Ngành Ngân hàng: Từng bước hóa giải những thách thức để đạt các mục tiêu
Mega Story - Ngày đăng : 18:33, 17/01/2025
Ngành Ngân hàng: Từng bước hóa giải những thách thức để đạt các mục tiêu
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp nhưng kinh tế trong nước phục hồi tích cực, GDP năm 2024 tăng trưởng ấn tượng đạt 7,09% (nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới). Bên cạnh đó lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Có được thành công đó có đóng góp không nhỏ của điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và sự nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng.
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp nhưng kinh tế trong nước phục hồi tích cực, GDP năm 2024 tăng trưởng ấn tượng đạt 7,09% (nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới). Bên cạnh đó lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Có được thành công đó có đóng góp không nhỏ của điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và sự nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng.
Để kích thích hàng hóa lưu thông, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định chính sách tiền tệ sẽ được điều hành theo hướng linh hoạt, chủ động ngay từ những tháng đầu năm đồng thời bám sát các diễn biến của thị trường trong năm để có những ứng phó phù hợp.
Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước về những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước năm 2024 và định hướng nhiệm vụ năm 2025.
- Thưa Phó Thống đốc, như ông từng nói ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh, ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, vì thế trong năm 2024, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, đối với điều hành lãi suất, sau khi điều chỉnh giảm mạnh lãi suất vào năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đây là bước đi thể hiện sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước, trong khi lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao và chỉ đến cuối năm mới điều chỉnh giảm, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại đã giảm 0,48% so với năm 2023 (riêng 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank, lãi suất cho vay đã giảm gần 1%).
Đối với điều hành tín dụng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu, năm 2024 Ngân hàng Nhà nước đã chủ động 02 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024) mà không cần đề nghị từ phía các tổ chức tín dụng để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về nghiên cứu dỡ bỏ dần biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng với 16 văn bản được ban hành trong một thời gian ngắn, trong đó có nhiều quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp. Khách hàng có thể thực hiện vay vốn trên môi trường số mà không cần trực tiếp đến ngân hàng (cho vay bằng phương tiện điện tử), đơn giản hóa thủ tục vay vốn đối với các khoản cho vay có mức giá trị nhỏ bao gồm cả việc cấp tín dụng qua thẻ...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và nỗ lực hơn nữa để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó một số chương trình triển khai hiệu quả và nhiều lần được nâng quy mô như chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản; chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư (hiện số vốn đăng ký đã trên 145.000 tỷ đồng). Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã khẩn trương, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Đến ngày 31/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 15,08% so với cuối năm 2023.
- Năm 2024 cũng chứng kiến những hậu quả nặng nề của thiên tai đặc biệt là cơn bão số 3. Với tinh thần tương thân tương ái, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, ngành Ngân hàng đã triển khai các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 ra sao, thưa Phó Thống đốc?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Cơn bão số 3 vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế-xã hội của nhiều địa phương. Theo thống kê của 26 Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, có khoảng 124.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ là khoảng 192.000 tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng dư nợ trên địa bàn. Với tinh thần tương thân tương ái, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai quyết liệt, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao nhất các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 4 văn bản và tổ chức Hội nghị trực tuyến với Ủy ban Nhân dân 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 để chỉ đạo và triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ tháo khó khăn giúp người dân doanh nghiệp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định hiện hành; xây dựng các chương trình, các gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp, khẩn trương xét duyệt cho vay mới và tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người vay nhất là vấn đề tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh sau bão.
Về phía các tổ chức tín dụng, trên cơ sở chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng khách hàng, các tổ chức tín dụng đã tích cực và khẩn trương ban hành, công bố công khai các chương trình, các gói tín dụng nhằm kịp thời hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra, tạo điểu kiện khách hàng khôi phục và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến 30/11/2024, các ngân hàng thương mại đã cho vay mới theo các chương trình ưu đãi với doanh số lũy kế là khoảng 43.000 tỷ đồng; hạ lãi suất cho những khoản vay hiện hữu đối với dư nợ khoảng 102.000 tỷ đồng.
Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1510 ngày 04/12/2024 quy định về phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt; lũ, sạt lở đất sau bão số 3; ban hành Thông tư 53 ngày 04/12/2024 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau cơn bão số 3.
Với các quy định này, khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau cơn bão số 3 được tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Chính sách được thực hiện đến hết ngày 31/12/2025.
Các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi của ngành Ngân hàng đã phát huy hiệu quả, giúp giảm bớt tác động tiêu cực của bão Yagi đối với đời sống và kinh tế của người dân, doanh nghiệp. Việc giữ vững nguồn lực tài chính và các hỗ trợ kịp thời đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi sau thiên tai, giúp cho người dân và doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn và trở lại hoạt động bình thường.
- Năm 2025 tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức và đan xen cả những cơ hội, xin Phó Thống đốc cho biết về định hướng điều hành tín dụng trong năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra mục tiêu cho năm 2025, đó là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt tối thiểu 8%) trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (bình quân khoảng 4,5%), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bối cảnh quốc tế và trong nước trên đây đặt ra không ít những khó khăn, thách thức đối với ngành Ngân hàng nói chung và công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nói riêng trong năm 2025. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự linh hoạt, chủ động, quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành và những nỗ lực, trách nhiệm cao của hệ thống ngân hàng sẽ từng bước hóa giải những thách thức để đạt các mục tiêu.
Chúng tôi sẽ bám sát mục tiêu, định hướng của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Đối với điều hành tín dụng, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ động rà soát để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Xây dựng các sản phẩm tín dụng cho các ngành, lĩnh vực phù hợp với chiến lược kinh doanh, khả năng cân đối nguồn lực của tổ chức tín dụng, chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm. Tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp sau bão số 3 (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất, cho vay mới khôi phục, duy trì sản xuất kinh doanh…). Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp; triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Chương trình cho vay liên kết thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ…) và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
- Xin chân thành cảm ơn Phó Thống đốc!