Tổng Kiểm toán Nhà nước: Phòng chống tham nhũng, lãng phí là "sứ mệnh" của Kiểm toán Nhà nước
Mega Story - Ngày đăng : 14:39, 17/01/2025
Tổng Kiểm toán Nhà nước: Phòng chống tham nhũng, lãng phí là "sứ mệnh" của Kiểm toán Nhà nước
Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới với những yêu cầu cấp bách về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định vai trò tiên phong và quyết tâm hành động. Trao đổi với Báo Điện tử VietnamPlus, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí chính là ‘sứ mệnh’ của Kiểm toán Nhà nước."
Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới với những yêu cầu cấp bách về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định vai trò tiên phong và quyết tâm hành động.
Trao đổi với Báo Điện tử VietnamPlus, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí chính là ‘sứ mệnh’ của Kiểm toán Nhà nước."
- Thưa Tổng Kiểm toán, từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, ông có đánh giá như thế nào về việc triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại các bộ, ngành và địa phương hiện nay? Đâu là những vấn đề cần đặc biệt lưu ý để nâng cao hiệu quả công tác này?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn: Qua kiểm toán cho thấy, cơ bản các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện chặt chẽ việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Gần đây, Kiểm toán Nhà nước thường xuyên nhận được các đề nghị kiểm toán của các cơ quan, đơn vị nhằm giúp phát hiện từ sớm, từ xa những sai sót, lãng phí, tiêu cực trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công để kịp thời khắc phục và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện một số hiện tượng, dấu hiệu lãng phí, sử dụng kém hiệu quả nguồn lực công và đã kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi Ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm; Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân; Chuyển nhiều hồ sơ cho các cơ quan chức năng để thanh tra, điều tra, xử lý theo quy định.
Kiểm toán Nhà nước thấy rằng để triển khai chất lượng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý tài chính công, tài sản công, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý tập trung vào một số lĩnh vực đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.
Trong đó, lĩnh vực chi thường xuyên cần khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, nhiều lần, không sát thực tế, không có nhiệm vụ chi cụ thể, phân bổ khi chưa đủ điều kiện dẫn đến không giải ngân được, phải hủy dự toán, phân bổ vượt định mức...
Bên cạnh đó, lĩnh vực chi đầu tư cần khắc phục tình trạng bố trí vốn khi chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, phân bổ vượt khả năng thực hiện, vượt nhu cầu... dẫn đến không giải ngân được, phải điều chỉnh giảm hoặc tỷ lệ giải ngân thấp, kế hoạch vốn phải hủy bỏ lớn; Thiết kế chưa tiết kiệm, chưa phù hợp; Nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ làm giảm hiệu quả vốn đầu tư, gây lãng phí...
Liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản, cần khắc phục tình trạng bỏ hoang đất, chưa sử dụng hết diện tích đất được giao hoặc sử dụng không hiệu quả, chưa đúng mục đích, để bị lấn chiếm, tranh chấp; thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định...
- Vậy, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, đâu là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hiện nay? Và, đâu là giải pháp căn cơ mà Kiểm toán Nhà nước đề xuất để khắc phục tình trạng này?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn: Qua tổng kết thực tiễn và kết quả kiểm toán cho thấy, tình trạng thất thoát, lãng phí đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, trong đó có nguyên nhân do cơ chế, chính sách còn bất cập, chồng chéo, không đầy đủ, thiếu nhất quán hoặc chưa theo kịp yêu cầu phát triển... Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính công, tài sản công tại một số nơi, một số đơn vị chưa nghiêm. Thêm vào đó, trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức thực thi pháp luật còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả hoạt động của một số bộ phận còn thấp. Công tác tự kiểm tra, kiểm soát của đơn vị cũng như kết quả kiểm tra, giám sát, kiểm toán chưa đáp ứng nhu cầu mong muốn, chưa thực sự chú trọng đi sâu kiểm tra đánh giá công tác lãng phí đến cùng...
Do đó, giải pháp được Kiểm toán Nhà nước đề xuất là tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo hướng minh bạch, chặt chẽ, đầy đủ và đồng bộ. Tăng cường quản lý Nhà nước về tài chính công, tài sản công theo hướng gắn trách nhiệm với quyền hạn và nghĩa vụ, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tài sản công.
- Trong bối cảnh mới, với nhiều thách thức và yêu cầu đặt ra, Kiểm toán Nhà nước sẽ có những định hướng và giải pháp gì để nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn: Trong bối cảnh mới đặt ra hiện nay, Kiểm toán Nhà nước sẽ bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng, các nghị quyết, yêu cầu của Quốc hội để tổ chức hoạt động kiểm toán hiệu quả. Cụ thể là quan tâm lựa chọn kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những vấn đề “nóng” được dư luận xã hội và cử tri quan tâm; tập trung phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với Ðảng, Nhà nước hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật.
Đồng thời, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, tập trung vào lĩnh vực có nguy cơ cao về lãng phí nguồn lực như tài nguyên khoáng sản, đất đai, mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng; chú trọng nâng cao chất lượng ý kiến về dự toán ngân sách, phương án phân bổ ngân sách, ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia để phòng ngừa lãng phí ngay từ đầu.
Kiểm toán Nhà nước sẽ đẩy mạnh công khai kết quả kiểm toán, đặc biệt là công khai các vụ việc lãng phí và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan, tạo áp lực và tác động mạnh mẽ mang tính hiệu ứng, tạo dư luận xã hội rộng rãi để cùng tham gia vào quá trình giám sát hoạt động của các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư công, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của các kiểm toán viên; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán...
- Thưa ông, việc ban hành Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước mới đây có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt là trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí? Kiểm toán Nhà nước sẽ có những biện pháp gì để đảm bảo hệ thống chuẩn mực này được thực thi hiệu quả?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn: Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực cả trong hoạt động kiểm toán và hoạt động quản lý nội ngành Kiểm toán Nhà nước, cụ thể:
Thứ nhất, Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước là các hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ bảo đảm tính chuyên nghiệp, khách quan cho kiểm toán viên Nhà nước, cung cấp phương pháp tiếp cận, cách thức thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán và đưa ra ý kiến kiểm toán để đảm bảo kết quả kiểm toán được đánh giá khách quan, trung thực, đáp ứng niềm tin của người sử dụng báo cáo kiểm toán, góp phần phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước quy định trách nhiệm của kiểm toán viên Nhà nước trong việc đánh giá tính tuân thủ pháp luật và các quy định để từ đó phát hiện các hành vi không tuân thủ pháp luật, các hành vi gian lận có nguy cơ dẫn đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và có các biện pháp xử lý phù hợp.
Thứ ba, Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước cũng đặc biệt nhấn mạnh và đề cao đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn của kiểm toán viên Nhà nước để nâng cao hơn nữa tính độc lập, khách quan và chuyên nghiệp của kiểm toán viên Nhà nước, thể hiện rõ quan điểm của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đó là công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không chỉ được thực hiện thông qua hoạt động kiểm toán mà còn trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên từ chính trong ngành.
Thứ tư, Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước cũng là căn cứ để giám sát hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán viên Nhà nước, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán, giúp các đơn vị được kiểm toán có chỉ dẫn để phối hợp trong hoạt động kiểm toán và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Để bảo đảm Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước được thực thi hiệu quả, về phía Kiểm toán Nhà nước, trước hết cần nâng cao nhận thức của toàn Ngành về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc áp dụng và tuân thủ Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước. Về phía các cơ quan, đơn vị và công chúng, cần hỗ trợ giám sát, tăng cường phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để các Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống. Đây là điều kiện tiên quyết để Kiểm toán Nhà nước tăng cường năng lực, phát huy tốt vai trò, vị thế, góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xây dựng nền tài chính quốc gia ngày càng minh bạch, lành mạnh, bền vững.
- Bên cạnh đó, xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những kết quả nổi bật mà Kiểm toán Nhà nước đã đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thông qua cả hoạt động kiểm toán và nỗ lực nội bộ của ngành?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn: Để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, Kiểm toán Nhà nước đã xác định phòng, chống tham nhũng, lãng phí là “sứ mệnh” của mình.
Theo đó, để thực hiện hiệu quả chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Kiểm toán Nhà nước đã cụ thể hóa đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng Kiểm toán Nhà nước, như Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước, Quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đồng thời ban hành các hướng dẫn kiểm toán về phòng, chống lãng phí, các quy định về tổ chức hoạt động kiểm toán để tổ chức thực hiện có hiệu quả, chất lượng.
Kiểm toán Nhà nước đã triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng Kế hoạch kiểm toán một cách khoa học, hiệu quả; các nhiệm vụ, chủ đề kiểm toán tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
Qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đều chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán, qua đó, kiến nghị thu hồi, giảm chi Ngân sách Nhà nước, kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị. Đặc biệt là kiến nghị sửa đổi những kẽ hở trong cơ chế, chính sách dễ dẫn đến tham nhũng, lãng phí đồng thời đã kịp thời phát hiện, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đặc biệt coi trọng phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong nội bộ Ngành. Việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước luôn được chú trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy các cấp, nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kiểm toán Nhà nước cũng đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm kiểm soát quyền lực và đấu tranh, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong nội bộ Ngành. Đặc biệt là công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, minh bạch tài sản, thu nhập và trong công tác tuyển dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ./.
- Xin cảm ơn ông!