quyết để bảo đảm nguồn vật liệu, tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư,” ông Long trăn trở.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải trong năm 2023, các dự án cao tốc ở đồng bằng này có tổng chiều dài khoảng 355km sẽ cần khoảng 6,6 triệu m3 đá; 4,7 triệu m3 đất đắp và gần 54 triệu m3 cát đắp và san lấp… Tuy nhiên thực tế cho thấy việc khai thác cát sông, hay tìm kiếm các nguồn vật liệu san lấp thay thế cát sông như khai thác cát biển, vẫn đang gặp khó khăn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết năm 2024, nhu cầu sử dụng cát san lấp đối với các công trình có vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh là 6,03 triệu m3, chưa tính được nhu cầu dân dụng (tạm ước khoảng 30% của công nghiệp là 1,8 triệu m3). Theo đó, nhu cầu sử dụng cát trong toàn tỉnh khoảng 7,8 triệu m3. Tuy nhiên, với tổng khối lượng cho phép khai thác còn lại năm 2024 (5 giấy phép) là 535.000 m3/năm, thì nhu cầu sử dụng cát san lấp thiếu hụt khoảng 7,3 triệu m3.
Trong bối cảnh đó, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện được nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội nhận định là nguồn vật liệu thay thế hiệu quả để phục vụ san lấp mặt bằng cho các công trình giao thông. Tuy nhiên, việc tận dụng tro xỉ để thay thế một phần nguồn cát đến nay vẫn đang gặp không ít khó khăn, “mắc kẹt,” lãng phí vì chưa có hướng dẫn rõ ràng trong quá trình thực hiện, dù đã được phép sử dụng.
Ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tại tỉnh Trà Vinh cho thấy chỉ riêng các nhà máy nhiệt điện của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải ở tỉnh này hiện đang có gần 3,9 triệu tấn tro, xỉ tồn đọng trong suốt 8 năm qua. Nguồn tro, xỉ này được chôn lấp thành 2 bãi thải “âm” rộng lớn với độ sâu 8-10m. Bên trên bãi thải cỏ cây mọc cao tới gần 2m. Bên cạnh là con đường được nén bằng xỉ đá chắc chắn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Âu Nguyễn Đình Thảo - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, cho biết công ty này đi vào hoạt động sản xuất tại tỉnh Trà Vinh từ năm 2016.
Hiện công ty đang quản lý, vận hành 3 nhà máy nhiệt điện với tổng sản lượng điện phát hàng năm khoảng 20-21 tỷ kWh. Lượng tro xỉ thải ra từ các nhà máy tương đối lớn. Chỉ riêng trong quý 1/2024, tổng lượng tro xỉ chứa trong các bãi chứa của Trung tâm Điện lực Duyên Hải là 4,222 triệu tấn.
“Với tình hình tiêu thụ tro xỉ nhiệt điện hiện nay, nếu gần 3,9 triệu tấn tro, xỉ tồn đọng tại 2 bãi thải của công ty không sớm được giải quyết tiêu thụ, về lâu dài nguy cơ các bãi sẽ đầy tro xỉ là rất cao,” ông Thảo nói và bày tỏ lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nhu cầu sử dụng của xã hội về vật liệu san lấp thay thế cát; từ đó phát sinh về chi phí như buộc phải khai thác cát ở những vị trí xa hơn.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng cho biết những vướng mắc, bất cập trên đã làm chậm trễ tiến độ thi công của các công trình, dự án giao thông; khiến giá vật liệu đắt đỏ, gây bức xúc của người dân. Minh chứng là các công trình xây dựng nhà ở của dân ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, người dân khi làm nhà phải mua cát với giá rất đắt.
“Trong khi đó, khối lượng đất, đá đem đổ thải tại các bãi thải trên cả nước hiện nay rất lớn nhưng lại không sử dụng… Tôi cho rằng thực tế này là rất lãng phí; chưa kể có thời điểm xỉ than còn bị xuất lậu, bán ra nước ngoài, gây thất thoát tài sản của quốc gia. Cá nhân tôi đề xuất sử dụng xỉ than để làm vật liệu san lấp các công trình giao thông trong bối cảnh hiện nay,” đại biểu Phạm Văn Hòa nói./.