Nước Pháp nhìn từ đại dương xanh
Mega Story - Ngày đăng : 15:50, 10/12/2024
Nước Pháp nhìn từ đại dương xanh
Một quốc gia lớn mạnh cần phải có chiến lược biển. Chiến lược ấy không chỉ nằm ở những đội tàu chiến hiện đại, mà phải thể hiện trách nhiệm với những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, rác thải đại dương, cứu hộ-cứu nạn cũng như an ninh-an toàn trên biển... Nước Pháp từng là một trong những nước đi đầu trong kỷ nguyên Khám phá. Giờ Paris khẳng định, họ đang thể hiện trách nhiệm của một cường quốc biển trong thế kỷ 21 và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để giải quyết những vấn đề liên quan tới đại dương, và cũng là vấn đề liên quan đến tương lai của nhân loại.
Hàng triệu thế hệ trẻ em trên thế giới từng say mê với “Hai vạn dặm dưới biển” của Jules Verne, hay dõi theo những chuyến hải trình thú vị của thuyền trưởng huyền thoại Jacques Yves Cousteau. Nhưng giới trẻ ngày nay dường như thích thú với việc trở thành một YouTuber, hoặc vùi đầu vào trò PlayStation hơn là trở thành một nhà thám hiểm đại dương như trước đây.
Câu chuyện từ "thủ đô của đại dương"
“Vậy làm thế nào để các ngài truyền được cảm hứng với biển cả cho trẻ em Pháp?”
Cuộc gặp gỡ giữa nhóm phóng viên quốc tế với các nhà khoa học về biển tại Campus Mondial de la Mer ở Brest, bắt đầu với một câu hỏi như vậy, và nhận được sự tán thưởng xen lẫn hào hứng của các diễn giả. “Đây đúng là một thách thức lớn đối với chúng tôi,” thuyền trưởng Pierre Yves-Dupuy, người ấn tượng với Việt Nam vì “ở Hà Nội còn có người nói tiếng Pháp hay hơn tôi”, cho biết. “Nghĩa vụ của chúng tôi là phải liên tục tạo ra những người hùng biển cả mới, tạo ra những câu chuyện về đại dương hấp dẫn giới trẻ”.
Brest, thành phố nhỏ trở nên nổi tiếng vì có đội bóng lần đầu tiên trong lịch sử được tham dự Champions League, có nhiệm vụ như vậy. Dù chỉ có dân số chưa tới 200.000 dân, nhưng Brest được coi là thủ đô đại dương của nước Pháp, nơi đặt một căn cứ hải quân và những cơ quan quan trọng nhất về hải dương học của quốc gia hình lục lăng.
Nghĩa vụ của chúng tôi là phải liên tục tạo ra những người hùng biển cả mới, tạo ra những câu chuyện về đại dương hấp dẫn giới trẻ"
Hàng tuần, vẫn có những chuyến xe bus, chuyến tàu cao tốc (TGV) từ Paris, cũng như từ mọi miền trên nước Pháp đưa học sinh tới tham quan bảo tàng hải dương học ở Brest mang tên OceanOpolis. Khác với những thủy cung màu mè ở các công viên hay khu du lịch, OceanOpolis - dựng lên tại một xưởng đóng tàu cũ nay cải tạo thành khu phức hợp triển lãm-nhà hàng-mua sắm, lại hấp dẫn người xem bằng cách kể chuyện thú vị.
“Chúng tôi không chỉ muốn người xem ngắm nhìn các sinh vật biển, mà tìm hiểu câu chuyện hoặc tương tác bằng công nghệ thực tế tăng cường, để hiểu sâu về các thành viên của đại dương bao la. Và đặc biệt là tham tham gia các trò chơi tại bảo tàng, để từ đó hiểu được vì sao ta phải bảo vệ môi trường biển, vì sao phải hạn chế xả rác thải nhựa ra đại dương, vì sao một mẩu nhựa nhỏ cũng có thể gây ra bi kịch đối với một chú hải cẩu,” hướng dẫn viên tại bảo tàng OceanOpolis cho hay.
Những câu chuyện từ bảo tàng hải dương học sẽ được kết nối với nhiệm vụ của các thủy thủ trên biển, từ hoạt động thu dọn rác thải, ngăn thảm họa dầu tràn cho tới hoạt động chống khủng bố, hải tặc, bảo vệ an ninh hàng hải ở các vùng biển quốc tế.
“Đó là cách chúng tôi tạo ra những người hùng mới,” Dupuy tiếp lời. Dupuy hiện là giám đốc của Shom, cơ quan thuộc Hải quân Pháp, chuyên thu thập thông tin cần thiết về độ sâu, tính chất đáy biển, mực nước và dòng hải lưu… phục vụ cho an toàn hàng hải. Cơ quan này cũng tham gia hỗ trợ nhiều quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực nói trên, trong đó có Việt Nam.
Đấy chỉ là một trong vô vàn các cơ quan về Hải dương học của chính phủ Pháp đóng ở Brest, tập trung tại Campus, nơi đặt trụ sở của cộng đồng khoa học và công nghệ biển hàng đầu thế giới, phục vụ cho cả mục đích nghiên cứu khoa học lẫn dân dụng. Ngoài các ngành hàng hải truyền thống (vận chuyển, đánh bắt cá, đóng tàu…), các cơ quan đóng tại Campus còn tập trung vào việc phát triển những lĩnh vực đầy tiềm năng mới như an ninh hàng hải, công nghệ sinh học biển, năng lượng tái tạo biển và làm sạch môi trường biển…
Các chủ đề đều hướng tới nền kinh tế xanh, một chủ trương lớn của Pháp cũng như châu Âu. Sự đa dạng về chuyên môn này thể hiện chính sách nhất quán về phát triển xanh và hướng ra đại dương mà người Pháp theo đuổi suốt hơn nửa thế kỷ qua, dẫn đến sự ra đời của hàng loạt các cơ quan nghiên cứu đại dương đóng tại Campus. Ngoài Shom còn có Ifremer, Polar, Cedre, France Énergies Marines…, tạo nên mạng lưới hợp tác vô cùng rộng lớn với các thành phố biển trên thế giới, gồm cả thành phố Hải Phòng.
Tất cả những yếu tố trên đã biến Brest trở thành nơi lý tưởng để học tập và nghiên cứu về hàng hải (tại Université de Bretagne Occidentale, đại học biển của cả châu Âu), cũng như trao đổi thông tin, đổi mới sáng tạo lẫn kinh doanh, hay thậm chí là khởi nghiệp trong lĩnh vực đại dương. Hóa ra, Brest không chỉ có đội bóng đang là hiện tượng tại Champions League, vượt mặt các đàn anh giàu có như PSG hay Monaco, mà còn hấp dẫn bởi tiềm năng lớn về biển cả như vậy.
Con mắt nhìn ra biển
Như đã nói, chiến lược biển của Pháp được thực hiện từ hơn nửa thế kỷ qua. Nhưng lịch sử hàng hải gắn liền với những chuyến khám phá thì đã có từ hàng thế kỷ. Từ thế kỷ XVII, vị giáo chủ quyền uy của nước Pháp là Richelieu đã đặt một căn cứ hải quân tại Brest và hiện là căn cứ hải quân lớn thứ 2 ở Pháp sau Toulon. Thủ phủ của khu vực phía Tây Bretagne cũng được coi là “thành phố đại học” với 23.000 sinh viên, trong đó có số lớn đang theo học tại Học viện Hải quân Pháp đóng tại đây.
Chính vì những lý do đó, cộng với địa hình đặc biệt khi nằm ở mũi cực Tây nước Pháp, mà Brest còn là nơi đặt trụ sở của MICA, trung tâm an toàn hàng hải của Pháp có khả năng điều phối toàn cầu, đóng tại một pháo đài cổ nhìn ra Đại Tây Dương.
Theo Tư lệnh MICA, Chỉ huy tàu khu trục Thomas Scalabre, trung tâm được thành lập năm 2016 để thúc đẩy trao đổi thông tin và hợp tác an ninh, nhằm đối phó với các mối đe dọa từ các hoạt động cướp biển, khủng bố cũng như các tình huống mất an toàn an ninh hàng hải khác, bao gồm cả chống đắt bắt cá, khai thác thủy hải sản bất hợp pháp (IUU).
Tư lệnh Thomas Scalabre dẫn nhóm phóng viên đi tham quan trung tâm để chứng kiến các sỹ quan hải quân Pháp cùng một số quốc gia đối tác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ… liên tục dán mắt vào màn hình, nhận tín hiệu trực tiếp từ vệ tinh để theo dõi các điểm nóng như ở Vịnh Guinea, Vùng Sừng châu Phi, hay tâm điểm của cả thế giới trong thời gian qua là Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi tấn công các tàu chở hàng của phương Tây đi qua eo biển bận rộn này.
Các sỹ quan của MICA sẽ xác định và phân tích các tình huống có thể ảnh hưởng đến an toàn hàng hải. Các thông tin này được cung cấp cho các tàu, chủ sở hữu, cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra. Từ đó, các chủ tàu (hoặc các chính phủ) có thể duy trì liên lạc trực tiếp với tàu bị tấn công, đưa ra lựa chọn cảnh báo, cầu cứu các tàu khác trong khu vực.
Tư lệnh Thomas Scalabre cho biết, nhiệm vụ của trung tâm MICA được duy trì liên tục 24/7, bao gồm cả nhiệm vụ ATALANTA của liên minh châu Âu. Vị trí độc đáo của Brest, như chiếc nanh của một con khủng long đang há miệng vươn ra Đại Tây Dương, cho phép MICA chia sẻ kiến thức chuyên môn thực tế, thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải trên toàn cầu.
Riêng khu vực Vịnh Guinea, mỗi ngày có khoảng 1100 tàu được giám sát liên tục thông qua cơ chế đăng ký với MICA. Khoảng 50 công ty hàng hải lớn nhất thế giới hưởng lợi từ các cơ chế giám sát như vậy, và sự hợp tác giữa MICA với các trung tâm tương tự trên thế giới mở rộng ra 4 khu vực ưu tiên gồm Ấn Độ Dương, Vịnh Guinea, các vùng biển và Đông Nam Á và khu vực Địa Trung Hải.
Quản lý bền vững các đại dương
Những gì diễn ra hàng ngày ở trung tâm MICA cũng thể hiện rõ phần nào chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính phủ Pháp.
Đại sứ Indo-Pacific thuộc Bộ Ngoại giao Pháp, ông Marc Abensour cho biết, chiến lược của Paris đối với 2 vùng biển nói trên dựa trên những chuyển đổi lớn đang diễn ra trong không gian này, cũng như vai trò của Pháp thông qua các khu hành chính và cộng đồng hải ngoại. Theo bà Myriam Saint-Pierre, Vụ phó Vụ châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Pháp, hiện có tới hơn 1,6 triệu công dân công dân nước này sống ở các vùng lãnh thổ hải ngoại, trong khi 3/4 vùng đặc quyền kinh tế của Pháp (lớn thứ hai thế giới) nằm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tiếp nhóm phóng viên quốc tế tại phòng họp của Điện Elysee, ông Walid Fouque, cố vấn của Tổng thống Pháp về châu Mỹ, châu Á và châu Đại dương nhấn mạnh: Chính sách của Pháp là duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền, thông qua các hành động phù hợp với cách tiếp cận đa phương.
Năm 2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tiên đưa thuật ngữ “Indo-Pacific,” đưa nó trở thành khái niệm chính sách đối ngoại của Pháp. Cách tiếp cận của ông Macron được định hình bởi tài liệu đánh giá chiến lược về quốc phòng và an ninh quốc gia năm 2017, nêu bật sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như chỉ ra những rủi ro và lợi ích của Pháp.
Theo ông Foque, khiến triển khai chính sách Indo-Pacific, Pháp muốn cung cấp giải pháp cho những thách thức về an ninh, kinh tế, y tế, khí hậu và môi trường mà các quốc gia trong khu vực phải đối mặt. Mục tiêu được chuyển thành thành hành động cụ thể, dựa trên 4 điểm chính.
Điểm đầu tiên liên quan đến hành động của Pháp trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Theo đó, Paris muốn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn là khu vực rộng mở và bao trùm, ở đó mỗi quốc gia tôn trọng chủ quyền của quốc gia khác. Trong khu vực vốn là trung tâm của thương mại hàng hải toàn cầu và là nơi căng thẳng biên giới trên biển đang nổi lên, điều cần thiết là phải đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ đầy đủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Điểm chính thứ hai là vấn đề kinh tế, đặc biệt là khả năng kết nối cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số, những lĩnh vực mà các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có nhu cầu rất lớn. Một lần nữa, việc thúc đẩy và tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt liên quan đến thương mại, được ưu tiên.
Điểm thứ ba liên quan đến việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hiệu quả, dựa trên pháp quyền và bác bỏ sự ép buộc.
Biển cả ẩn chứa quá nhiều tài nguyên lẫn tiềm năng mà chúng ta chưa khai thác hết. Nhưng cũng chính vì thế mà chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ các đại dương.
Điểm thứ tư liên quan đến thành phần thiết yếu trong chiến lược của Pháp là cam kết đối với lợi ích chung. Trên hết, không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ quyết định khả năng của Pháp trong việc giải quyết các yêu cầu nghiêm ngặt về khí hậu và đa dạng sinh học. Ở lĩnh vực, Pháp đang thúc đẩy chính sách ngoại giao môi trường đầy tham vọng, huy động các đối tác của mình thực hiện những sáng kiến cụ thể để chuyển đổi năng lượng, bảo vệ đa dạng sinh học và quản lý bền vững các đại dương.
Đấy cũng là thế mạnh của Pháp, thông qua các trung tâm chiến lược nằm ở Brest. Theo kế hoạch, Tổng thống Pháp Macron sẽ đi thăm một loạt quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm 2025 nhằm hiện thực hóa những mục tiêu của mình trong khu vực này. Và tâm điểm của năm tới sẽ là Hội nghị Thượng đỉnh về Đại dương do Liên hợp quốc tổ chức (UN Ocean Conference) mà Pháp sẽ đăng cai ở Nice vào tháng 6/2025. Đấy sẽ là diễn đàn để ông Macron tái khẳng định những tham vọng của Pháp trong chiến lược biển, cũng như mở ra cơ hội hợp tác về đại dương giữa các quốc gia.
Hẹn gặp ở Nice!
Trong chuyến thăm chính thức tới Pháp từ 6-7/10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn nhằm đưa khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp với khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh mới.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).