Tản mạn về hình tượng Rắn trong văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam

Mega Story - Ngày đăng : 06:25, 19/01/2025

Tản mạn về hình tượng Rắn trong văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam
Mega Story

Tản mạn về hình tượng Rắn trong văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam

{Tên tác giả} 19/01/2025 06:25

Tản mạn về hình tượng Rắn trong văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam

minh-thu-ran-cover-ngang(1).png

Trong mười hai con giáp, Rắn đứng thứ sáu và có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và phong tục của dân tộc. Hình tượng Rắn xuất hiện phổ biến trong các đồ án trang trí mỹ thuật, kiến trúc truyền thống.

Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nếu Rồng là biểu tượng gắn liền với vương quyền thì Rắn dường như gần gũi hơn với đời sống con người: Vừa mang ý nghĩa tốt lành, may mắn, sinh sôi; vừa có tính uy nghiêm, linh thiêng, khiến người ta kinh sợ. Ở Rắn có sự hài hòa âm-dương, thiện-ác, là biểu tượng vừa trần thế vừa tâm linh.

minh-thu-1.png

Ở góc độ nghiên cứu, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho hay tại Việt Nam, ngoài hình tượng Rắn thần Naga xuất hiện nhiều trong tín ngưỡng và văn hóa Champa, hình tượng Rắn còn được phát hiện trên trống đồng Ngọc Lũ (văn hóa Đông Sơn), cách nay khoảng 2000 năm.

Cụ thể, trống đồng Ngọc Lũ (trống đồng phát hiện tại làng Ngọc Lũ, Hà Nam) có hình tượng Rắn nước nằm ngửa há mồm, thân Rắn hình thuyền (đó là hình tượng sớm nhất của thuyền rồng), phía trên là hình tượng con chim cụp cánh lao đầu vào miệng Rắn.

vnp_ran2.jpg
Rắn Naga phổ biến trong các ngôi chùa Phật giáo Khmer tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn lý giải: “Hình tượng Rắn nuốt chim là thể hiện sự lưỡng hợp-lưỡng nghi. Rắn là vật dưới nước tượng trưng cho âm, còn chim là vật trên trời tượng trưng cho dương, chim lao đầu vào miệng rắn là sự hòa hợp âm-dương.”

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng Rắn hay Tỵ là một trong 12 con vật biểu tượng của năm. Dù là năm hay tháng, ngày, giờ thì bốn cữ này cũng nằm trong vòng tuần hoàn thập nhị địa chi. Rắn có nhiều ý nghĩa đặc biệt mà 11 con vật kia không có.

vnp_ran1.jpg
Rắn Naga tại Chùa Phật Nằm, Sóc Trăng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Họa sỹ Lê Thiết Cương phân tích, hình tượng Rắn rất gần với Phật giáo. Khi Đức Phật tọa thiền tại cây Mucalinda, bỗng nhiên có một trận mưa to kéo đến. Vào lúc ấy, mãng xà vương Mucalinda, từ ổ chui ra, uốn mình quấn quanh Đức Phật bảy vòng và dùng bảy chiếc đầu của mình làm thành một chiếc tán che chở cho Đức Phật. Trong Phật giáo, Rắn thần Naga cũng được Đức Phật Thích Ca giao cho việc bảo vệ Kinh Bát nhã.

Cũng từ đó hình tượng Rắn thần Naga chiếm vị trí quan trọng không chỉ trong kinh sách mà còn ảnh hưởng lớn đến kiến trúc, điêu khắc Phật giáo, đặc biệt trong các ngôi chùa Phật giáo Nam tông thì Rắn trở thành một biểu tượng không thể thiếu trong các họa tiết, hoa văn trang trí.

vnp_tetty2.jpg
Họa sỹ Lê Thiết Cương và họa sỹ Hoàng Phương Liên trong triển lãm "Tết Tỵ." (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Thêm nữa, tục thờ Rắn là tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt với hai ý nghĩa chính là vật tổ và thủy thần. Chính vì sợ Rắn nên con người đã thần thánh hóa loài Rắn, thờ cúng Rắn để mong Rắn bảo vệ cho mình. Có thể tìm thấy điều này trong các câu chuyện cổ tích, huyền thoại, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật, mỹ thuật, tạo hình. Đặc biệt, trong các đền phủ thờ Mẫu luôn phối thờ Rắn, gọi là ông lốt.

Cùng quan điểm đó, Tiến sỹ Chu Xuân Giao (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho hay Rắn là linh vật quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Lối vào chính điện thờ Mẫu luôn có Thanh Xà, Bạch Xà được thờ ở hai bên như vị thần quan sát, hộ vệ cho điện thờ. Ở khu vực đồng bằng Bắc bộ, người dân từ nhiều đời nay đã thờ phụng Ông Cộc-Ông Dài, là cặp Rắn thần bảo hộ cho con người vùng sông nước.

Trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam, hình tượng Rắn còn mang ý nghĩa sinh sôi, nảy nở, dựa trên tập tính lột da của loài Rắn trong tự nhiên.

“Rắn là linh vật cổ xưa của người Việt. Đến với các di tích, di vật càng lâu đời thì càng dễ bắt gặp hình tượng Rắn. Nếu như Rồng là biểu tượng gắn với vương quyền thì Rắn gần gũi, bình dị, gần với dân gian hơn,” Tiến sỹ Chu Xuân Giao cho biết.

minh-thu-2(3).png

Dẫu là một biểu tượng linh thiêng trong tôn giáo, tín ngưỡng thì việc thể hiện hình tượng Rắn trong các tác phẩm mỹ thuật vẫn là một thách thức đối với các nghệ sỹ đương đại.

Nhân Tết Ất Tỵ năm nay, nhiều nghệ sỹ đã tìm cảm hứng sáng tạo từ hình tượng Rắn để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật mừng Xuân thấm đẫm tinh thần văn hóa dân tộc mà không kém phần hiện đại, hội nhập.

latoa2.png
Tác phẩm tranh sơn mài “Ngũ phúc lâm môn” của họa sỹ Lương Minh Hòa và nhóm cộng sự Latoa Indochine.

Có thể kể đến tác phẩm tranh sơn mài “Ngũ phúc lâm môn” của họa sỹ Lương Minh Hòa và nhóm cộng sự Latoa Indochine.

Các nghệ sỹ sử dụng nhiều biểu tượng truyền thống của mỹ thuật Việt như ngôi nhà, con rùa, con dơi biểu trưng cho sự ổn định, trường thọ và phúc lành. Những biểu tượng trên được đặt trên mình Rắn uốn thành chữ Phúc. Trên đầu Rắn có họa tiết ngọc như ý, tượng trưng cho sự “cầu được ước thấy.”

vnp_latoa8.jpg
(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Rắn thường có tập tính là lột da để phát triển ngày một lớn hơn, hoàn thiện hơn, vì vậy Rắn là biểu tượng của sự mới mẻ và cũng tượng trưng cho sự mềm dẻo, uyển chuyển trong cuộc sống để vượt qua những chướng ngại vật.

Họa sỹ Lương Minh Hòa

“Rắn thường có tập tính là lột da để phát triển ngày một lớn hơn, hoàn thiện hơn, vì vậy Rắn là biểu tượng của sự mới mẻ và cũng tượng trưng cho sự mềm dẻo, uyển chuyển trong cuộc sống để vượt qua những chướng ngại vật. Bức tranh Rắn uốn mình thành chữ Phúc, trong Phúc lại có nhiều biểu tượng mang ý nghĩa tốt lành sẽ là món quà ý nghĩa trong dịp Xuân mới,” họa sỹ Lương Minh Hòa cho biết.

Cũng chung tình yêu với sơn mài truyền thống, họa sỹ Lê Huy (Lamphong Studio) sáng tạo tác phẩm “TY.” với hình ảnh một đôi Rắn quấn lấy nhau, mang ý nghĩa tròn đầy, sung túc.

Thân Rắn mang dáng hình của tre, dẻo dai, mềm mại mà vững chãi, tượng trưng cho đức tính kiên cường, bển bỉ, dung nhẫn và bất khuất của người Việt. Mình Rắn được khắc chìm và thếp vàng bộ tứ quý “Mai-Liên-Cúc-Trúc” tượng trưng cho bốn mùa, mang tư tưởng trí tuệ và giá trị tinh thần, triết lý sâu sắc: Mai cốt cách, Sen thuần khiết, Cúc nảy nở và Trúc quân tử.

Theo họa sỹ Lê Huy, “TY.” được tạo hình với hai module tùy biến, có thể là một đôi Rắn đan lồng vào nhau như một bản hoan ca tình yêu, cũng có thể xếp thành số 2025 tượng trưng cho năm mới, là lời chúc mọi người một năm tròn đầy, thịnh vượng, ngập tràn tình yêu và hạnh phúc.

Nhận định về sáng tạo của các nghệ sỹ trong năm Rắn, đạo diễn Vương Đức, nguyên Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam cho rằng họ sáng tạo không chỉ để đón năm mới mà các tác phẩm đều là kết quả của quá trình nghiên cứu, tìm tòi, chiêm nghiệm trong nhiều năm. Họ chỉ “mượn” hình tượng Rắn làm phương thức biểu đạt.

vnp_tetty.jpg
Đạo diễn Vương Đức (phải) thưởng thức tác phẩm “Vòng trường sinh” của họa sỹ Vương Linh. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đạo diễn Vương Đức đã dành thời gian thưởng thức nhiều tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ Rắn để chào đón Tết Ất Tỵ. Cá nhân ông hứng thú với hình ảnh Rắn tối giản mà triết lý trong tranh của họa sỹ Lê Thiết Cương, gia đình Rắn quây quần trong tranh xé giấy của họa sỹ Hoàng Phương Liên hay đôi Rắn quấn lấy nhau trong tác phẩm “Vòng trường sinh” của họa sỹ Vương Linh.

“Trong hệ sinh thái có Rắn lành, có Rắn độc, cũng như loài người có thiện, có ác. Các họa sỹ không ngại vẽ Rắn, thể hiện Rắn ở góc độ đáng yêu, hiền lành, hướng thiện, thể hiện mong muốn con người luôn hướng thiện, hướng đến những điều tốt đẹp,” đạo diễn Vương Đức nhận định./.

tac-gia(2).png