Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh Vững tin đưa thị trường bất động sản bước vào kỷ nguyên mới

Kỷ nguyên vươn mình - Ngày đăng : 10:43, 20/01/2025

Một mùa Xuân mới đang về. Vận hội mới cùng với những tín hiệu tốt lành, tươi đẹp đang đến với đất nước Việt Nam thanh bình và mến khách.
Kỷ nguyên vươn mình

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh Vững tin đưa thị trường bất động sản bước vào kỷ nguyên mới

Hùng Võ 20/01/2025 10:43

Một mùa Xuân mới đang về. Vận hội mới cùng với những tín hiệu tốt lành, tươi đẹp đang đến với đất nước Việt Nam thanh bình và mến khách.

thu-truong-sinh.jpg

Hòa trong niềm vui thành công của cả nước, ngành Xây dựng trong năm qua đã “về đích” với nhiều thành tích đặc biệt quan trọng, tạo đà cho năm 2025 bứt phá, hoàn thành mục tiêu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh; cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trước thềm Xuân Ất Tỵ 2025, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh về những điểm sáng nổi bật của ngành Xây dựng trong năm qua cũng như nhiệm vụ trong năm mới, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực cho thị trường bất động sản mạnh mẽ vươn mình.

tet-2025_tit-phu-1(2).jpg

- Đầu tiên, xin Thứ trưởng cho biết những điểm sáng nổi bật của ngành Xây dựng, đặc biệt là thị trường bất động sản trong năm 2024?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, ngành Xây dựng đã chủ động, tích cực nghiên cứu, kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng để hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Xây dựng. Đặc biệt, ngày 26/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (Luật số 47/2024/QH14), có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024.

Tăng trưởng chung của ngành Xây dựng trong năm 2024 đạt khoảng 7,8% - 8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,4% - 7,3%). Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành Xây dựng đạt được từ năm 2020 đến nay, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế.

Tăng trưởng chung của ngành Xây dựng trong năm 2024 đạt khoảng 7,8% - 8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (6,4% - 7,3%). Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành Xây dựng đạt được từ năm 2020 đến nay.

Đối với thị trường bất động sản, ngay từ đầu năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng hành của Quốc hội; sự vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương; cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, ​nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn,… thị trường bất động sản đã có sự chuyển biến tích cực, vững vàng nền móng phát triển.

tet-2025_trich-dan-3.jpg

Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhà ở, bất động sản đã được sửa đổi, bổ sung ban hành mới.

Cụ thể tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 20223, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, cho phép thời điểm hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024 (tức sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó là ngày 1/1/2025).

Quyết định trên đã góp phần sớm đưa các nội dung đổi mới của luật vào thực tiễn, kịp thời giải quyết các tồn tại, bất cập, phát huy những ưu việt của chính sách, quy định tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở.

Với những giải pháp quyết liệt từ Trung ương, các bộ, ngành đến địa phương, cùng với sự đồng lòng của người dân, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, đến nay thị trường bất động sản đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Một số dự án bất động sản đã được giải quyết, tháo gỡ nút thắt để tiếp tục triển khai, nguồn cung nhà ở tăng nhẹ, nhiều dự án nhà ở xã hội đã được triển khai.

vnp_nha-o999.png
Thị trường bất động sản đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cụ thể, về nguồn cung nhà ở thương mại, hiện cả nước có 59 dự án hoàn thành với quy mô khoảng 16.720 căn (bằng 101,72% so với năm 2023). Về nguồn cung nhà ở xã hội, cả nước đã thực hiện được tổng cộng 48 dự án, tăng khoảng 9% so với năm 2023 (trong đó hoàn thành 28 dự án với quy mô khoảng 20.284 căn, cấp phép và khởi công xây dựng 20 dự án với quy mô 22.306 căn). Tổng lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ khoảng 137.386 căn, tổng lượng giao dịch đất nền khoảng 446.899 lô/nền (tăng 38% so với năm 2023)…

- Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó, phát triển nhà ở xã hội được xem là một trong những giải pháp “nòng cốt” để cải thiện nguồn cung cho thị trường bất động sản. Vậy, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả sau hơn 1 năm triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp là vấn đề quan trọng, được cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm; được coi là một trong các tiêu chí, chính sách quan trọng, nhân văn nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm.

Theo đó, ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.” Ngày 24/5/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

Về phía Bộ Xây dựng, chúng tôi cũng đã tham mưu tổ chức 2 hội nghị thúc đẩy nhà ở xã hội và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Triển khai đề án trên, đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 645 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 581.218 căn. Trong số đó, có 96 dự án với quy mô 57.652 căn đã hoàn thành; 135 dự án với quy mô 115.630 căn đã khởi công xây dựng; 414 dự án với quy mô 407.936 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Riêng năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành (tăng khoảng 46% so với năm 2023, tương đương khoảng 6.420 căn).

Đến nay, nhiều tỉnh, thành cũng đã thực hiện quy hoạch, dành quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội. Cụ thể, cả nước đã quy hoạch hơn 1.309 khu đất với 9.756 ha để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó nhiều địa phương dành quỹ đất lớn, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng…

Với Chương trình tín dụng 120.000 tỷ cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho vay khoảng trên 4.000 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 2.360 tỷ đồng.

nha-o-xa-hoi.jpg
Đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 645 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 581.218 căn. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù đã đạt được những kết quả như trên, tuy nhiên trong thời gian qua, việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội vẫn chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân là bởi các địa phương, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định pháp lý trong việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, vẫn còn có tâm lý e ngại, chờ đợi các quy định pháp luật mới được ban hành (như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản với các quy định thông thoáng hơn có hiệu lực thi hành mới triển khai thực hiện). Việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cũng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn.

- Trước thực tế trên, thời gian qua, ngành đã đề xuất, đưa ra giải pháp gì để thúc đẩy, hoàn thành mục tiêu đề án đặt ra, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Để thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất cao từ các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cũng như doanh nghiệp.

Đầu năm 2025, chúng tôi cũng đã báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị thúc đẩy nhà ở xã hội và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững - thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của người dân hiện nay.

Tới đây ngành sẽ tiếp tục có đánh giá toàn diện, tập trung đôn đốc triển khai để làm sao có kết quả tốt hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn hơn.

tet-2025_tit-phu-2.jpg

- Với nền tảng quyết sách được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Thứ trưởng nhận định như thế nào vào sự phục hồi, phát triển đối với thị trường bất động sản trong giai đoạn tới?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Mặc dù vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên thị trường bất động sản năm 2025 có rất nhiều điều kiện, cơ hội để tiếp tục đà phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thứ nhất, hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, đất đai đã được hoàn thiện trong năm 2024 sẽ có thời gian để phát huy hiệu quả và đáp ứng với yêu cầu từ thực tiễn. Hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như: Luật Nhà ở năm 2023; Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023; Luật Đất đai năm 2024; Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cùng các văn bản quy định chi tiết; Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất,… chắc chắn sẽ giúp các địa phương, các doanh nghiệp xử lý được các tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, xây dựng nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

vnp_bds2.png
Thị trường bất động sản năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến tích cực. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Thứ hai, nguồn vốn cho thị trường bất động sản dần được khơi thông. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo điều hành linh hoạt trong chính sách tiền tệ; xem xét thực hiện chính sách hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp.

Thứ ba, công tác phát triển nhà ở xã hội luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp để triển khai một cách thống nhất, đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030,” đặt mục tiêu hoàn thành 100.000 căn trong năm 2025.

tet-2025_trich-dan-1-(3).jpg

Thứ tư, công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản đang được triển khai thực hiện một cách quyết liệt từ Trung ương tới các địa phương. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tổ Công tác 1435 của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, hướng dẫn tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản dưới.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục về đầu tư, đất đai để sớm triển khai các dự án mới; tích cực vào cuộc, cùng rà soát trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang còn vướng mắc trên địa bàn, giải quyết ngay các vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương.

Thứ năm, không chỉ ở khu vực Nhà nước mà các doanh nghiệp bất động sản cũng đã chủ động cơ cấu lại nguồn lực đầu tư, cơ cấu lại các phân khúc sản phẩm, điều chỉnh giá cả hợp lý, tiếp tục tập trung thực hiện các dự án đang dang dở và triển khai thêm các dự án mới.

Có thể nói trong thời gian qua, với sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và "chung tay" của doanh nghiệp, người dân, thị trường bất động sản năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục đà phục hồi từ năm 2024, có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trong thời gian tới./.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

tac-gia-2-.jpg

Hùng Võ